Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Tố Hữu với Dửng dưng

 Tố Hữu với Dửng dưng

(Tặng tác giả Huế, Đẹp và Thơ)

Có phải Tố Hữu (1920-2002) viết bài thơ Dửng dưng với ngụ ý bày tỏ thái độ của một nhà thơ cách mạng, nhà thơ chiến sĩ “vị nhân sinh” đối thoại lại quan niệm của một nhà thơ “vị nghệ thuật”? Về nội dung, tôi tin rằng có chuyện này nhưng lại khó tin về cách làm, đối tượng, phạm vi, mục đích cũng như thời gian người viết bài thơ đối thoại. Vấn đề đặt ra là Tố Hữu chủ ý muốn họa lại, luận chiến với cả tập Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân (1907-1967) hay chỉ phản biện với một khía cạnh nội dung, hoặc một bài cụ thể, hoặc với một số bài nào đó?…

 

Bài thơ Dửng dưng của Tố Hữu được viết tại Huế vào tháng 5-1938 với lời tựa đề “Tặng tác giả Huế, Đẹp và Thơ”.

 

Du khách bảo đây vườn kín đáo

Với hương dìu dịu, ý ngàn xưa

Trời mây xanh nhạt màu hư ảo

Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ…

 

Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng

Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai

Ven bờ sông phẳng con đò mộng

Lả lướt đi về trong gió mai…

 

Thành quách trăm năm sầm mặt lạnh

Ngọn cờ uể oải vật vờ bay

Lâu đài đường bệ màu kiêu hãnh

Áo gấm hài nhung cánh phượng bay.

 

Ta nện gót trên đường phố Huế

Dửng dưng không một cảm tình chi!

Không gian sặc sụa mùi ô uế

Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi…

 

Ý chết đã phơi vàng héo úa

Mùa thu lá sắp rụng trên đường

Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa?

Cây hết thời xanh đến tiết vàng!

 

Ai tưởng ngàn năm nương đất ấy

Mầm non thêm nhựa, lá thêm tươi

Ôi mỉa mai! hồn ta chỉ thấy

Rêu hèn sống gửi nhánh khô thôi.

 

Ai tưởng thiên đường sao nhấp nhánh

Tài hoa tinh kết, ngọc long lanh

Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh

Chôn linh hồn đắm đuối hư danh(1).

 

Xét lẽ theo lời tác giả in đầu tập Huế, Đẹp và Thơ đã ghi rõ: “Hầu hết thảy những bài trong tập thơ này đã đăng trong các báo chí: An Nam tạp chí, Văn học tạp chí, Tràng An báo, Phong Hóa, Sông Hương, và Tiên tiến (Sa Đéc)… Nay chúng tôi góp in thành tập đầu để tặng các bạn gần xa. Gọi là để tỏ chút lòng thành của chúng tôi đối với thi ca nước nhà – Huế, ngày 10 Décembre 1938” và bìa cuối sách có chú thích cụ thể: “Sách này in xong ngày 15 Février 1939 tại nhà in Trung Bắc tân văn, 107, phố Hàng Buồm, Hà Nội, sách in ra 1.000 cuốn bằng giấy Bouffant và 5 cuốn bằng giấy Vergé baroque, đánh số từ I đến V”… Như vậy, đương nhiên không thể có chuyện Tố Hữu viết Dửng dưng vào tháng 5-1938 để phản biện lại tập Huế, Đẹp và Thơ ra mắt bạn đọc sau đó gần một năm trời…

 

Như đã nói trên, tôi tin vào câu chuyện nhà thơ “vị nhân sinh”muốn đối thoại với một nhà thơ “vị nghệ thuật”. Tuy nhiên, không nên coi các nhà thơ có ý thức tôn vinh “nghệ thuật vị nghệ thuật” về hình thức, hoặc có sáng tác coi trọng tinh thần “vị nghệ thuật” là xa rời cuộc sống và nâng cấp, qui kết một chiều thành những nhóm, phái, trào lưu. Chỉ cần đọc Văn chương và hành động của nhóm tác giả Hoài Thanh – Lê Tràng Kiều – Lưu Trọng Lư (1936) là đủ rõ. Trên thực tế, họ vẫn chú ý đến cuộc sống và nhận ra những mặt trái của xã hội, vẫn kêu gọi con người tham gia vào cuộc tranh đấu “vị nhân sinh” theo cách thức của mình. Với thi sĩ Nam Trân, bài thơ Giận khúc Nam ai trong tập Huế, Đẹp và Thơ là một minh chứng:

 

Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác,

Hãy đứng lên, Nhạc sĩ, với tôi, đi!

Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi

Và tung mãi tấm hồn thừa trụy lạc.

 

Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!

Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng

- Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân -

Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão.

 

Ôi Nhạc sĩ, thật anh người thậm tệ:

Quan hoài chi những lối hát mê ly,

Những câu ca không Đẹp lại không Thi

Của kỹ nữ vọc cuộc đời ê chệ?

 

Hãy cung kính phượng các ngài tuổi tác

Những bản đờn, nhịp hát thiếu tinh thần.

Hãy ra nghe sóng vỗ, ngắm mây vần

Rồi sáng chế cho tôi vài điệu khác(2).

 

Đặt trong tương quan chung, từ trước đó nhiều năm, ký giả Phan Nhung trong bài Thi văn với thời đại đã xác định rõ về hai dòng tư tưởng văn chương: “Luôn tiện xin mừng cho nền văn học nước nhà từ nay sẽ là một nền văn học chung cho tất cả các hạng người trong nước, cho kẻ lầu cao áo đẹp, cũng như cho người thiếu mặc thiếu ăn… Lại từ nay thi văn sẽ là cái âm hưởng của trăm nghìn thứ cảm giác. Nói tóm lại thì, từ đây nền văn học nước nhà đã có một thứ văn chương khác với thứ văn chương quí tộc (littérature aristocratique) mà ta có thể đặt tên là văn chương vô sản (littérature prolétarienne) vậy” (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, 1934)… Sau này, nhà phê bình Hoàng Thiếu Sơn trong tiểu luận Cải tạo tinh thần thi ca cũng nhấn mạnh đặc điểm nội dung hai dòng thơ, trong đó đặc biệt đề cao tinh thần tự ý thức tiếng nói tranh đấu, nhập cuộc xã hội qua dẫn chứng điển hình từ bài thơ Giận khúc Nam ai của chính Nam Trân: “Đó đây thỉnh thoảng cũng ngân lên đôi tiếng reo hùng tráng. Nhưng tìm đâu thấy, thật tìm đâu thấy mầu son đỏ của “ngọn quang minh”, mùi “chính khí” của “chén tân khổ”.

 

Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác,

Hãy đứng lên, nhạc sĩ với tôi, đi!

Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi,

Và tung mãi tâm hồn thừa trụy lạc…

 

Một nhà thơ mới “Giận khúc Nam ai” đã vô tình lên án tất cả những người đồng điệu. Thơ mới của chúng ta ngày nay cũng chẳng khác nào một khúc Nam ai “mê ly”, “sầu bi” và “ảo não”. Giữa lúc tinh thần quốc gia đang được cải tạo, chúng ta cũng phải cải tạo tinh thần văn học” (Tri tân, Hà Nội, 1944). Nói cách khác, Nam Trân là thi sĩ của phong trào Thơ mới nhưng chính ông cũng lên tiếng phản tỉnh, cảnh báo lối thơ lãng mạn sầu bi và bổ sung vào đó nguồn thơ tranh đấu.

 

Thực tế nói trên cho thấy sự tương đồng trong nhận thức xã hội và quan niệm thơ ca tranh đấu – kể cả cách thức đánh giá về chiều hướng thơ mới lãng mạn mê ly, sầu bi, ảo não – giữa Nam Trân và Tố Hữu. Từ đây có thể xác định Tố Hữu viết bài thơ Dửng dưng không phải nhằm đối thoại, phản ứng với toàn bộ tập Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân mà chính là nhà thơ cách mạng Tố Hữu bày tỏ sự đồng cảm với nhà thơ đàn anh, nhấn mạnh việc thơ ca cần chú trọng nhiều hơn tới thực tại, tới đời sống dân chúng và nhiệm vụ đấu tranh xã hội. Sau này Nam Trân chuyển hóa tham gia cách mạng, trở thành nhà Hán học, nhà giáo, người góp công đầu trong việc dịch Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

La Nguyễn Hữu Sơn

(Viện Văn học – Hà Nội)

Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 583

 

________________

 

(1) Tố Hữu: Từ ấy. In lần thứ hai (Đặng Thai Mai giới thiệu). Nxb Văn học, Hà Nội, 1959, tr.60-61.

(2) Nam Trân: Huế, Đẹp và Thơ. Trung Bắc tân văn Xb, Hà Nội, 1939, tr.41-42.

 

http://tuanbaovannghetphcm.vn/to-huu-voi-dung-dung-so-583/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét