Nam Trân

Nam Trân

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

60 năm Ngày Bác Hồ viết bài cuối của tập thơ Nhật ký trong tù (10/9/1943 - 10/9/2003)

60 năm Ngày Bác Hồ viết bài cuối của tập thơ Nhật ký trong tù (10/9/1943 - 10/9/2003)
Ngày 11/9/2003. Cập nhật lúc 19h 44'
Trịnh Thúc Huỳnh
Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
Thực hiện Chỉ thị số 23- CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách quý Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý nghĩa lịch sử của sự kiện này càng có giá trị hơn khi tác phẩm được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 60 năm (10/9/1943 - 10/9/2003), Ngày Bác Hồ kính yêu viết bài cuối của tập thơ Nhật ký trong tù, một sự kiện lịch sử và văn học vô giá trong kho tàng lịch sử - văn học dân tộc Việt Nam.

Tháng 8/1942, với danh tính Hồ Chí Minh, Bác Hồ sang Trung Quốc để liên hệ với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam ở Trung Quốc và với Đảng CS Trung Quốc. Vừa ra khỏi biên giới Việt - Trung, Người bị chính quyền địa phương Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép hơn một năm trời. Bị giải tới, giải lui khắp 13 huyện và khoảng 30 nhà lao của tỉnh Quảng Tây, phải đi bộ hàng nghìn cây số trong lúc bị xiềng trói, bị đày đọa, hành hạ, phải sống trong điều kiện “khác với loài người”, song với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước mọi thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, với hồn thơ của một nhân cách lớn, Bác Hồ đã viết tập nhật ký bằng thơ chữ Hán. Bốn chữ đầu tiên ở trang thứ nhất được viết to và tô đậm hơn: Ngục trung nhật ký đã trở thành tên gọi của tập thơ nhật ký gồm 133 bài.

Thoát cảnh tù đày trở về nước, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông - Nam Á. Trong hoàn cảnh chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, cùng với công việc bộn bề, tập thơ nhật ký do Người viết trong tù chưa có điều kiện công bố rộng rãi với bạn đọc.

Đến ngày 6/6/1946, báo Đồng Minh ở Hà Nội đăng bài của tác giả T.S giới thiệuQuyển Nhật ký thơ của Cụ Hồ, trong đó có đoạn viết: "Đó là một quyển sách đóng bằng giấy bản hạng tốt, vừa to bằng bàn tay... Trang bìa đầu vẽ hai bàn tay bị trói do chính tay Cụ vẽ lấy".

Tháng 9-1955, nhân kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một cuộc triển lãm về cải cách ruộng đất đã được tổ chức tại Hà Nội. Hơn ba mươi tư vạn người đã đến xem triển lãm và nhiều người trong số đó đã được tận mắt chứng kiến cuốn sổ tay Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi từ ngày 28/9/1942 đến 10/9/1943 khi Người từ Việt Bắc ra nước ngoài hoạt động và bị đế quốc giam giữ hơn một năm. Ghi nhận sự kiện này, sách Triển lãm Việt Nam những chặng đường lịch sử viết: "Một vinh dự cho nhũng người làm triển lãm này là Bác Hồ đã đến xem và Bác đã chọn cuộc triển lãm này để tặng bản gốc chữ Hán tập. Ngục trung nhật ký, một tác phẩm vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc". Lần đầu tiên bản gốc bút tích Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày, giới thiệu với đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Tháng 11/1955 triển lãm kết thúc, toàn bộ các tài liệu, hiện vật trưng bày được chuyển giao về Bộ Văn hóa và Văn phòng Trung ương Đảng lưu giữ. Đầu năm 1960, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam khánh thành, nhiều tài liệu quý của triển lãm trên được chuyển tới để bảo quản và trưng bày tại bảo tàng, trong đó có bản gốc bút tích Nhật ký trong tù.Từ đó đến nay, bản gốc tập thơ quý giá này được lưu giữ và bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Ở Trung Quốc, ngày 16/10/1956, nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) viết bài: Bác Hồ, một nhà thơ lớn. Có thể coi đây là bài viết sớm nhất của bè bạn quốc tế về Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 3 năm 1959, Viện Văn học đặt ra nhiệm vụ phải khẩn trương dịch tập thơ Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Việt. Một tiểu ban dịch thơ Nhật ký trong tù đã được thành lập do Viện Văn học chủ trì và trách nhiệm chính được giao cho nhà thơ Nam Trân. Tháng 5/1960, nhân kỷ niệm lần thứ 70 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn hóa (Viện Văn học) và Nhà xuất bản Phổ thông cùng phối hợp xuất bản Nhật ký trong tù với số lượng in lên tới gần bảy vạn bản. Ngay trong ngày đầu phát hành ở Hà Nội, hơn bốn vạn bản đã được bán hết. Tháng 6/1960, sách được in bổ sung để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của bạn đọc. Cũng năm đó, ở Trung Quốc, nguyên tác Nhật ký trong tù được in và phát hành. Tại Liên Xô, bản dịch tập thơ sang tiếng Nga cũng được hoàn thành và đến tay bạn đọc. Tiếp đó, Nhật ký trong tù được dịch và phát hành rộng ra ở Ba Lan, Mông Cổ, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc, Pháp, Mỹ, Cu-ba, v.v... Đến nay, Nhật ký trong tù đã được in và phát hành không dưới 30 lần ở Việt Nam; được dịch và giới thiệu ở trên 30 nước trên khắp các châu lục và in bằng 18 thứ tiếng khác nhau. Một số bản dịch được in và phát hành trong cùng một quốc gia.

Bốn mươi ba năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên khảo có giá trị về Nhật ký trong tù như: Đọc Nhật ký trong tù (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1977); Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù (Nhà xuất bản Giáo dục, 1993); Nhật ký trong tù và những lời bình (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2001); v.v... Cùng với các công trình này, còn có hàng trăm bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình trong các lĩnh vực văn học, lịch sử, ngôn ngữ... và nhiều bạn đọc yêu thơ Bác ở trong nước và ngoài nước. Các bài viết không chỉ bày tỏ tình cảm và những suy nghĩ của mình về tập nhật ký bằng thơ của Bác mà còn phát hiện, phân tích và khẳng định những giá trị trên mọi khía cạnh, xác định vị trí và vai trò của tập thơ trong tiến trình lịch sử đất nước và tiến trình lịch sử văn học của nước nhà. Có nhiều bài viết hướng tới mục tiêu tìm hiểu một cách có hệ thống, toàn diện về tư tưởng, tính triết lý, giá trị thẩm mỹ trong nội dung và nghệ thuật viết thơ chữ Hán của Bác, khai thác những đóng góp to lớn của Nhật ký trong tù trong đời sống tinh thần của nhân dân ta và của bạn bè quốc tế.

Trong lần xuất bản này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in lại toàn bộ bản gốc tập thơ viết tay Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các trang viết bằng văn xuôi của Người; giới thiệu 60 bài viết của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước về Nhật ký trong tù đã được xuất bản trên báo, tạp chí, sách một cách có hệ thống theo trình tự được xuất bản trong gần 60 năm qua. Lần đầu Nhật ký trong tù đến tay bạn đọc với toàn bộ nội dung được in từ bản gốc bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm tính nguyên gốc, tính chính xác của tài liệu hiện vật, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc có thể tiếp cận văn bản một cách thuận lợi và tin cậy, phục vụ thiết thực cho quá trình tiếp nhận, nghiên cứu, tra cứu, giảng dạy và học tập tác phẩm Nhật ký trong tù.

Chúng tôi hy vọng tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với bạn đọc lần này, đặc biệt là bản gốc bút tích tác phẩm của Người không chỉ là nguồn tài liệu quý để bạn đọc nghiên cứu và học tập, mà còn góp phần động viên, cổ vũ chúng ta trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng của Người, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hoàn thành mong ước của Người trước lúc đi xa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét