Nam Trân

Nam Trân

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

HỒN HUẾ TRONG THƠ NAM TRÂN

 Bài viết trong “Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Văn chương xứ Huế trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX ” tháng 6 - 2022 của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

 

HỒN HUẾ TRONG THƠ NAM TRÂN

Trần Nhật Thu (TS, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)

Với thi ca Việt mà nói, Huế như một mảnh khói sương, bảng lảng, mơ hồ, cứ e chạm đến sẽ tan vào thinh lặng. Huế, thêm một chút ồn ã hay thiếu một chút mơ màng đều cũng sẽ không còn là chính mình. Dường như tạo hoá đã âm thầm sắp đặt, để qua bao biến thiên của thời cuộc, thì Huế vẫn còn đó, như miền mộng tưởng đứng ngoài dâu bể. Huế đẹp, Huế thơ, đúng như cách Nam Trân gọi tên tập thơ của mình.

Điều gì đã khiến người con xứ Quảng ấy nặng lòng, nặng tình với Huế đến vậy? Tơ vương đến độ mang cả tâm hồn, cả vốn văn hoá, cả những tâm tư sâu kín của mình dung nhập vào cảnh sắc và con người xứ Huế để viết nên những vần thơ Huế hơn bất kì ai, như lời nhận định của Hoài Thanh: "Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân"(1)

Trong bài Núi Ngự sông Hương, Nam Trân viết:

Huế tôi, cánh đẹp như mơ
Đê'đô là một bài thơ muôn vần

Cho dẫu nhà thơ nuối tiếc tự nhận "tay tiên dù nắn bút thần/cũng đành bỏ lắm những phần thanh tao" nhưng cũng không thể phủ nhận rằng Nam Trân đã thành công ghi lại cái thần của một Huế đa tình, mộng mơ, kiêu kì nhưng không kém phần chân thực, mộc mạc bằng thứ bút pháp linh hoạt, đầy sức hút.

Xứ Huế phong tình

Cảnh Huế, người Huế kín đáo, nhưng nét kín đáo kia lại ẩn giấu nét duyên thầm, thậm chí là quyến rũ hơn cả lối hành động trực tiếp, như nét đẹp phong kín của những cánh hoa ấp ôm đài nhuỵ, một khi bung nở là viên mãn tràn trề. Chất phong tình thấm cả vào cốt cách quân vương: "Kim Luông có gái mĩ miều/Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi". Ở Huế, ngay cả cái bóng lưng chèo đò của người con gái cũng đẹp đến lạ:

 

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,

Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

Một hành động vẩy mái chèo cũng như vấn vương gieo vào lòng người thứ cảm xúc khó quen. Để rồi, cho đến cuối bài thơ, vô tình hay hữu ý, người đọc mới nhận ra rằng đôi mái chèo ấy đã khuấy động cả tâm hồn mình:

Thuyền qua đến bến; cô lui lại,

Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo.

Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,

Chèo cô quây nước trong veo giữa dòng.

Biết không? Cô hời, biết không?

Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!

Có lẽ, nhà thơ chỉ trộm một cái nhìn, nhưng lại lạc mất cả tâm hồn vì bóng lung duyên dáng ấy. Và dòng sông, với bản chất chu chuyển không ngừng, còn là nơi lưu giữ những tình yêu, những mộng ảo không thành:

Sóng nước Hương Giang dợn sóng tình

Câu chuyện nước non thừa gắn bó

Trước thuyên trăng bạc rọi đau xanh...

“Trong tích xưa, có những bài thơ đề trên lá đỏ (hồng, diệp) trôi theo dòng nước mà kết mối lương duyên. Thì nay, những người yêu nhau cũng mượn dòng nước, nhưng là để gửi gắm những nuối tiếc, những lời oán than, những hoài nghỉ không có lời giải đáp:

Thơ tàn một bức mong manh,

Nước chao nhưng nét mực xanh chưa loà.

Duyên xưa sao khéo đượm đà!

Mà nay tình lại phôi pha cối lòng?

 

Xứ Huế, hình sông thế núi, thảy đều mang cái nét phong tình của đất thần kinh chung đúc linh khí qua thời gian. Dưới mắt nhìn của nhà thơ, hình ảnh người con gái ngồi giữa hoa cỏ bạt ngàn cũng duyên dáng, ý nhị như trong ca dao xưa:

 

Trên núi Ngự Bình

Bông sim đua nở,

Bông trang chen nở,

Một cô thiếu nữ

Ngồi hát một mình.

 

- Hỡi cô ngồi hát một mình,

Vì ai cô hát đưa tình, hỡi cô?

 

Cái tính cách ý nhị, kín đáo không giấu được lòng khao khát tình yêu đôi lứa của người thiếu nữ. Thành ra, thơ Nam Trân thoắt có cái hồn nhiên, tỉnh nghịch mà dạn dĩ đáng yêu của ca dao:

Hỡi chàng công tử kia ơi

Lòng em khao khát những lời ái ân!

Huế trong thơ của Nam Trân, là Huế của những xuyến xao, những rung động khó vẽ thành hình. Huế trầm mặc, cổ kính, nhưng nhà thơ đã tỉnh tế nhận ra đẳng sau nét trầm tư đó là một đáng vẻ đa tình, quyến rũ.

 

Huế của nắng gió đời thường

 

Không phải ngẫu nhiên mà Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam từng đánh giá rất cao về Nam Trân: “...tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn” (2). Quả thật, đây là một nhận định đủ sức khiến cho bất kỳ nhà thơ nào từng dan díu với hồn Huế, tình Huế đều cảm thấy đố kị. Tuy nhiên, đọc thơ Nam Trân viết về Huế, người đọc hẳn sẽ có phần đồng tình với nhận định của Hoài Thanh. Như rất nhiều nhà thơ khác, Nam Trân nhận ra nét đẹp trang đài, mơ màng của Huế, nhưng cũng lại khác rất nhiều nhà thơ khác, nhà thơ xứ Quảng còn nâng niu cả nét lầm lũi cần lao, những giọt mồ hôi lao động hay những khoảnh khắc thời tiết khắc nghiệt. Nói một cách khác, Nam Trân lọc được chất hoạ, nét thơ từ mợi nguồn chất liệu mang tên Huế.

 

Từ thơ Nam Trân, có một xứ Huế của những nắng gió đời thường hiển hiện, lạ lẫm nhưng cuốn hút. Ba bài thơ Huế ngày hè, Huế đêm hè, Huế mưa dầm chính là những bức tranh theo trường phái tả chân đặc trưng của nhà thơ. Được xem là một trong những đại biểu của trường phái thơ tả chân, cùng với những cái tên như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nam Trân khá trung thành với lối viết gần sự thật, tả đúng như sự thật. Nhà thơ cảm nhận những cảnh vật có thật, đang hiện hữu trực tiếp bằng thị giác. Trong quá trình ấy, nhà thơ thường tôn trọng tối đa sự tồn tại độc lập, khách quan của đối tượng miêu tả, hiếm khi thể hiện lời bình luận hoặc bộc lộ cảm xúc cá nhân. Nói theo nhận định của GS. Trần Đình

Sử, có thể xem đó là “một nhãn quan tạo hình mới trong thơ với cái nhìn hướng ngoại” (3).

 

Cảnh mùa hè được mô tả chân thực với đầy đủ những, nét đặc trưng của thời tiết và cảnh sắc ở Huế: cái nắng gay gắt, tiếng ve rền rĩ, hoa phượng thắp lửa, người chen chúc hóng mát trên cầu Trường Tiền trong những đêm oi ả. Vượt ra khỏi những cảm nhận có tính khuôn mẫu về Huế, những hình ảnh xuất hiện trong thơ Nam Trân tái hiện một khuôn mặt kinh thành mang nét trần tục, hay nói đúng hơn là những khoảnh khắc đời của một miền thơ:

Lửa hạ bừng bừng cháy,

Lần ma trốt trốt bay

Tiếng ve rè rè mãi

Đánh đổ giấc ngủ ngày.

 

Đường sá ít người đi,

Bụi cây lắm kẻ múp,

Xơ xác quán nước chè,

Ra vào người tấp nập.

 

Huê phượng như giọt huyết,

Giỏ xuống phủ lề đường.

Mặt trời gay gay đỏ

Nhuộm đỏ góc sông Hương.

 

Tả chân, nhưng Nam Trân lại tận dụng tối đa khả năng, biểu cảm của ngôn ngữ cũng như sức mạnh của tu từ. Hệ thống các từ láy mà Nam Trân lựa chọn khá độc đáo: bừng, bừng, rè rè, gay gay.. .Chúng không miêu tả những nét mềm mại, mơ màng, những sắc thái trữ tình như chúng ta vẫn hình dung mà lại nhấn vào những đặc trưng có phần “khắc nghiệt của thời tiết mùa hè. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ miêu tả mùa hè trong cả hai khoảng thời gian nối tiếp khép kín là ngày và đêm. Ban ngày, không gian được gia nhiệt bởi màu đỏ huyết của hoa phượng, âm thanh rền rĩ của tiếng ve; ban đêm, nhiệt độ dường như không hề giảm xuống, đặc biệt qua hình ảnh nhịp cầu mộng mơ trở thành nơi tránh nóng lý tưởng. Mùa hè ở Huế, oi bức và khắc nghiệt. Đến cả mảnh trăng khuya cũng “trỏn trẻn” “nấp sau nhánh phượng khô”. Trong không gian ấy, chỉ có tiếng sột soạt của áo quần làm nền cho tiếng rao lảnh lói “ai ăn chè?”. Rõ ràng, trong tư tưởng của Nam Trân, cái đẹp và chất thơ không loại trừ những đường nét, thanh âm của đời sống thường nhật. Hay nói cách khác, từ trong cái khắc nghiệt chung của thời tiết miền Trung, nét thơ của Huế vẫn được dung dưỡng một cách tròn trịa. Huế đẹp không chỉ ở nét kiêu sa trang đài, Huế còn đẹp dân đã, bình dị, cái đẹp đượm hơi thở của cuộc sống cần lao.

 

Trời nóng băm bốn độ.

Đèn, sao khắp đế đô,

Mặt trăng vàng, trỏn trẻn

Nấp sau nhánh phượng khô.

 

Ba dịp cầu Trường Tiền

Đứng dày người hóng mát;

Ngọn gió Thuận An lên,

Áo quần kêu sột sạt.

 

Hai tay xách hai vịm,

Một vài mụ le te,

Tiếng non rao lảnh lói:

Chốc chốc: “Ai ăn chè?”

 

Một đặc sản khác của Huế cũng được Nam Trân nhắc đến: những cơn mưa tầm tã day dứt, miên man từng không ít lần đẫm ướt trang thơ, kiểu “nỗi niềm chỉ rứa Huế ơi, mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”. Nam Trân viết về mưa Huế không ngại ngần tránh né, không tô chuốt theo kiểu lãng mạn mà nhấn sâu vào những nét xám buồn, lặng lẽ:

 

Đã quá nửa tháng rồi

Mà mưa, mưa chẳng dứt.

Lúng túng cảnh nhà pha,

Ai ai xem cũng bực.

 

Rải rác, chú phụ xe

Co ro thân mèo ướt,

Lóng ngóng các ngã ba,

Lù xù như gà xước.

 

Hình ảnh so sánh “co ro thân mèo ướt”, “lù xù như gà xước” gợi lên lòng trắc ẩn sâu kín của người đọc. Thế mới hiểu, Nam Trân cảm Huế không chỉ bằng cái tình si mê mà còn bằng cả sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, bằng con mắt thấu hiểu dành cho những người lao động bình thường, bé nhỏ. Có thể, đó cũng là tinh thần mà các nhà thơ thuộc trường phái tả chân muốn hướng đến. Với Nam Trân, Huế là bức tranh được khảm bằng nhiều miếng ghép: cô gái Kim Luông, Sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Cánh đồng An Cựu, vườn cau Nam Phổ, hồ Tịnh Tâm... Chỉ xét riêng hệ thống nhan đề của từng bài thơ cũng có thể nhận ra Huế của riêng Nam Trân, là hình tượng Huế bình dị, mộc mạc, thanh cao nhưng không đài các mà gần gũi với cuộc sống của con người.

Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong trong bài viết Nam Trân với Huế đẹp và thơ đã nhận định: “Trước ông (Nam Trân) cũng đã từng có nhiều người nói đến vẻ đẹp và thơ mộng của xứ Huế, nhưng đúc kết thành hình tượng nghệ thuật, đóng khung thành bức hoành phi rực rỡ, có lẽ ông là người đầu tiên“ (4). Hoặc giả, cũng có thể khẳng định “Huế, Đẹp và Thơ đã trở thành một “thương hiệu” đáng tự hào của thi sĩ Nam Trân” (5),

Hồn Huế trong thơ Nam Trân còn được thể hiện qua trường liên kết những yếu tố chỉ dẫn thuộc văn hoá, văn học dân gian, là nét riêng của Huế được nhà thơ kết nối vào văn bản. Hầu hết các bài thơ của Nam Trân đều có lời đề tặng/ những câu đề từ trích ý từ ca đao dân ca hoặc từ những câu thơ mang phong vị dân gian. Mở đầu bài Cô gái Kim Luông là câu thơ tương truyền của vua Thành Thái: “Kim Luông nhiều ả mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Các cô gái Kim Long xưa có xuất thân danh gia vọng tộc, biết làm các nghề thủ công truyền thống (như dệt lụa), là biểu tượng của những gì tinh tế, trong trẻo, tinh khôi, như thứ nước nguồn trong vắt đoạn giữa sông Hương và tán cây trái xum xuê bên trong những khu nhà vườn im mát. Trong bài Vườn cau Nam Phổ, lời đề từ lại là nét tinh nghịch trào tiếu về tính cách của con gái vùng này: “Cô gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau”. Nét tỉnh nghịch này in hẳn trong những câu thơ tiếp đó:

 

Trung thu: cô độc quả trăng tròn...

Chỉ có sân Trời vắng trẻ con.

Ánh lướt da cau phơi vẻ trắng:

Thoạt trông còn ngỡ chiếc đùi non.

 

Rõ ràng, có một mối dây liên tưởng giữa “ở lỗ trèo cau“ và “đùi non”. Người đọc ngỡ như nhìn thấy nụ cười hóm hỉnh của nhà thơ, đồng thời cũng ngỡ ngàng trong thứ cảm nhận mới mẻ chưa từng có về dáng vẻ của người con gái thôn quê.

Trong bài Huế đêm hè, Nam Trân lại viết về thanh âm đờn hát bên sông với tên của một làn điệu đặc trưng: “Tiếng, đờn chen tiếng hát/ Thánh thót điệu Nam Bường”. Đời sống trên sông, đặc biệt về đêm, chính là một phần văn hoá của xứ kinh kì. Nó mang lại hơi thở phồn hoa bí ẩn, là duyên cớ của biết bao mối tình tài tử giai nhân, là nét phong lưu tình tứ của nhan sắc Huế. Nam Trân cũng từng đề cập đến những làn điệu sông nước này trong một số bài thơ khác của mình:

 

Đêm thu trăng tỏ nước mờ,

Chiếc thuyền bé tí bên bờ cỏ hoen;

Điệu đờn vút tận cung tiên,

Ung dung tỏa nhẹ xuống miền nhân gian

Ru hồn một giấc mang mang

Êm như mặt nước mơ màng biếng trôi.

(Núi Ngự sông Hương)

 

Trăng lên xóa đốm sao mờ.

Sông Hương thuyền đậu còn chờ khách xuân;

Khách xuân lải rải xuống thuyền...

Gió êm ru tiếng độc huyền, não thay!

(Cánh cửa)

 

Và như thế, Nam Trân đã giới thiệu đến độc giả một xứ Huế của những vua chúa đa tình, nơi có Kim Luông thành danh là miền sinh dưỡng nhiều người con gái đẹp, nơi có cả một nền âm nhạc cổ điển sinh thành trên sóng nước Hương Giang, lại cũng là nơi dung chứa những lam lũ, cần lao của phận người. Bút pháp tả chân được Nam Trân sử dụng nhuần nhuyễn, tuy dụng tâm tả thực nhưng không thiếu nét mềm mại do sự chêm xen của ít nhiều yếu tố xúc cảm - điều vốn dĩ ít xuất hiện trong trường phái thơ tả chân. Thơ Nam Trân không hẳn tân kì hay sáng tạo, nhưng lại có nét mộc mạc, thân cận, đặc biệt nao lòng những ai từng một lần đến Huế, hiểu Huế và yêu Huế. Nhà thơ đã chứng minh rằng, gắn bó, lưu luyến một miền đất, chính là đặt nó sâu trong trái tim mình, lặng lẽ cảm nhận, không chỉ những vết dấu phù hoa, những bí ẩn mơ màng, mà còn cả hương vị của đời sống đời thường, cả những trăn trở lặng lẽ chưa thành hình của nhân sinh./.

 

(1), (2) Xin xem Hoài Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học (tái bản), Hà Nội, tr.179, 114.

(3) Xin xem Trần Đình Sử: “Thơ mới và sự đổi mới thi pháp thơ trữ tình tiếng Việt”, Tạp chí Văn học, số 6, 1993.

(4) Xin xem Phạm Phú Phong: “Nam Trân với Huế đẹp và thơ”, http://vannghedanang.org.vn/nam-tran-voi-hue-dep-va-tho-8135.html

(6) Xin xem Lưu Khánh Thơ: “Sự gắn bó giữa không gian Huế và tâm hồn thi nhân”, Tạp chí Sông Hương số 229, 2008.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét