Nam Trân

Nam Trân

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Trụ sở UBND thành phố Huế sẽ thành Bảo tàng văn nghệ sĩ?



Trụ sở UBND thành phố Huế sẽ thành Bảo tàng văn nghệ sĩ?
TP - Tiến tới xây dựng Nhà lưu niệm văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế (TTH), Liên hiệp các Hội VHNT và Hội Nhà văn tỉnh này tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên vào ngày hôm qua. Hội thảo nhằm xác định các giá trị văn học của TTH qua các thời kỳ và phác thảo các nội dung trưng bày.

Trụ sở UBND thành phố Huế, nơi nhà văn Nguyễn Khắc Phê đề nghị làm nhà Bảo tàng văn học nghệ thuật.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, diện mạo một vùng văn học là đội ngũ tác giả và tác phẩm của chính vùng đất ấy trong tương quan với đời sống văn học của cả nước, như trường hợp Tố Hữu, từ tác giả Huế trở thành tác giả của cả nước. Vấn đề này lại nảy ra nhiều ý kiến khác.

Có những tác giả chỉ đi qua Huế - như Nguyễn Bính, Văn Cao - nhưng để lại nhiều tác phẩm rất Huế, bởi họ rất tinh tế, nắm bắt được bản sắc, thần thái Huế. Có những tác giả không phải người Huế nhưng gắn bó, thân thiết với Huế, như Nam Trân, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư...

Nhìn xa hơn, từ năm 1306, Huế trở thành xứ Thuận Hoá, vùng đất biên địa của Đại Việt, và đã có những tác phẩm lưu dấu thời gian gắn với những tên tuổi là nhân vật lịch sử như Trương Hán Siêu, Nguyễn Phi Khanh, Đặng Tất, Đặng Dung, Dương Văn An, Đào Duy Từ, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Cư Trinh, Lê Quý Đôn.v.v... Thời Tây Sơn có Ngô Thời Nhận, Phan Huy Ích, Ngọc Hân công chúa. Hầu hết các tác giả đều là danh sĩ, tầng lớp quan lại đến từ Đàng Ngoài.

Nếu tính theo phân kỳ thì đến thế kỷ 19, khi Huế là trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước mới xuất hiện nhiều tác giả người Huế với những gương mặt tiêu biểu như Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều là những nhà thơ lớn. Họ để lại hàng vạn bài thơ ngự chế, thơ trên các ô hộc trang trí trong các cung điện, lăng tẩm, trên bi đình, tranh gương thuỷ mặc, đồ sứ ký kiểu... Vì vậy, dòng văn học cung đình và quý tộc là một di sản không thể xem nhẹ mà cần được đánh giá đúng.

Với vai trò kinh đô Huế là nơi hội tụ nhân tài của cả nước, trong đó có nhiều tác giả văn học, tạo ra những trào lưu văn học, những gương mặt trên văn đàn và góp phần quan trọng để tạo ra diện mạo văn học vùng Huế như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Phan Thanh Giản, Nguyễn Hàm Ninh.

Thế kỷ 20 Huế tiếp tục thu hút nguồn nhân lực thi văn vô cùng hùng hậu với Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Huy Cận... Họ đã cùng các tác giả vùng Huế như Chế Lan Viên, Thanh Tịnh khai sinh ra phong trào thơ mới.

Bên cạnh văn học cung đình, Huế còn có một dòng văn học Thiền vô cùng phong phú về thể loại, mà tác giả là các Thiền sư và cư sĩ, trong đó có cả những tác giả người nước ngoài.

Ngay trong dòng văn học cận đại và hiện đại Huế cũng có những sự kiện lớn cần được giới thiệu, trưng bày, như cuộc tranh luận về Truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế với Phạm Quỳnh; tranh luận về vị nghệ thuật và vị nhân sinh trong nghệ thuật giữa Hải Triều và Hoài Thanh. Rồi sự xuất hiện các tác giả thơ mới, các nhạc sĩ tiền chiến, các nhà soạn tuồng, các nhà dịch thuật ở Huế. Bên cạnh dòng văn học kháng chiến có dòng văn học yêu nước ở đô thị.v.v...

Đánh giá đúng các giá trị của văn học ở Thừa Thiên Huế gắn với diễn tiến lịch sử đang là câu chuyện dài kỳ, cần có sự tham gia của các nhà lý luận phê bình văn học trong cả nước. Ngay tại hội thảo đã nẩy sinh một vấn đề ngoài chương trình là xây dựng mô hình nhà Bảo tàng văn học nghệ thuật hay nhà lưu niệm văn nghệ sĩ?

Rồi nhà Bảo tàng, hay nhà lưu niệm này trong tương lai sẽ nằm ở toạ độ nào của đô thị di sản Huế? Nhà văn Nguyễn Khắc Phê nhanh nhảu đề nghị chính quyền cho lấy trụ sở UBND thành phố Huế để xây dựng thành một cụm các nhà bảo tàng văn học nghệ thuật và bảo tàng Mỹ thuật Huế (vì UBND thành phố sắp chuyển đến Trung tâm Hành chính đang được xây dựng mới). Vị trí này quá lý tưởng.

Đó là “mặt tiền” của thành phố, nằm bên bờ sông Hương, cạnh cầu Trường Tiền. Rồi đầu tư công đang vô cùng khó khăn, cả tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, văn học nghệ thuật có được ở “mặt tiền” hay không? Câu hỏi chưa có câu trả lời nhưng chắc chắn đường xa vời vợi. Ngay hội thảo này cũng chỉ có các nhà văn hào hứng tranh luận với nhau. Còn các nhà lãnh đạo của tỉnh chẳng thấy một ai.