Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Đọc lại bài thơ Khán “thiên gia thi” hữu cảm (Nhân 70 năm Nhật ký trong tù)

Đọc lại bài thơ Khán “thiên gia thi” hữu cảm (Nhân 70 năm Nhật ký trong tù)
09/09/2013 08:28:40

Khán “thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc “thiên gia thi”) là bài thơ được viết theo thứ tự 131 trên tổng số 133 bài trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Hơn nửa thế kỷ qua, có nhiều lời bình về bài thơ, trong đó có người cho rằng đây là “tuyên ngôn thơ” của Bác. Mấy chục năm qua, tôi đọc bài thơ này rất nhiều lần. Năm nay, đọc lại bài thơ cùng với nhiều lời bình, liên hệ với bối cảnh sáng tác và cuộc đời, trình độ, lý tưởng của tác giả, tôi lại phát hiện và học thêm nhiều cái hay mới.
 
Trước hết, ta nên xem lại một lần nữa nguyên văn chữ Hán và bài dịch thơ của Nam Trân:

Phiên âm:

Khán “thiên gia thi” hữu cảm

Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong

Dịch thơ:

Cảm tưởng đọc “thiên gia thi”

Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

NAM TRÂN dịch

Hai câu đầu tác giả nêu nhận định về thơ xưa: Thơ xưa nghiêng về yêu cảnh đẹp thiên nhiên; núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió. Thiên nhiên bao la, đa dạng; tác giả chỉ nêu tượng trưng vài cảnh đẹp thiên nhiên. Thiên gia thi là tập thơ chọn lọc trên 200 bài của nhiều nhà thơ Đường - Tống gồm những bài dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ; vì thế, nó chưa phản ánh đầy đủ cổ thi Trung Quốc. Có nhiều chứng cứ cho thấy Hồ Chí Minh đọc rất nhiều cổ thi Trung Quốc. Nhân đọc tập Thiên gia thi, Người đưa ra một nhận định về cổ thi nói chung chứ không riêng gì những bài thơ in trong Thiên gia thi. Thơ cổ Trung Quốc có nhiều đề tài: vũ trụ, thiên nhiên, xã hội, con người, sinh hoạt, triết lý cuộc sống,…; các đề tài thường không “biệt lập” mà ít nhiều có quan hệ nhau; trong đó đề tài thiên nhiên chiếm tỷ trọng lớn. Phác họa cảnh đẹp thiên nhiên, cảm xúc và giao hòa với thiên nhiên là một trong những nét đặc sắc của cổ thi Trung Quốc. Có người nêu vẻ đẹp thiên nhiên “thuần túy”; có người mượn thiên nhiên để ký thác tâm sự và ý tưởng của mình; có người chán cuộc sống, “lẩn trốn” vào thiên nhiên. Đọc Thiên gia thi là “dịp” để Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét về một khía cạnh của cổ thi là nghiêng về yêu cảnh đẹp thiên nhiên. Nhận định này cũng đúng đối với cổ thi Việt Nam.

Nhận định như vậy, Hồ Chí Minh không có ý phê phán thơ tả cảnh đẹp thiên nhiên của cổ thi. Thơ tả cảnh thiên nhiên có nét đẹp riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng thơ cổ. Hồ Chí Minh rất mực yêu thiên nhiên, sống chan hòa với thiên nhiên, biết thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, bảo vệ và vun bồi thiên nhiên. Họa sĩ Diệp Minh Châu kể lại hồi ở Việt Bắc: “Có một đêm hai Bác cháu đang nghe đài phát thanh, bỗng Bác gọi: Chú Châu, qua đây! Tôi đến ngồi cạnh Bác, Bác kéo đầu tôi ghé cạnh Bác, trỏ tay khung cửa sổ. Một mảnh trăng liềm vừa nhô ra khỏi núi, tỏa sắc xanh huyền ảo xuống những dãy núi xa”. Có điều kiện, Bác cũng tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Sống, Bác gắn bó với thiên nhiên; qua đời, Bác có nguyện vọng hỏa táng, “tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn”, “nên có kế hoạch trồng cây trên đồi” để Bác yên nghỉ cùng thiên nhiên.

Đặc biệt, thơ của Bác - cả thơ chữ Hán và thơ tiếng Việt - chứa đựng đầy cảnh đẹp thiên nhiên. Tất nhiên, thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh có nét mới so với thiên nhiên trong cổ thi. Bác vừa kế thừa cái hay của cổ thi trong đó có cảnh đẹp thiên nhiên, vừa vượt qua, đột phá, tạo ra cái hay mới. Các bài tả cảnh đẹp và cảm xúc trước thiên nhiên như Nguyên tiêu, Lộ thượng, Vọng nguyệt, Tẩu lộ… có thể xem là tiêu biểu cho lòng yêu quý vẻ đẹp của thiên nhiên, cảm xúc, niềm lạc quan yêu đời trước thiên nhiên, dù có trường hợp phải ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tù đày.

Hai câu sau tác giả đưa ra quan điểm của mình về thơ và trách nhiệm của nhà thơ: Thời đại hiện nay, trong thơ nên có thép; Nhà thơ cũng phải biết xung phong. GS Vũ Khiêu viết: “Thép” trong thơ chính là phẩm chất tư tưởng và thẩm mỹ của thơ. Thơ phải có “thép” nghĩa là phải có tính chiến đấu, phải góp phần cải tạo xã hội và tự nhiên, phải phục vụ cách mạng. Phục vụ cách mạng không phải chỉ là yêu cầu của cách mạng đối với thơ. Đó cũng là yêu cầu của bản thân thơ, nếu thơ muốn thật sự là thơ (Hồ Chí Minh tác giả tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003, trang 230). Đúng vậy, đó là yêu cầu của thơ hiện đại. Nhưng nó là một trong những yêu cầu quan trọng chứ không phải tất cả. Tôi tán thành cách hiểu của GS Hoàng Như Mai: “Nên hiểu là nên có thêm thép là cái mà thơ xưa nói chung chưa có. Không nên hiểu thơ nay chỉ là thép, tất cả những gì khác bị loại trừ” (Sđd, trang 510). Mặt khác, thơ là cảm xúc, là sáng tạo; chất “thép” trong thơ cũng thể hiện đa dạng, nhiều mức độ, sắc thái và hòa quyện với các yếu tố khác.

Bài thơ Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi” ra đời năm 1943 khi chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ, tạo thời cơ cho các nước thuộc địa giành độc lập. Sự nghiệp cách mạng của đất nước Trung Quốc - đất nước của thơ Đường rực rỡ - rất cần có những nhà thơ, những văn nghệ sĩ cách mạng. Ở nước ta, mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, xác định giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do là nhiệm vụ hàng đầu. Lực lượng cách mạng được xây dựng ngày càng mạnh lên cả về chính trị, quân sự, văn hóa. Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của văn nghệ sĩ trong đó có nhà thơ; yêu cầu họ phải tích cực góp phần chiến đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Sau này, Người tiếp tục khẳng định: “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người giao nhiệm vụ cho văn nghệ sĩ rất “nặng nề” nhưng đem lại vinh quang cho văn nghệ sĩ rất lớn. Tinh thần “xung phong” của văn nghệ sĩ và chất “thép” trong các tác phẩm của họ góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh. Văn nghệ kháng chiến, giải phóng dân tộc mãi mãi xứng đáng là đỉnh cao của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Tôi chú ý nhiều hai chữ “hiện đại” trong câu thơ thứ ba. Theo thiển ý, câu thơ dịch là “nay” thì mới dịch chữ “hiện” chứ chưa dịch chữ “hiện đại”. Chữ “hiện” có nghĩa là: Nay, hiện nay, hiện thời, hiện đang, bây giờ, trước mắt. Còn “hiện đại” có nghĩa là “thời đại ngày nay”. “Hiện đại” rộng nghĩa hơn “hiện”; “thời đại hiện nay” rộng nghĩa hơn “nay”. Cho nên, hai câu dịch thơ sau có thể chỉnh lại là: Hiện đại trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Hai chữ “hiện đại” nói lên điểm xuất phát, căn cứ khách quan quy định sứ mệnh của văn nghệ sĩ, của nhà thơ hiện đại.

Thời đại hiện nay là thời đại chủ nghĩa đế quốc gây biết bao tội ác, đau khổ đối với nhân dân và các dân tộc thuộc địa; là thời đại đa số người còn sống trong chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai triền miên; là thời đại cách mạng dưới ánh sáng khoa học và nhân văn của Chủ nghĩa Mác-Lênin; là thời đại con người luôn khao khát một cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, ấm áp tình người. Tiếp thu sáng tạo lý luận Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm cách mạng toàn diện, triệt để: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Giải phóng con người là mục tiêu tối cao, cuối cùng để đem lại cuộc sống tràn đầy “tình người” cho nhân loại. Sống trong thời đại như thế, không riêng gì nhà thơ, văn nghệ sĩ cách mạng, mà tất cả nhà thơ, văn nghệ sĩ trên toàn thế giới phải “xung phong” đi đầu trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì hạnh phúc con người. Có điều là, mỗi người có cách sáng tạo riêng theo vị trí và tài năng của mình, tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc của nền văn nghệ vì sự tiến bộ của loài người. Trường hợp J.P.Sartre - triết gia, nhà văn hiện sinh Pháp - ông có cách “xung phong” thật đáng trân trọng: nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, thành lập tờ Les temps modernes để tuyên truyền ý tưởng cách mạng, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, kết án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ và ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam!

Hồ Chí Minh không có ý phê phán, phủ định “thiên nhiên đẹp” trong cổ thi. Người chỉ đưa ra cảm tưởng “cổ thi nghiêng về yêu cảnh đẹp thiên nhiên” mà thôi. Cho nên, để cho hài hòa, cân bằng, nhất là xuất phát từ đặc điểm và yêu cầu thời đại hiện nay, Người đề nghị nên có thêm chất “thép” vào trong thơ. Bổ sung chất “thép” sẽ tạo nên nét đặc sắc mới trong thơ hiện đại. Thơ sẽ tươi thêm, mạnh hơn, giúp ích cho đời nhiều hơn. Giữa “thiên nhiên” và chất “thép” cũng không hề mâu thuẫn, loại trừ lẫn nhau; mà nó luôn có quan hệ, hài hòa, bổ sung cho nhau. Một bài thơ hay là sự hòa quyện giữa “thiên nhiên” và chất “thép” đến mức độ người đọc không còn phân biệt đâu là “thiên nhiên”, đâu là chất “thép”. Thơ Hồ Chí Minh, đặc biệt là thơ trữ tình, là mẫu mực sự hài hòa giữa “thiên nhiên” và chất “thép”, giữa chất “thép” và chất “tình”. Nhà thơ Hoàng Trung Thông viết rất đúng rằng:

Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

Ngục trung nhật ký là đỉnh cao tuyệt diệu và cuối cùng của dòng thơ viết bằng chữ Hán trong nền văn học Việt Nam. Ngày 10-9-2013 này, tác phẩm tròn 70 năm. Tôi đọc lại nguyên văn chữ Hán và nhiều lời bình của các nhà nghiên cứu; ngẫm nghĩ, phát hiện thêm nhiều cái hay, cái mới của mỗi bài thơ. Riêng bài thơ Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi” của Bác, chất tinh túy còn đọng lại trong tôi: Sống, đọc, viết, sáng tạo nghệ thuật phải gắn với cuộc đời, có tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc và nhân dân, vì chân - thiện - mỹ và những giá trị cao cả của nhân loại!

TRẦN THƯ TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét