Nam Trân

Nam Trân

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười

Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười


- Ông thường sử dụng bút danh Bút chiến đấu, và đã thực sự tuyên chiến với bao thói hư tật xấu, nhưng trong tâm trí của những bạn đồng niên và nhiều người khác, đằng sau ngòi bút hóm hỉnh này là cả một tấm chân tình. Ông luôn muốn chia sẻ với mọi người, dù chỉ bằng tiếng cười. Bài viết của Nguyễn Tý nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (14/3/1900).
Vài nét về nhà thơ Tú Mỡ
Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Sinh ngày 14/3/1900 tại Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình tiểu thủ công.
Lúc nhỏ, được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Thời Pháp thuộc, sau khi đỗ bằng Thành chung, làm Thư ký ở Sở Tài chính. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu tham gia kháng chiến, dùng ngòi bút tuyên truyền động viên nhân dân.
Năm 1951, được giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1952, tham dự Ðại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Từ 1954, tiếp tục sáng tác, phục vụ cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới. Năm 1956, ông được giải nhì về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, được bầu là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông còn là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II. Ông mất ngày 13/7/1976.
Tác phẩm chính: Giòng nước ngược (tập I, 1934; tập II,1941); Ðịch vận diễn ca (1949); Nụ cười kháng chiến (1952); Anh hùng vô tận (1952); Trung du cười chiến thắng; Nhà sư giết giặc (chèo); Rồng nan xuống nước (tuồng); Tấm Cám (1955); Nụ cười chính nghĩa (1958); Bút chiến đấu (1960); Ðòn bút (1962); Ông và cháu (tập thơ thiếu nhi - 1970); Thơ Tú Mỡ (thơ tuyển -1971)...
Tam chan tinh dang sau nhung tieng cuoi
Nhà thơ Tú Mỡ
Sở dĩ ông có bút danh Tú Mỡ là vì vào năm 1918, ông bắt đầu mê thơ Tản Đà và ông mến tài thơ và tính khí khái của Tú Xương, hầu như bài thơ nào của cụ Tú Xương ông đều học thuộc cả, ông tự trào rằng Tú Mỡ “Mỡ mà chẳng Mỡ”.
Năm 1915, Tú Mỡ vào học trường Bưởi. Đây là ngôi trường có nhiều học trò sau này đã trở thành các trí thức uyên bác, nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như KonTum, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Từ Giấy, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu. Nguyễn Đình Thi, Nam Trân, Bàng Bá Lân, Đoàn Phú Tứ, Huyền Kiêu, Nguyễn Khắc Viện, Việt Phương...
Theo Hoài Anh, Chân dung Văn học, tập I, NXB Hội Nhà văn 2001 thì: Khi ấy cậu Hiếu vốn thông minh và ranh mãnh hay trêu chọc các thầy cô giáo là Tây, đầm. Thầy Tây khi ấy không biết tiếng Việt gọi học sinh Hàn Dụng Cư là “Hàn Rụng Cu” (mọi lần thì gọi học trò bằng con số). Thầy ra khỏi, học trò cười ầm. Hiếu đứng dậy nói to: "Đó là thầy ra cho chúng ta một vế đối. Tôi xin tức cảnh đối Hàn Rụng Cu với Đỗ Quẳng Giái!”. Hiếu muốn nói đến tên anh Đỗ Quang Giai, ngồi cạnh anh Cư. Cả lớp lại phá lên cười. Cũng vì nghịch ngợm nên chỉ trong một năm, Hiếu bị mất học bổng. Hiếu còn làm nhiều thơ châm biếm các ông thầy Tây như ông Roudet và đặc cho biệt hiệu là “Rùa” rằng: "Bâng khuâng tôi nhớ cụ Rùa/Cái cổ thì rụt, cái mu lặc lè”.
Về đời thường, Tú Mỡ ít quan tâm đến việc ăn uống, chuyện kể rằng, cô con gái ông nấu cơm vừa bị nát vừa bị khê bị mẹ la, ông liền ứng khẩu "bênh" con gái rằng:
Sống - bùi, nát - dẻo, khê - thơm/Đố ai nấu được nồi cơm ba mùi. Rồi vui vẻ bảo cô con gái rằng: "Con nấu cơm thế này là chưa giỏi vì còn thiếu vị bùi".
Trong tình bạn, ông đối xử rất mực thước và chân tình. Ông chơi thân với Hoàng Ngọc Phách tác giả của tiểu thuyết Tố Tâm thời đi học thường gọi ông là thằng "Bố lếu". Năm 1973, Hoàng Ngọc Phách mắc bệnh, ông đã làm thơ tặng: Mấy lời thăm hỏi bác Song An/Có phải va li đã sẵn sàng?/ Đấy thằng "bố lếu" thơ tinh ngịch/ Đây bạn "cô le" nghĩa cũ càng/ Bác thượng thọ rồi tôi cũng thượng/ Bác ra tàu trước đệ còn khoan". Nghe xong, Hoàng Ngọc Phách cười và ít ngày sau, Hoàng Ngọc Phách trút hơi thở cuối cùng.
Khi nhà văn Nguyễn Công Hoan vào bệnh viện chữa mắt, ông làm thơ Tặng con mắt Bác Hoan và hỏi:
"Bác không tham sắc chẳng tham tài/Cái mắt sao nhìn một hóa hai/Bác gái vào thăm duy có một/Con ngươi nhìn chệch hóa thành đôi...". Và khi Nguyễn Công Hoan vào bệnh viện nằm cùng ông, hai ông đã làm thơ xướng họa với nhau, mãi đến khi Nguyễn Công Hoan mất.
Có lần Hội Nhà văn Việt Nam đã lập Ban tang lễ, nhưng lại là lễ tang hụt vì Tú Mỡ vẫn sống, ông gửi tiếng cười cảm ơn đồng nghiệp và nhắn rằng: "Lần sau có định làm tang lễ/Thì xin tổ chức đám ma vui".
  • Nguyễn Tý

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Nhật ký trong tù có 133 hay 134 bài ?

Nhật ký trong tù có 133 hay 134 bài ?



Kỷ niệm 155 năm ngày sinh Bác Hồ (1890 -2005)
Nhat ky trong tu co 133 hay 134 bai
Bản Nhật ký trong tù của NXB Chính trị - quốc gia
Nguyên tác Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký, 1942= 1943) hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng. Lâu nay trong một số bài viết, có người cho rằng Nhật ký trong tù có 133 bài, có người viết 134. Vậy 133 hay 134?
Theo bà Nguyễn thị Minh Hương, Ban biên tập thông tin tư liệu Bảo tàng Hồ chí Minh, cuốn Nhật ký trong tù do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2003 là cuốn chính xác nhất, lần đầu tiên giới thiệu toàn bộ tác phẩm, giúp độc giả có cơ sở để đối chiếu so sánh với nguyên tác.
Theo cuốn sách này, trong bản gốc bút tích Ngục trung nhật ký, Bác không đách số thứ tự và không đặt tên bài cho bốn câu "đề từ" (Thân thể ở trong lao /Tinh thần ở ngoài lao /Muốn nên sự nghiệp lớn /Tinh thần càng phải cao - Nam Trân dịch) ghi ngoài bìa cùng hai cánh tay bị xiềng xích giơ lên. Bác đánh số thứ tự bắt đầu từ bài số 1 là bài Khai quyển (Mở đầu tập nhật ký) cho đến bài cuối cùng số 133 là bài Kết luận (nằm tại trang 53 của tập thơ), dưới bài đó Người ghi:Hết /29 /8 /1942 - 10 /9/ 1943.
Như vậy, nếu tính theo cách đánh số của tác giả, thì Nhật ký trong tù chỉ có 133 bài vì bài Đề từ ở ngoài bìa không đánh số, nên không tính.
Ngay cả khi liệt kê theo nội dung, trong đó bài Đề từ, cũng được tính là một bài, thì Nhật ký trong tù cũng chỉ có 133 bài, vì bài thứ 100 có tên là Liễu Châu ngục (Nhà ngục Liễu Châu) chỉ có đầu đề, để trống, chứ không có thơ!
Tuy nhiên một số cuốn sách có tác dụng tra cứu quan trọng thì lại có sơ xuất như cuốn: "Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù" NXB Giáo dục; Tuyển tập văn học, tập 3, NXB Văn học 1995; Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia năm 2000… đều đánh số thứ tự các bài thơ không như tác giả, mà đánh số thứ tự tính từ ngoài bìa, vì vậy bài Khai quyển trở thành bài số 2. Các bài khác do vậy cứ đẩy lên một số, dẫn đến có cuốn có 134 bài.
Có cuốn thậm chí có 135 bài, vì đưa cả bài Tân xuất ngục học đăng sơn (Mới ra tù tập leo núi) vào. Thực tế bài này viết sau khi tác giả mới ra tù, nên không thể có trong Nhật ký trong tù.
Cuốn sách Nhật ký trong tù của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in năm 2003 đã tôn trọng nguyên tác, trả lại đúng thứ tự các bài của tập thơ. Hơn nữa sách còn giúp bạn đọc có căn cứ vì được tiếp xúc trực tiếp với bút tích của Người mà từ trước đến nay chưa công bố.
Theo Thể Thao và Văn hóa

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Nhà xuất bản Văn học tiếp thu phê bình về việc tái bản Nhật ký trong tù

Nhà xuất bản Văn học tiếp thu phê bình về việc tái bản Nhật ký trong tù


Sau bài viết của Báo Thanh Niên về việc tái bản tác phẩm Nhật ký trong tù: Nhà xuất bản Văn học tiếp thu phê bình Vào ngày 30/12/2003, Báo Thanh Niên nhận được thư của ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, toàn văn như sau:
"Nhà xuất bản (NXB) Văn học xin chân thành cảm ơn Báo Thanh Niên và tác giả Nhựt Quang (Thanh Niên số 360 ngày 26/12/2003) đã nêu thiếu sót trong việc in ấn tác phẩm Nhật ký trong tù, bản in năm 2003. Chúng tôi thành thật xin lỗi bạn đọc, các dịch giả, xin lỗi cố nhà thơ Nam Trân và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về sai sót trên đây.
Sự việc bắt đầu từ bản in Tuyển tập văn học Hồ Chí Minh (NXB Văn học, năm 1999). Tuyển tập này do cố nhà thơ Giám đốc Lữ Huy Nguyên biên soạn, bản in lần đầu năm 1995 đúng và đầy đủ. Đến năm 1999 NXB Văn học cho tái bản. Do phải chế bản lại, nên ở bài Khai quyển phần dịch nghĩa và dịch thơ đều đúng nhưng phần chữ Hán có sai sót như quý báo đã nêu.
Ở bản in này, người sửa bài là ông Văn Thọ, tuy là chuyên viên sửa bài lâu năm (nay đã về hưu) nhưng chỉ sửa được phần chữ Việt. Phần chữ Hán, chúng tôi nhờ bà Nguyễn Kim Hưng - chuyên viên Hán Nôm xem lại. Bà Kim Hưng là phu nhân của Giáo sư Huệ Chi, công tác ở NXB Văn học từ năm 1983, vừa mới về hưu tháng 6 năm nay (2003).
Sai sót này có thể do sức khỏe của phu nhân, hoặc do lỗi rất hay gặp ở người biên tập khi xem lại bản in thử, thường đã nắm vững nội dung, đã quen thuộc ý tứ, khi xem lại bản in thử rất dễ bị lỗi. Về phía bạn đọc, xin cho chúng tôi được đổi lại sách đã mua (Tuyển tập văn học Hồ Chí Minh, 3 tập, bản in năm 1999 và Nhật ký trong tù, bản in năm 2003) để lấy bản đã sửa chữa. Xin bạn đọc gửi đến địa chỉ sau:
NXB Văn học - 18 Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội, ĐT: (04)8294685; chi nhánh phía Nam - 290/20 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP Hồ Chí Minh, ĐT: (08)8483481. Mọi chi phí gửi đi, gửi về NXB xin chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để in lại Nhật ký trong tù thật chuẩn xác vào đầu xuân Giáp Thân...
Về tác quyền của Giáo sư Huệ Chi, vì là chỗ trong nhà, dâu rể của NXB nên chúng tôi chỉ có lời nhờ phu nhân thưa lại với giáo sư mà không làm văn bản gì, nay có sơ suất, xin giáo sư lượng thứ cho. Sau khi sửa chữa lại sai sót, chúng tôi sẽ xin thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với giáo sư.
Nhân đây chúng tôi cũng xin được bày tỏ đôi điều còn phân vân. Dịch Nhật ký trong tù là công trình tập thể. Những người chỉ đạo và tổ chức thực hiện trước hết phải kể đến nhà thơ Tố Hữu, Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà văn Hoài Thanh và nhà thơ Nam Trân...
Nhật ký trong tù in lần đầu năm 1960, do cố nhà thơ Nam Trân chủ trì dịch. Đến các bản in sau này, khi nhà thơ Nam Trân qua đời, Giáo sư Huệ Chi - nguyên Trưởng ban Văn học cổ cận (Viện Văn học) tiếp tục công việc của cố nhà thơ Nam Trân là lẽ đương nhiên. Chúng tôi thấy trong tổng số 135 bài của Nhật ký trong tù, cố nhà thơ Nam Trân dịch trọn vẹn 85 bài, dịch chung ở vị trí thứ nhất 16 bài, cộng hơn 100 bài gồm hơn 3.000 chữ Hán.
Phần Giáo sư Huệ Chi, dịch trọn vẹn được 11 bài, dịch chung 10 bài, gồm hơn 20 bài khoảng hơn 600 chữ Hán. Như vậy khi nói đến trách nhiệm và vinh dự "chủ trì trọn vẹn", thiết nghĩ nên tưởng nhớ đến công đầu, công lao chủ lực của cố nhà thơ Nam Trân mới là phải lẽ, thấu lý đạt tình. Đương nhiên phải ghi nhận những đóng góp lâu dài của Giáo sư Huệ Chi như đã nói trên.
Cuối cùng chúng tôi hết lòng cảm ơn Giáo sư Trần Hữu Tá đã tỏ nỗi bức xúc cho đồng nghiệp và nghiêm khắc nhắc nhở chúng tôi. Chúng tôi kính mong Giáo sư Trần Hữu Tá, Giáo sư Huệ Chi và đông đảo bạn đọc rộng lòng lượng thứ để chúng tôi có cơ hội được sửa chữa sai sót.
Xin chân thành cảm tạ!".
T.N
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

DẠI KHÔN NGUYỄN KHẢI



DẠI KHÔN NGUYỄN KHẢI
Nguyễn Đăng Mạnh

Nguyễn Khải ở trong Nam, ít khi tôi được gặp. Tôi rất thích nói chuyện với anh. Đúng ra là tôi thích nghe anh nói.Gặp anh, chỉ có anh nói, chứ tôi có nghĩ ra cái gì đáng nói đâu. Vả lại, anh nói liên miên, tôi có muốn nói cũng chẳng nói vào đâu được. Nhưng anh nói rất hay, rất vui. Đúng là một người thông minh và hay nghĩ nên lắm ý kiến. Anh nói về đời, anh nói về văn. Tôi học được ở anh nhiều qua những lần ngồi nghe anh nói. Một số ý trong những bài viết của tôi là do anh vô tình gợi ra. Ai cũng thế thôi, hễ nghĩ ra được một cái gì tự thấy đắc ý cũng thích nói ra. Một ý nghĩ trong đầu ví như viên ngọc còn thô. Phải phóng ra để cọ xát, mài rũa cho nó sáng lên. Tôi chắc Nguyễn Khải có hẳn chủ trương như vậy nên hễ có dịp là anh tranh thủ nói nhiều.
Tôi cho rằng đấy cũng là cách viết của Nguyễn Khải. Anh ngồi nghĩ là chính. Khi nẩy ra một ý, một tư tưởng nào đó mà anh cho là được, anh mới đi tìm thực tế để thể hiện nó ra thành hình tượng, thành văn. Như thế không hẳn là văn minh họa. Vì khi anh ngồi nghĩ một mình thì đã nghĩ từ những hiện tượng này khác rất cụ thể rồi. Và khi đi tìm thực tế thì thực tế với những tình huống bất ngờ của nó sẽ điều chỉnh cho những ý nghĩa của anh đúng hơn, trúng hơn. Đối với người viết văn, dù là sáng tác hay phê bình, tư tưởng chủ quan là quyết định, tất nhiên phải là tư tưởng gắn với yêu ghét, khinh trọng thật sự của riêng mình, chứ không phải thứ tư tưởng trừu tượng nẩy ra trên bàn giấy, vay mượn trong sách vở. Tôi chắc Nguyễn Khải cũng quan niệm như thế. Vì nghe anh nói chuyện mấy lần, thấy anh hay lấy tiêu chí tư tưởng để đánh giá người này, người khác. Thí dụ anh nói, nhà văn này, từ khoảng 1980 trở về trước chả có tư tưởng gì cả, hay là cuốn hồi ký của nhà thơ nọ, đọc lúc đầu có không khí, thích, sau buồn, thấy chẳng có tư tưởng gì, hoặc là ông giáo sư rất uyên bác và danh tiếng kia, thế mà đọc, thất vọng quá, thấy không có tầm cỡ tư tưởng gì, chẳng có băn khoăn gì lớn về chính trị, về triết học...
Tôi chắc Nguyễn Khải đi thực tế rất nhanh và viết cũng rất nhanh. Chiếm thời gian của anh nhiều hơn là ngồi một mình và nghĩ. Mà truyện hay ký của anh hấp dẫn người đọc chủ yếu cũng là nhờ những ý nghĩa ấy. Nhớ lại tình hình ba bốn chục năm về trước, hồi ấy có được ý nghĩa riêng và phát biểu được ý nghĩa riêng không dễ, tuy rằng bây giờ đọc lại, thấy những ý nghĩa ấy cũng chẳng ghê gớm táo tợn gì. Nguyễn Khải giống như một anh cán bộ xã hay huyện gì đó dám tổ chức khoán chui và khoán chui trót lọt trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp còn là một chân lý không ai được bàn cãi. Nhưng “ khoán chui” ý nghĩa thì phải rào đón cho kín. Đấy là chỗ khôn ngoan của anh, nhưng cũng là chỗ anh phải trả giá, trả giá bằng những đoạn văn rào đón vòng vo dài dòng. Mà văn rào đón thì hay làm sao được.
Người ta thường nói, Nguyễn Khải là người rất tỉnh và khôn, thơ thì có Chế Lan Viên, văn xuôi thì có Nguyễn Khải. Nhận xét đó không sai. Nhưng tôi cho rằng, anh cũng có nhiều lúc say và bốc. Và có lúc cũng dại dột nữa đấy. Nguyên Hồng có lần nói, bọn văn xuôi chúng tôi dại lắm, chỉ có đám làm thơ là khôn. Nhận xét này có khi cũng đúng cả với Nguyễn Khải. Nhưng đó chính là chất nghệ sĩ đáng yêu của anh.
Hồi Đỗ Chu mới xuất hiện, anh ca ngợi rất bốc, như một tài năng anh không sao sánh nổi. Tôi đã được nghe anh nói như thế với cán bộ và sinh viên khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp ra đời, anh càng bốc hơn nữa: “ Trời đất mượn nó để thể hiện ra, chứ tài nó không viết nổi. Viết xong cái truyện này thì coi như nó rồi đời, hết đời. Tinh hoa của nó hút cả vào đấy rồi, nó chỉ còn là một cái giẻ rách. Nó mà viết được một truyện như thế nữa thì có là thiên tài. Câu trước, câu sau khác hẳn, tiền văn không đoán được hậu văn: “ đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm! Hoan hô đèn cù!”, “ Sao lại cho tiền vào miệng bà??, “ Đấy có phải là ngậm miệng ăn tièn?”, “ Trong đời, tôi chôn ba nghìn người”, “ Thế là sướng, “ đòm” phát là xong..., giơ ngón tay nghéo cò...”. Dữ dội quá, sợ quá, đưa lên phim ảnh thì sợ quá... Một tác phẩm như thế làmmình không dám viết nữa. Thế là hết đời. Tôi xin bỏ nghề đấy!”
Nguyễn Khải nói say sưa, đầy cảm hứng. Con người có bụng liên tài thật sự. Người xưa cũng bốc lắm chứ: “ Đọc đươc một câu văn hay, chết cũng sướng”. Các cụ thường nói thế. Đấy là cái sướng đầy chất nghệ sĩ của người có máu văn chương. Tôi rất thích những cái bốc như thế của Nguyễn Khải.
Nhưng có những cái bốc tôi cho là dại, là khờ. Nhớ lại cái năm liền sau Đại hội VI của Đảng, Nguyễn Khải được gọi ra Hà Nội để chuẩn bị đại hội nhà văn lần thứ 4. Anh cũng bốc ra trò. Anh từng sôi nổi nói với tôi nhiều chuyện về ý đồ cải cách Hội nhà văn, nào phân công ra sao, nào cách làm ăn thế nào cho khôn khéo để có thể đổi mới một cách an toàn... Bây giờ nghĩ lại, xấu hổ chết đi được. Nhưng rồi anh tỉnh ra ngay. Trí khôn lại trở lại.
Cách đây vài chục năm, có một vị đàn anh trong nghề dạy tôi thế này: Chúng ta là những con chuột, muốn an toàn phải đào nhiều hang. Mất hang này, ta chạy vào hang khác. Nguyễn Khải có cái hang sáng tác. Có biến, anh chui tọt ngay vào. Lý ra đã là người viết thì ai chả phải đào cho mình cái hang sáng tác. Nhưng đào có dễ đâu. Cho nên có người mang danh sáng tác nhưng lại cứ phải đào cho mình những cái hang khác.
Tôi cho rằng cái hang sáng tác của Nguyễn Khải khá tốt đấy. Và anh cũng chỉ nên ở cái hang ấy thôi.
Cái lí lịch đặc biệt của Nguyễn Khải khiến anh hình như có hai con người trong một con người, có hai vùng thẩm mỹ trong một thế giới nghệ thuật.
Một con người căm ghét bọn trưởng giả, cả cũ lẫn mới. Khi con người này làm chủ thì Nguyễn Khải thường ném váo cái đối tượng gọi chung là trưởng giả kia những lời lẽ thạt đau, thật ác, nhiều khi ngoa ngoắt. Hạng người này ở đâu cũng có, kể cả trong giới nhà văn. Nguyễn Khải dành cho đối tượng này những lời khinh bạc đến điều: “ Hạng này không thể viết được cái gì ra hồn đâu. Đi ô tô, ở nhà lầu, đi nước ngoài quanh năm, lại còn sáng tạo nữa! Thế ông vơ hết của thiên hạ à? Trời công bằng lắm, có luật thừa trừ hết”. Có lần tôi nghe anh nói như thế về một nhà thơ.
Sau 1975, giải phóng Sài Gòn, vớ được hạng này chưa kịp chuồn ra nước ngoài, anh liền dựng họ lên thành nhân vật để “ tặng” cho mấy cái tát- “ tưởng ghê gớm lắm, hóa ra vừa ngu vừa hèn!” (Gặp gỡ cuối năm, kịch Cách mạng).
Đối lập với hạng trưởng giả kia là những con người suốt đời lầm lũi sống trong bóng tối, như con giun con dế, hầu như không bao giờ biết đến hạnh phúc ở đời. Đó thường là những người đàn bà còn mang cái đức nhẫn nại và nhẫn nhục của thời xưa, hoàn toàn hi sinh cho đời, cho chồng con, không bao giờ nghĩ sống cho bản thân mình, như là chị Vách trong Đời khổ, chị Khuê trong Người vợ, hay chị vợ anh Phúc trong Chúng tôi và bọn hắn... Nguyễn Khải đã tìm đến những con người ấy để ghi công họ, để biểu dương họ như những tấm gương liệt nữ vĩ đại của thời nay, anh gọi “ là vàng mười, là kim cương, là báu vật, là sự may mắn nhất” của chồng con (Chúng tôi và bọn hắn) nhưng đời lại hoàn toàn không biết đến. Và chính họ cũng không hề biết đến. Đời không biết là rất dở, nhưng họ không tự biết thì vẻ đẹp lại càng thêm chói lọi.
Con người Nguyễn Khải này chắc hẳn phải mang trong mình dòng máu của lớp cùng dân, từng bị dầy xéo, lăng nhục. Vì thế lời văn khi thì uất hận, khi thì xót xa, một thứ văn như để giải oan, như để đòi nợ, như để trả thù...
Nhưng bên cạnh đó lại có một Nguyễn Khải khác, rất am hiểu và đồng cảm với giới thượng lưu của Hà Nội xưa. Lớp người này không còn vương sót lại bao nhiêu, nó là một thứ “ Hà Nội vang bóng một thời”. Lớp người này cũng có nhiều cái dở, ích kỷ, lỗi thời, nhưng có một cái gì đó sang và đẹp. Họ khôn ngoan thật, nhưng biết tự trọng. Khôn ngoan để thích ứng với thời thế, nhưng không chịu để mất niềm tin riêng, cốt cách riêng. Ây là một lối sống, một nền văn hóa riêng dường như mang linh hồn nghìn xưa của đất đế đô thanh lịch, là một di sản quý rất cần trân trọng như trân trọng những ngôi nhà cổ, những đường phố cổ của Hà Nội vậy, Nguyễn Khải gọi đó là những “ hạt bụi vàng... chìm sâu vào lớp đất cổ”, cần có một cơn lốc xoáy hút nó bay lên cho sáng đẹp đất kinh kỳ... Tất nhiên Nguyễn Khải muốn góp phần làm nên cơn lốc đó. Đây là một vùng thẩm mỹ mới chỉ có thể xuất hiện dưới ngòi bút Nguyễn Khải khoảng mươi lăm năm lại đây thôi. Xui khiến anh khai thác vùng thẩm mỹ này, dĩ nhiên phải là một Nguyễn Khải khác, thuộc một dòng máu khác. Khi con người này làm chủ thì người ta thấy anh thích nói chuyện sang, thích nói giọng sang.
Mấy năm gần đây, Nguyễn Khải hay viết vẽ về bản thân mình, một lối hồi ký, tự truyện. Ở những tác phẩm này, Nguyễn Khải lại như cố tình khoe với thiên hạ cái hèn, cái kém, cái nhếch nhác đến tội nghiệp của mình. Có một cai gì giông giống như tự truyện của Tô Hoài. Hóa ra cuộc đời của anh cũng lắm gian truân, cũng đầy tủi nhục. Anh chỉ tự cho là “ một giọt nắng nhạt” thế thôi. Chính những truyện này đã giải thích hai dòng máu nói trên ở Nguyễn Khải. Một lối văn tự trào vừa chua chát, cay đắng, ngậm ngùi, có lúc như nói hờn, nói dỗi. Nhưng ẩn kín đằng sau lại là một thái độđầy tự tín. Phải tự tín, thậm chí ngạo đời mới dám khoe cái hèn, cái kém của mình ra chứ! Người không có cái gì khiến người đời phải nể trọng thì chỉ có “ tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại” thôi chứ! Cụ Tú Xương ngày xưa thường hay khoe ra, thậm chí phóng đại những cái hư hỏng, tồi tệ, vô tích sự của mình, chính vì cụ không phải kẻ tầm thường đâu, một trái tim, một tâm sự lớn lắm đấy. Chẳng qua là tự thấy bất lực trước thời thế nên mới tự trào và nói phẫn thế thôi. Cho nên ở cái tôi, hồi ký, tự truyện của Nguyễn Khải, tôi ngờ rằng có cả hai dòng máu nói trên hòa trộn, khó phân biệt.
Nguyễn Khải là người có tài, có thực tài. Nhưng tài của anh ở đâu? Nó là thế nào? Tôi vẫn thấy lúng túng.
Truyện gì mà toàn nói chính trị, toàn bàn về thời cuộc, thời sự, toàn luận về đạo lý. Hầu như không có tình yêu cho nó mùi mẫn ướt át một tý. Nhiều truyện cũng chẳng có tình tiết gì ly kỳ. Vậy mà nói chung truyện nào cũng đọc được, thậm chí hấp dẫn nữa. Riêng tôi đọc báo, cứ thấy có tên Nguyễn Khải là thế nào cũng phải đọc.
Chung qui vẫn là những ý nghĩ của anh, những ý nghĩ anh gọi là bơi ngược dòng, “ bơi ngược một tý, rẽ ngang một tí” (Anh hùng vĩ vận). Tôi thì gọi là “ khoán chui”, “ khoán chui tư tưởng”
Nhưng “ khoán chui” chỉ có nghĩa lý khi đang ở thời thịnh của hợp tác xã nông nghiệp. Khi khoán đã thành chế độ tự do, khoán cả làng, thì “ tài khoán chui” còn cần gì nữa. Thời bao cấp chấm dứt, Nguyễn Khải đâm ra lúng túng. Đúng là “ anh hùng vĩ vận” thật.
Nhưng chỉ ít lâu sau, anh lại nghĩ ra cách thoát khỏi vận bĩ. Thôi thì cứ thật thà đóng vai người cũ, thuộc thế hệ già, thử nhìn lại đời mình bằng con mắt của thời cuộc mới xem sao. Nhân vật chính của anh giờ đây là cái tôi trải đời của mình và những nhân vật cũng trải đời như anh. Trải đời mà thấy mình lạc lõng. Trải đời mà như chẳng có kinh nghiệm gì, cứ ngơ ngác trước cuộc đời, vì đây là thời đổi mới, thời mở cửa. Nhưng như thế mà lại hay, mà lại vui. Ngày xưa nghĩ lại thấy cũng buồn “ Không phải lo nghĩ mà lại buồn. Ngày ngày đều giống nhau, người người đều giống nhau, một đời người như ngắn đi rất nhiều vì không có những bất ngờ, những may rủi, không có những thăng trầm. Một ngày(...) nghe đủ mọi chuyện, nhưng chẳng có câu chuyện nào tạm gọi là thú vị về một đời người. Những đời người rất nhạt nên không thể gọi là đã có” (Anh hùng bĩ vận). Bây gờ thời thế đã khác, con mắt mình, trí óc mình cũng đổi khác, nhìn đâu cũng thấy chuyện mới lạ, người mới lạ: “ Vẫn là con người Việt Nam mình mà gặp thêm một người lại tưởng như buộc mình phải hiểu lại chút ít về con người” (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười). Nguyễn Khải bèn đối chiếu hôm nay với hôm qua, đối chiếu con mắt của lớp trẻ với con mắt của lớp già, của người anh hùng thời nay và người anh hùng thời qua. Và anh thấy nẩy ra biết bao vấn đề để suy nghĩ, bàn luận, triết luận vốn là chỗ sở trường của anh và là cái thú riêng của anh: nào chuyện lựa chọn đường đi của mỗi cá nhân trong xu thế chung của cộng đồng, chuyện cái ngẫu nhiên và cái tất yếu của lịch sử, chuyện rủi, may, khôn, dại, buồn, vui... của những kiếp người. Cả chuyện văn chương cũng thay đổi khác rồi. Ôi, cái thời xưa “ Văn chương ở cạnh mình, sống hằng ngày với mình mà vẫn tưởng như vời vợi đâu đó cao xa lắm” (Nghề văn cũng lắm công phu). Nguyễn Khải khi thì lấy con mắt của người hôm nay để quan sát người hôm qua, khi thì lấy con mắt của người hôm qua để quan sát người hôm nay. Tha hồ mà phát hiện cái hay, cái dở để mà hoặc ngợi ca, hoặc giễu cợt. Vì hôm nay hay hôm qua đều có chỗ đáng khen và chỗ đáng chê. Mà viết như thế cũng đỡ đơn điệu, vì có điều kiện luôn luôn thay vai, đổi giọng.
Dĩ nhiên ý nghĩa dù có hay đến đâu cũng không thành văn được. Phải cho nó nhập vào nhân vật này nhân vật khác. Một trong những tài năng đặc biệt của Nguyễn Khải là chộp được rất nhanh những kiều người có “ vấn đề” khác nhau để có dịp ném ra những suy nghĩ của mình, khi thì trực tiếp, khi thì đặt vào miệng các vai truyện. Ngay trong cái thời mà khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn học, Nguyễn Khải thỉnh thoảng vẫn bờm xơm vỗ vai, xoa đầu nhân vật anh hùng của mình một cái. Cái chất suồng sã ấy, thế mà có tác dụng rất tốt, nó khiến người đọc thấy anh không lý tưởng hóa nhân vật của mình, tìn là những người có thật, và tin những ý nghĩ của anh ném ra kia cũng là xuất phát từ sự thật.
Tuy nhiên trong thời bao cấp, những ý nghĩa gọi là “ ngược dòng” của Nguyễn Khải, thực ra nó cũng khó thoát hẳn ra ngoài nguyên tắc tư duy chung của cộng đồng, cho nên những nhân vật mang tư tưởng của anh chưa thật phong phú lắm. Vài cái phần tư tưởng của anh gửi vào nhân vật xem ra nhiều hơn, nặng hơn cái phần tư tưởng của nhân vật làm giầu cho cái vốn người của anh.
Nhưng từ ngày đổi mới, tình hình có khác, nhất là mươi năm lại đây, thế giới nhân vật của anh phong phú, đa dạng hơn, nhiều kiểu người, dạng người kia không có, không thể có. Và những nhân vật ấy bồi đắp tư tưởng cho anh nhiều hơn là anh cung cấp tư tưởng cho chúng. Một thế giới nhân vật chứa đựng nhiều khám phá hơn, bất ngờ hơn.
Những nhân vật này đúng là khá đa dạng. Nhưng hay để ý mà xem, đại bộ phận đều là những người già. Hình như nhân vật Nguyễn Khải càng ngày càng già, và anh cũng ngày càng thích đóng vai già, thích nói giọng già. Nhưng nghĩ cho cùng, xưa kia cũng vậy thôi, hình như Nguyễn Khải chưa từng có nhân vật thật sự trẻ bao giờ. Người nào cũng khôn ngoan, cũng trải đời, thạo đời, lõi đời, và cũng thích... dạy đời thì trẻ làm sao được, trẻ cũng hóa già, như cái Tấm trong Đứa con nuôi đấy thôi... Đúng như Nguyễn Khải tự bạch, cái Tấm cũng là Nguyễn Khải, đều không có tuổi trẻ, trong đời thực cũng như trong đời văn.
Nhiều tác phẩm của Nguyễn Khải, từ trang này đến trang khác, toàn là những lời đối đáp tay đôi, tay ba về chính trị, thời sự, về đạo lý. Thật tình mà nói, dù ý kiến hay ho, trí thức mới lạ thế nào, đọc mãi cũng nản. Lắm lúc cứ như là độc biên bản những cuộc hội thảo về đề tài chính trị, thời sự vậy. Rất may là Nguyễn Khải có một cái giọng văn riêng có khả năng thổi sự sống vào những dòng chữ khô khan. Một giọng trần thuật mà như là trò chuyện thoải mái với người đọc và với nhân vật của mình. Một cách nói năng hoạt bát, thông minh, hóm hỉnh, hiểu mình, hiểu đời, lắm lúc cứ như muốn đi guốc vào bụng thiên hạ. Một giọng văn mà nhiều khi thật khó phân biệt là nói với người hay nói với mình, tự trào chua chát có, giễu người, giễu đời cũng có. Một cách diễn đạt khôn ngoan, hay dùng lối nước đôi lấp lửng, hiểu là phê phán cũng được, hiểu là khẳng định cũng được. Bởi vì thời nào cũng có tốt có xấu, người nào cũng có thiện có ác, có sang có hèn, và chuyện đời thì có thế này và có cả thế kia... Không nên phán xét hay qui kết đơn giản một chiều...
Giọng văn của Nguyễn Khải muốn nói với ta như thế chăng?
Quan Hoa, Xuân Canh Thìn 12- 3- 2000
N.Đ.M
Nguồn songhuong

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh về NGUYỄN KHẢI



Nguyễn Khải khác hẳn Nguyên Ngọc. Thiết thực, không phiêu lưu mạo hiểm, không muốn chết, không muốn đi tù. Anh tự nhận luôn là thằng hèn cho người ta khỏi phải bàn tán lôi thôi.
Sau cuộc hội nghị nhà văn đảng viên, bản đề cương (1) của Nguyên Ngọc bị Tố Hữu đánh, Nguyễn Khải vốn nhất trí với Nguyên Ngọc trong vụ này, nên sợ quá. Anh nói thẳng với Nguyên Ngọc : "Tao nhát lắm, chưa đánh đã khai. Cho tao chạy đi thôi, mày thông cảm, đừng khai tao ra nhé".
Nguyễn Khải rất thiết thực và tỉnh táo, vậy mà cũng có lúc mê muội. Tôi gọi là dại - tôi đã viết như thế về Nguyễn Khải trong bài Dại khôn Nguyễn Khải. Mới biết cái danh, cái lợi cũng dễ mê hoặc lắm. Hồi được gọi ra Hà Nội để chuẩn bị Đại hội nhà văn lần thứ tư (Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh dự định sắp đặt Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc làm chánh, phó Thư kí Hội Nhà văn). Nguyễn Khải xem ra cũng hăng hái lắm. Anh nói với tôi y như là sẽ làm Tổng thư ký đến nơi : Anh phẩy tay " Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên thì phế cả đi ! Còn về lý luận phê bình thì anh phụ trách cho tôi. Nhưng ta phải khôn khéo, đổi mới nhưng phải khôn khéo. Trần Độ cứng quá, cứ ỉa ra đấy cho người ta phải dọn. Chính trị ghê gớm lắm, không đùa được đâu ! Nếu cần quỳ xuống lậy, ta cũng phải quỳ ".
Trong bài viết về Nguyễn Khải, tôi có nhắc đến chi tiết này, cho là một cái dại của anh và hạ một câu : " Bây giờ nghĩ lại, xấu hổ chết được ! ". Tôi tưởng anh giận tôi, hoá ra anh lại thích thú. Thích vì thấy hiểu mình quá. Tôi rất quý cái thành thực ấy của Nguyễn Khải. Có một cô nghiên cứu sinh tên là Tuyết Nga làm luận án về Nguyễn Khải. Cô tìm gặp anh để tìm hiểu. Anh đưa cô xem bài viết của tôi, nói là cứ đọc bài này là hiểu anh. Và anh cầm bài viết đọc luôn cho cô ta nghe. Đến chỗ " Bây giờ nghĩ lại xấu hổ chết đi được ! ", anh đỏ bừng mặt và cười hô hố - Cô nghiên cứu sinh kể lại với tôi như vậy.
Trong bài viết nói trên, tôi có nói đến một bậc đàn anh trong nghề dạy tôi phải đào nhiều hang. Ta là con chuột, lấp hang này, ta chui hang khác. Đó là Đinh Gia Khánh. Ở bài này, tôi dẫn câu Nguyễn Khải nói, có một nhà văn, trước 1975, chẳng có tư tưởng gì cả. Đấy là Nguyễn Minh Châu. Đúng là trước 1975, tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu cũng chỉ là minh hoạ đường lối, tư tưởng của đảng. Sau 1975 mới có tư tưởng. Tư tưởng Nguyễn Minh Châu đặt ở nhân vật Khúng trong Khách ở quê raPhiên chợ Giát. Tôi cũng dẫn lời anh chê một nhà thơ viết hồi ký, đọc lúc đầu có không khí, sau chẳng thấy có tư tưởng gì. Đó là A. T. (Hồi ký Từ bến sông Thương)(2). Tôi còn dẫn ra câu anh nói về một giáo sư danh tiếng mà đọc (hồi ký) cũng chả thấy có tư tưởng gì. Đó là Đ.T. M. (2).
Như vậy là đọc văn hay viết văn, Nguyễn Khải rất chú ý đến tư tưởng của tác phẩm. Nhưng ở anh, có một mâu thuẫn : một mặt muốn phát biểu tư tưởng riêng, vì ý nghĩa của văn chương là ở đấy. Nhưng mặt khác lại muốn sống yên ổn với đời nên chỉ có thể mạnh dạn nửa vời, mạnh dạn trong một khuôn khổ nào đấy thôi. Chính trị ghê gớm lắm, không đùa được đâu, chắc anh luôn luôn tự dặn mình như thế. Vả lại nghĩ đi nghĩ lại, anh không thể quên công ơn của cách mạng đối với mình. Từ một cậu bé con rơi con vãi, sinh ra đã bị khinh bỉ, bị lăng nhục, sau cách mạng trở thành nhà văn có danh, có lợi đủ cả. Cũng phải biết điều một chút chứ !
Thông minh và tỉnh táo, Nguyễn Khải luôn có ý thức về thân phận của mình, về cái giá trị của mình đối với đời. Anh kể chuyện, hồi anh là đại biểu quốc hội, đi ôtô từ Ba Đình về nhà khách. Đến chỗ đường tàu, xe phải dừng lại cùng một số đồng bào đi xe đạp, xe máy. Anh nhìn xuống, thấy rợn người : có một tay đang nhìn lên anh, cặp mắt đầy căm thù. Anh nghĩ mình cũng chỉ là loại nghị gật, vô tích sự, thằng ăn hại, dân nó khinh ghét là phải.
Chiến thắng 30.4.1975, anh đi vào Nam. Gặp Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh. Anh cảm thấy Ngọc và Oánh nhìn mình như muốn nói : " Mình chiến đấu gian khổ bao lâu không thấy mặt nó đâu, bây giờ chiến thắng rồi, nó vào. Rồi nó sẽ viết nhiều, viết hay hơn mình cho mà xem ! ". Nguyễn Khải nói : " Biết thân phận thế, tôi cứ ngồi len lén, không dám nói năng gì ".
Mà cái tài của Nguyễn Khải là thế thật, có cần đi thực tế gì đâu. Trước 1975, anh chỉ ngồi ở ngoài Bắc mà viết về Hoà Vang chiến đấu như thật. Cho nên có ai đó đã làm vè giễu anh :
Anh đi anh lại về ngay,
Hoà Vang cũng ở ngoài này đó em.

*
Khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, Nguyễn Khải đưa gia đình vào Sài Gòn. Lúc đầu xem chừng sinh hoạt còn khó khăn. Anh ở quận Bốn (448B/9, phường 18, Nguyễn Tất Thành) tôi có đến thăm. Nói chuyện với tôi, thấy anh cứ nhấp nhổm chạy ra chạy vào : gia đình bán giải khát và cho thuê điện thoại. Có khách đến, phải chạy vội ra phục vụ. Mấy năm nay thì khá hơn rồi. Anh có người con (Nguyễn Khải Hoàn) kinh doanh nhà đất, kiếm được. Nhưng nhà cứ mua đi bán lại, nên anh cứ phải chuyển chỗ ở luôn. Mỗi lần tôi vào Sài Gòn, lại thấy anh ở một chỗ khác. Biết tôi vào Sài Gòn, thế nào anh cũng mời đến uống rượu.
Đến Nguyễn Khải, lúc nào cũng có rượu. Anh nói, bây giờ rượu Tây sẵn, nghĩ thương ông Nguyễn Tuân. Ngày xưa mỗi lần họp, thấy ông lấy ra một cái bi đông rượu, rót vào cái nắp, mời vị này, vị khác. Nay rượu Tây đầy ra đấy, ông không còn để mà uống.
Nói chuyện với Nguyễn Khải, tôi không ngờ hồi mới vào Sài Gòn, loại văn nghệ sĩ cỡ Chế Lan Viên, Nguyễn Khải mà khổ đến thế : " Vũ Thị Thường nói, đi đường chỉ mong nhặt được tiền ai đó đánh rơi ". (Hệt như câu nói của Hoàng Ngọc Hiến hồi ấy : " Đi đường thấy có một đồng xu rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ ! ")
" Chế Lan Viên ở quận Tân Bình chỉ thèm ăn một bữa ngon, phải ra tận quán bà luật sư Huỳnh Ngọc Đại (3) để được bà ấy đãi một bữa cơm Tây. Ai mời, đâu mời cũng đi. Chỉ để kiếm bữa ăn thế thôi, và xách về một chai nước mắm hay mấy cân gạo nó cho. Nguyễn Khải cùng đi với Chế Lan Viên. Một thằng làm thơ, một thằng viết ký, một ca sĩ đi theo hát. Tôi gọi là hai kép, một cô đầu cùng đi kiếm bữa ăn và ngồi nghe mấy tay giám đốc dốt nát vào đấy ba hoa. Nó có tiền nên hai nhà văn cứ phải gật gù nghe nó dạy dỗ ".
Nguyễn Khải có nhiều ý kiến rất táo bạo :
" Đảng không bao giờ coi trọng trí thức, biến trí thức như Hoàng Xuân Nhị thành hèn hạ. Mà bị nó khinh. Tôi từng gặp Hoàng Xuân Nhị ở nhà Tố Hữu. Tố Hữu không thèm nói chuyện với ông ta, cứ để cho ông ta ngồi một mình. Tóc bạc phơ. Tố Hữu chỉ nói với tôi là một thằng còn rất trẻ. Trần Đức Thảo thì bị biến thành một thằng thần kinh. Sang Pháp, bao nhiêu Việt kiều mời đến, không đến, cứ ở Đại sứ quán, tuy bị nó khinh như chó.
Thuỵ An thì bị tù. Trong tù đi lao động, ngã vào dây thép gai, bị mù một mắt. Nay vẫn ở Sài Gòn, sống rất khổ. Không đi Pháp vì là con gái lớn phải ở lại nuôi mẹ già..."
" Chúng ta thuộc lứa người bị bỏ phí cả một thời trai trẻ để học theo một cái lý thuyết vớ vẩn, chả nghĩ ra được cái gì, chẳng làm ra được cái gì trong giới hạn của chủ nghĩa Mác - Lê - một thứ triết học của người cầm quyền. Mà có hiểu Mác - Lê thực đâu. Toàn nghe lãnh tụ nói và nói theo. Trong cái khung của một ý thức hệ, còn ai nghĩ ra được cái gì nữa. Chủ nghĩa Mác thành ra một thứ tôn giáo. Tin mà không hiểu. Bao người hy sinh vì cái lý thuyết vớ vẩn ấy. Chủ nghĩa xã hội toàn đẻ ra những con người quái gở như Mao Trạch Đông, Staline, Pônpốt, rồi Nguyễn Chí Trung..., toàn lũ điên ".
" Ta có một thời cứ tin tưởng ở cái không có. Như tin ở chủ nghĩa xã hội ".
" Chính trị và quan điểm giai cấp trùm lên tất cả. Con người không có tình bạn. Bạn bè mà có vấn đề chính trị là không được quan hệ ".
" Chủ nghĩa xã hội nếu không thay đổi thì con người thành mọi rợ, rừng rú. Từ ăn, ỉa, mặc, ở... Sợ quá ! "
Nguyễn Khải nói về uy quyền ghê gớm của Lê Đức Thọ một thời. Anh chứng kiến Sáu Bắc (Lê Đức Thọ) tiếp Sáu Nam (Lê Đức Anh). Hôm ấy, Thọ gọi một số văn nghệ sĩ đến hỏi chuyện. Thọ đang tiếp khách. Bọn Khải phải ngồi đợi ở phòng bên cạnh. Lát sau, khách ra về. Hoá ra khách là Lê Đức Anh. Nguyễn Khải thấy Lê Đức Anh đi ra, cứ đi giật lùi, giật lùi ra mãi giữa sân mới dám quay đít lại. Thọ tiếp chúng tôi. Đúng lúc ấy thấy Phạm Hùng đi sang. Hùng đề nghị gặp Thọ một lát. Thọ phẩy tay : " Để lúc khác nhé, giờ đang bận tiếp khách văn chương ". Thọ coi Hùng chẳng là cái gì, tuy Hùng lúc đó là thủ tướng, thay Phạm Văn Đồng.
 " Nói chung cộng sản coi văn nghệ sĩ như rác. Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn nghệ. Vì chỉ dùng tuyên truyền, dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói, có làm gì đâu. Nói đủ cả, chẳng làm gì. Thí dụ, cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa bao giờ phê bình tự phê bình cả. Có dám nói thật đâu mà phê bình tự phê bình. Chỉ toàn đào tạo gia nhân, đầy tớ, bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn nó nói sự thật, nó lật tẩy. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên truyền, đề cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát, không dám chống chế độ đâu ! ".
" Chế Lan Viên một thời, dựa thế Tố Hữu cũng hách lắm. Tô Hoài gọi là thằng nặc nô của đảng. Hồi chỉnh huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng, nói với Nguyễn Tuân : ông tưởng ông to lắm à ? Tôi phụ trách ông kia mà ! Họp chấp hành, ý kiến Chế Lan Viên là quyết định. Thí dụ, ban chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không ? Mọi người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế Lan Viên đi đái vào, nói : " Thằng Thép Mới nó còn ở ban chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho vào hội được ! ". Ai cũng gọi là thằng tuốt. Thằng Nguyễn Đình Thi, thằng Tô Hoài, thằng Hoàng Trung Thông, chẳng sợ ai cả. Không thể đối đáp kịp mồm Chế Lan Viên. Phải về nhà mới nghĩ ra cách bác lại, nhưng hôm sau, không còn lý do để tranh cãi nữa, vì lão ấy lại nói chuyện thân mật ".
" Nhưng Chế lan Viên chết rất khổ. Vũ Thị Thường phục vụ rất mệt. Gần chết hay quát tháo vợ con. Vũ Thị Thường nói chỉ thèm được ngủ, khi Chế lan Viên chết, việc đầu tiên là ngủ bù một giấc, dạy mới có sức mà khóc ".
Nguyễn Khải có một ưu điểm là có óc liên tài thật sự. Rất phục người tài. Tôi đã được nghe anh phục Đỗ Chu như thế nào khi Chu mới xuất hiện. Đối với Nguyễn Huy Thiệp lại càng phục hơn nữa.
Anh nói : " Kim Lân là con đẻ của đất Kinh Bắc. Đỗ Chu cũng thế. Trẻ con có học hành gì đâu mà viết rất hay : Thung lũng cò, Hương cỏ mật... Vợ nhặt của Kim Lân thì văn tuyệt hay. Con người Kim Lân rât thích. Hồn nhiên, chân thật, tiếp xúc không phải ý tứ gì. Có Kim Lân, mình cũng bớt lố bịch, cứ lấy ông ta làm chuẩn. Nguyễn Tuân còn điệu bộ, làm dáng. Tôi rất ghét uốn éo, điệu bộ. Rất ghét cái ông Vũ Kỳ bắt chước Cụ Hồ : áo bà ba, đi guốc mộc tiếp khách.
Muối của rừng, Thiệp viết rất giỏi. Hemingway viết Ông già và biển cả còn dài dòng. Thiệp viết cực ngắn. Đi săn, trang bị đầy đủ. Cuối cùng cởi truồng trở về. Lại còn bị lũ khỉ giễu cợt. Không có vua có cái chi tiết bố chồng dòm con dâu tắm. Sợ quá !
Nhưng bây giờ xem ra hết tài rồi. Viết tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu, rồi truyện võ hiệp, thành ngòi bút khác mất rồi.
Ma Văn Kháng là dân Hà Nội, viết về dân tộc thiểu số cứ xôm cốp bên ngoài thế thôi. Phải viết về dân tộc mình, về cái mình thuộc, mình am hiểu chứ.
Tô Hoài thì rất tinh quái, rất hóm. Nguyễn Đình Thi đẹp trai, hấp dẫn gái, thế mà toàn ăn của thừa. Mình phải ăn từ bếp lên chứ ! Này, có lần tôi đến LM gọi cửa mãi, thấy đi ra, khuy ngực xốc xếch. Bên trong thấy có Tô Hoài."
Nguyễn Khải cho kết quả của Đại hội nhà văn lần thứ 7 là tốt : " Ban chấp hành như thế là khác trước rồi. Trước đây, vào chấp hành, thằng nào cũng để kiếm chác một cái gì đó : một chỗ dựa, một chỗ có tiền, một suất đi nước ngoài... Giờ bọn Vàng Anh, Hồ Anh Thái nó chẳng cần gì ! Đừng hòng Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm bảo được nó. Nó không nghe đâu ! ".
Nguyễn Khải cho viết văn là phải có tư tưởng. Vì thế anh chịu khó đọc sách, gần đây hay đọc triết. Hình như có một bậc thánh hiền nào đó nói rằng, đọc sách mà không nghĩ thì vô dụng, nghĩ mà không đọc sách thì nghĩ lung tung rất nguy hiểm. Nguyễn Khải chịu đọc và chịu nghĩ.
Một lần tôi đến anh, thấy anh đặt trên bàn cuốn Tinh thần pháp luật của Montesquieu. Anh nói : " Lâu nay chúng ta chỉ đi bên cạnh nền văn minh nhân loại. Nói thế là đủ hiểu. Chẳng biết gì. Phủ nhận tất cả những cái gọi là phi vô sản. Bây giờ mình mới được đọc những Montesquieu, Voltaire, Rousseau...
Đọc triết học phương Đông từ Cao Xuân Huy, Nguyễn Hiến Lê... đến khi đọc bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, cuốn Bàn về tính hiệu quả (4), mới ngộ ra được. Phải nhìn từ xa, tuân theo quy luật tự nhiên. Gò ép nó, cải tạo nó là hỏng. Liên Xô cứ đòi uốn nó, cải tạo nó. Cải tạo sao được con người. Con người không thể cải tạo được. Bây giờ đấy : đủ cả mafia rất ghê gớm ".
Hoàng Ngọc Hiến dịch triết rất hay mà chả thấm được triết. Cứ tức tối, căm thù. Tôi rất quý Hoàng Ngọc Hiến, nhưng đọc bài của Hiến (có lẽ là bài trên Talawas) tôi không thích nữa.
Về điểm này, tôi chưa thật hiểu rõ ý của Nguyễn Khải.
Tôi nhớ ông Tolstoi già trong Chiến tranh và hoà bình có luận về tình yêu của con người và tình yêu của Thượng đế. Khi yêu bằng tình yêu của con người thì có thể từ yêu thương chuyển sang thù ghét, còn tình yêu của Thượng đế thì có thể thương yêu cả kẻ thù, thậm chí cảm thấy vui sướng khi thương yêu kẻ thù. Ăngđré Bôncônxki, trong giờ phút hấp hối, đã thấy mình bỗng có được tình yêu đó. Anh ta vui sướng khi thấy mình thương cả Anatole là kẻ tình địch của mình.
Nguyễn Khải muốn có thứ tình yêu cao cả đó chăng, mà anh gọi là thái độ triết học ?
Điều đó có phải là một điềm gở ở anh không ?
*
Tôi gặp Nguyễn Khải lần cuối cùng ngày 24.7.2007 (cùng với Hồ Quốc Hùng). Tất nhiên khi anh mất rồi mới biết đấy là lần cuối cùng : Thật không ngờ ! Tôi cứ tưởng sẽ còn nhiều lần được gặp anh. Anh với tôi cùng sinh một năm (1930), nhưng anh còn sinh sau tôi tới chín tháng (tôi sinh đầu năm - tháng ba, anh sinh cuối năm - tháng chạp).
Anh đi đâu về. Trông thấy anh, tôi bấm bụng cười thầm vì chợt nghĩ đến nhận xét rất đúng nhưng rất tục của Đỗ Chu hồi nào : " Răng hơi hô, trông lúc nào cũng như hớn hở, đi ngực ưỡn, hai tay ve vẩy, trông như con đàn bà nứng l. ".
Nhưng bây giờ thì anh có vẻ yếu rồi, chống ba toong, cao lênh khênh, đi lòng khòng.
Anh vẫn nói nhiều. Nào chuyện tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, kho tài liệu giúp anh viết về chính quyền Sài Gòn, nào chuyện cải cách ruộng đất xoá sạch thành tích cách mạng, chuyện Chế Lan Viên chết rất khổ. Khổ mà rất khí khái, không xin xỏ gì hết, tuy Tố Hữu, Hà Xuân Trường đến thăm luôn, chuyện Nguyễn Tuân, chuyện Nguyễn Huy Thiệp, chuyện Cụ Hồ và tướng Giáp rất giỏi nín nhịn...
Anh nói đang viết một bài gọi là sự hình thành một bút pháp. Từ thực tế sáng tác của mình mà viết. Xưa đã thấy người nông dân cần có tầm mắt nhìn xa vượt ra khỏi sự hẹp hòi của hợp tác xã. Nhưng vượt ra bằng cách nào chưa biết. Nay mới thấy có điều kiện : kinh tế thị trường giải phóng cho nông dân...
Anh nói rất nhớ Hà Nội. Thèm không khí Hà Nội. Vào Sài Gòn anh chẳng chơi với một bạn mới nào. Ra Hà Nội bây giờ cũng lại chỉ đến những bạn cũ đã già. Không nói chuyện với đám trẻ được. " Người ta nói sáu mươi tuổi thì tính năm, bẩy mươi tính tháng, tám mươi tính ngày... Tôi muốn sống lâu để xem thời thế ra sao. Lịch sử do con người làm ra, làm sao biết trước được ! "
Tôi nhớ lại ngày xưa anh đã có một câu nói gở rất thiêng về Nguyễn Tuân. Anh khen Nguyễn Tuân đẹp lão và nói : " Đẹp lão thế là sắp sửa đấy ! ". Ba ngày sau Nguyễn Tuân qua đời.
Bây giờ anh nói bẩy mươi tuổi tính tháng.
Anh nói ngày 24.7.2007.
Năm tháng sau, ngày 15.1.2008, nghe tin anh qua đời.
Đúng là tuổi bẩy mươi tính tháng.
*
Ngay sau khi Nguyễn Khải mất, tôi có anh bạn (Hoàng Dũng) trong Nam ra Hà Nội, nói Nguyễn Khải chết không có đất chôn.Đúng ra là không được chôn ở nghĩa địa Sài Gòn (tại Thủ Đức), phải đưa lên nghĩa địa Củ Chi rất xa. Tiêu chuẩn được chôn ở Thủ Đức, ngoài những ông thành uỷ viên hay trung ương uỷ viên không kể, phải có 65 năm tuổi đảng. Trần Duy Châu, nguyên hiệu phó Đại học Sư phạm Sài Gòn, khi chết mới có 58 tuổi đảng, không đủ tiêu chuẩn, phải đưa đi Củ Chi. Nguyễn Khải tất nhiên cũng phải đưa đi Củ Chi.
Võ Văn Kiệt thấy thế chắc lấy làm xấu hổ, nên can thiệp. Ông tuyên bố nhường suất chôn ở Thủ Đức của ông cho Nguyễn Khải.
Láng Hạ 23.1.2008.
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
(Trích HỒI KÍ, chương 19)

CHÚ THÍCH CỦA DIỄN ĐÀN :
(1) Năm 1979. "Đề dẫn" của Nguyên Ngọc (bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn Việt Nam) và bài viết của Hoàng Ngọc Hiến (văn học Việt Nam 1945-1975 là một nền "văn học phải đạo") là dịp để Tố Hữu, Chế Lan Viên... mở một cuộc càn quét, truy lùng "bọn chống đảng" trong giới văn nghệ.
(2) Anh Thơ và Đặng Thai Mai.
(3) Đúng ra là bà Nguyễn Phước Đại, sau 1975 mở quán "Blibliothèque".
(4) François Jullien.



Vài nét về Nam Trân Học trò trong Quảng ra thi... Nam Trân: Con người tài hoa Một số nhà văn tuổi Mùi Hà nội, Đẹp và Thơ Đường phố Đà Nẵng mang tên danh nhân: Nhà thơ Nam Trân  Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nam Trân Nam Trân - sự gắn bó giữa không gian Huế và tâm hồn thi nhân Tìm lại Huế, Đẹp và Thơ - Giới thiệu tập thơ Nam Trân Nam Trân với Huế Hành xử và đóng góp của một trí thức yêu nước Diễn văn nhân kỷ niệm 100 năm sinh và 40 năm mất nhà thơ - dịch giả Nam Trân Người Quảng trên đất cố đô

Đẹp và Thơ - Cô gái Kim Luông Anh chài tự đắc Bài hát của đại phi công Bài thơ nhất cú hay là nỗi khổ tâm của thi sĩ Bỏ quách lối thơ xưa Cánh cửa Cảnh quê Cầu bạn Chôn hoa Điếu thuốc cháy suông Đời người Eng Gặp khách đong đưa Giận khúc Nam ai Hà Nội, mưa phùn Hái hoa hồng Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn Huế, đêm hè Huế, mưa dầm Huế, ngày hè Khiêu vũ 1935 Khoá xuân Liên tưởng Một câu thơ của ông Tú Mỡ Mùa đông, cánh đồng An Cựu  Nắng thu Núi Ngự, sông Hương Ngại ngùng khi bước chân ra Sầm Sơn trường hận  Sóng bạc tình Sơn còn ướt Tiếng chuông Diệu Đế Trên núi Ngự Trước chùa Thiên Mụ Vườn cau Nam Phổ

Chuyện em Thanh (Nhặt được của rơi, trả người đánh mất) Mùa xuân trong vườn Em yêu mùa hè Sức mồ hôi Bàn tay mẹ Chớm thu Tựu trường

Những bài học về văn hóa và ngôn ngữ từ một lời cảm ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh Nhật kí trong tù tròn bảy mươi năm (1943-2013) 70 năm Ngục trung nhật ký Kỷ niệm 70 năm "Ngục trung nhật ký": Sự trở lại của một kích thước lớn  “Nhật ký trong tù” – 70 năm sáng mãi tinh thần lạc quan của Bác 60 năm Ngày Bác Hồ viết bài cuối của tập thơ Nhật ký trong tù (10/9/1943 - 10/9/2003)  Nam Trân và bản dịch Nhật ký trong tù Sự bất hủ của Nhật ký trong tù Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn Trở lại hành trình của nguyên tác  Ngục trung nhật ký  Nhật ký trong tù có 133 hay 134 bài ? Nhà xuất bản Văn học tiếp thu phê bình về việc tái bản Nhật ký trong tù Đọc lại bài thơ Khán “thiên gia thi” hữu cảm (Nhân 70 năm Nhật ký trong tù) Dịch thơ: nói dễ, làm khó! “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 2: Đạo văn để bình văn “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 3: Không có chữ dạy người biết chữ “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 4: Đạo đồ giả và sáng tạo nhầm Trở lại "số phận" Nhật ký trong tù Ra mắt tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch ở Cộng hòa Czech Vu cáo chính trị – mập mờ học thuật

Phát huy vai trò nhân sĩ trí thức trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động lý luận, phê bình văn học Văn học kháng chiến chống Pháp ở Bình Thuận 60 năm Viện văn học và tạp chí nghiên cứu văn học

 

Năm mới nhớ về một thời gian khó  Bao cấp

Ra mắt hai cuốn Sưu tập Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1933-1934 và Tác phẩm đăng báo 1935 Chế Lan Viên Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười Nữ sĩ Anh Thơ: Đa tài, đa tình, nhưng cũng đa đoan

Qua đèo Ngang Hai sắc hoa ti gôn Người vợ (Nguyễn Khải)

Một người Hà Nội- Nguyễn Khải Đi tìm cái tôi đã mất (Nguyễn Khải) Dại khôn Nguyễn Khải Hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh về Nguyễn Khải Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp) Tuổi 50 Làm sao cho người Việt tin nhau?