Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

GS. Huang Yiqiu và ngành nghiên cứu Văn học Việt Nam ở Trung Quốc

 GS. Huang Yiqiu và ngành nghiên cứu Văn học Việt Nam ở Trung Quốc

Tóm tắt nội dung: Huang Yiqiu (黄轶球Hoàng Dật Cầu 1906-1990), giáo sư, Trưởng khoa Trung văn, Đại học Tế Nam, Trung Quốc, trước nay luôn được xem là người có nhiều đóng góp, đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc. Thành tựu mà ông đạt được khá phong phú, ví như Khảo luận về điển tịch Việt Nam (1949), Kim Vân Kiều truyện (bản dịch chữ Hán, 1959), Cung oán ngâm khúc (bản dịch chữ Hán), Việt Nam Phật giáo sử lược, Việt Nam Hán thi lược,… Vốn là một Hoa kiều, mẫn tiệp, từng tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp, cho nên ông có khá nhiều mối giao hảo với các trí thức hàng đầu Việt Nam, như Trần Văn Giáp, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Nam Trân, Phạm Phú Tiết,…




Mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở mức xã giao, mà giúp ông hiểu hơn về con người và văn hóa Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng rất nhiều công trình mà ông hoàn thành. Bài viết này trên cơ sở khảo cứu những công trình về văn học Việt Nam của tác giả, xét trong bối cảnh nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc để đánh giá những công hiến to lớn của Huang Yiqiu với ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc riêng, thế giới Hoa ngữ nói chung.

Từ khóa: Huang Yiqiu    Văn học Việt Nam ở Trung Quốc   Bản dịch chữ Hán Truyện Kiều  

Prof. Huang Yiqiu and Vietnamese literature study in China

Keywords: Huang Yiqiu, Vietnamese Literature in China, Chinese translation of Tale of Kieu

 GS. Huang Yiqiu và mối duyên với Việt Nam

Huang Yiqiu bén duyên cùng Việt Nam khá sớm. Vào năm 1932, khi chuyển đến học tiến sĩ tại Viện văn học, Đại học Paris, ông gặp học giả Trần Văn Giáp tại đây. Vốn đều là dân Á đông, cùng tinh thông Hán văn, Pháp văn, có cùng vấn đề quan tâm là văn học, cho nên hai ông trở thành bạn thân rất nhanh. Tuy sau đó không lâu, cùng năm đó, Trần Văn Giáp về nước làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ, nhưng mối giao hảo này kéo dài hơn 40 năm, thậm chí sau khi Trần Văn Giáp tạ thế, Huang Yiqiu vẫn day dứt vì chưa hoàn thành lời hứa trước đó cùng cố nhân. Điều này được ông thổ lộ trong lời đề tựa cho bản dịch Trung văn do chính ông dịch từ tiếng Pháp công trình Việt Nam Phật giáo sử lược của Trần Văn Giáp, được công bố lần đầu tại Trung Quốc vào năm 1985:

Có thể nói, trong các tác giả Việt Nam, Trần Văn Giáp là người có ảnh hưởng lớn nhất đến Huang Yiqiu, thậm chí có nhiều khả năng, ông còn là một trong những tác nhân chính khiến Huang Yiqiu yêu thích và say mê tìm hiểu, nghiên cứu văn học Việt Nam. Cụ thể, thông qua Trần Văn Giáp, ông biết đến tình hình thư tịch Việt Nam; kết hợp từ góc nhìn và mục tiêu của một chuyên gia văn học so sánh, thúc đẩy ông hoàn tất bản dịch Việt Nam điển tịch khảo của Trần Văn Giáp vào năm 1938. Đây đồng thời là cơ sở để ông tiếp tục triển khai và xây dựng ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc.

Từ mối giao hảo với tác giả Trần Văn Giáp, từ đầu những năm 60 thuộc thế kỷ XX về sau (có thể còn sớm hơn), quan hệ giữa Huang Yiqiu và các học giả, giáo sư, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam đã được triển khai khá rộng. Những tư liệu liên quan về nội dung này hiện còn không nhiều, nhưng từ mảng thơ xướng họa và hình ảnh tư liệu do phía Trung Quốc còn lưu giữ, có thể thấy rõ mối quan hệ này. Cụ thể, với GS. Đặng Thai Mai (1902-1984), chùm thơ viết năm 1966 của Huang Yiqiu có bài thơ hồi đáp viết:

Mê Công nam vọng trận vân thâm,

Cử thế hân văn báo tiệp âm.

Sắt sắt quan đàm oanh cửu biệt,

Biền biền tinh tiết hỷ trùng lâm.

Lê gia trúc hiểm Kim Âu cố,

Trần đại hoành giang thiết tỏa trầm.

Anh liệt thiên niên kế truyền thống,

Tặng quân khẳng khái nhất trường ngâm. (Việt Nam Đặng Thai Mai đồng chí đề Huệ ước ngộ, thời tại Vân thành, tiên báo dĩ thi)

(Nhìn về phương Nam nơi dòng Mê Công mây khói âm u,

Cả thế giới đều vui mừng khi nghe báo tin thắng trận.

Dòng nước sâu hiu hắt mãi day dứt vì xa cách đã lâu,

Cờ sứ vùn vụt mừng vì người xưa lại đến.

Triều Lê thống nhất đất nước, đất Cà Mau vững chãi;

Triều Trần giăng cọc sắt ngang sông, khiến bao thuyền giặc bị chìm.

Các vị anh hùng nối tiếp nhau viết nên truyền thống ngàn năm,

Nay tặng trước ông bài thơ thất luật khẳng khái.) (Đồng chí Đặng Thai Mai Việt Nam đến Quảng Châu hẹn gặp, tôi khi ấy đang ở Vân Thành, bèn dùng thơ để đáp lại)

Viên lâm nhất giác cách hiêu trần,

Thặng hữu đài ngân triệt tích tân.

Tiểu phúc tả chân hoàn tế nhậm,

Luận văn do ức ngộ ngôn thân. (Thứ Nam Trân đồng chí kiến tặng vận bính giản Nguyễn Văn Hoàn đồng chí, kỳ nhất)

(Viên lâm một góc cách xa chốn bụi trần,

Vẫn còn dấu xe mới in trên đám rêu xanh.

Bức ảnh tả chân vẫn còn có thể nhận rõ từng chi tiết,

Bàn luận văn chương còn nhớ cảnh hội ngộ, lời nói thân thiết.) (Họa bài thơ đồng chí Nam Trân tặng, kiêm đáp đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, bài 1)

Tài điệu tung hoành quýnh xuất trần,

Du du văn sử cựu kiêm tân.

Bắc viên đấu tửu cuồng ca dạ,

Sái lạc hào tình can đản tân. (Đồng thượng, kỳ tam)

(Tài thơ tung hoành vượt xa cõi trần,

Tự do tự tại trong kho văn sử, cả cũ lẫn mới.

Ngâm đến câu thơ thành Thăng Long bạn cũ nhớ nhau,

Nỗi tương tư nơi cuối trời tình thân càng thêm thân.) (Như trên, bài 3)


Bài thơ thứ hai trong chùm thơ hai bài họa đáp Phạm Phú Tiết viết:

Thi tao tự hưởng phát nguyên thâm,

Thiên ngoại truyền lai đại nhã âm.

Biểu hải hùng phong cung khiếu ngạo,

Viên sơn thắng khái hiếu đăng lâm.

Xuân quy Việt Bắc hoa tranh phát,

Lũy ức Bình Tây tích vị trầm.

Ký đắc Phạm công danh cú tại,

Tiên ưu hậu lạc nhất nga ngâm. (Việt Nam Phạm Phú Tiết tiên sinh huệ thi, y vận phụng họa, thời Nam phương đại tiệp nhị thủ, kỳ nhị)


(Sự nghiệp thơ ca khởi nguồn sâu,


Ngoài trời truyền tới lời thơ Đại Nhã.


Mặt biển cuồng phong cùng kiêu hãnh gào thét,


Tản Viên thắng cảnh người người thích viếng thăm.


Xuân về Việt Bắc hoa đua nở,


Chiến lũy gợi nhớ công danh hiển hách của nghĩa quân Trương Định thuở nào.


Nhớ mãi câu thơ hay của ông Phạm công Phú Tiết,


Ngày ngày ngâm nga câu “lo trước được vui sau”.) (Ông Phạm Phú Tiết người Việt Nam tặng thơ, y vần họa đáp 2 bài, khi ấy cũng đúng dịp miền Nam vừa thắng lớn, bài 2)




Yên nguyệt trường đê thủy tiếp thiên,


Khách trình tằng thướng Hải Châu thuyền.


Hào tình bất giảm Kỳ Đình xướng,


Văn thái phong lưu ánh thất thiên. (Tái họa nhị thủ, kỳ nhất)


(Trăng khói đê dài nước tiếp trời,


Trong hành trình của khách, đã từng lên thuyền xứ Hải Châu này.


Không khí buổi đón tiếp thực không kém tiệc hát thơ nơi Kỳ Đình thuở nọ,


Tài năng văn chương cùng chất phong lưu đều thấm đẫm trong bảy bài thơ từng tuyển.) (Lại họa thêm 2 bài, bài 1)


Thường với mỗi bài thơ, chùm thơ xướng của các tác giả Việt Nam, Huang Yiqiu thường họa lại đến mấy bài, mấy chùm khi chưa hết ý, thậm chí sau khi khách đã rời đi, nếu còn hứng, ông vẫn truy họa thêm. Ví như:


Giao khế Nam Trân hựu Trúc Tôn,


Sính hoài hàn mặc nghị tương đôn.


Đầu lai thạch phá thiên kinh cú,


Tả xuất binh thanh ngọc khiết hồn.


Châu hải nguyệt minh triều hữu tín,


Kiếm hồ xuân noãn tuyết vô ngân.


Hà niên cánh tác Bình Nguyên ẩm,


Chúc tiệp thi thành tửu thượng ôn. (Dư ý vị tận, tái thành nhất luật kiêm giản Việt Nam văn học viện Nam Trân đồng chí)


(Kết giao cùng Nam Trân, lại kết giao cùng Trúc Tôn;


Mở lòng bằng thơ văn, tình hữu nghị càng thêm bền chặt.


Đã ngâm thành câu kinh thiên động địa,


Lại viết ra câu mang tinh thần của ngọc cốt băng tâm.


Trăng sáng xứ Châu Hải cùng nước triều lên xuống theo lệ,


Nắng xuân ấm áp nơi Hồ Gươm nên tuyết rơi không lưu dấu vết.


Đến năm nào lại được cùng uống rượu như Bình Nguyên thuở nào?


Khi ấy bài thơ mừng chiến thắng sẽ làm xong khi rượu vừa rót ra chén còn ấm.) (Tôi hứng thơ chưa hết, lại làm thêm bài thơ luật, kiêm đáp đồng chí Nam Trân thuộc Viện Văn học Việt Nam)


Trong giai đoạn Việt Nam còn chìm đắm trong chiến tranh, dù muốn dù không trong câu chuyện của họ, ám ảnh chiến tranh luôn ngự trị. Thế nhưng Huang Yiqiu với tư cách một người đã đi qua nỗi đau chiến tranh, ông luôn hiểu và chia sẻ, thậm chí cũng như bao người dân Việt Nam, ông cũng lắng tin vui từ chiến trận, trông ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng:


Gia hội Dương thành lạc vị chung,


Ly diên nhất khúc khứ thông thông.


Trường tiên điệp ký dao tương ức,


Hỷ thính Nam thiên tấu khải công. (Phản đối Mỹ đế quốc chủ nghĩa xâm phạm Việt Nam kiêm hoài Nguyễn Văn Hoàn, Nam Trân đồng chí, kỳ nhất)


(Tụ hội nơi thành Dương khi niềm vui chưa dứt,


Sau khúc ly bôi khách lại hộc tốc rời xa.


Thư từ tiễn đưa gửi nỗi niềm nhớ nhung khi xa nhau,


Vui nghe được tin trời Nam tấu khúc khải hoàn.) (Phản đối Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, đồng thời thể hiện nỗi nhớ Nguyễn Văn Hoàn, Nam Trân, bài 1)


Cẩm cú lưu đề bách phúc tiên,


Lâm kỳ trùng đính tái lai duyên.


Cao lầu tha nhật tương phùng xứ,


Cộng phú Nam phương giải phóng thiên. (Đồng thượng, kỳ nhị)


(Câu thơ hay lưu trên bức tranh trăm chữ phúc như còn tươi mới,


Lúc gần chia tay lại nói đến ngày gặp lại.


Ngày ấy nơi lầu cao là  chốn tương phùng,


Sẽ cùng nhau xướng họa ca ngợi ngày giải phóng miền Nam.) (Như trên, bài 2)


Tất nhiên vượt lên tất cả trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học của Huang Yiqiu vẫn là duyên nợ với văn học Việt Nam, với văn học trung cận đại, nhất là với Nguyễn Du và Truyện Kiều:


Kiều truyện lưu truyền lưỡng bách niên,


Hốt kinh hải ngoại hữu tân thiên.


Tàn cảo thặng phức chân vô giá,


Văn tảo viêm hoang khởi hậu hiền.(Độc tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện tuyệt cú bát thủ, kỳ nhất)


(Truyện Vương Thúy Kiều lưu truyền đã 200 năm,


Lại giật mình kinh hãi vì hải ngoại có tác phẩm mới.


Tàn cảo hương thừa thực vô giá,


Trong rừng văn xa xôi xứ phương Nam lại cho ra đời bậc hậu hiền.) (Đọc tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện tứ tuyệt 8 bài, bài 1)


Nói tóm lại, một đời Huang Yiqiu với tư cách một chuyên gia hàng đầu ở mảng nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc, thực sự có quá nhiều mối liên hệ với Việt Nam. Tất nhiên những liên hệ này đôi khi cũng đứt rồi lại nối theo thời cuộc, cũng mang đến cho bản thân ông không ít phiền phức, thế nhưng, chúng đồng thời là cơ sở, là điểm tựa để Huang Yiqiu mở rộng, nâng tầm cho những công trình nghiên cứu của chính mình.


Thành tựu nghiên cứu văn học Việt Nam của GS. Huang Yiqiu

Thành tựu nghiên cứu văn học Việt Nam của Huang Yiqiu hiện còn tuy không đầy đủ, nhưng khá phong phú, có thể tạm phân thành ba mảng: dịch thuật, biên tập xuất bản và nghiên cứu.


Ở mảng dịch thuật, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau đây:


Việt Nam điển tịch khảo của Trần Văn Giáp, bản dịch Trung văn do Huang Yiqiu dịch và chú thích, hoàn tất năm 1938; năm 1949, Viện Văn học thuộc Đại học Quốc dân Quảng Đông xuất bản. Vì Huang Yiqiu không biết tiếng Việt, cho nên sách này có nhiều khả năng được dịch từ Les chapitres bibliographiques de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú.


Kim Vân Kiều truyện, bản dịch Hán văn từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng không dịch trực tiếp từ bản tiếng Việt, mà dịch qua bản tiếng Pháp Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh (sách do Alexandre de Rhodes xuất bản Hà Nội năm 1942), tất nhiên trong quá trình dịch có tham khảo và đối chiếu với bản tiếng Việt. Bản dịch Trung văn được Huang Yiqiu hoàn tất tháng 9 năm 1958, sau đó được thu vào Á Phi văn học tùng thư, Nhân dân văn học xuất bản xã xuất bản tại Bắc Kinh năm 1959. Bản dịch này sau được Nhật báo Giải phóng (nay là Báo Sài Gòn Giải phóng bản tiếng Hoa) xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976.


Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Hán văn không rõ được Huang Yiqiu dịch xong năm nào, nhưng có nhiều khả năng trước sau giai đoạn tháng 3 năm 1961, thời điểm ông hoàn tất bài viết Nghiên cứu danh tác Cung oán ngâm khúc trong văn học cổ điển Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả nhắc nhiều đến bản dịch Pháp văn Les Ennuis d’une Odaisque của Đỗ Thúc (bản in dầu do Học viện Viễn Đông Bác Cổ in tại Hà Nội năm 1922), cho nên có nhiều khả năng tác giả dịch trực tiếp từ bản dịch này.


Lục Vân Tiên truyện của Nguyễn Đình Chiểu, bản dịch Hán văn có lẽ được dịch trên cơ sở tham khảo hai bản dịch Pháp văn của Aubaret và của Abe des Michels.


Việt Nam văn học phát triển khái lược của GS. Đặng Thai Mai, Huang Yiqiu dịch Hán văn từ bản Pháp văn đăng tải trên tạp chí Âu châu, kỳ 387 – 388 (in chung), xuất bản tại Paris năm 1961. Bản dịch Hán văn sau đó công bố trên Đông Nam Á nghiên cứu tư liệu, số 4 năm 1964, do Sở nghiên cứu Đông Nam Á, Phân viện Trung Nam thuộc Viện Khoa học Trung Quốc biên tập, xuất bản. Sách này gần đây được in lại trong Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Ký Nam đại học xuất bản xã, 2004, tr.454-472.


Ngoài ra, còn có bản dịch Việt Nam Phật giáo sử lược, dịch từ bản tiếng Pháp Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle của Trần Văn Giáp. Sách này hiện in trong Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Ký Nam đại học xuất bản xã, 2004, tr.410-453.


Ở mảng biên tập xuất bản, nổi bật nhất có hai công trình:


Việt Nam Hán thi lược, Huang Yiqiu biên tập, khoa Trung văn, Học viện Sư phạm Quảng Đông xuất bản tháng 9 năm 1959. Sách gồm 6 quyển, tuyển thơ của 137 nhà, tổng cộng 411 bài. Sách này sau khi xuất bản, trở thành tài liệu tham khảo chính, được sử dụng phổ biến cho sinh viên các chương trình đào tạo có liên quan đến văn học Việt Nam ở Trung Quốc cho đến tận ngày nay.


Việt Nam phú liên tuyển tập, Huang Yiqiu biên tập hoàn tất vào tháng 2 năm 1960. Đối tượng biên tập chủ yếu gồm các bài phú và các câu đối nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Sách hiện chưa được xuất bản ở Trung Quốc.


Ngoài ra, ông còn dự định biên tập tuyển tập tản văn chữ Hán Việt Nam, tuy nhiên dự định này về sau do nhiều nguyên nhân, không được tác giả tiếp tục xúc tiến.


Ở mảng nghiên cứu, đây là mảng có bề dày thành tích và có đóng góp nhiều nhất từ khía cạnh học thuật. Dưới đây xin tạm dẫn một số công trình tiêu biểu:






Nguồn gốc, quá trình phát triển và thành tựu thơ chữ Hán của Việt Nam, bài viết hoàn thành tháng 9 năm 1961, sau công bố trên tạp chí Học thuật nghiên cứu, số 4 năm 1962. Nội dung bài viết phân thành ba phần rõ rệt: khảo sát nguồn gốc, quá trình phát triển và thành tựu. Ở phần thành tựu, ngoài nêu ra hai nhược điểm của thơ chữ Hán Việt Nam là tính chiến đấu không cao, ít viết về đề tài cái tôi cá nhân và tình yêu nam nữ, còn nêu ra khá nhiều điểm đáng khẳng định của thơ chữ Hán Việt Nam.


Luận truyền thống anh hùng trong thơ ca kháng chiến Nam Bộ thế kỷ XIX, bài viết được hoàn thành với phần giúp đỡ dịch thơ của tác giả Hoa kiều từng sống tại Việt Nam là Từ Thiện Phúc, vốn là một bài luận công bố trên Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu khoa học của Học hội nghiên cứu văn học ngôn ngữ Quảng Đông năm 1964. Bố cục bài viết gồm bốn phần: Hào khí Đồng Nai, phong trào phản kháng giặc Pháp của nhân dân Nam kỳ lục tỉnh, những tác giả và tác phẩm phản ánh hào khí Đồng Nai và nhà thơ yêu nước lớn Nguyễn Đình Chiểu. Bài viết đánh giá cao mảng thơ ca chống Pháp giai đoạn này trong lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời xem đó là một mảng cần thúc đẩy nghiên cứu.


Thành tựu nổi bật của thơ chữ Hán Việt Nam, bài viết gồm 31 trang, vốn là phần lời dẫn trong công trình Việt Nam Hán thi lược của tác giả đã nêu trên đây, sau tách riêng in trong Việt Nam văn sử nghiên cứu tư liệu, quyển 3, do khoa Văn học Ngôn ngữ Trung Quốc, Học viện Sư phạm Quảng Đông xuất bản năm 1961. Bài viết gồm 5 phần: ý nghĩa thực tế của việc nghiên cứu thơ chữ Hán Việt Nam, nguồn gốc sâu xa của thơ ca chữ Hán Việt Nam, sơ lược các giai đoạn phát triển của thơ chữ Hán Việt Nam, thơ chữ Hán Việt Nam và tình hữu nghị, giao lưu văn hóa Trung Việt và những đánh giá chung về thơ chữ Hán Việt Nam. Nhìn chung quan điểm của tác giả là khẳng định tính tích cực của đối tượng nghiên cứu và cần có kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.


Cống hiến và ảnh hưởng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, bài viết hoàn thành với phần hỗ trợ dịch thơ Việt của tác giả Hoa kiều từng sống tại Việt Nam là Từ Thiện Phúc, vốn là bài viết đăng trong Kỷ yếu hội thảo của Học hội Phi –Á Trung Quốc, do khoa Trung văn, Đại học Tế Nam xuất bản năm tháng 7 năm 1964; sau in trong Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Ký Nam đại học xuất bản xã, 2004, tr.156-193. Nội dung bài viết gồm 5 phần: thời đại và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu, thành tựu sáng tác văn học của Nguyễn Đình Chiểu (gồm hai phần thượng và hạ), đánh giá tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu và một số khía cạnh liên quan khác. Đánh giá chung của tác giả về Nguyễn Đình Chiểu là khẳng định và ca tụng.






Phương pháp nghiên cứu văn học Việt Nam của GS. Huang Yiqiu

Với tư cách một chuyên gia hàng đầu về văn học so sánh ở Trung Quốc, trong bài viết Tỷ giảo văn học tạp đàm, ông cho rằng:




Ông đồng thời nêu rõ, văn học so sánh thông thường đi bằng hai chân, tức hoặc nghiên cứu ảnh hưởng, hoặc nghiên cứu song song. Loại thứ nhất phù hợp với nghiên cứu văn học so sánh ở phương Đông, loại còn lại phù hợp với nghiên cứu so sánh ít có mối quan hệ lịch sử như văn học Trung Quốc – Âu Mỹ. Ngoài ra, việc nghiên cứu so sánh đồng thời phải dựa trên cơ sở công tác dịch thuật giới thiệu tư liệu nghiên cứu cơ bản, nếu không khó có thể thúc đẩy việc nghiên cứu so sánh theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.


Bài viết trên đây hiện không rõ được tác giả hoàn thành khi nào, nhưng nó được công bố khá muộn, phải mãi đến tháng 10 năm 1983, nó mới được đăng trên số 1, tập san Văn học tỷ giảo nghiên cứu thông tấn do Phòng nghiên cứu lý luận văn nghệ, khoa Trung văn, Đại học Tế Nam biên tập. Tuy nhiên, với tư cách một chuyên gia được đào tạo ở Pháp, cái nôi của văn học so sánh thế giới với chủ trương nghiên cứu ảnh hưởng, kết hợp những công trình nghiên cứu của ông bao gồm cả những công trình sớm nhất, chúng ta đều có thể thấy rõ ảnh hưởng đậm nét của văn học so sánh Pháp. Như vậy, có thể khẳng định, Huang Yiqiu triển khai nghiên cứu văn học Việt Nam chính trên khung lý thuyết của văn học so sánh, đặc biệt là theo quan điểm của trường phái nghiên cứu ảnh hưởng Pháp.


Từ cơ sở lý luận nêu trên, nhìn từ khía cạnh phương pháp, nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc của Huang Yiqiu nhìn chung có mấy điểm đáng chú ý sau đây:


Thứ nhất, điều kiện để triển khai nghiên cứu so sánh là cần có những đảm bảo tương đối về mặt tư liệu nghiên cứu, đây là nguyên nhân Huang Yiqiu đặc biệt chú trọng công tác dịch giới thiệu những công trình tư liệu, công trình văn học sử, cùng các danh tác trong kho tàng văn học Việt Nam. Và việc tạo nguồn tư liệu nghiên cứu, trước Huang Yiqiu hầu như chưa được bất kỳ học giả Trung Quốc nào chú ý tới. Cho đến thời điểm hiện tại, Huang Yiqiu vẫn được xem là người dẫn đầu về số lượng bản dịch Hán văn trong số các danh tác của văn học Việt Nam.






Thứ tư, là một chuyên gia được đào tạo bài bản từ phương Tây, những công trình nghiên cứu của Huang Yiqiu thường được triển khai nghiên cứu hài hòa giữa các phương diện tác giả – văn bản – độc giả (tất nhiên khía cạnh độc giả chưa thật nổi bật), giữa mối quan hệ hình thức nghệ thuật mang nghĩa và quy định nội dung tác phẩm. Đây là điểm mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm không dễ nhận ra ngay từ những giai đoạn đầu tiên khi mới tiếp xúc với di sản lý luận phương Tây. Đây đồng thời cũng là lý do khiến khoa Trung văn, Đại học Tế Nam nơi ông công tác đào tạo được nhiều cán bộ giỏi, trở thành trung tâm đào tạo nổi tiếng Trung Quốc ở mảng Văn học so sánh và Văn nghệ học.


 Kết luận


Ở Trung Quốc, khi nhắc các bậc tiền bối trong ngành nghiên cứu văn học Việt Nam, thường không ai không nhắc đến tên tuổi hai vị Yan Bao (Nhan Bảo, công tác tại Đại học Bắc Kinh) và Huang Yiqiu. Cả hai người họ đều được đào tạo ở Pháp, đều là chuyên gia hàng đầu về văn học so sánh ở Trung Quốc, và đặc biệt đều có duyên nợ sâu đậm với văn học Việt Nam, đặc biệt là mảng văn học trung đại.


Xét từ khía cạnh thành tựu, tuy đều xuất phát từ văn học so sánh, đều chú trọng hướng nghiên cứu ảnh hưởng trong việc triển khai nghiên cứu so sánh giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc, nhưng số lượng công trình của GS. Huang Yiqiu về văn học Việt Nam có bề dày hơn và có phạm vi quan tâm rộng và bao quát hơn.


Ở Việt Nam, khi nhắc đến GS. Huang Yiqiu (Hoàng Dật Cầu), phần nhiều học giả thường mang định kiến gán ông với một dịch giả dịch Truyện Kiều không biết tiếng Việt, đây là nguyên nhân gây ra những những bất cập trong đánh giá Truyện Kiều của tác giả Trung Quốc nói riêng, thế giới Hoa ngữ nói chung. Bài viết này thông qua việc xem xét tổng hòa từ nhiều khía cạnh, cho thấy, những bất cập trong cách nhìn nhận, đánh giá của một số không ít học giả Việt Nam về ông, đồng thời cho thấy tâm huyết, công lao và cống hiến không nhỏ của ông ở mọi khía cạnh đối với ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.


 TÀI LIỆU THAM KHẢO


Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc.

2.Triệu Ngọc Lan (2013), Kim Vân Kiều truyện: phiên âm dữ nghiên cứu, Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.


Lý Văn Hùng (1954), Kim Vân Kiều bình giảng, Tân Hoa thư cục, Sài Gòn.

La Trường Sơn (2006), Kim Vân Kiều truyện, Nxb Văn nghệ.

Trương Cam Vũ (1994), Kim Vân Kiều truyện, Nxb Văn nghệ.

Đổng Văn Thành (1986, 1987), So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam, in trong Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, tập 4, 5, Xuân Phong văn nghệ; in lại trongThanh đại văn học luận cảo, Xuân Phong văn nghệ, 1994.

 (Khoa Việt Nam học (Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học, Kỷ yếu Hội thảo, NXB.ĐHQG TP.HCM, 2017)


[1] Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc, tr.410.


[2] Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc, tr.202.


[3] Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc, tr.383.


[4] Phạm Tú Châu (2005), Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch, in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều (Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Giáo dục, tr.1583-1593.


[5] Đổng Văn Thành (2005), So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch), in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều (Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Giáo dục, tr.1542-1574.


[6] Trần Ích Nguyên (1998), Việt Nam Kim Vân Kiều truyện đích Hán văn dịch bản, in trong Trung Hoa văn hóa dữ thế giới Hán văn học luận văn tập, Nxb Hiệp hội nhà văn Hoa văn thế giới, tr.196.

http://vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-nam-hoc-quoc-te/1078-gs-huang-yiqiu-va-nganh-nghien-cuu-van-hoc-viet-nam-o-trung-quoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét