Nam Trân

Nam Trân

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Học trò trong Quảng ra thi...


Học trò trong Quảng ra thi...
Câu ca dao theo suốt một thời tuổi trẻ của tôi, như một nhịp cầu gắn liền hai vùng đất: “Học trò trong Quảng ra thi / Thấy cô gái Huế chân đi không đành”, lại khẳng định một trong những tinh hoa của cả hai nơi, là truyền thống hiếu học và vẻ đẹp rạng ngời của đất và người chốn kinh kỳ, cái đẹp của thiên tính nữ và của cả người phụ nữ. Đó cũng là lẽ tất yếu của một thời đại lịch sử với nền giáo dục văn chương cử tử.
Kinh đô là trung tâm giáo dục. Thời nhà Nguyễn, thi Hương được tổ chức ở mỗi tỉnh, để chọn ra các cử nhân. Sau đó về kinh thi Hội là thi vòng loại để chọn người vào thi Đình. Thi Hội không cấp bằng (chỉ có người đỗ đầu kỳ thi Hội được phong tặng danh hiệu Hoàng giáp), nhưng vượt qua kỳ thi Hội mới được tham dự thi Đình, để chọn ra tiến sĩ theo ba cấp là đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, đệ tam cấp và phó bảng. Thời ấy, không chỉ có học trò xứ Quảng ra Huế học, mà hầu hết các vùng đất trong cả nước đều tập trung về Huế học. Và, cũng không chỉ có xứ Quảng mới có truyền thống hiếu học, mà còn có học trò xứ Nghệ (lúc đầu chung cho cả Nghệ An và Hà Tĩnh), rồi Kinh Bắc, Thăng Long,... nhưng xứ Quảng là vùng đất mới, đất nghèo khó, đất gió dông, thiên tai hạn hán, đất dữ dằn tai ương trên con đường mở cõi về phương Nam, các sĩ tử lại lặn lội ngược dòng về kinh đèn sách. Trong hàng trăm những danh nhân xứ Quảng xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX hầu hết đều là danh sĩ, đều là những người có học, những người mà sau bậc cử nhân đều phải về Huế học, thậm chí có người chỉ đỗ cử nhân ở quê cũng ra Huế làm quan. Đặc điểm nổi bật ở họ là, bằng con đường này hay con đường khác, cách này hay cách khác, trên cương vị xã hội nào, họ cũng đều là người yêu nước, là mẫu người lý tưởng của thời đại và nếu họ có may mắn được một người con gái Huế nào đó quan tâm để mắt đến thì cũng là lẽ thường tình.
Những ‘học trò trong Quảng ra thi” đỗ đạt một thời, ở lại Huế đảm nhiệm các chức quan như Nguyễn Văn Dục (1807-?), đỗ phó bảng làm quan đến chức Tế tửu Quốc tử giám, Lễ bộ Thị lang, Lễ bộ Hữu tham tri; Đỗ Thúc Tịnh (1818-1862), đỗ tiến sĩ từng làm chức Biện lý bộ Binh; Phạm Phú Thứ (1820-1883), đỗ tiến sĩ làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, Thương chính đại thần, Tham tri bộ Binh, hàm  Hiệp biện đại học sĩ; Hoàng Diệu (1828-1882), đỗ phó bảng từng làm Tri huyện Hương Trà, Tham tri bộ Hình, Tham tri bộ Lại, trông coi Đô sát viện; Nguyễn Thuật (1842-?), đỗ phó bảng, từng làm Thị lang nội các, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Binh, hàm Hiệp biện đại học sĩ; Trần Văn Dư (1842-1885), đỗ tiến sĩ, từng làm Thừa biện bộ Lại, Giảng tập Dục Đức đường, Chánh Mông đường (dạy học cho hai vua Dục Đức và Đồng Khánh); Phạm Như Xương (1844-?), đỗ hoàng giáp làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, sung vào Đô sát viện; Phạm Liệu (1872-1936), đỗ tiến sĩ, làm Thượng thư bộ Lại; Phan Quang (1892-?), đỗ tiến sĩ, làm Tham tri bộ Lại... Hoặc những người từng đỗ đạt cao, nhưng từ quan, rời bỏ kinh thành, đứng ra tổ chức hoặc tham gia các phong trào yêu nước, tên tuổi gắn liền với xứ Huế và lịch sử dân tộc như các phó bảng Lê Vĩnh Khanh (1819-1884), Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887), Phan Châu Trinh (1872-1926); các tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Trần Quý Cáp (1870-1908) và những người tuy “không sinh ra cùng năm cùng tháng, nhưng đã chết cùng năm cùng tháng cùng ngày” như Trần Cao Vân (1866-1916), Thái Phiên (1882-1916)... Trẻ hơn, những người mà sự nghiệp gắn liền với Huế như Trần Hoành (1880-1936), Phan Khôi (1887-1960), Nguyễn Nho Túy (1898-1977), Nam Trân (1907-1967) hoặc những người thuộc thế hệ Tây học đầu tiên từng học ở Huế và chính nơi đây đã góp phần tạo nên tư cách của một danh sĩ như Phan Khoang (1906-1971), Nam Trân (1907-1967), Khương Hữu Dụng (1907-2005), Phan Thanh (1908-1939), Thiên Giang (1911-1985), Phan Du (1915-1983), Phạm Hầu (1920-1944), Võ Quảng (1920-2000), Nguyễn Văn Xuân (1921-2007), Nguyễn Văn Bổng (1921-2001), Lê Đình Kỵ (1923-2010), Vũ Hạnh (sinh 1926), Nguyễn Q. Thắng (sinh 1940), Tần Hoài Dạ Vũ (sinh 1945)...Có người chỉ học ở Huế có mấy năm, nhưng chính “Thời gian học ở Huế, là một bước ngoặt quyết định cho sự nghiệp thơ ca của Khương Hữu Dụng” (Trần Mạnh thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin 2008, t.1, tr.808), nhưng cũng có người đỗ tú tài ở quê, ra Huế làm Tham tán tòa Khâm sứ, làm Tán lý bộ Lại, đã phát hiện ra Huế đẹp và thơ (1939) như Nam Trân.
Lần theo câu ca dao “học trò trong Quảng ra” lập nghiệp ở Huế thời ấy, đông không kể hết và không ít người đã làm nên danh phận đối với lịch sử đất nước và đã đóng góp không nhỏ cho xứ Huế, nhưng dấu vết của họ còn lại nơi đây thật quá ít ỏi. Người Quảng hiện diện trên đường phố Huế lâu nay chỉ có mỗi Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ, chủ nhiệm báo Tiếng dân Huỳnh Thúc Kháng. Đó là con đường dài 3000m, chạy dọc bờ sông Đông Ba, hình thành cùng với dòng sông đào này từ đầu thế kỷ XIX, lúc đầu mang tên đường Quai de Dong Ba (Bờ sông Đông Ba), năm 1956 đổi thành Huỳnh Thúc Kháng, năm 1996 cắt đoạn từ cầu Thanh Long đến Bao Vinh đặt tên Đào Duy Anh, đường Huỳnh Thúc Kháng chỉ còn dài 1267m. Gần đây, do sự phát triển của quá trình đô thị hóa, nhiều khu dân cư mới được hình thành, có thêm tên đường người thành lập An Nam Phật học hội, thành lập tổ chức Thanh niên Phật tử Việt Nam, phát minh ra sérum trong y học và là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới đầu tiên của Việt Nam Lê Đình Thám, chỉ dài khoảng 500m từ Điện Biên Phủ đến Thích Tịnh Khiết và đường mang tên người làm trị sự, phát hành cho báo Tiếng dân là Trần Hoành, dài không quá 350m nối từ Võ Liêm Sơn đến Cao Đình Độ. Ngoài bức tượng của bác sĩ Lê Đình Thám còn được đặt trang trọng trong khuôn viên chùa Từ Đàm, những nơi khác như tòa soạn báo Tiếng dân và trụ sở của công ty cổ phần Huỳnh Thúc Kháng từng được chuyển thành Cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng, sau 1975 trở thành khu tập thể của cán bộ trường Đại học Y Huế, nay đã xuống cấp nhếch nhác đến mức rách nát, bẩn thỉu, không được quan tâm đến. Khu nghĩa trang của Hội đồng châu Quảng Nam rộng mấy hecta ở đường Tam Thai cũng chịu chung số phận, bỏ mặc cho dân lấn chiếm làm nhà cửa, quán xá, có nguy cơ xóa sạch dấu vết. Khu nhà Lê Đình Thám từng ở trước đây, ở số 71-75 Phan Bội Châu, đã bị chia lô, hóa giá bán cho cán bộ Sở thương nghiệp, đã không còn dấu vết gì liên quan đến người chủ cũ. Phủ của Thượng thư Phạm Liệu, nơi nhà thơ Phạm Hầu từng ở thời thơ ấu ở số 128-134 Phan Bội Châu, cũng bị con cháu chia lô, bán đất, khu mộ của hai cha con nằm sau lưng chùa Vạn Phước cũng đìu hiu, không ai biết chẳng ai hay. Đáng buồn thay trên bia mộ của thi sĩ Phạm Hầu, một trong bốn mươi sáu tác giả được Hoài Thanh - Hoài Chân “bầu” vào Thi Nhân Việt Nam chỉ ghi có 56 chữ, đã có 18 lỗi chính tả! Nơi ở của Thượng thư Phạm Phú Thứ, thuở còn đi học là căn gác nhỏ ở một xóm lao động, theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, là ở ven bờ sông Hương, bây giờ là đường Trịnh Công Sơn, nơi ông sống hòa mình vào cuộc sống những người lao khổ và đã làm hằng trăm bài thơ về họ, ký bút danh là Giang Thụ Sào (cái tổ chim treo trên cây ven sông), nay tuyệt nhiên không thể tìm thấy dấu vết gì. Ngôi mộ đôi của hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân trên đồi Từ Hiếu, cũng chỉ mới được quan tâm trùng tu từ đầu những năm chín mươi, sau khi có kiến nghị của Hội đồng hương sinh viên Điện Bàn...
Văn hóa Mỹ là văn hóa thực dụng (nhưng thực dụng có gì là xấu), nên họ đã tìm ra khu nhà trọ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng ở vào những năm ba mươi và đã gắn vào đó tấm biển: “Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từng ở từ ngày... đến ngày...”. Và, ai đến ở căn phòng của một danh nhân đã từng ở, xin trả tiền gấp trăm lần phòng bên cạnh. Đó là bài học đối với ngành du lịch dịch vụ ở nước ta. Ta không nên cố gắng xây dựng các khách sạn nhiều sao để mong chiêu dụ khách nước ngoài, vì những thứ ấy, ở nước họ không thiếu. Tại sao không khôi phục lại những không gian văn hóa của các tiền nhân, các danh nhân, để họ đến ở và tự hào rằng đã được sống nơi một danh nhân từng sống? Du lịch từ trong sâu thẳm tâm hồn của chủ thể, là khách du lịch bao giờ cũng là cuộc rong chơi văn hóa. Từ văn hóa mới tạo ra kinh tế. Du lịch bán hàng theo kiểu tiểu nông của Trung Quốc một thời thịnh hành, đem lại nhiều thành tựu và đã tràn sang nước ta như hiện nay, không còn hấp dẫn và thu hút khách nước ngoài. Khôi phục lại không gian văn hóa quá khứ để kinh doanh, vừa thu lợi nhuận về kinh tế, vừa thể hiện ý nghĩa văn hóa, lại vừa quan tâm đến di sản quá khứ của tiền nhân.
Một vùng đất văn hóa luôn được tạo nên bởi những nhà văn hóa. Đó là những người biết trân trọng, nâng niu từng hạt sáng lấp lánh trong đời sống quá khứ, biết đãi cát tìm vàng, để làm giàu có thêm những giá trị văn hóa, chứ không phải sự phủ nhận, loại bỏ, xóa sạch và xây dựng cái mới một cách thực dụng. Văn hóa là những thành tựu về vật chất và tinh thần do con người làm ra, nhưng xét cho cùng nó tồn tại ở dạng tinh thần là chủ yếu, nơi mà nhiều thế hệ, từ đời này sang đời khác, từng phả tâm hồn của mình lên đó, làm nên sức sống muôn đời. Với tốc độ phát triển đô thị hóa như hiện nay, không biết còn bao nhiêu dấu vết của những “học trò trong Quảng” còn tồn tại bao lâu nữa ở xứ Huế đẹp và thơ?
                                                                                       Phạm Phú Phong


Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Nhật kí trong tù tròn bảy mươi năm (1943-2013)



Nhật kí trong tù tròn bảy mươi năm (1943-2013)

Hà Minh Đức (Hội nhà văn Việt Nam)
Năm 1942, trong một chuyến công tác sang Trung Quốc, người bị bắt ở Túc Vinh với lý do về giấy tờ. Từ đấy là một hành trình gian khổ. "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại", Người bị giam giữ 388 ngày. Khi ra tù sức khỏe giảm sút, mắt mờ, chân chậm nhưng vẫn cố sức rèn luyện. Mới ra tù tập leo núi và từng bước khôi phục lại sức khỏe vì con đường cách mạng còn dài, ở tuổi ngoài 50 vẫn có diều kiện và trách nhiệm phục vụ sự nghiệp cách mạng. Thoát khỏi cảnh tù đày, Người có thư cáo lỗi với đồng chí, đồng bào đã thiếu khôn khéo mà đã lâm nạn để đồng chí, đồng bào lo phiền. Người nói "Trong cái rủi có cái may là đã xem được vốn hiểu biết về bè bạn đặc biệt với nhân dân Trung Quốc". Xin được tiếp ý Người là còn có thêm cái may có được tập thơ lớn Nhật Kí Trong Tù.
Nhật kí trong tù gồm 133 bài. Bản dich đầu tiên của Viện văn học (1960) gồm 114 bài. Đến năm 1990, toàn bộ 133 bài được dịch và giới thiệu trọn vẹn tập Nhật Kí trong tù xuất bản năm 1960 không ghi người chỉ đạo và các dịch giả. Giáo sư Đặng Thai Mai Viện trưởng Viện văn học chỉ đạo và nhà thơ Nam Trân chịu trách nhiệm chính thức dịch thuật. Tập thơ in xong ngày 10/4/1960 và nộp lưu chiểu tháng 4/ 1960. Tác phẩm đã gây tiếng vang lớn và là sự kiện văn hóa, văn học hàng đầu trong năm. Các nhà nghiên cứu như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Huy Liệu, Hoàng Xuân Nhị, Cao Xuân Huy, Trần Thanh Mai, .... đều có bài viết ca ngợi giá trị lớn của Nhật kí trong tù. Các nhà thơ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Khương Hữu Dụng, Hoàng Trung Thông đều có những trang viết trân trọng ca ngợi thơ của Người. Nhật kí trong tù thực sự đã tạo được không khí văn chương thiêng liêng và cao đẹp của một tâm hồn thơ với "một phong thái ung dung, một khí phách hào hùng, một ý chí sắt đá, một tinh thần lạc quan cách mạng không lay chuyển nổi"1. Giáo sư Đặng Thai Mai có những bài viết đặc sắc như Một tập nhật kí, cũng là một tập thơ, Tình cảm thiên nhiên trong "Ngục trung nhật ký", Yếu tố tinh thần trong "Ngục trung nhật ký". Ba bài viết thâu tóm những đặc điểm cơ bản của Nhật kí trong tù. Giáo sư Đặng Thai Mai nhấn mạnh: "Tinh thần là nét đặc sắc lộng lẫy từ đầu đến cuối trong Ngục trung nhật ký". Nhà phê bình Hoài Thanh đã lí giải sâu sắc về chất thép trong Nhật Kí trong tù: Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới là có tinh thần thép.
Trong thơ văn cũng như trong cuộc đời, cái điều quan trọng nhất vẫn là cái thực chất của con người. Nhật ký trong tù rất ít có những lời hô to gọi lớn... Bác cứ nhỏ nhẹ hồn nhiên mà từ toàn bộ tập thơ vẫn thoát lên tinh thần thép". Nhà thơ xuân diệu viết bài Yêu thơ Bác với nhiều ý tứ sâu sắc "Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh được đạo tạo trong lò đun đúc của Lênin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi. Đó là chất người như Nguyễn Trãi đã nói "mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen, bỏ vào lửa không cháy"”. Xuân Diệu ca ngợi trí tuệ của Hồ chủ tịch "luôn luôn động như lửa nổ tí tách". Thơ Bác có chiều sâu trí tuệ cũng vì thê theo Xuân Diệu người đọc luôn cảm thấy như chưa tìm thấy, hiểu hết cái hay của bài thơ. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng trong thơ Bác bên cạnh những bài sâu sắc giàu suy tưởng, có những bài quá giản dị nhưng lại tiềm ẩn bên trong tình cảm nhân ái, yêu thương của những người nghèo khổ như trong bài thơ Hàng Cháo:
Ven đường nấp dưới bóng hàng cây
Một túp lều tranh "quán rượu đây"
Chỉ có cháo hoa và muối trắng
Đường xa khách tạm nghỉ nơi này
Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã ghi nhận bằng cảm xúc và suy nghĩ khi đọc Nhật ký trong tù:
Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh dèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của bác vần thơ thep
mà vẫn mênh mông bát ngát tình
Nhật ký trong tù là món quà, là lộc quý Người ban tặng cho mọi người. Nhật ký trong tù vào trường học, trên diễn đàn thơ, trong sổ ghi chép của người chiến binh và mở ra với thế giới bên ngoài.
Một thế hệ các nhà nghiên cứu, nhà thơ lại tiếp tục nghiên cứu Nhật ký trong tù qua các công trình, sách giáo khoa, bài giảng. Có thể kể các nhà nghiên cứu Vũ Khiêu, Văn Tâm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Huệ Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Lương Duy Thứ, Trần Thị băng Thanh, Vũ Quần Phương, thiên hướng chung là nghiên cứu với tinh thần phân tích khoa học. Với nhiều nỗ lực một số nhà nghiên cứu đã cho xuất bản Những suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù. Cho đến nay nhiều người đã mất, nhiều nhà khoa học vẫn theo đuổi đến cùng định hướng khoa học trên Trong giải thưởng Học tập và làm theo tấm gương của Hồ Chủ tịch (2013), các giáo sư Phong Lê, Vũ Khiêu được tặng giải về các công trình nghiên cứu văn thơ Hồ Chí Minh. Riêng về Nhật lý trong tù, tôi cũng đã viết nhiều bài nhân các dịp kỷ niệm, nhiều ý cũng đã được trình bày, không dễ có cái mới. Với tôi, duy chỉ có một bài có ấn tượng nhằm phê phán Lê Hữu Mục với tác phẩm Nhật ký trong tù không phải của Hồ Chí Minh. Vậy thì tác giả thật là ai? Lê Hữu Mục đã bịa đặt cho rằng đa phần thơ trong tác phẩm là của ông già Lý một hảo hán cùng bị tù ở nhà tù Victoria năm 1931-1933. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc cũng đã có một số ý phê phán. Tôi đi sâu vào đặc điểm của tập thơ là tập ký có ghi chép trên các bài thơ trùng với huyện mà người bị áp giải trong suốt 388 ngày Người bị giam giữ. Tôi đã có dịp may được xem hiện vật, lần dở các trang. Không có chuyện bịa đặt là Người cùng già Lý viết chung cuốn sổ tay. Lê Hữu Mục cũng đã nói sai sự thật cho rằng cuốn sổ có 100 bài và bìa màu xanh, thực sự thì cuốn sổ màu vàng nhạt và có 133 bài thơ. Mọi sự xuyên tạc đều không tồn tại và bị lên án.
Nhật ký trong tù không phải là sự kiện văn học của một dân tộc mà nhanh chóng lan tỏa trên thế giới. Cho đến nay, hầu như Nhật ký trong tù được dịch ra hầu hết các nước lớn qua các ngôn ngữ Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Tập thơ được hoan nghênh, các chính khách, nhà báo, nhà văn đều khen ngợi ở phẩm chất cao đẹp, ý chí bất khuất của tác giả trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều bài viết ca ngợi chủ nghĩa nhân đạo, tình yêu thương con người. Người viết hòa nhập với cuộc đời thường, với những người cùng hội cùng thuyền, tuy gian khổ nhưng vẫn tin tưởng vào ngày mai. Tập thơ ấy có triết lý sây sắc, có tầm nhìn xa và có nghệ thuật biểu hiện thành thực,n gợi cảm, Khen ngợi Nhật ký trong tù những người viết không bị ràng buộc với chức vụ của Hồ Chủ tịch mà chủ yếu là sự cảm nhận bình đẳng cái hay, cái đẹp của tập thơ. trước hết, phải kể đến ý kiến của các nhà văn Trung Quốc như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh. Nhà văn Quách mạt Nhược đã nêu lên ba ưu điểm, ba phẩm chất của tập thơ. Về tư tưởng, dường như bài nào cũng có chât thép, câu thơ nào cũng có chất thép. Vê phản ánh hiện thực, tập thơ đã miêu tả chán thực bộ mặt của xã hội Trung Quốc vào những năm 1942-1943 dưới chế độ Tưởng Giới Thạch. Về nghệ thuật, một số bài để bên cạnh thơ Đường, thơ Tống cũng khó phân biệt. Đó là những lời khen chân tình sâu sắc. Nhà thơ Viên Ưng cho rằng người đọc xong tập thơ thấy một con người, một bậc đại chí, đại nhân, đại dũng. Nhà nghiên cứu Hoàng Tranh đã ghi chép tỉ mỉ xuất xứ của các nhân vật và địa chí trong Nhật ký trong tù. Tập thơ có hai bản dịch ở Mỹ: Một là của Harrison do nhà Bantam xuất bản. Trong lời giới thiệu, người viết đã nêu lên những ý tưởng mới về những bài thơ không chỉ viết bằng hoa và lá, sông và núi mà đưa cả chất thép vào trong thơ. Harrison gọi Hồ Chí Minh là "Nhà thơ có tâm hồn con rồng"(1) với ý tưởng con rồng thoát khỏi ngục tù, con rồng sẽ bay. Harrison cho rằng với nhiều bài thơ tác giả đã viết văn bia cho chính mình.
Cũng ở Mỹ, tôi gặp dịch giả Huỳnh Sanh Thông một người có tinh thần dân tộc, có trình độ dichj thuật cao. Tôi hỏi ông về tác phẩm Nhật ký trong tù, ông trả lời: "Tôi đã dịch Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Ngục trung nhật ký của Phan Bội Châu và Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh". Đặc biệt nhà báo mỹ Han-bơtam cho rằng: Nhật ký trong tù là cuốn sách hay nhất của Hồ Chí Minh. Ở Pháp, bản dịch Nhật ký trong tù của Phan Nhuận có thể xem là một trong những bản dịch đầu tiên về Nhật ký trong tù.
Nhiều nhà văn, nhà báo ca ngợi Nhật ký trong tù như Jean Lacouture, Boudarel, Rôgiê Đơnnuyx đều chú ý đến phong cách sáng tạo của Nhật ký trong tù và họ còn đưa ra một số nhận xét về ảnh hưởng của thơ phương Tây với Nhật ký trong tù. Ở Cu-ba, nhà thơ Phe-lic Pi-ta Rôdrighết đặc biệt ca ngợi Nhật ký trong tù: "Nhật ký trong tù như một tòa nhà bằng ngôn ngữ vững chắc và đẹp, mỗi bước đi đều chạm vào gốc rễ sâu xa của một trong những con người kỳ diệu ít có, những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại".
Nhà thơ Phi-lip-pin Vi-en-xiô R Hô-xê cho biết: "Ở một số trường đại học Phi-lip-pin thường có những cuộc tọa đàm bàn luận về thơ, những nhà thơ nổi tiếng trên thế giới như Hainơ, Rilkeb Aragông, Neerrruda, Eptusenkô, trong đó thơ Hồ Chí Minh chiếm một vị trí quan trọng, thơ của Người khích lệ và gắn với cuộc đấu tranh của chúng tôi cho tự do". Cũng có thể nói thơ của Hồ Chủ tịch thực sự là một đọng lực tinh thần giúp cho những ai đang vượt qua những khó khăn, khẳng định thêm sức mạnh của mình để dành những thắng lợi. Nhiều nhà văn, nhà thơ nước ngoài không có dịp đọc cả tập thơ, nhưng chỉ tiếp xúc với một hai bài đã có những ấn tượng đặc biệt. Nhà văn Đức Éc-hác Séc-nơ đọc bài thơ Học đánh cờ và có nhận xét: Tôi đã đọc kĩ bài thơ mà người viết về Học đánh cờ, đây là một nhận thức có tầm chiến lược, chiến thuật rất cao". Cũng ở nước Đức, trong tập tuyển thơ Những đêm hành quân của Việt Nam, có đăng bài thơ Hoàng hôn:
Gió sắc tựa gươm mài đá núi
Rét như rùi nhọn chích cành cây
Chùa sa chuông giục người nhanh bước
Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay
Đúng là một bức tranh phong cảnh đồng quê của phương Đông như tác giả nhận xét. Thiên nhiên có lúc khắc nghiệt nhưng cuộc sống con người vẫn diễn ra quen thuộc, bình yên, gần gũi.
Từng bài, từng bài, Nhật ký trong tù có nhiều bài thơ hay. Nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng thơ hay có khoảng trên dưới ba chục bài, một tỉ lệ cao dối với một tập thơ. Mỗi người có thể tìm đến những bài thơ mình yêu thích, thậm chí những câu thơ yêu thích về nhiều phương diện của cuộc sống, và đây là những câu thơ suy nghĩ về đất nước trong cảnh đời nô lệ:
Trên đời nghìn vạn điều đắng cay
Cay đắng chi bằng mất tự do
Và mơ ước:
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh,
Và cảnh ngộ hiện tại của riêng mình:
Ở tù năm trọn thân vô tội
Hòa lệ thành thơ tả nỗi này
Những câu thơ viết về ý chí đấu tranh không lùi bước trước khó khăn: Giầy giách đường lầy chán lấp lánh, Vẫn còn dẫn bước dậm đường xa, Nghĩ mình trong bước gian truân, Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng. Những câu thơ viết về tình thương: Giãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi, Phu đường vất vả lắm ai ơi, Ngựa xe hành khách đường qua lại, Biết cảm ơn anh được mấy người. Những câu thơ tin tưởng vào ngày mai: Phương đông màu trắng chuyển sang hồng, Bóng tối đêm tàn quét sạch không, Hơi ấm bao la trùm vũ trụ, Người đi thi hứng bỗng thêm nồng...
Thật khó để xác định trong Nhật ký trong tù bài thơ nào là hay nhất vì có nhiều bài thơ hay. Cấu trúc thơ trong Nhật ký trong tù có nhiều lớp nghĩa không dễ phát hiện và khai thác hết. Nhiều bài thơ khó, rất hay như thách đố người đọc, bài thơ Nhập lao Tĩnh Tây có những ý kiến khác nhau của giáo sư Đặng Thai Mai, giáo sư Hoàng Xuân Nhị, nhà thơ Hoàng Trung Thông. Bài thơ Cảnh chiều tối không dễ tìm ra chủ đề và lý giải nội dung một cách thuyết phục:
Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng
Hoa tàn hoa nở cũng vô tình
Hương hoa bay thấu vào trong ngục
kể với tội nhân nỗi bất bình
Nhật ký trong tù quy tụ nhiều tri thức về chính trị, triết học, đạo lý. Bảy mươi năm đã trôi qua, giá trị của tác phẩm được tôn vinh, nội dung được khai thác nhiều. Song không thể nói là đã tìm hieeurnghieen cứu đầy đủ về tác phẩm. Có thể nói nhiều vấn đề được đặt ra trong Nhật ký trong tù như tư duy của Nhật ký trong tù, tính nhất quán về tầm cao và chiều sâu của 133 bài thơ của tác phẩm. Minh triết của Nhật ký trong tù, sự đánh giá của phương Tây và thế giới về giá trị của Nhật ký trong tù. Người đọc thường nhận xét Nhật ký trong tù ảnh hưởng thơ Đường, thơ Tống, còn ảnh hưởng của thơ ca dân gian, thơ cổ điển đến Nhật ký trong tù như thế nào. Một số nhà nghiên cứu phương Tây còn cho rằng Nhật ký trong tù cũng chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây. Nếu có, điều này cũng không dễ phát hiện. Phan Nhuận và Jean Lacouture đã có một số ý kiến theo hướng này. Lâu nay, việc nghiên cứu Nhật ký trong tù như chậm lại, có ý kiến cho rằng về nội dung cơ bản đã được khai thác kĩ. Nhận thức trên không phù hợp với giá trị thực của tác phẩm. Khi tác phẩm Nhật ký trong tù xuất hiện nhiều bài viết luận bàn về vấn đề dịch thuật. nả dịch năm 1960 về cơ bản là tốt nhưng vẫn có thể bổ sung ở bài này bài khác, câu này câu khác. Điều này nhiều người đã làm, một bài thơ hay có thể có ba bốn bản dịch khác nhau, không nên chữa chạy bản dịch cuả người đi trước nhất là khi họ đã qua đời. Thực sự dịch thơ Bác rất khó. Có lần người nói: "Thơ các chú dịch hay hơn thơ Bác". Nhận thấy điều đó nhưng Người không tham gia vào việc sửa chữa bổ sung. Theo lời của nhà thơ Khương Hữu Dụng, chỉ có một lần duy nhất trong bài thơ Thượng sơn ở hai câu cuối nhà thơ Xuân Diệu dịch:
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề đuổi xâm lăng diệt cả bầy
Bên cạnh những hàng chứ trên có ghi một hàng chữ nhỏ: Thề diệt xâm lăng lũ sói cày. Nhà thơ Khương Hữu Dụng cho rằng dịch như thế là sát với nghĩa với câu thơ Thề diệt sài lang xâm lược quân.
Trong một buổi họp bàn về dịch thuật Nhật ký trong tù do nhà sản xuất bản Khoa học xã hội tổ chức tại phố Cửa Đông có các vị Nguyễn Sĩ lâm, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu và một số nhà nghiên cứu. Ý kiến của Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng bài thơ Bị hạn chế dịch thô thiển nhất là ở câu thứ hai. Thực ra tác giả chỉ nói bị hạn chế "Cửa tù khi mở không đau bụng, Đau bụng thì không mở cửa tù". Chỉ thế thôi người đọc sẽ hiểu hoàn cảnh và yêu cầu của người trong cuộc. Trong bài thơ Cảnh chiều tối:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng (1)
Có ý kiến cho rằng không thể dùng chữ em với Hồ Chủ tịch vì nó thân tình quá, dễ hiểu lầm. Nhà thơ Xuân Diệu nói: "Hiểu lầm hay không là do người tiếp nhận. nếu thay chữ em thành chữ gái (Cô thôn thiếu nữ ma bao túc) thì câu thơ dịch sẽ chịu ba dấu sắc nặng nề Cô gái xóm núi xay ngô tối".
Bàn luận nhưng rồi không kết luận, Nhật ký trong tù có cần bổ sung về phần dịch thuật, ở chừng mực nào.
Bảy mươi năm đã trôi qua, giá trị của Nhật ký trong tù vẫn bền vững, cần có những nỗ lực mới trong nghiên cứu, trong giảng dạy ở nhà trường về tác phẩm có giá trị với tầm vóc lớn nhất trong thơ ca Việt nam thời kỳ hiện đại.
1 Hồ Chí Minh - Nhật kí trong tù-Lời nói đầu, nhà xuất bản văn học 1960 trang 4
(1) Bản dịch bài thơ "Chiết tự"
Người thoát khỏi tù ra dựng nước
Qua cơn hoạn nạn rõ lòng ngay
Người biết lo âu ưu điểm lớn
Nhà lao mở cửa ắt rồng bay