Nam Trân

Nam Trân

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Thương Về Huế



Thương Về Huế
                              Người xứ Huế trang nghiêm và trầm lặng,
                                 Thường hay sầu giữa lúc thế nhân vui,
                                     Tâm sự nhiều mà ít hé trên môi...
(thơ của Bích Lan)
Danh từ Huế một thời thanh bình trước đây với thi sĩ Nam Trân đã được thăng hoa với tĩnh từ cổ điển “Đẹp và Thơ“ mà người đời quen nhắc tới ! Một cô gái bình dân với tà áo dài chiếc nón lá giản dị trên sông Hương cũng đã trở thành yểu địêu thục nữ trong mắt người thơ xứ Quảng rồi !

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim luông yểu điệu chèo
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo !


Huế : Đẹp và Thơ ! Điều này không ai cãi nhất là chúng ta xem lại cuốn Album lưu niệm hay xem lại những cuốn phim mầu đầu tiên quay về cảnh đẹp tại Cố đô Huế chiếu tại rạp Richard Việt nam Film đường Ngã Giữa năm xưa.
Nhưng tôi thiết tưởng vẫn còn nhiều cái Huế khác đã phản ánh qua thơ văn mà ký ức thơ ấu của tôi khó có thể nhạt nhòa !
Như lớp học sinh Huế tha hương nay đã tra nậy, họ vẫn còn để lòng tương tư về Huế của phượng vĩ, Huế của mùa hè :

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến!
Đàn chim non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày bay nhảy nhảy ở đồng quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ

(thơ Xuân Tâm)

Họ vẫn nhớ Huế của mùa thi với Đỗ kim Bảng mà ngộ nghĩnh hát rằng:
Thi ơi là thi , sinh mi là chi, „bay“ nghẹn ngào, „bám ồn ào“, buồn vui vì mi !

Còn lớp người cao niên mái tóc kim sinh đã úa vàng thì họ lại muốn ngậm ngùi nhìn về một Huế của sự cổ kính huy hoàng từ chín đời chúa mười ba đời vua với kinh thành, phủ đệ, với lăng tẩm u trầm, với những bóng cung tần nhang khói trước những khám thờ Tiên đế chạm trổ sơn son !

Ngậm ngùi giai nhân khẽ thở dài,
Nắng chiều ngủ úa sắc lâu đài,
Gượng cười trong nét vàng son cũ,
Như ả cung tần tuổi nhạt phai.
(Đông Hồ)


Đôi lúc, họ không thể không có lại cảm giác ớn lạnh về một Huế trong sương mù bảng lảng của không khí Liêu trai:

Dịp cầu Bạch hổ mấy bóng ma,
Biến mất vì nghe giục tiếng gà,
Trăng tỉnh giấc mơ lười biếng dậy,
Động lòng lệ liễu, giọt sương sa…
(Thúc Tề)


Họ khó quên nổi về một Huế của nhiều am miễu vào ngày rằm hay mồng một với đồng cô bóng cậu ban phát bùa linh thuốc dấu, về một Huế của niềm tin phong thủy... Tất cả đã toát ra từ cảnh vật u uất của cây cao bóng cả với những rồng linh nằm trong mạch đất hay những rắn thiêng đầu có mồng làm ngựa cưỡi cho mấy ngài khuất mày khuất mặt thường đu về đêm trên những cành cổ thụ! Họ còn mang trong trí nhớ về một Huế của linh thiêng huyền bí với bùa yêu thuốc dấu, với thần đá, với ngọc rắn... như đã được mô tả trong cuốn “ Huế: la mystérieuse” của Louis Chochod từng ở Huế nhiều năm vào đầu thế kỷ. Ngay một nàng đầm cha Pháp mẹ Việt cũng chôn sâu trong ký ức về một Huế mà huyền linh pha hòa với thực tại:

Rồi một hôm, niềm mơ tôi thành sự thực:
Tôi bước về , lạc rừng thơ nhung nhớ
Trời đầy sao - khung cảnh ảo huyền thay!
Bao thần linh cùng rồng thiêng xứ Huế
Nhảy tưng bừng như canh giữ thành xưa !
(thơ của Monique Leverset do Lê văn Lân chuyển Việt ngữ)


Sống ở Huế lâu, hầu như tất cả người ngoại quốc ít nhiều nhiễm pha giòng máu Huế cũng thấy rằng đất Huế quá nặng về dĩ vãng và là nơi con người dương thế luôn luôn tưởng nhớ đến những hồn ma như trường hợp điển hình của Giáo sư Henri Cosserat. Ông coi Huế cổ kính của lăng tẩm như :

Huế: tam đại bài vị thiên thu yên ngủ
Giữa bảo châu từ quá khứ truyền kỳ.
Tôi, bé mọn: bái tôn hồn linh đế.


Đứng trước cảnh tà dương với vầng mặt trời đỏ rực lặn ở sau dãy Trường sơn phía tây, Henri Cosserat đã hoài vọng thâm trầm về quá khứ của kinh thành:

Ôi đế đô...kìa vầng dương đỏ ráng
Lặn phương đoài trong lửa rực vinh quang
Huế: dĩ vãng hồi sinh từ lăng mộ !


Nhưng rất nhiều người Việt ở Bắc và Nam đã thắc mắc không hiểu nổi về một đặc thù lớn nhất về tâm tình của những con người xứ Huế:

Người xứ Huế trang nghiêm và trầm lặng,
Thường hay sầu giữa lúc thế nhân vui,
Tâm sự nhiều mà ít hé trên môi...
( thơ của Bích Lan)


Tại sao vậy? Nét tương phản này phải chăng vì Huế là sản phẩm của tang thương, của những giòng nước mắt chảy vào trong, của những ngấn lệ lưng tròng, Huế là hình ảnh của nàng quả phụ sầu muộn muôn đời, Huế là địa bàn của những oan khiên trên giòng lịch sử gây ra bởi những ách nước tai trời. Henri Cosserat đã tinh tế nhận ra cái đặc thù tương phản này trong cái đẹp cực kỳ nên thơ nhưng sao buồn u uất về đất Huế

Tôi thấy Huế ngủ mơ bên bờ mộng
Miền Cố đô khoác phủ ngoc xanh lam !
Thành lũy oai, cao dầy trông ngạo nghễ
Tôi đã nhìn tỉnh giấc Huế hừng đông !
Tôi lại chọn - giống tay sành cổ ngoạn,
Tranh bình minh mịn phấn rộn lòng tôi
Để ngắm Huế: nàng góa chồng tim rạn
Vén khăn sô màn sương trắng tháng tư


Vành khăn sô cho Huế” mà Nhã Ca sau này dùng làm tựa cho cuốn sách về Huế sau tết Mậu Thân của bà phải chăng đã từng được quấn trên đầu người dân Huế từ rất lâu rồi vì vùng đất này đã từng chịu bao nhiêu tang tóc vì ách nước tai trời. Nói đến ách nước, thì vùng đất Phú xuân đã từng là sân khấu của nhiều cuộc giao tranh tiếp nối đẫm máu lịch sử trong vòng vài trăm năm cận đại: Trịnh ào ạt vô tiếp thu, Nguyễn vội vàng bôn tẩu, Tây sơn vô khống chế, rồi Nguyễn lại về để rồi đến nạn Pháp ngoại xâm để giòng Hương giang êm đềm thơ mộng bỗng biến thành “ Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết” và làm mặt đất Huế thấm đẫm máu của người dân dày xéo lên nhau mà chạy ngày Thất thủ Kinh đô...[ Đây là cái Huế ” nước loạn canh tàn khóc biển dâu” mà tiến sĩ học giả Thái văn Kiểm đã viết kỹ.]
Hương khói ngây ngấy từ miễu Ngã tư Âm hồn, từ những giàn cúng ngày 23 tháng năm âm lịch hay hình ảnh chập chờn ma quái của những bè chuối đựng bỏng nếp, cháo thí trong lá đa thắp nến thả trên sông, những tiếng tụng niệm trong hồi chuông tiếng mõ cầu siêu thoát từ hàng trăm cảnh chùa chính là những cái gì mà con dân Huế đã nhập tâm khiến họ “ thường hay sầu trong lúc thế gian vui !”
Ách nước còn đè nặng trên đất Huế với bao nhiêu cuộc can qua, chính biến ngút ngàn khói lửa trong lòng thế kỷ 20: những cuộc thủ tiêu về đêm ghê rợn bằng mã tấu, bằng cán cuốc hận thù hồi Cách mạng Việt minh cộng với hàng ngàn thây ma chết giữa ngày tết Mậu thân lấp vùi rải rác từ đồng bằng Phú thứ đến khe núi Đá mài, với bao nhiêu thây người chạy di tản trên bờ biển Thuận An dưới cơn mưa pháo 75 là những cái gì làm cho nụ cười Huế dù sau này có khuây khỏa với thời gian bao nhiêu cũng khó tươi vui nếu không nói là khô môi đắng họng vì oan cừu còn ấp ủ trong lòng trong những ngày kỵ giỗ. Tâm hồn Huế là trong héo ngoài tươi vậy. Lịch sử Huế khẳng định là những giòng lệ chảy vào trong. Còn nói đến tai trời thì câu chuyện thời sự thương tâm mới đây là cơn lũ tháng 11 năm Kỷ Mão(1999) khiến hàng trăm thân xác Huế cuốn theo giòng nước bạc. Ta tự hỏi riết rồi ông trời kia ác nghiệt cũng phá cái lệ truyền thống “ bão năm Thìn, lụt năm Tị”? Hay phải chăng lần này yếu tố phá hoại của tay người ta đã góp thêm vào làm nguyên nhân gây ra điều thảm khốc?
Người ta phải thừa nhận rằng đọc bài thơ sau của Nguyên Phương khó mà cầm được mắt lệ rưng rưng:

Huế ơi! Cơn lũ lại về
(Gửi Huế trong niềm đau cơn lụt tháng 11 năm 1999)
Không thể nào quên - mà mãi nhớ
Trời hành cơn lụt hàng năm
Huế một đời oan khiên- nghiệt ngã
Tội cho người lại trắng khăn tang !

Bốn mươi năm quay về lụt cũ
Thế kỷ buồn nhớ lũ năm ba
Đón năm hai ngàn bằng hung tin dữ
Huế đắm chìm bão tố phong ba !

Ông tha mà bà chẳng tha
Bà cho cái lụt hăm ba tháng mười !
Huế chưa kịp nở nụ cười
Ông cho cơn lụt ngập trời đầu Đông.

Nước ngập đồng, nước tràn sông
Nước trào khóe mắt tuôn dòng lệ đau
Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Bãi Dâu
Đâu còn thấy Huế - nhuộm màu nước đen !

Nếu làm được phép tiên mầu nhiệm
Xoay chuyển vòng quay nửa địa cầu
Cho Huế thoát cơn nguy truyền kiếp
Cho tia nắng hồng đẹp Huế mai sau !

Chẳng còn bao lâu thay thế kỷ
Huế đã trăm năm lắm đọa đầy
Mưa gió từ đâu gieo hệ lụy
Huế nghèo thêm nỗi khổ oằn vai

Phải Huế, mới thấm đau lụt Huế,
Của xa người òa vỡ giữa mênh mông
Da xanh loang loáng trên giòng nước
Níu kéo nhau đi nỗi hãi hùng !

Phải Huế, mới đau từng đoạn ruột
Mới nghe gió buốt lạnh mềm xương
Mới đảo điên cửa xiêu nhà dột
Nước đầy nhà, cơm chẳng còn cơm

Không Huế, cũng mềm lòng về Huế
Màn trời, đất chiếu khổ nào hơn
Buông tay, chồng vợ xa nhau mãi
Nước chảy tuôn tràn, mẹ bỏ con

Tha phương - lụt Huế - theo từng bước
Nhịp Huế trong tim - Huế thổi bùng
Nhói đau cơn lũ ngàn năm trước
Tin về - lụt mới - nỗi đau chung !


Nguyên Phương đã nhắc lại cơn lũ lụt khủng khiếp ở Huế năm 1953 tức là năm Quí Tị như dân Việt vẫn mang niềm tin rằng “ lụt năm Tị. bão năm Thìn” là những năm lụt bão nặng nề! Tôi lại bất giác liên tưởng đến nhiều cơn bão cuồng phong mà chính đất Huế từng thê thảm chịu trong những năm Thìn lịch sử:
năm Canh Thìn ( 1820) tức năm Vua Minh mạng mới lên ngôi, mưa to gió lớn làm đổ sụp 300 trượng đất ( 1200 mét) của bờ thành lũy Huế;
năm Giáp Thìn ( 1904), cơn bão khủng khiếp đã thổi bay bốn vài sắt của cây cầu Thành Thái xuống sông Hương.
Có vài giai thoại tôi xin nói trong dấu ngoặc: Cầu này -về sau quen gọi là cầu Trường tiền- dài 400 mét do hãng thầu Eiffel khởi công xây năm 1897 với vài sắt nhưng còn lót ván gỗ được vua Thành thái khánh thành năm 1900. Lúc ăn lạc thành, viên Toàn quyền Pháp đã. kiêu căng ngạo mạn nói với nhà vua rằng cây cầu bằng sắt sẽ vững bền kiên cố như sự cai trị bảo hộ của Pháp vậy, nhà vua mỉm cười nói chưa chắc đâu. Quả nhiên, bốn năm sau - 1904-, cầu bị bay bốn vài vì bão, nhà vua bấy giờ lại nói vào mặt tên Toàn Quyền: “ Vous” nghĩ sao? Ta đâu có nói sai !

Thi sĩ Tam Xuyên Tôn thất Mỹ đã cảm hoài về sự kiện lịch sử này như sau:

Năm Thìn tháng tám bữa mồng hai
Một trận phong tai thực khuấy đời
Vững vàng cầu sắt còn bay nổi
Cứng cáp lầu vôi cũng tả tơi!


Cầu này sau được sửa lại và đúc sàn bằng xi măng, xong năm 1906 nên dân Huế có câu hát:
Chợ Đông ba đem ra ngoài dại
Cầu Trường tiền đúc lại xi -moon


Ngẫm lại, tôi thấy thấm thía cho hình ảnh cuộc tang thương mà đất Huế phải oằn vai chịu qua lịch sử của cây cầu sắt Trường tiền kiên cố này: nó đã bao lần phải đổi tên nào là cầu Thành thái, nào là cầu Clémenceau, nào là cầu Nguyễn Hoàng; nó lại bao lần bị hư sụp khiến nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy - vốn trứ danh qua câu “ Núi Ngự không cây, cu đậu đất, Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời - cũng châm biếm mà cảm tác bài thơ sau:

Sông Hương thường rộng nước thường sâu,
Thành thái năm xưa mới có cầu.
Ngã lại, ngã qua luôn sáu nhịp
Bên am, bên thẳng khác hai đầu
Trời xô một độ năm Thìn trước
Người phá ba vài tháng Hợi sau.
Cái dại Trường tiền còn đó mãi,
Đố ai biết dại ở từ đâu?


“Trời xô” tức là thiên tai bão lớn năm Giáp Thìn (1904), còn “ Người phá” tức là nạn nước khiến Việt Minh phá sập ba vài vào năm Đinh Hợi (1947)- chưa kể chuyện cầu lại bị đánh sụp Tết Mậu Thân ( 1968). Mỗi lần trời xô, mỗi lần người phá là mỗi lần dân Huế lại bị chít thêm vô số vành khăn sô tang tóc, và mắt Huế lại đòi phen đẵm lệ !:

Phải Huế, mới đau từng đoạn ruột
Mới nghe giá buốt lạnh mềm xương
Mới đảo điên cửa xiêu nhà dột
Nước đầy nhà, cơm chẳng còn cơm.
( Nguyên Phương )
Tại sao Huế thường dễ lụt vào tháng 10 âm lịch hằng năm để khiến :

“ nước ngập đồng, nước tràn sông,
Nước trào khóe mắt tuôn dòng lệ đau”?


Hãy nghe tiến sĩ Thái Công Tụng lấy khoa học mà giải thích:
… Trời hành cơn lụt mỗi năm...Các giòng sông chảy qua các đồng bằng Bình Trị Thiên thường ngắn và có một lưu vực hẹp. Sông Giang, sông Nhật lệ ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng trị, sông Bồ, sông Hương ở Thừa Thiên là ví dụ điển hình...Lũ lụt thường đến bất thình lình và thay đổi tùy năm. Có lúc mưa bão gây ra một lượng mưa lớn, có thể vài trăm millimét trong 24 giờ. Ảnh hưởng của dãy núi cũng gây ảnh hưởng. Một phần thì rặng núi gần đồng bằng, mặt khác thì núi có triền dốc rất lớn, nên vận tốc của dòng chẩy cũng rất mạnh. Do đó, nước sông lên rất nhanh. Mùa lụt đi sát với mùa mưa lớn. Ở miền châu thổ sông Hồng lũ lụt cao nhất vào tháng 8 dương lịch, vào đến Thanh Hóa là tháng 9, Nghệ Tĩnh thánh 10, đồng bằng Bình Trị Thiên vào tháng 11.
Câu tục ngữ của dân gian cũng nói lên điều ấy: “ Ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười” ( tính theo âm lịch) [ Thái công Tụng - Vùng thiên nhiên Bình Trị Thiên _ Tiếng Sông Hương TX, 1997]

Tại sao vua Gia long lại không dự trù điều trên mà chọn kinh đô tại Huế?
Đương nhiên nhà vua đã chọn vị trí trung ương giữa Bắc và Nam mà cai trị, nhưng cũng vì lý do tình cảm lưu luyến vùng đất Phú Xuân với nhiều ưu điểm về phong thủy địa lý huyền bí mà các Chúa Nguyễn tổ tiên từng dấy nghiệp sau dẫy “Hoành sơn vạn đại dung than” như lời khuyên bảo của Trạng Trình ! Tình cảm thường chi phối con người như ông Ngô Đình Diệm mặc dù làm tổng thống ăn cơm chỉ thích cá bống thệ kho. Một bằng chứng khác nói lên tình cảm trong quan niệm của nhà Nguyễn chọn kinh đô Huế, đó là cửa biển Tư Hiền ở huyện Phú lộc. Cửa này ngày xưa sâu rộng nên tầu thuyền ra vào tiện lợi, nhưng đầu đời Gia long lại hẹp, cát lấp nước nông có thể lội bộ qua, nhưng đến đời Gia long thứ 10, lụt to cửa biển vỡ , sau lại nông cạn, đến năm Minh mạng quí mùi thì nước cạn đến nỗi thuyền lớn không qua được; đến năm Thiệu trị thứ 4, lụt lớn, cửa Tư Hiền lại vỡ nhưng sau lại bồi lấp như trước. Ý của vua Minh mạng về cửa Tư Hiền như sau trong Thánh chế thi tập như sau:
“ Sự lấp mở cửa sông biển là tự tay trời, không phải dựa vào sức người....Xét ngược lại, bản triều năm Giáp ngọ vận nước gian nan, quân Trịnh lấn vào, vua Duệ tông ta do cửa này vào Nam, Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng ta ( tức là vua Gia Long Nguyễn Ánh) mới có 13 tuổi cũng cùng theo hầu; đến năm tân dậu, đại binh lấy lại thầnh kinh cũng do cửa này tiến vào. Lúc ấy trẫm mới 11 tuổi cũng đi theo hầu. Thế là cái cơ thịnh suy trước sau na ná như vậy, tựa hồ có số mệnh định sẵn. Nay cửa biển vô cố nông cạn, có lẽ ý trời giúp ngầm bản triều, muốn cho cơ nghiệp bền vững, không để cho người ngoài nhòm ngó, cho nên chuyển biến như thế chăng ?”
Qua sự kiện trên, ta thấy yếu tố tình cảm đã chi phối ý kiến của nhà vua vì nó nhắc ông nhớ lại tuổi ấu thơ 11 tuổi. [Nói chí tình, “dân Huế mình” bây giờ cũng vậy, tha hương vạn dặm trùng dương, dù đang ở tai những thành phố lớn huy hoàng của quốc tế, mỗi khi họ gặp nhau hay đặt bút viết , đều có luận điệu:” nhứt Huế, nhì Sịa”]
Qua chuyện cửa Tu Hiền, ta lại thấy đất Huế đã từng bị lụt lớn nhiều lần trong nhiều thế kỷ trước đến nỗi cửa biển Tư Hiền phải vỡ rồi sau lại bồi lấp !
Tuy rằng kinh đô Huế nằm vào địa thế bất lợi dễ lụt hằng năm, nhưng ta không nên hồ đồ trách cứ nhà Nguyễn ! Đọc lại sử ta thấy các vua nhà Nguyễn cũng gia công trị thủy bằng cách đào nhiều sông nhân tạo để dẫn nước hay làm đập ngăn nước mặn có lợi cho nhà nông ví dụ các sông Lợi nông ( tức An cựu), sông Thiên lộc, sông Xuân hòa, sông Phổ lợi...
Ta thường nghe người ta nói về “ mưa Huế”, mưa buồn thúi ruột thúi gan, buồn đến nỗi thi sĩ Nguyễn Bính phải than:

Trời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Gia hội thuyền kia nằm bát úp


Chính vì cái “ mưa Huế” dầm dề nên học trò đi học phải mang tơi cá, tơi đọt tùm lụp kín mít nên các chàng trai xứ Huế theo gái chẳng thấy gì ngoài các “ gót son” của mấy o mà cả tá chàng còn đem ca tụng trong những vần thơ:

Theo em mô dám theo gần quá
Xa khoảng đủ bưa “nghễ gót chân”
Trắng mịn pha hồng như sáp nặn
Hồn thơ ngùn ngụt, tứ lâng lâng
( LVL)
[ Nếu những cái mưa dầm, lụt lội ở Huế làm người lớn lo âu đói kém thì tụi con nít ngây thơ lại có dịp lội nước thích thú và được ăn những bữa cơm lạ miệng với cá lúi, cá cấn kho sung với tương. Nghĩ lại tôi thấy mặc cảm tội lỗi len lén trong hồn trước cái đau buồn của người lớn mà tôi dửng dưng không chia xẻ!]

Ở Huế vốn là cái đất gió mưa truyền kiếp nên các ôn mệ ở đây đương nhiên đã thu thập nhiều kinh nghiệm về khí hậu trong năm trong sự canh tác nên có những danh từ ngộ nghĩnh về gió, về mưa:
- về mùa xuân giêng hai thì khí trời ôn hòa ấm áp nên cây cỏ trổ hoa, cau bắt đầu ôm bẹ thì ngọn gió xuân là “ gió cau chửa” tựa như danh từ “ lúa con gái” lúa có mang, lúa trổ đòng đòng”;
đến tháng 3, trời nóng dần, thỉnh thoảng có gió mạnh từ phương nam gọi là “ bão Nồm Nam” thì dân đi sông nước phải đề phòng;
tháng 4 tiết tiểu mãn, thỉnh thoảng có lụt;
tháng 5, tháng 6, tháng 7 gió nồm thổi mạnh; trước ngày 7 tháng 7, có mưa lớn tục gọi là “mưa rửa xe”;
tháng 8,tháng 9 khí trời mát dần, thường có mưa lũ, lại thỉnh thoảng có dông vài ba ngày mới tắt. Mùa này gió mát thổi từ sông vô nên gọi là
“ gió bến”;
tháng 10 trong những ngày mồng 3, 13, 23 thường bị lụt, ngạn ngữ có câu: “Ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Sau lụt thì bùn đóng dơ bẩn nhưng lại có mưa mà dân Huế gọi là “ mưa rửa bùn”;
về mùa đông, thì có mưa nhỏ, sắc nước tối nên gọi là “ mưa tro”
Đại khái, trong một năm, nửa mùa thu sang mùa đông thì thường mưa nhiều; còn nửa mùa xuân về sau thường nắng nhiều.
Một năm thường có hai vụ lúa:
1) Vụ hạ: tức là tháng 10 cấy thì tháng 3 gặt;
2) Vụ thu: tức là tháng 5 cấy thì tháng 8 gặt.
Nếu lụt sớm vào tháng 7, tháng 8 thì hỏng lúa, cho nên vụ thu được dân nhà nông Huế gọi là “ đánh bạc với trời”, nghĩa là có cấy mà chưa chắc được ăn!
Dân miền núi rừng thì mỗi năm chỉ cấy một mùa.

Triều đình Huế ngày xưa cũng có tục thu góp những kinh nghiệm dân gian mà soạn ra 11 bài thơ ngắn ngũ ngôn tứ tuyệt gọi là Nông ngạn để phổ biến trong ngành canh tác. Ví dụ tục coi trời đêm trừ tịch 30 Tết, mà đoán mùa màng năm tới thất bát hay được mùa: như ngày Nguyên đán trời trong sáng thì được mùa gấp mười, còn mưa dầm lạnh thì mất mùa; mùa hè măng tre mọc đầu hướng vào bụi thì năm ấy gió to nên bất lợi cho lúa. Về tháng 6, khó có mưa; nếu có mưa thì giọt nước rất quí cho lúa nên mưa tháng sáu là “ mưa máu rồng”, mưa này càng nhiều thì thóc gạo bội thu.
Qua những điều trên, ta thấy nhà nông Huế không những phải “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm” như những nơi khác mà còn phải liều lĩnh “ đánh bạc với trời”:

Phải Huế- mới thấm đau lụt Huế!
Của xa người òa vỡ giữa mênh mông
Da xanh loang loáng trên giòng nước
Níu kéo nhau đi nỗi hãi hùng !

Phải Huế - mới đau từng khúc ruột
Mới nghe giá buốt lạnh mềm xương
Mới đảo điên, cửa xiêu nhà dột
Nước đầy nhà, cơm chẳng còn cơm !
Có hiểu Huế, mới hiểu thấm thía tại sao dân Huế:
Thường hay sầu trong lúc thế nhân vui,
Tâm sự nhiều mà ít hé trên môi.


Bên cạnh đặc tính về địa lý, thiên văn, người dân Huế trong vùng dân cư nói chung Bình Trị Thiên còn phải chịu ảnh hưởng về nạn nhân mãn như tiến sĩ Thái công Tụng giải thích :
Hệ sinh thái đất hẹp mà người đông. Mật độ dân cư trên đất trồng trọt thì quá lớn. Người dân xứ này phải di dân vào Sàigòn, Đà nẵng, Nha trang, Bình tuy, Phước long. Nhưng đến một lúc thì di dân chẳng hiệu quả vì tài nguyên đất là một hằng số có hạn.
Dân số càng ngày càng đông thì nẩy sinh ra một số nhu cầu căn bản: nhu cầu chất đốt, về gỗ xây cất, diện tích đất canh tác càng ngày càng nhỏ; trâu bò, dê không đủ cỏ ăn, cỏ không mọc lên kịp lại làm đất thêm một phen bị xói mòn, chưa kể dê thả lang thang vì đói ăn luôn các đọt cỏ non...Các rừng miền núi trong vài thập niên gần đây bị đốn cây toàn bộ, cả cây lớn lẫn cây con nên rừng bị hủy diệt không còn cây mẹ để tái sinh. Càng phá rừng bừa bãi thì càng dẫn đến xói mòn, càng dễ lụt to trong khi chính quyền không có kế hoạch kiểm soát lại thêm nạn tham nhũng dung túng thêm. Rốt cuộc, người dân chịu một cổ nhiều tròng thắt siết đến le lưỡi.

Tại sao dân Huế mình thường hay hóm hỉnh nói đùa về một sự tương phản sau :
Đất Huế không phải là nơi ở để mà thương, nhưng là chốn ra đi để mà nhớ” như mối tình nghịch lý : “De près, je te fuis mais de loin je te suis !” mà tôi tạm dịch:
Gần em chạy trốn em hoài,
Xa em dõi nhờ rạc rầy xác ve!


Phải chăng dân Huế đối với đất Huế - cũng như cặp chồng già ở với nhau gần mãn đời - đi ra đi vô trong một mái nhà chật hẹp, hằng ngày cũng nhìn khuôn mặt của nhau khủng khẳng muốn bắt gây gổ,
- “Ôn hay bà hãy đi mô khuất mắt cho tui khỏe cái than” - ! Ấy rứa mà thử đi vài bữa coi, chao ôi là dớ, là thương, là thiếu vắng te te đi năn nỉ trở về thiệt tội chưa tề.
Hãy nói đúng đắn thì phải chăng đất Huế là một môi trường khép kín khiến con người dễ chia xẻ với nhau một mẫu số chung về nếp sinh hoạt, về kỷ niệm ký ức, về những nét tình cảm và tư duy. Tha hương ngộ cố tri, tha hương gặp nhau là muốn nhận” bà con Huế mình” một cách thoải mái như dân Bắc trước đây gặp nhau, điều gì cũng kể lể: ngoài ta thế nọ, ngoài ta thế kia!
Đất Huế mang một sắc thái tương phản lạ lùng: Huế tuy rằng rất đẹp, rất thơ, rất cổ kính và có một chiều dầy về lịch sử và văn hóa nhưng lại giới hạn vì diện tích sinh thái, vốn hẹp lại càng ngày càng hẹp thêm, tài nguyên không đủ dung dưỡng những con dân, cọng thêm ách nước tai trời, nhân tài đào tạo ra cũng nhiều nhưng không có môi trường dụng võ, thi thố, thăng tiến...như những con rồng nằm nước cạn bị gò bó khó có dịp bay bổng! Nhưng khi xa Huế thì dân Huế lại muốn gần nhau, muốn nhớ đến quê nghèo, càng nghèo lại càng nhớ một cách dị hợm:

Những kỷ niệm thời xa xưa bừng dậy
Âm thanh ấy thoát từ câu mái đẩy
Tiếng “hò ơ”nghe đứt ruột buồn sao.
Biết mấy đau thương, cũng biết mấy ngọt ngào
Lưu luyến ngàn đời như chưa muốn dứt
(Nhớ Huế của Tô Kiều Ngân)


Không phải là chỉ dân Huế chay chính gốc có cái nét tương phản “ ở giận đi thương” mà ngay cả những ai ngụ cư, thậm chí những người Pháp lai Huế bỏ Huế đi về Pháp cả gần nửa thế kỷ cũng muốn làm một thứ tù nhân của dĩ vãng để nhớ về Huế như bà Monique Liverset năm nay hơn thất tuần ở Paris:

Rồi một hôm, niềm mơ tôi thành sự thực:
Như lời kinh, miệng nhẩm buổi bình minh,
Tôi hân hoan - không trông mai chưa tới
Thích làm tù ôm ấp tuổi hoa niên
Để sống lại ân tình dâng đất Huế.

( - Un jour, mon rêve deviendra réalité
Comme une prière au petit matin
Ma joie n'aura pas de lendemain
Pour rester prisonnière du temps
Et revivre ce bonheur renaissant
De mon enfance près de toi: Huê!...)


Hãy nghe bà đầm lai Monique ni điện thoại nói với Nguyễn Cúc (Tiếng sông Hương Texas) sau khi bà gởi bài thơ Pháp “ Peut- être des retrouvailles!” rằng :
Je les ai écrits sans aucune prétention, mais avec mon coeur, car Hué est ma ville natale et le Vietnam est aussi mon pays…
( Tôi làm thơ này chẳng có tham vọng chi mà chỉ viết ra với tất cả tấm lòng tôi, vì Huế là nơi tôi chào đời và Việt nam cũng là quê hương của tôi nữa)

Các bạn nghe thấy tội chưa!

Huế chính là những trang sử dệt bằng những đau thương của nước loạn canh tàn khóc bể dâu, của những thiên tai. Người dân Huế không thể không nhớ về Huế với những mắt lệ lưng tròng !
Trước cơn lụt Kỷ Mão vừa, “ Không Huế - cũng mềm lòng với Huế”, huống hồ chi là những tâm hồn Huế chay thường đa cảm, đa sầu, thường nhớ về quê nghèo với mắt lệ rưng rưng. Nếu họ không làm được điều chi to tát như “cho Huế thoát cơn nguy truyền kiếp, cho tia nắng hồng đẹp Huế mai sau” chắc ít ra họ cũng ít nhiều xẻ áo, nhường cơm cho bà con xứ Huế ngõ hầu làm vơi nỗi khổ chung hiện tại!

LÊ VĂN LÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét