Nam Trân

Nam Trân

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Ra mắt hai cuốn Sưu tập Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1933-1934 và Tác phẩm đăng báo 1935



Ra mắt hai cuốn Sưu tập Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1933-1934 và Tác phẩm đăng báo 1935

 

Đầu tháng 10/2013, nhà xuất bản Tri Thức vừa cho ra mắt hai sưu tập tác phẩm của nhà báo-học giả Phan Khôi (1887-1959) do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn.
            Cuốn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1933-1934 gồm 575 trang 16×24 cm.
            Cuốn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1935 gồm 463 trang 16×24 cm.
            Dưới đây là Tiểu dẫn về nội dung hai sưu tập nói trên, cũng là những báo cáo vắn tắt về hoạt động viết báo, làm báo của Phan Khôi trong các năm 1933, 1934, 1935.
TIỂU DẪN
VỀ
SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAN KHÔI
ĐĂNG BÁO TRONG CÁC NĂM 1933-1934
Hoạt động báo chí trong hai năm 1933-34 của Phan Khôi bao gồm mấy tháng (đầu 1933) cuối cùng của đoạn thời gian ông sống và làm báo hiệu quả nhất tại Sài Gòn (1927-33), cộng với hơn một năm ông chuyển ra Hà Nội làm báo, trước khi trở vào Huế hành nghề.  Thời gian này, hoạt động làm báo của ông chủ yếu gắn với các tờ Trung lập, Phụ nữ tân vănCông luận (Sài Gòn), Thực nghiệp dân báo  và Phụ nữ thời đàm (Hà Nội).
1/ Nhật báo Trung lập (1924-1933) chỉ còn tồn tại và hoạt động đến 30/5/1933.
Như tôi đã nêu trong tiểu dẫn Tác phẩm đăng báo 1932 của Phan Khôi, từ giữa năm 1932, về mặt quan điểm xã hội chính trị, báo Trung lập đã chuyển sang phía tả, với sự tham gia công việc tòa soạn của nhóm Nguyễn Văn Tạo-Trần Văn Thạch. Sang năm 1933, xu hướng này được tăng cường, nhất là trong dịp vận động bầu cử Hội đồng thành phố Sài Gòn, lại có thêm Nguyễn An Ninh tham gia tòa soạn Trung lập, vận động cho liên danh của phái tả, được gọi là “sổ lao động” hoặc “sổ Tạo – Nở”. Liên danh này đã dành thắng lợi trước khi tờ Trung lập bị thu hồi giấy phép, phải chấm dứt hoạt động. Đương nhiên Nguyễn An Ninh tham gia Trung lập với một cao vọng lớn hơn tầm mức một cuộc vận động tranh cử. Ngay từ đầu ông đã tuyên bố lý do ông “nhận lãnh một phần trách nhiệm trong báo Trung lập” là “hy vọng cho dân Việt Nam biết sợ mùi thây ma. Hy vọng dân Việt Nam tập thêm được tánh nghi ngờ […] cái văn hóa cũ, từ những hủ tục cho tới ‘những tư tưởng cao thâm’ xưa nay” (1) Ngòi bút Nguyễn An Ninh tất nhiên in dấu khá đậm lên tờ báo. Tuy vậy, có thể nói, Phan Khôi vẫn thể hiện được tư tưởng và văn phong của mình, dù trong năm cuối cùng này của Trung lập, hầu như  ông chỉ còn viết cho Trung lập ở mục Những điều nghe thấy. Và cũng chỉ khi Phan Khôi rời Sài Gòn ra Bắc, mục Những điều nghe thấy mới dần dần bộc lộ dấu bút Nguyễn An Ninh. Có thể dự đoán rằng đã có một thỏa thuận riêng nào đấy giữa hai nhà báo để Nguyễn An Ninh viết tiếp cho mục này dưới bút danh Thông Reo, − điều mà Phan Khôi chưa từng cho phép đối với bất cứ cây bút nào khác (sẽ nói kỹ hơn về việc  này ở lời dẫn đầu mục Những điều nghe thấy 1933 trong sách này) .
2/ Thực nghiệp dân báo (1920-1935) là tờ nhật báo xuất hiện sớm vào loại thứ hai ở Hà Nội, chỉ sau tờ Trung Bắc tân văn (1913-1941). Nếu như các tờ Đông Dương tạp chí (1913-19), Nam phong (1917-34) và Trung Bắc tân văn đều được chính quyền thực dân bảo trợ và được tổ chức phát hành đến xã, tức ít nhiều mang tính chất của loại báo chí nhà nước, thì Thực nghiệp dân báo phải tự trang trải toàn bộ chi phí và tự tổ chức bán báo, tức hoàn toàn là báo tư nhân.
Ba người đứng tên xin giấy phép ra báo là Nguyễn Hữu Thu (chủ xưởng đóng tàu và thầu khoán ở Hải Phòng), Bùi Đình Tá (chủ nhiệm Đồng Ích hội), Bùi Huy Tín (thầu khoán ở Hà Nội); giám đốc chính trị của Thực nghiệp dân báo là Mai Du Lân, một nghiệp chủ kinh doanh nhiều mặt hàng, trong đó có các loại máy in báo.(2)  Có thể coi tờ báo này như một trong những cơ quan ngôn luận của các nhà doanh nghiệp ở miền Bắc, tôn chỉ khá gần gũi với tờ bán nguyệt san Hữu thanh (1921-24) của Bắc Kỳ Công thương Đồng ái hữu. Thực nghiệp dân báo là nơi sinh trưởng của nhiều cây bút như Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng, Trúc Sơn Mai Đăng Đệ, Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng, Dật Lang Nguyễn Triệu Luật, Điền Hải Tử Đào Trinh Nhất, Đặng Trần Phất, Trịnh Đình Rư, Bùi Trình Khiêm, Nguyễn Khắc Hanh, v.v…
Phan Khôi cộng tác với Thực nghiệp dân báo từ 1921, khi đó chủ yếu ông chỉ đưa đăng một số bài thơ, cũng có khi gửi lai cảo mấy dòng tin dân sự, ví dụ tin một ả đánh ghen ồn ào ở phố Hàng Thiếc (đăng TNDB. 8/3/1921). Ít ai biết, những năm đó, Khánh Giư (người sau này sẽ nổi tiếng với bút danh Khái Hưng) cũng lặng lẽ tập viết những bài văn ngắn tương tự, là tin tức dân sự, là quan sát đời sống xung quanh, gửi đăng tờ Thực nghiệp này (Chẳng hạn, tôi đã tình cờ thấy những bài Về thói người Việt bắt chước người Hoa đem theo những đồ tế lễ trong đám ma /TNDB, 29/11/1921; Mang tiếng với bạn hàng/ TNDB, 7/12/1921; Vấn đề cứu hỏa ở chốn hương thôn/ TNDB, 11/12/1922; − đều là bài lai cảo của Khánh Giư).
Những năm sau, Phan Khôi làm nên tên tuổi mình từ báo chí trong Nam, song một số tờ báo ở Hà Nội như Đông tây, Thực nghiệp… vẫn xem ông là một đồng nghiệp quen thuộc. Không ít bài báo của ông, tin tức về hoạt động báo chí của ông, nhất là trong những cuộc thảo luận, tranh luận ở báo chí Sài Gòn, thường được hai tờ này và một số tờ báo khác ở Hà Nội đăng lại.
Năm 1933 này, khi Phan Khôi  ra Hà Nội, thì Đông tây đã bị đóng cửa, chủ nhiệm Hoàng Tích Chu của Đông tây và của Thời báo vừa mới qua đời. Thực nghiệp dân báo là tờ báo đầu tiên Phan Khôi tới thăm ngay khi vừa trở lại Hà Nội.
“Hồi 10 giờ sáng hôm qua ông Phan Khôi có tới thăm Dân Báo. Chắc ai cũng biết, một bực danh sĩ trong học giới Việt Nam, ông Phan đã từng giúp việc biên tập cho nhiều tờ báo Nam Kỳ như Thần chung, Phụ nữ tân văn Trung lập báo. Sau khi tạm biệt báo giới Sài Gòn, ông Phan về nghỉ tại Quảng Nam và hôm mới đây đã ra ngoài Bắc. Cho được cạn mọi nỗi hàn huyên, hồi 6 giờ tối hôm qua, ông Phan lại cùng Dân Báo đồng nhân họp mặt. Câu chuyện nồng nàn đã thắt thêm sợi giây liên lạc trong cái gia đình lớn là làng viết văn Nam Bắc. Hiện nay ông vẫn ở nhà ông Lê Dư, số 121 Hàng Bông. Sáu năm xa cách, ngày nay lại tới Hà Thành, cảnh cũ người xưa, tình tứ không thể một ngày mà dứt. Vì vậy ông Phan còn ở ngoài này ít lâu.”(Ông Phan Khôi với Dân Báo // Thực nghiệp dân báo, 20/4/1933)
Đến năm 1933 này, Thực nghiệp đã bước sang năm thứ 14; ở tên đề (manchette) sau 2 từ Thực nghiệp in bằng chữ rất nhỏ, thường chỉ còn 2 từ Dân báo được in chữ cỡ lớn; trong giao tiếp thì các cây bút của tòa soạn cũng thường gọi báo mình là Dân báo. Cuối tháng 3/1933 dường như trong tòa soạn có sự thay đổi mà biểu lộ ra ngoài là việc báo đánh lại từ số 1 vào ngày 22&23 Mars 1933, cùng với lời kính cáo cùng bạn đọc rằng “Báo tuy già nhưng kẻ biên tập là một bọn thanh niên có nghị lực”. Không thật rõ những người biên tập trong tòa soạn lúc này gồm những ai. Chỉ thấy rõ một số tên tuổi mới góp mặt trên báo những năm này: Ngô Tất Tố với nhiều loại bài, từ những bài chính luận ký họ tên thật hoặc ký tắt N.T.T., đến mục hài đàm Nói giữa trời ký Phó Chi; Dật Lang (Nguyễn Triệu Luật) với mục truyện dịch đăng đều kỳ (feuilleton), Nguyễn Công Hoan với các truyện ngắn về sự suy đồi phong hóa đăng trong mục Cảnh đời, Tiêu Viên (Nguyễn Đức Bính) với các bài về chính trị xã hội hoặc văn chương; Nhượng Tống với các bài về quốc văn, về dịch thuật; Nhất Lang (Nguyễn Tuân) bắt đầu góp một vài bài phỏng vấn; Hoài Thanh từ xa cũng góp một vài bài ngắn.
Phan Khôi trong năm 1933 này xuất hiện bằng họ tên thật trên Thực nghiệp chỉ 2 lần, đó là khi ông thanh minh về một bài cũ của ông mà tờ Văn học tạp chí đăng lại, không hỏi ý kiến tác giả; trường hợp thứ hai là ông ký họ tên thật dưới bài phê bình bản dịch Trung dung của Hà Tư Vị và Nguyễn Văn Đang. Còn lại, ông xuất hiện dưới bút danh Bướng Nhân trong một mục riêng, là Bướng Nhân nhật ký, bài đầu đăng 25/5/1933; tính đến 4/7/1933, mục này đã 17 kỳ đến với người đọc. Rất có thể, sự tọc mạch của ông chủ Ngọ báo và sự đáp trả của Ngô Tất Tố về chuyện này (Phó Chi: Chuyện giữa trời: Ai xui thế, ông Bùi Xuân Học // TNDB. 23/8/1933), đã khiến Phan Khôi bỏ tên mục cũ, tạo tên mục mới “Chuyện Dóc Tổ” với bút danh Dóc Công, song mục này cũng chỉ ra mắt được vài kỳ (25/8/1933 và  26/8/1933). Sau đó, Phan Khôi chuyển sang làm cho tờ Phụ nữ thời đàm, thôi hẳn việc cộng tác với Thực nghiệp dân báo.
Thời điểm đó cũng đã cận kề “hơi thở cuối” của Thực nghiệp dân báo, với tư cách báo hàng ngày, tính đến ngày 24/9/1933 (số 150). Từ số 151, báo cho biết sẽ “tạm xuất bản mỗi tháng 1 kỳ” với 12 trang khổ nhỏ (A4), song đây thực tế chỉ là dạng thức “cái chết chậm” của tờ báo này, bởi từ đó nó chỉ ra thêm được 6 số − thực chất là 4 kỳ báo − tuy kéo dài trên dưới 1 năm: số 1 (Janvier & Fevrier 1934), số 2&3&4 (Mars & Avril 1934), số 5 (Mai & Décembre 1934), số 6 (Janvier & Juin 1935).
3/ Phụ nữ thời đàm (1930-34; 1938) là tờ báo tư nhân của ông bà Nguyễn Văn Đa, ở 11-13 phố Sông Tô Lịch (nay là Hàng Lược), Hà Nội, ban đầu hoạt động như một tờ nhật báo. Số 1 ra ngày 8/12/1930. Tờ báo này xuất hiện gần như đúng dịp tờ Phụ nữ tân văn trong Nam phải đóng cửa vì bị rút giấy phép, và xu hướng ban đầu của tờ báo phụ nữ ngoài Bắc này cũng đi ngược cái xu hướng mà tờ Phụ nữ tân văn trong Nam cổ động, ít ra là trên vấn đề phụ nữ. Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo ở báo Trung lập, Sài Gòn đã từng lưu ý độc giả cái thái độ của một bài xã thuyết trên Phụ nữ thời đàm hồi ấy “công nhiên nhận cho cái chế độ trọng nam khinh nữ là phải, nhận cho các bậc gia trưởng đời xưa không cho con gái học là phải”, và ông tỏ ý mỉa mai: “Phụ nữ ngoài ấy đã có người như cô Giang cô Bắc muốn vượt qua các phạm vi trách cá nồi cơm, thì phải có người như là cụ cử Ngô Thúc Địch ra tay mà kéo họ lại ít nhiều”.(3) Cử nhân nho học Ngô Thúc Địch chính là chủ bút thời đầu của Phụ nữ thời đàm.
 Đến năm 1933 này, Phụ nữ thời đàm cũng đang lâm cảnh ngắc ngoải. Chủ nhân Nguyễn Văn Đa đã mời Phan Khôi và Tế Xuyên về chủ trì tòa soạn; tờ báo ra ”tập mới”, chuyển từ thể tài nhật báo sang thể tài tuần báo. Báo đổi từ khổ lớn về khổ nhỏ (khổ A4) và được trình bày gần giống hình thức tờ Phụ nữ tân văn trong Nam, nơi Phan Khôi từng cộng tác trong suốt nhiều năm.
Từ Sài Gòn, Phụ nữ tân văn hoan hỉ loan tin:
“Phụ nữ thời đàm số 1 (tục bản) đã ra hôm ngày chúa nhựt 17 Septembre. Lần nầy có ông Phan Khôi làm chủ bút, bạn đồng nghiệp Bắc Hà đóng theo thể tạp chí, 28 trương, có nhiều bài hay, hình đẹp, chữ in tốt, giá mỗi số 0$10. Tòa báo ở số 72 phố Hàng Bồ, Hà Nội”  (Phụ nữ tân văn, S.G., 28/9/1933, tr. 10)
Dưới dạng thức tuần báo, với vai trò chủ trì việc biên tập của Phan Khôi, Phụ nữ thời đàm lập tức có diện mạo khác và mau chóng gây được phản xạ mạnh trong dư luận. Nhưng dạng thức tuần báo cũng chỉ giúp Phụ nữ thời đàm tồn tại thêm 26 tuần lễ (từ 17/9/1933 đến 5/6/1934).
Sau này, đến năm 1938, Phụ nữ thời đàm được tục bản, tòa soạn ở 59 phố Hà Trung, với chủ bút là Thái Văn Tam, hầu như trở thành công cụ của một nhóm theo Đệ Tam Quốc tế chống lại các nhóm Đệ Tứ Quốc tế; tờ này chỉ tồn tại được trong gần 4 tháng (25/8/1938 – 12/1938).
Với tờ Phụ nữ thời đàm ở dạng tuần báo, Phan Khôi góp mặt trong 22 tuần đầu với lượng bài vở dày đặc, mỗi số ông góp tới 3-4 bài: bài xã thuyết ký Phan Khôi hoặc ký tên tòa soạn; thơ (thơ trữ tình hoặc thơ vui, được gọi là “vận hài”) ký Tú Xơn; các mục dật sự, tạp trở (ví dụ Chuyện cũ nước nhà, Dưới mắt chúng tôi) ký C.D. hoặc D. hoặc P. hoặc K.; đặc biệt là mục “Tiểu phê bình” được ông đưa ra như một nét mới trong thể tài viết báo của mình, dưới bút danh Hồng Ngâm.
Khoảng 10 năm sau, nhà báo Phạm Mạnh Phan của tạp chí Tri tân nhớ lại: “Ở Hà Nội năm 1933 tờ Phụ nữ thời đàm đổi khuôn khổ, chuyên về bạn gái, nhưng tòa soạn lại ở trong tay Phan Khôi và Tế Xuyên. Mục “Tiểu phê bình” vẫn do họ Phan viết ẩn nấp dưới cái biệt hiệu ỡm ờ: Hồng Ngâm. Cô Thu Cúc chỉ chuyên nói chuyện bếp nước với thêu thùa mà hằng tuần thủ thỉ bên song cùng bạn gái”. (4)
 Một số nhà nghiên cứu văn học sử thường nhắc đến tờ Phụ nữ thời đàm thời kỳ này với việc nó đã từng là một trong những diễn đàn triển khai cuộc thảo luận về “duy tâm hay duy vật”; song ở khía cạnh này lại nên nhớ một điều: chính Phan Khôi, người khi đó đang chủ trì tòa soạn Phụ nữ thời đàm, đã cho đăng trên tờ này bài của Hải Triều phê phán tư tưởng của chính ông, – Phan Khôi. Hành động này có lẽ xuất phát từ một quan niệm lành mạnh về bút chiến mà Phan Khôi đã từng nêu rõ từ năm 1929 trên báo Thần chung.(5) Nhưng việc cho đăng bài có kiến giải trái hẳn với mình ấy, đối với Phan Khôi, lại không hề có nghĩa là từ bỏ niềm tin của mình để suy tôn kiến giải khác lạ kia. Đấy là một phẩm cách trí thức ở Phan Khôi mà không phải tác gia nào cũng dễ có được.
Tuy nhiên để nói chung về hoạt động của tờ tuần báo Phụ nữ thời đàm này, − mà Phan Khôi là cây bút chính định hình diện mạo mới của nó, − thì điều cần ghi nhận là, với sự tham gia của ông, tờ báo này đã từ bỏ thái độ bảo thủ nệ cổ để tiếp cận cách nêu vấn đề phụ nữ trước dư luận theo tinh thần cập nhật các phương diện của đời sống thời hiện đại; từ đây cũng có thể nói, với Phụ nữ thời đàm, Phan Khôi đã đưa ”vấn đề phụ nữ” – mà ông đã nêu lên một cách rất có ấn tượng từ báo chí miền Nam – ra miền Bắc, nơi vẫn được xem là dinh lũy của những quan niệm và lối sống thủ cựu, nơi mà phần đông dân cư vẫn đang sống trong niềm tin vào các giá trị và chuẩn mực của xã hội gia trưởng nam quyền. Tiếc rằng thời gian hoạt động của ông với tờ báo này lại quá ngắn ngủi.
4/ Phụ nữ tân văn (1929-34) hoạt động đều đặn trong 2 năm 1933 và 1934. Tính đến 2/5/1933, tờ báo này bước sang năm thứ năm, lại vừa thắng  kiện các đồng nghiệp (Trung lập, Sài thành), tức là được minh oan trước dư luận xung quanh sự kiện Hội chợ Phụ nữ 1932. Trong số những cây bút từng gắn bó lâu dài với báo này, Bùi Thế Mỹ, Thiếu Sơn vẫn góp mặt đều đều, Đào Trinh Nhất, sau khi thoát khỏi nghi án tống tiền, dường như không quay về Đuốc nhà Nam, nên có điều kiện xuất hiện nhiều hơn trên các trang Phụ nữ tân văn, dưới nhiều bút danh (Quán Chi, Phạm Vân Anh, V. A., v.v…). Bên cạnh đó là một lớp tác giả mới, trước hết là Cao Văn Chánh (em trai bà chủ nhân P.N.T.V.) vừa du học Pháp trở về, tham gia biên tập P.N.T.V. ít lâu trước khi mở riêng tờ báo chữ Pháp Monde. Thành phần biên tập hoặc cộng tác viên mới mà tòa soạn lưu ý phát triển từ đây là các nữ tác giả, nữ ký giả. Nổi bật trong số này là Nguyễn Thị Kiêm (Kim), một trong những nhà thơ mới vào loại sớm nhất, với bút danh Manh Manh, cũng là ký giả với nhiều bút danh như Nguyễn Văn Mym, L. T., M. M., v. v… 
Phụ nữ tân văn trong năm 1933 là tờ báo đầu tiên đăng các bài thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, và nhiều tác giả khác, là tờ báo đầu tiên mở mục Lối thơ mới để đăng tải với dụng ý nhấn mạnh trước độc giả về các sáng tác thơ mới, có sự giới thiệu, dẫn giải của một ký giả nào đó (Anna, Thạch Lan, T. L., v.v…). Chính Nguyễn Thị Kiêm, cây bút nổi bật của tờ báo này, đã là người đầu tiên diễn thuyết về lối thơ mới tại hội Khuyến học Sài Gòn và liền đó Phụ nữ tân văn đã mở cuộc bút chiến bảo vệ tính chính đáng của việc đổi mới thơ tiếng Việt.
 Về phong trào thơ mới, người ta biết rằng chỉ khi nó lan rộng ra cả nước, dành được sự hưởng ứng rộng rãi của một thế hệ người làm thơ trẻ là học trò các trường Pháp-Việt, và từ phong trào đã sản sinh ra những tác phẩm xuất sắc, thì  khi ấy “thơ mới” mới được khẳng định như một thành quả phát triển của thơ ca và văn học tiếng Việt. Những cây bút thơ mới xuất hiện đầu tiên trên tuần báo P.N.T.V. sẽ không có vị trí thật đáng kể trong thành tựu của phong trào, nhưng vai trò khởi đầu của họ và tuần báo này là một vinh dự cần được ghi nhận. Không cần chờ gần mười năm sau với sự tổng kết của Hoài Thanh, ngay từ năm 1933, chính trên tuần báo này, ta đã có thể đọc thấy những khẳng định đủ sức nặng về thực chất phong trào thơ mới:
“Vấn đề thơ mới, xét cho tới nơi rồi, là vấn đề sự quan hệ của hình thứcnội dung. Cái khuôn khổ thơ (luật bình trắc, vần) là hình thức; cái tình tứ của thơ là nội dung. [...] Mặc dầu ai không đồng ý về ngày sanh của thơ mới ở xứ ta, về cái tên đặt của nó (từ khúc, thơ mới, lối thơ mới), ta chỉ nên chủ ý ở sự cốt yếu nầy: cái ruột đã đập vỡ cái vỏ rồi. Nói trắng ra, cái tinh thần của thi sĩ An Nam (hạng tân học) không thể chịu nghẹt ở trong khuôn khổ Đường luật nữa: nhơn đó mà sanh ra cái vấn đề thơ mới, rút lại là vấn đề khuôn khổ. Đừng có ai bảo rằng nên đổi là đổi cái tinh thần, cần chi thay cái hình thức! Vì tinh thần tức là cái nội dung (le contenu) phải tùy cái đồ chứa (le contenant) là cái hình thức. [...] Tóm lại, cần phải đập vỡ khuôn khổ cũ mà làm lại cả. Rồi đây người có thi tài sẽ nhờ đó mà tả diễn sự sinh hoạt cùng lẽ phân tranh trong thời đại ngày nay”. [6]
Hầu như suốt năm 1933 không thấy Phan Khôi có bài đăng tuần báo này; không rõ có phải đây là hậu quả những xung khắc giữa ông với gia đình chủ báo này do những dư âm Hội chợ Phụ nữ 1932,  hay đơn giản chỉ là vì đầu năm 1933 ông đã về Quảng Nam rồi ra Hà Nội và bận bịu với công việc làm báo ngoài Bắc.
Giữa năm 1934, tại tòa soạn Phụ nữ tân văn dường như  có một kế hoạch thay đổi tờ báo, rõ nhất là việc Hồ Văn Hảo (một cây bút làm thơ nổi lên ở phía Nam thời đầu phong trào thơ mới) tham gia công việc biên tập và quản trị tòa soạn. Nhưng tờ tuần báo này đã tạm ngừng từ 20/12/1934 (số 271); bốn tháng sau, báo ra thêm 2 số nữa: số 272 (11/4/1935) và số 273 (21/4/1935), rồi ngừng hẳn.
Chính trong thời gian cuối cùng này của tờ tuần báo, Phan Khôi đã trở lại gửi đăng Phụ nữ tân văn những bài nghị luận rất đáng kể: Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến (s. 268, ngày 29/11/1934), Câu chuyện lấy vợ đầm (s. 269, ngày 6/12/1934), Thánh hiền ta đời xưa chưa hề có tư tưởng dân chủ (s. 270, 13/12/1934), Ý kiến tôi đối với sự bỏ kiểm duyệt báo quốc ngữ (s. 271, ngày 20/12/1934).
5/ Công luận (1916-1939) là tờ nhật báo tồn tại trên ba chục năm ở Sài Gòn, đổi thay khá nhiều chủ, nhiều bộ biên tập. Ban đầu nó là ấn bản chữ Việt của nhật báo chữ Pháp L’ Opinion, tên Việt đầy đủ là Công luận báo, ra số đầu vào ngày 28/9/1916. Khoảng năm 1932, chủ nhiệm Công luận báo là Jules Haag bán lại tờ này cho Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá. Cuối năm 1933 đầu 1934, tòa soạn Công luận được tổ chức lại, Diệp Văn Kỳ vẫn là Tổng lý (chủ nhiệm), nhưng chủ bút mới là Bùi Thế Mỹ, trong tòa soạn có các trợ bút Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Thương, Nguyễn Thị Kiêm, Phương Lan; ba nhà văn được mời làm biên tập ở ngoài tòa soạn là Phan Khôi, Võ Liêm Sơn và Tùng Lâm Lê Cương Phụng. [7]  Rồi từ đầu tháng 3/1934, vai trò Tổng lý được chuyển sang Trần Thiện Quý. Nhưng chủ nhân và thành phần tòa soạn tờ báo sẽ còn tiếp tục thay đổi, cho đến khi báo này ra số cuối cùng, số 9021 vào 30/9/1939.
Phan Khôi viết cho Công luận khá ít. Đầu năm 1931 ông góp hai bài cho số Tết Công luận, khi đó Nguyễn Văn Bá là Tổng lý (chủ nhiệm) nhưng vẫn chỉ là người làm thuê cho ông chủ thực sự là Jules Haag. Đầu năm 1932, khi Võ Khắc Thiệu làm chủ bút Công luận, thì Phan Khôi và tờ Trung lập trở thành đối tượng công kích thường xuyên của cây bút này. Thái độ của Công luận đối với Phan Khôi chỉ trở nên hòa dịu khi Võ Khắc Thiệu rời tòa soạn Công luận. Từ tháng 5/1932, Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá mua lại tờ báo từ Jules Haag và tổ chức lại tòa soạn. Tuy vậy, Phan Khôi hầu như không viết bài cho Công luận, có lẽ vì công việc viết cho Trung lập Phụ nữ tân văn đã ngốn hết thời gian làm việc của ông.
Có thể chính việc Bùi Thế Mỹ đến làm chủ bút Công luận từ đầu năm 1934 là lý do để Phan Khôi từ Hà Nội gửi một số bài đăng báo này. Kể cả những bài ký họ tên thật lẫn những bài ký các bút danh (ví dụ ký C.D., hoặc Tha Sơn) cũng chỉ chừng vài ba bài. Cũng nên lưu ý là,  Công luận cho đăng không ít bài tranh luận với một số bài của Phan Khôi trên Phụ nữ thời đàm, nhưng không thấy Phan Khôi đáp lại các ý kiến ấy trên tờ Công luận. Đáng kể nhất trong số bài Phan Khôi gửi đăng Công luận chính là bài Cái kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết, đưa ra phán đoán lấy năm 1933 làm mốc chuyển biến chất lượng hai thể tài tiểu thuyết và thơ trong tiến trình văn học hiện đại tiếng Việt.  
***
Trở lên là sự dẫn giải về những tờ báo mà Phan Khôi có bài đăng, trong hai năm 1933-34, theo kết quả tìm hiểu của tôi tính đến khi đặt bút viết những dòng này.
 Các sưu tập báo chí mà tôi đã khai thác tư liệu dùng cho sách này là:
– sưu tập các báo Trung lập, Thực nghiệp dân báo, Công luận tại Thư viện quốc gia Việt Nam ở Hà Nội;
– bản chụp vi phim (microfilm) báo Phụ nữ tân văn và báo Phụ nữ thời đàm Thư viện đại học Berkeley, California, Hoa Kỳ; đây là bản chụp vi phim các sách báo từng được nộp lưu chiểu ở Đông Dương rồi gửi về lưu giữ ở Thư viện quốc gia Pháp, do ACRPP (Association pour la conservation et la reproduction photographique de là presse / Hiệp hội bảo quản và tái chế ảnh báo chí) ở số 4 rue de Louvoir, Paris (Pháp) chụp, in tráng và phát hành.
Trong việc sắp xếp bài vở ở sưu tập này, người biên soạn chủ yếu xếp theo thứ tự thời gian.
Ngoài các bài đã biết rõ là của tác giả Phan Khôi, còn một số bài tồn nghi, người sưu tầm xếp vào Phụ lục 1. Những bài của các tác giả khác đối đáp với Phan Khôi hoặc nói những điều có liên quan đến ông, người sưu tầm xếp vào Phụ lục 2.
Đây là sưu tập những bài đăng báo; người sưu tầm thấy cần tôn trọng dạng đăng báo của mỗi văn bản. Những chữ ngờ là in sai, tôi sửa lại và có ghi chú dạng gốc (= dạng đăng báo); những từ khó hiểu đối với người thời nay, tôi cũng tìm tài liệu để tra cứu và chú thích; tuy vậy phần chú thích này chỉ giới hạn ở những trường hợp thật cần thiết chứ không thể làm thật nhiều như đối với văn bản dành cho công chúng phổ thông, vì như vậy khối lượng từ ngữ cần chú thích sẽ quá lớn.
Các chú thích ghi số là của bản gốc (nguyên chú).
Các chú thích ghi số có hoa thị (1*)  là của người biên soạn.
                                                                        4/7/2009
                                                                                     L.N.Â
TIỂU DẪN
VỀ
SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAN KHÔI
ĐĂNG BÁO TRONG NĂM 1935
Hoạt động báo chí của Phan Khôi trong năm 1935 hầu như tập trung trên tờ Tràng An  báo ở Huế; đây là tờ báo thứ hai Phan Khôi điều hành với tư cách chủ bút. Nếu với tờ Phụ nữ thời đàm từ 2 năm trước (1933-34), sự điều hành của ông ở vai trò chủ bút dù sao cũng giới hạn ở tính chất của một tuần báo văn hóa xã hội, thì với tờ Tràng An báo, một nhật báo (dù chỉ ra 2 kỳ mỗi tuần) có nội dung tổng hợp mà trước hết là các vấn đề thời sự chính trị xã hội, vai trò chủ bút là một trọng trách mà Phan Khôi trải nghiệm lần đầu tiên trong đời làm báo của mình.
Chủ nhiệm báo Tràng An báo là Bùi Huy Tín (1875- ?), một điền chủ (có nhiều đồn điền ở Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh), một doanh gia (là chủ một số khu mỏ, chủ thầu một số đoạn đường sắt ở Việt Nam, chủ một số nhà in, tòa báo), một nhà hoạt động xã hội (ủy viên Phòng thương mại Hà Nội, Hội đồng thành phố Hà Nội, Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ, Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương, Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung Kỳ, …).
Chưa rõ Phan Khôi quen biết doanh gia họ Bùi từ khi nào, chỉ biết rằng Bùi Huy Tín đã thay Mai Du Lân làm giám đốc Thực nghiệp dân báo (ở Hà Nội) cho đến khi tờ này đình bản (1933); còn Phan Khôi thì cộng tác với Thực nghiệp dân báo từ 1921, và tuy viết không nhiều và không liên tục cho tờ này, nhưng đây lại là một trong vài ba tờ báo ngoài Bắc mà ông gắn bó; năm 1933 từ Sài Gòn ra Hà Nội, Phan Khôi đã viết cho Thực nghiệp dân báo một thời gian rồi mới nhận lời đi làm chủ bút Phụ nữ thời đàm.
Đầu năm 1935, Bùi Huy Tín vào Huế, ‒ khi đó vẫn đang là kinh đô của nền quân chủ Việt Nam, chịu sự bảo hộ của Pháp ‒ xin phép ra cùng lúc hai tờ báo, một tờ nhật báo chữ Việt: Tràng An báo, một tờ tuần báo chữ Pháp: La Gazette de Hué; cả hai tờ cùng ra mắt ngày 1/3/1935 và cùng tồn tại đến 1945.
(Đây là kiểu kinh doanh báo chí tiêu biểu cho thời thực dân ở Đông Dương mà doanh gia Bùi Huy Tín đã làm, theo mô thức mà các doanh gia về báo chí từ Âu châu đến xứ thuộc địa này từng làm, chẳng hạn, ở Sài Gòn từ những năm 1920, với các cặp tờ báo L’ Opinion Công luận báo, Impartial Trung lập báo, v.v…  Tất nhiên mỗi tờ trong các cặp song đôi ấy rồi sẽ có những số phận riêng, những kết cục riêng ; nhưng rõ ràng cách làm báo ấy nhắm đến hai đối tượng người đọc đang có mặt tại chỗ trong một môi trường song ngữ Pháp-Việt : công chúng biết tiếng Việt và công chúng biết tiếng Pháp. Chính do chỗ nằm trong “cặp đôi” như vậy nên một số bài vở sẽ được dùng trên cả hai ấn phẩm, chẳng hạn, những bài điểm sách, điểm tin văn nghệ của Hoài Thanh: bản tiếng Việt được đăng trên Tràng An báo thì sau đó bản tiếng Pháp cũng sẽ đăng trên La Gazette de Hué).
Bùi Huy Tín là người đầu tư kinh doanh, là ông chủ, nên đương nhiên ông giữ chức chủ nhiệm; vai trò chủ bút, tức là người tổ chức bài vở, tạo ra tiếng nói của tờ báo trước xã hội, ông Tín chọn Phan Khôi.
Nhân đây nhắc lại hoạt động của Phan Khôi từ ít năm trước cho đến suốt thời gian làm báo ở Huế.
Đầu năm 1933, Phan Khôi từ Sài Gòn về quê Quảng Nam rồi khoảng cuối tháng 4/1933 ra Hà Nội, tại đây vào cuối tháng 5/1933 ông lại viết cho Thực nghiệp dân báo.
Giữa tháng 9/1933, Phan Khôi nhận lời với chủ nhân tờ Phụ nữ thời đàm, cải biến tờ này từ nhật báo sang tuần báo và giữ vai trò chủ bút liên tục 22 số báo, từ 17/9/1933 đến 11/2/1934  (chủ bút mới là Nguyễn Triệu Luật sẽ duy trì tờ báo thêm được 4 tuần nữa, đến 5/6/1934) ; sau đó ông rời tòa soạn. Cuối năm 1934 mới thấy ông có một loạt bài liên tục đăng trên những số cuối cùng của tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, trước khi tờ này bị đình chỉ hoạt động. Theo nguồn tài liệu của gia đình thì từ sau khi thôi chủ bút Phụ nữ thời đàm, Phan Khôi vẫn ở Hà Nội : ông cưới người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Huệ, sống với bà tại Hà Nội, sau đó đưa bà về Huế.
Khoảng giữa tháng 2/1935, Phan Khôi đến Huế, nhận lời làm chủ bút Tràng An báo, tòa soạn đặt tại 43 đường Paul Bert, Huế. Ngày 1/3/1935, Tràng An báo ra mắt độc giả, trở thành tờ nhật báo thứ hai xuất bản tại Huế, sau tờ Tiếng dân (10/8/1927 – 24/4/1943) của Huỳnh Thúc Kháng, và trước khi tại Huế có thêm nhật báo Ánh sáng (26/3/1935 – 26/10/1935) của Nguyễn Quốc Túy.
Phan Khôi làm chủ bút Tràng An báo liên tục từ số 1 (1/3/1935) đến số 94 (31/1/1936). Sau khi ông thôi việc chủ bút Tràng An báo, dư luận một số tờ báo ngoài Bắc cho rằng lý do là vì ông đã viết những bài động chạm đến nhiều người tai mắt ở Huế nên buộc phải thôi việc. Chủ nhiệm Bùi Huy Tín của Tràng An báo phủ nhận điều đó và cho biết Phan Khôi thôi việc ở Tràng An báo là do một lẽ chỉ riêng Phan Khôi và Bùi Huy Tín biết và không cần nói rõ với ai !
Sau khi thôi chủ bút Tràng An báo, Phan Khôi vẫn ở lại Huế. Ông dạy học tại trường tư thục Hồ Đắc Hàm, cộng tác viết bài cho Hà Nội báo của chủ bút Lê Tràng Kiều ở Hà Nội.
Tháng 8/1936, ông xin được giấy phép ra tờ Sông Hương, một tờ tuần báo thiên về ngữ văn học, sử học ; đây là tờ báo duy nhất trong đời mình, Phan Khôi là người sáng lập, là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Ông duy trì tờ báo qua 32 kỳ (từ 1/8/1936 đến 27/3/1937), sau đó tạm ngừng. Trước khi rời Huế về Quảng Nam rồi vào Sài Gòn, ông bán lại giấy phép tờ báo cho nhóm cộng sản Phan Đăng Lưu; kể từ đó, tuy vẫn mang tên Sông Hương và ghi rõ “sáng lập: Phan Khôi”, báo được tục bản và hoạt động trong 14 kỳ nữa (19.6.1937 – 14.10.1937), nhưng đây thực sự là một tờ báo khác mà Phan Khôi không can dự; vai trò “sáng lập” của Phan Khôi – như được in ở manchette tờ báo tục bản – chỉ là để “giữ thế hợp pháp” cho hoạt động ngôn luận công khai của một tổ chức cộng sản bí mật. Giai đoạn thứ hai này của tuần báo Sông Hương được giới nghiên cứu truyền thống báo chí của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định như một tờ báo cách mạng, có đóng góp lớn vào thắng lợi của Mặt trận dân chủ (tổ chức quần chúng của ĐCS Đông Dương) trong cuộc bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937 (xem: Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam, 1925-1945, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1984, tr. 164, 338).
Trở lại công việc của Phan Khôi trong vai trò chủ bút Tràng An báo năm 1935.
Có thể nói, giữa đất Huế những năm 1930s, nơi vẫn đang là dinh lũy của thế lực quân chủ chuyên chế Việt Nam – tuy đã sa sút ốm yếu sau nửa thế kỷ bị lệ thuộc và kiềm chế dưới ách thực dân phương Tây, nhưng vẫn còn ít nhiều sức lực và ít nhiều chỗ dựa trong một phần dân chúng, nhất là giới nho sĩ làng xã vốn chưa tách bạch được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước khỏi mối cảm tình ‟trung quân” với thể chế vua quan đương thời – việc tạo ra một tiếng nói độc lập về chính kiến như công việc mà trên thực tế Phan Khôi đã làm với tờ Tràng An báo năm 1935, là một sự dấn thân rất đáng kể trong đời làm báo của ông.
Có một điều có thể ít nhiều khích lệ về phương diện này, đó là một số chuyển biến ở triều đình Huế thời gian ấy : vua Bảo Đại sau 10 năm học tại Pháp (1922-32), trở về nước, chính thức chấp chính (đạo Dụ số 1, ngày 19/9/1932), ban hành một số cải cách, cải tổ nội các, đưa một số người trong giới học giả và hành chính lên làm thượng thư (Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn), lập viện Dân biểu, v.v…; tình hình ấy khiến trong giới sĩ phu cũng nổi lên luồng dư luận hướng đến một thể chế quân chủ lập hiến, lại cũng muốn chính phủ Pháp trở lại điều ước 1884, trao lại quyền nội trị Bắc Kỳ và Trung Kỳ cho triều đình Huế.
Đây chính là dịp để cây bút viết báo của Phan Khôi đối thoại với nền chính trị quân chủ lệ thuộc ngoại bang này, kiểm định hiệu năng hoạt động của một số cơ quan, cơ chế trong bộ máy của nó. Việc một vài người từ giới làm báo như Phạm Quỳnh – mà Phan Khôi từng quen biết và là một trong những địa chỉ đối thoại trong không ít bài báo của ông những năm trước – bước vào giới chức cấp cao triều Nguyễn, có lẽ cũng thúc đẩy nhu cầu đối thoại ấy. Vả chăng, Phan Khôi vốn là nhà nho, là con cháu những cựu quan chức triều Nguyễn; bởi vậy chăng, cũng ít nhiều hy vọng, trong hạn một giai đoạn ngắn, vào những cải cách đang tiến hành; bởi vậy chăng, ngòi bút nhà báo của ông đôi khi cũng nêu một vài đề xuất mang tính bổ sung, chỉnh sửa hệ thống, cơ cấu (ví dụ rõ nhất là việc đề xuất về một cơ quan giám sát – xem bài Nam triều phải có thêm một cơ quan giám sát // Tràng An báo, 23/4/1935). Tất nhiên, hoạt động thường xuyên của báo Tràng An thời kỳ Phan Khôi làm chủ bút là vạch ra những sự lạc hậu, non kém, bất cập, thiểu năng của bộ máy triều Nguyễn, từ những cơ quan tại triều đến những cơ quan cấp tỉnh cấp huyện.
Bên cạnh những vấn đề thuộc “lỗi hệ thống” trong cơ chế một nền quân chủ già cỗi lại bị đặt dưới ách “bảo hộ” của ngoại bang, một phương diện khác nữa mà Phan Khôi và báo Tràng an thường tập trung nhấn mạnh là vấn đề phẩm chất của quan lại. Mỗi dịp có sự cố liên quan đến những quan chức nhất định, ví dụ việc cách chức và khai phục Ngô Đình Diệm, lễ tang Nguyễn Hữu Bài với những lời xưng tụng quá đáng, hay một viên quan tại triều quá tham lam nhũng nhiễu chỉ bị trừng phạt nhẹ bằng cách đưa đi “trấn thủ” tỉnh ngoài, v.v… – đều là dịp để Phan Khôi và các cộng sự của ông trên Tràng An báo lên tiếng tố giác và nhân đó nhắc lại những tâm niệm lý tưởng muôn thuở của giới quan trường xuất thân Nho giáo: “người bất học không đáng ở ngôi cao”, “sự hệ trọng nhất trong phong hóa là cái đức liêm sỉ”, v.v… Trong các loạt bài về các vụ việc kiện tụng, báo Tràng An thời Phan Khôi làm chủ bút luôn luôn vạch rõ những xử lý sai trái do những quan lại liên can được hối lộ hoặc câu kết nhau để moi tiền dân.    
Tờ báo rất chú trọng đến người dân, nhất là những trường hợp người dân là nạn nhân sự chà đạp, cướp bóc của hệ thống quan chức, nha lại. Những phóng sự đăng nhiều kỳ về vụ án điền thổ ở Phú Yên, về vụ xử ly hôn của vợ chồng Tham Ân ở Hội An, về vụ kiện bị lấn chiếm mặt nước của dân làng chài Thủy Tú ngay “bên chân đền vua” đương thời, tức thành Huế, v.v… – thường không chỉ giản đơn là những loạt bài báo mà thực sự là những vụ việc sát cánh hỗ trợ dân oan trong các cuộc khiếu kiện dài ngày của họ. Những trường hợp nạn nhân như “người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai”, người hành khách xe lửa bị nhà đoan bắt giam vì tình nghi buôn lậu thuốc phiện, hay ông cử họ Hồ bị viên tri phủ Quỳnh Lưu hành hung, v.v… – thường được Tràng An báo đề cập như những hồ sơ để ngỏ, lâu lâu lại bổ sung những tình tiết mới, cho thấy những khía cạnh xã hội phức tạp liên quan đến mỗi vụ việc, đồng thời cho thấy khả năng xử lý mỗi vụ việc trong những tương quan đương thời. Đó có thể xem như những mẫu mực về nghề làm nhật báo, vốn cần phải tiếp cận cái sự thực “đơn nhất” (unical), khác với cách tiếp cận sự thực bao quát, phiếm chỉ, theo kiểu các phóng sự văn học.
Trên đề tài thời sự thế giới, chủ bút Tràng An báo giao phần lớn bài vở cho Tiêu Diêu Tử và một vài cộng sự khác, chỉ đôi khi mới trực tiếp viết bài, nhưng tờ báo luôn luôn lưu ý độc giả những điểm nóng trong đời sống quốc tế đương thời, khi nước Đức của chính quyền Hitler, nước Ý của chính quyền Mussolini đang đẩy nhân loại đến bên bờ vực một cuộc đại chiến thế giới mới, nước Nhật công nghiệp hóa đang tìm kiếm đất thực dân ở Đông Á bằng chiến tranh.
Bên cạnh phần làm báo đích thực, tiếp cận sự thực đơn nhất kể trên, tòa soạn Tràng An của chủ bút Phan Khôi cũng khá dồi dào khả năng cho các bài mục kiểu tuần báo hay tạp chí, – loại “hàng khô”, không quá gắn với thời sự, có thể lấp những khoảng trống vài trăm hay chỉ vài ba chục chữ của các trang báo đang lên khuôn – ý nghĩa việc làm này thì chỉ những người điều hành tờ báo in nửa thủ công nửa cơ giới đương thời mới cảm nhận hết được. Tuy vậy, các loại bài mục trên Tràng An, dù do Phan Khôi viết dưới các bút danh khác nhau hay đặt ra cho những trợ bút khác nhau viết chuyên trách, đều có những điểm nhấn rõ rệt: khám phá con người và xã hội Việt thông qua một phiên bản đặc thù: “phiên bản Huế”.
Một sự kiện mà tờ Tràng An báo thời chủ bút Phan Khôi đã làm ở phương diện sử học là ra số đặc biệt nhân 50 năm sự kiện Kinh thành Huế thất thủ (23 tháng 5 năm Ất Dậu 1885), giao cho Hoài Thanh viết bài tường thuật các diễn biến chính của sự kiện xảy ra 50 năm trước, Tiêu Diêu Tử bổ sung một vài phỏng vấn, còn lại, Phan Khôi viết lời dẫn chung, trích dịch tập bút ký của thân phụ mình (Phan Trân), cùng với một loạt mẩu chuyện sưu tầm được trong dân gian về sự kiện 50 năm trước, – điều này cho thấy cách tiếp cận sử học khoáng đạt của Phan Khôi.
Nhân đây cũng cần nói đến việc Phan Khôi, trong vai trò chủ bút Tràng An báo, tập hợp quanh mình những cây bút cộng tác viên xa gần, điều mà ông không thể và cũng không cần làm khi chỉ giữ vai trò một trợ bút bên cạnh những trợ bút khác, lúc viết báo ở Sài Gòn trước đấy (1928-33). Có thể thấy, khi làm chủ bút tuần báo Phụ nữ thời đàm (17/9/1933 – 11/2/1934) ở Hà Nội, Phan Khôi đã bắt đầu tập hợp được một số cây bút, ví dụ Lưu Trọng Lư (một loạt truyện ngắn, tiểu luận và thơ Lưu Trọng Lư đăng ở tờ này khi Phan Khôi làm chủ bút). Nhưng phải đến thời gian làm chủ bút Tràng An, Phan Khôi mới tập hợp được một lực lượng viết đông đảo, và đây sẽ là cơ sở để ông tính tới nội dung học thuật cho tờ tuần báo Sông Hương do ông sáng lập từ nửa cuối năm 1936.
Số người viết bài cho Tràng An khá đông đảo, song bên cạnh những người cộng tác viết bài từ tỉnh xa, những người gửi bài vở tới tòa soạn theo lối lai cảo (giới làm báo đầu thế kỷ XXI có thể đã hơi quên từ “lai cảo” này: nó trỏ loại bài do các tác giả tự ý gửi tới, qua đường thư của bưu điện, không phải bài do tòa soạn đặt viết), thì tòa soạn bao giờ cũng cần phải có những phóng viên và biên tập viên thường trực. Chưa thật rõ thời gian Phan Khôi làm chủ bút, tại tòa soạn Tràng An có những nhà báo nào; tuy vậy, bằng vào sự quan sát bài vở đăng tải hàng ngày, có thể đoán chừng trong số những người ấy hẳn phải có Tiêu Diêu Tử (Nguyễn Đức Bính), Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên), Thạch Ngoan, Thiếu Lang, Diệu Vân, v.v…; bên cạnh đó là những người cộng tác khá thường xuyên như Nam Trân, Trần Thanh Mại, Thanh Tịnh, Phan Khoang, Nguyễn Hòa Phẩm, Bùi Ái, v.v…
Làm theo cách bố trí trang mục của các tờ nhật báo trong Nam, Tràng An của chủ bút Phan Khôi cũng đặt ra rất nhiều mục thường xuyên cho từng thể tài hoặc cho từng cây bút đảm nhiệm, chẳng hạn, mục “Tiếng oanh” cho đề tài phụ nữ, “Tiểu phóng sự” cho những bài ký dài (ví dụ Cái xã hội của người hành khất của Đoàn Văn Phương, Một giờ nói chuyện với cụ Ngáo của Bùi Ái, v.v…), hay những mục tạp trở, hài đàm mang những tên “Nhớ đâu nói đó”, “Có có không không”, “Chuyện rông”, “Văn nghệ tạp đàm”, …
Tràng An báo thời Phan Khôi làm chủ bút cũng từng góp vai trò là một trong những diễn đàn văn học và tư tưởng đương thời. Có những việc dễ thấy, ví dụ Tràng An là nơi đăng tải khá nhiều ý kiến của nhóm Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư trong cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Có những việc khó thấy, ví dụ việc Tràng An là nơi đăng tải chủ yếu và là nguồn cổ vũ sáng tác của một số nhà thơ mới xứ Huế, nhất là Nam Trân (1907-1967): không những Tràng An đăng tải hầu hết những bài thơ về sau sẽ được dựng thành tập Huế, đẹp và thơ (1939) của tác giả này, mà trên Tràng An ngay những số đầu đã in lời nhắc bạn đọc: “Sau này bản báo sẽ mở một cuộc thi lớn, trong đó có một đầu đề thi quan hệ về thơ Nam Trân. Vậy ai muốn dự cuộc thi ấy nên cắt bài thơ Nam Trân trong mỗi số mà giữ lại…” Mặc dù không mở được cuộc thi liên quan, nhưng đây vẫn là một sự quan tâm đặc cách hiếm hoi của tòa soạn, tức là của chủ bút Phan Khôi.
***
Trên đây là vài nhận xét sơ lược một số mặt về việc tổ chức và điều hành tờ nhật báo Tràng An của Phan Khôi trong vai trò chủ bút.
Tuy nhiên, việc chính của sưu tập này là xác định và tập hợp các bài viết của Phan Khôi trong năm 1935.
Cần nói rõ về cách xác định và tập hợp tác phẩm trong sưu tập này.
Đâu là những bài viết của Phan Khôi?
Trước hết là những bài ký tên ông và các bút danh của ông. Trên Tràng An năm 1935 (và một vài bài đăng đầu năm 1936 mà tôi đưa vào sưu tập này cho gọn) đó là các bài ký Phan Khôi, P.K., C.D., Tuệ Tinh, Sao Đuôi.
Thứ hai là những bài ký tên tòa soạn (Tràng An, T.A.) hoặc không ký tên tòa soạn nhưng tỏ rõ đây là bài của tòa soạn tờ báo. Sự xác định này là hợp lý trong thời gian Phan Khôi giữ vai trò chủ bút (từ số 1 đến số 94). Đây có thể là những bài xã thuyết về các nội dung chính trị xã hội, bình luận thời sự quốc tế, cũng có thể là những thông tin giao dịch của tòa soạn, các tin tức sách báo mới ra, sắp ra (đối với giới nghiên cứu lịch sử báo chí, xuất bản, đây là những tài liệu, những “dấu tích” rất cần thiết).
Một loạt bài khác, như lệ thường, tôi đưa vào tồn nghi (phụ lục 1) do những liên quan về đề tài của những loạt bài mà các kỳ đầu đã ký tên Phan Khôi, các kỳ sau thấy ký tên người viết khác, nhưng vẫn giữ giọng văn ở những kỳ trước, khiến người sưu tầm ngờ rằng chính Phan Khôi đã đổi bút danh trong những kỳ tiếp theo ấy.
Cũng gây sự nghi vấn tương tự là các bút danh M.G. hoặc G.M., M.V. trong các loạt bài về vụ kiện đất đai ở Phú Yên hay vụ ông cử Hồ ở Nghệ An bị hành hung, bút danh T.N. trong các bài về vụ ly hôn của vợ chồng Tham Ân hay về nghề mía đường Quảng Nam, Quảng Nghĩa…
Bên cạnh đó, bút danh V.T. ký dưới nhiều bài ký sự, bình thuật, dịch thuật khác nhau, thì có vẻ như là của một người khác – nếu quả người này ký một bút danh V.T. duy nhất trên Tràng An năm ấy, – chứ không phải Phan Khôi, mặc dù khẩu vị và những mối quan tâm của người viết này tỏ ra rất tâm đắc với ông chủ bút Tràng An thuở ấy.
Như đã làm trong các sưu tập trước, trong sưu tập này người biên soạn tôn trọng hành văn của tác giả Phan Khôi vốn ít nhiều nghiêng về phương ngữ tiếng Việt vùng Trung Kỳ, Nam Kỳ; tuy vậy, tôi có nhận xét là khi viết và biên tập bài vở để đăng trên Tràng An, tờ báo đặt tại Huế, Phan Khôi cả với tư cách chủ bút lẫn tư cách một trong số các tác giả, đã chú ý nhiều hơn đến sắc thái phương ngữ Bắc Kỳ, thường khi sử dụng cả 2 dạng phương ngữ ấy trong cùng một bài (chẳng hạn dùng cả 2 dạng chánh phủ/chính phủ).
Một số từ khó, hoặc từ Hán-Việt, tôi có tham khảo các từ điển hoặc các nhà nghiên cứu quen biết để chú thích, nhưng cũng chưa xử lý được hết mọi trường hợp.
Các chú thích ghi bằng chữ số Arab (1,2,3…) là của bản gốc.
Các chú thích ghi bằng chữ số Arab có hoa thị (1*) là của người biên soạn.
30.11.2012
L.N.Â.


(1) N. : Cùng quý độc giả // Trung lập, 2/3/1933. (N. là một trong số các bút danh Nguyễn An Ninh dùng khi viết cho Trung lập thời gian này).
(2) Sơ thảo lịch sử báo chí Hà Nội (1905-2000) // Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Gia Quý đồng chủ biên // Hà Nội, 2004: Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 56-58.
(3) Thông Reo: Đồng thời mà chẳng được gặp nhau // Trung lập, 19/12/1930. Xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930 // Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn, Hà Nội, 2006: Nxb. Hội Nhà Văn, tr. 830-831.
(4) Phạm Mạnh Phan (1943): Phụ nữ với báo chí // Tri tân, Hà Nội, s. 112 (16/9/1943), tr. 13 (797).
(5) Bài Bàn thêm về bút chiến đăng 4 kỳ báo Thần chung 1929. Xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929 // Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Đà Nẵng, 2005: Nxb. Đà Nẵng, tr. 676-688.
[6] Cuộc đời với ý tôi: Hình thức và nội dung // Phụ nữ tân văn, Saigon, s. 217 (21 Sept. 1933), tr. 3-4. Bài viết này có thể là của Cao Văn Chánh, –  thời gian này đang viết cho một số mục của P.N.T.V., trong đó có mục “Cuộc đời với ý tôi”.
[7] Bộ biên tập mới của Công Luận // Công luận, Sài Gòn, số Tết (14.2.1934), tr. 3.
Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn