Nam Trân

Nam Trân

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Khai mạc Hội thảo: Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung


        Hội thảo đã long trọng khai mạc sáng nay, 8 – 10 – 2011 tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) dưới sự chủ trì của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà văn là Ủy viên BCH: Phan Trọng Thưởng, Đình Kính, Võ Thị Xuân Hà, Khuất Quang Thụy, Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Văn Công Hùng… cùng đông đảo các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ miền Trung và Hà Nội về tham dự.
Ông Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận VHNT TW; bà Lê Thị Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ VHVN thuộc Ban Tuyên giáo TW đã tham dự hội thảo.
Các ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Trọng Hưng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thay mặt lãnh đạo địa phương đến chào mừng Hội thảo. Ông Vương Văn Việt đọc diễn văn chào mừng đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo đối với việc phát triển văn học và thơ nói riêng, đóng góp của nó với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội NVVN đọc Lời đề dẫn Hội thảo, ông gọi đây là một hội thảo mở. Ông nói:  “…thời Thơ Mới với các tên tuổi lớn như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê rồi Nam Trân, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Thái Can và gần hơn nữa là Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Nguyễn Xuân Sanh, Minh Huệ, Xuân Hoàng, Trần Hữu Thung rồi Phạm Hầu, Bùi Giáng, Hữu Loan… Rất đa dạng và nhiều phong cách, rất khác nhau về hướng đi trong đời và trong thơ. Rồi đến thời chúng ta như Hoàng Phủ Ngọc Tưởng, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Đông Trình, Trần Vàng Sao, Võ Quê, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Văn Ngăn, Ngô Kha, Hải Bằng, Thái Ngọc San, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Hoàng Trần Cương, Anh Chi, Irasara và các nhà thơ nữ Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ý Nhi, Tuyết Nga, Tôn Nữ Thu Thủy, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Phước… đủ hiện hình thành bức tranh hài hòa trên tổng thể, nhưng lại có bố cục hết sức phóng túng, khi rực rỡ, khi trầm lắng, chỗ chói chang, chỗ thật đằm thắm, mềm mại và uyển chuyển, thực sự lay động… Có thể nói, từ nhiều đời, thơ miền Trung đã trở thành một bộ phận hữu cơ luôn luôn phát sáng, không thể thiếu vắng trong các giá trị nổi bật, tạo nên vẻ đẹp của của nền văn hóa Việt.”

Nhà thơ Văn Đắc đọc tham luận Nét nổi bật của thơ Thanh Hóa, nhận xét rất hào hứng về hai hiện tượng thơ xứ Thanh: Hữu Loan thời chống Pháp và Nguyễn Duy thời chống Mỹ. Và kết luận: Từ những nét nổi trội như vậy, nhìn rộng ra toàn cảnh thơ Thanh Hóa, ta có thể khái quát: Thơ Thanh Hóa mạnh mẽ mà mềm mại, tự nhiên mà tinh tế, tự sự mà trữ tình, cá tính mà hòa hợp. Nó là phần máu thịt của thơ miền Trung, một mảng mầu trong bức tranh thơ Việt.

Nhà thơ Văn Công Hùng: Độc tham luận Nhà văn miền Trung Tây nguyên, từ góc nhìn trẻ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thời chống Mỹ, thơ nào cũng là thơ chính luận của chiến tranh, thơ trong các đô thị Sài Gòn rõ hơn là hiện thực chiến tranh: “Đéo mẹ đêm nay lại ngủ rừng.” Thơ miền Bắc không thế, một em bé mất chó cũng viết: “Nghe bom thằng Mỹ nổ.”

Nhà thơ Thạch Quỳ: “Thơ miền Trung trong tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc”, có ý khẳng định không thể đơn giản hóa thơ chống Mỹ, nó đa dạng hơn, phức tạp hơn. Nguyễn Trọng Oánh viết: “Hòa vào dòng lá ngụy trang/ Tôi đi mất hút trong hàng quân đi” đó là hiện thực sâu sắc. Hiện nay các nhà thơ miền Trung đều rất có ý thức hướng về cái mới, sáng tạo mới trong thơ.

TS Hỏa Diệu Thúy với tham luận Xứ Thanh – miền đất thi ca, đặt vấn đề địa văn hóa của thơ. “Phan Huy Chú viết: Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, núi sông rất đẹp, là một chỗ có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho.” Nó làm nên nét rắn rỏi bộc trực của thơ ở đây. Nó cũng nhiều bài viết về bà, về mẹ; hình như miền Trung cả dáng hình đến phẩm chất đều có trong bà và mẹ. Và kết luận: bản sắc xứ Thanh đã tạo nên một nguồn mạch thơ giầu sắc điệu và ngược lại, thơ cũng đã góp phần lưu giữ và tỏa sáng bản sắc xứ Thanh.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Vận mệnh thơ như vận mệnh con người. Dẫn lời Trần Nhân Tông theo Bằng Việt “chấp theo lối cũ là không đúng” để khẳng định: “Thơ Việt sẽ già đi nếu không có những Trần Tuấn, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Lưu Melan… Họ ra đời trong bầm dập nhưng đã mang linh hồn Việt thời nay, họ mở rộng đường biên thi ca. Rồi nhấn mạnh: Thơ phải thay đổi, chấp theo lối cũ là không đúng.

Nhà thơ Vương Trọng: đọc tham luận Đổi mới thơ và những điều ngộ nhận (Xin đọc toàn văn tại giao diện này).

Nhà thơ Trần Vạn Giã có bài tham luận khá độc đáo về thơ trong các đô thị miền Nam cũ, đặt nó trong tương quan lịch đại với cả nước. Ông có cái nhìn thân thiện với các tìm tòi, ý thức cách tân của nhóm Sáng tạo của Mai Thảo; ông cũng ghi nhận của dòng thơ yêu nước xuống đường, phản chiến và cổ vũ tình yêu thương đồng bào dân tộc.

Nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan có tham luận Nữ tính trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, đặt nó trên bình diện thơ chống Mỹ, cuộc chiến ác liệt đã làm xáo trộn cuộc sống, tác động vào con người mà tất cả dường như đều tấp lên vai người thiếu nữ, người vợ, người mẹ rồi người bà. Tham luận nêu bật lên sức chịu đựng của người đàn bà trong chiến tranh cũng như trong thời bình với một nhịp điệu dịu dàng tràn ngập yêu thương. Và nhận xét Có thể coi thơ Lâm Thị Mỹ Dạ như một gương mặt đại diện cho thơ nữ miền Trung, cho nét nhân hậu dịu ngọt của ngôn ngữ miền Trung.

Nhà thơ Mai Văn Hoan có tham luận Cốt cách người miền Trung qua thơ Thạch Quỳ - từ một góc nhìn. Dẫn lời Đặng Thai Mai: “Người Nghệ Tĩnh can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, tằn tiện đến cá gỗ”, MVH hình dung Thạch Quỳ chẳng những là cốt cách Nghệ Tĩnh mà còn là cả miền Trung. Trung thực, thẳng thắn đến thành “ông đồ Nghệ Thạch Quỳ”, có người nói TQ rắn hơn đá núi Quỳ mà ông dùng làm bút danh của mình. Viết về cái đói khó ai ở xứ ta viết hóm hỉnh, sinh động và thấm thía như Thạch Quỳ: “Đêm ta ngủ thì mày hóa kiến/ Bò nôn nao trong ruột đói của ta.”

Nhà thơ Hữu Kim: Miền Trung – Tây Nguyên, thơ tụ ở núi thiêng và trào nơi đầu sóng.

Nhà văn Văn Chinh nói những điểm chủ yếu của tham luận Nguyễn Khoa Điềm, từ trầm hùng đến Cõi lặng (toàn văn có trong giao diện này.)

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng: Chữ nghĩa văn chương cần lì mịn, người đọc không thấy chữ nghĩa, chỉ thấy văn thơ. Tôi tin khoảng trời miền Trung sẽ lại xuất hiện những tài năng cột trụ cho thơ Việt như thế kỷ vừa qua.

Nhà thơ  Tùng Bách: Gọi “miền Trung - miền của thi ca.” Tố chất người miền Trung thông minh, cá tính bộc trực, mạnh mẽ khôn ngoan nhưng không khéo léo bằng người Bắc, không hảo hớn bằng người Nam’ chỉ khi cần thế cái tôi thì người miền Trung không kém phần quyết liệt. Thơ miền Trung cũng vậy, ít uốn éo, quanh co, ý tứ chặt chẽ, chữ nghĩa dễ hiểu dễ gần. Nếu không có thơ miền Trung thì thơ Việt nghèo đi rất nhiều.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với tham luận

TS Lê Thị Bích Hồng: Tham luận của chị có tên “Cái tôi sử thi trong thơ Kháng chiến chống Mỹ và sự vượt qua những “ngập ngừng xao xuyến”. Tôi yêu thơ chống Mỹ từ thời sinh viên đến mãi bây giờ, cảm nhận được cái tôi sử thi rồi cái tôi sử thi nhạt dần như hiện tại nhưng tôi vẫn không ngừng yêu nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét