Nam Trân

Nam Trân

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG CŨNG CẦN ĐƯA VÀO GIẢNG DẠY

 

Báo điện tử “Người Lao Động”

LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG CŨNG CẦN ĐƯA VÀO GIẢNG DẠY


28-11-2006 - 08:57|Trong nước

 

Có hiểu được lịch sử nơi mình sinh sống sẽ càng yêu quê hương, đất nước

Chủ trương sưu tầm, biên soạn lịch sử địa phương và đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong nhà trường đã được Huyện ủy huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thực hiện từ năm 2004. Mục đích việc làm này nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng cho học sinh, vừa có ý nghĩa chính trị tư tưởng vừa có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác giáo dục.

Thực ra, công tác giảng dạy lịch sử địa phương đã có trong phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT từ cấp tiểu học đến THPT, nhưng việc thực hiện ở các trường diễn ra một cách tự phát, không đồng bộ, chưa thống nhất, chủ yếu do giáo viên chuẩn bị tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mình. Ở huyện Đại Lộc có một thuận lợi cơ bản là công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử địa phương, lịch sử Đảng bộ huyện qua các thời kỳ có nhiều kết quả. Đến năm 2001, toàn bộ 17 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương. Huyện cũng đã xuất bản hai tập sách Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930-1975 và 1975-2000; tập Địa chí Đại Lộc. Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Đại Lộc đã chủ trì cùng ngành giáo dục xây dựng đề án; thành lập tổ biên soạn giáo án lịch sử địa phương. Tổ biên soạn giáo án cho các lớp THCS, THPT gồm 16 giáo viên giảng dạy lịch sử. Yêu cầu đặt ra là sử dụng tư liệu lịch sử đã được phát hành. Đây là cơ sở pháp lý cũng là nội dung cần đưa vào giáo án. Trên cơ sở phân phối chương trình của từng lớp xác định lượng kiến thức các tiết học. Những giáo viên được phân công có trách nhiệm soạn trước giáo án, sau đó đưa ra tập thể thảo luận góp ý. Công việc này được thực hiện nhiều lần bảo đảm yêu cầu đặt ra là đối với học sinh THCS phải hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện giai đoạn 1930-1975, học sinh THPT phải hiểu thành tựu của huyện giai đoạn 1975-2000. Riêng đối với lịch sử địa phương dạy cho học sinh bậc tiểu học khối lớp 5, ngành giáo dục đã chọn Trường Tiểu học Nam Trân (xã Đại Quang) giảng dạy mẫu để các trường tham gia góp ý. Trên cơ sở đó, từng trường xây dựng giáo án cho địa phương mình. Tất cả các giáo án lịch sử địa phương đều được Ban Tuyên giáo Huyện ủy và ngành giáo dục thẩm định trước khi ban hành chính thức đưa vào giảng dạy.

Từ năm 2004, các trường trên địa bàn huyện thực hiện giảng dạy lịch sử địa phương thống nhất, đồng bộ. Các trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp (bậc tiểu học) cũng như giáo viên dạy lịch sử bậc THCS, THPT rất hoan nghênh việc làm này, giúp họ có điều kiện dạy tốt môn lịch sử. Thông qua các tiết học lịch sử địa phương, hầu hết học sinh đều hiểu được lịch sử địa phương nơi mình đang sinh sống, hiểu được quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện qua các thời kỳ, thấy được các thành tựu trên các lĩnh vực của huyện từ sau ngày giải phóng đến nay. Cùng với việc tham gia ngoại khóa, các em học sinh càng tăng thêm niềm tự hào về quê hương.

https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/lich-su-dia-phuong-cung-can-dua-vao-giang-day-172308.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét