Nam Trân

Nam Trân

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Nữ sĩ Anh Thơ: Đa tài, đa tình, nhưng cũng đa đoan



Nữ sĩ Anh Thơ: Đa tài, đa tình, nhưng cũng đa đoan

Nữ sĩ Anh Thơ bước lên văn đàn từ khá sớm, thành danh ngay từ tập thơ đầu tay “Bức tranh quê” và đã nhận được giải khuyến khích của “Tự lực văn đoàn” cho bản thảo tập thơ này, năm 1939, khi Anh Thơ mới là cô gái 17 tuổi. Bà thuộc lớp những người sớm gia nhập phong trào Thơ mới (1932-1941), từng có thơ in trên các báo “Ngày nay”, “Phụ nữ”, “Tiểu thuyết thứ Năm”, “Hà Nội báo”, “Đông Tây”… Bà được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt III, năm 2007.
Từ một tài năng thi ca chín sớm
Nữ sĩ Anh Thơ sinh ngày 25/01/1921, mất ngày 14/3/2005. Tên thật của bà là Vương Kiều Ân với các bút danh khác như Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh và bút danh được người yêu thơ biết đến nhiều nhất là Anh Thơ. Bà sinh ra ở thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, còn quê gốc ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Vì cha bà làm công chức cho Pháp, nên tuổi nhỏ bà phải theo cha di chuyển đến nhiều nơi và đổi nhiều trường học từ Hải Dương, sang Thái Bình rồi lại về Bắc Giang mà vẫn chưa qua bậc tiểu học.
Anh Thơ tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng là Bí thư huyện Hội phụ nữ 4 huyện thời đó: Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang, rồi làm Ủy viên thường vụ Tỉnh Hội phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Bà đã cho xuất bản các tập “Bức tranh quê” (thơ, 1939); “Xưa” (thơ, in chung, 1942); “Răng đen” (tiểu thuyết, 1943); “Hương xuân” (thơ, in chung, 1944); “Kể chuyện Vũ Lăng” (truyện thơ, 1957); “Theo cánh chim câu” (thơ, 1960); “Ðảo ngọc” (thơ, 1964); “Hoa dứa trắng” (thơ, 1967); “Quê chồng” (thơ, 1979); “Lệ sương” (thơ, 1995); “Hồi ký Anh Thơ” (hồi ký, 2002, gồm 3 tập: “Từ bến sông Thương”, “Tiếng chim tu hú”, “Bên dòng sông chia cắt”. Một người phụ nữ chưa học hết tiểu học, lại xuất thân trong một gia đình nho học thời ấy mà thơ in ở nhiều báo và có được một lưng vốn thơ khá dầy như vậy, rồi đảm trách nhiều công việc xã hội...chứng tỏ bà là người đa tài. Thế nhưng...
Phàm là phụ nữ làm thơ, ai mà chẳng đa tình và nếu ai không trắc trở tình duyên ít nhiều, thì thơ thường nhạt, nhưng không phải ai đa tình cũng có thể làm thơ và đa đoan như nữ sĩ Anh Thơ.
Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan trong “Nhà văn hiện đại” (quyển ba- NXB Tân Dân, H., 1943- đã có lý khi nhận định về thơ của Anh Thơ: “Còn Nam Trân (tác giả tập Huế, Đẹp và Thơ, 1939), Đoàn Văn Cừ (thơ đăng ở Ngày nay - Hà Nội), Anh Thơ (tác giả tập thơ Bức tranh quê- Đời nay- Hà Nội, 1941- và Xưa- viết chung với Bàng Bá Lân - Sông Thương - Bắc Giang, 1941) và những thơ đăng trong Hương xuân (Hà Nội)… đều là những nhà thơ chuyên về mặt tả cảnh...”. Trong thi nghiệp của bà “Nếu trong ấy có chút tình thì cũng là thứ tình nhẹ nhàng như gió thoảng…”
Trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân do Nguyễn Đức Phiên xuất bản, 1942, có chọn in của Anh Thơ 4 bài. Hai ông đã xếp nữ sĩ đồng hạng với các nhà thơ như: Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, J. Leiba, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương… Hai ông cho rằng: “Tôi vừa nói đến lối viết của tác giảBức tranh quê”, tập thơ này cũng thuộc về lối thơ của người có học. Vẫn biết làm thơ đạo tình không phải bao giờ cũng là người ít học, nhưng thường người ít học chỉ có thể làm thơ đạo tình. Phải là người có học mới có thể đưa vào thơ cái cảnh:
Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng,
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây.
Theo quan điểm của hai tác giả “Thi nhân Việt Nam”: “Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối thơ tả cảnh, mà lại tả những cảnh (có vẻ như- Đ.N.Y) rất tầm thường: một phiên chợ, một đứa bé quét sân, một vài mụ đàn bà ngồi bắt chấy, rận. Thơ của bà đứng riêng hẳn ra một lối. Có kẻ sẽ cho rằng Anh Thơ là người vô tình. Nhưng (thử hỏi ở đời này- Đ.N.Y) có thiếu nữ nào hai mươi tuổi mà lại vô tình? Anh Thơ bắt đầu cũng đã làm những bài kể nỗi lòng mình. Hẳn người đã tập luyện nhiều lắm mới có thể đi đến cái thản nhiên, cái dửng dưng mà độc giả “Bức tranh quê” ắt phải lấy làm lạ. Nhiều lúc tôi tưởng người đã đi quá xa. Tranh quê có bức chỉ là bức ảnh; cái thản nhiên hàm súc của nghệ sĩ đã nhường chỗ cho cái thản nhiên trống rỗng của nhà nghề. Theo gót thi nhân đến đó, ta thấy uất ức khó thở: người dẫn ta vào một thế giới tù túng rồi không cho ta mơ tưởng đến một trời đất nào khác nữa.
Không, thơ phải là một tia sáng nối cõi thực và cõi mộng, mặt đất với các vì sao. Thơ không cốt tả mà cốt gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình. Cho nên mỗi lần Anh Thơ chịu đi ra ngoài lối tù túng đó để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, lời thơ bỗng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan khoái biết bao. Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân”…
Còn bà lại quan niệm rằng: “Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều. Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ tâm hồn con người. Người làm thơ cũng đừng cầu kì câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận”. Trong “Bức tranh quê” bà đã tỏ rõ quan điểm nghệ thuật của mình. Bà viết:
Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng
Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton”.
(Họp chợ)
Để có những vần thơ gần với đời sống thực, thậm chí rất khó phân biệt với ngôn ngữ nói thường ngày ở vùng quê như cách mà Anh Thơ đã làm, chỉ có thể xảy ra ở ba trường hợp. Thứ nhất là đối với những người đang tập tọng làm thơ, vốn ngôn ngữ thơ còn hạn chế, nên vớ được từ nào viết ra từ ấy. Những bài thơ loại này ít khi trở thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Thứ hai là đối với những người đã đi hết đường của sự cầu kỳ, rối rắm, để trở về sự giản dị đến trong sáng, thuần khiết, giống như “nói zậy mà hổng phải zậy”, giống như kể mà không phải kể, nhưng lại đích thực là thơ. Thứ ba là đối với những người bẩm sinh đã có khiếu “nói đây chết cây Hà Nội”, tưởng chừng như giản dị, đời thường mà hóa linh diệu, cao siêu. Có lẽ nữ sĩ Anh Thơ thuộc trường hợp thứ ba chăng?
Ngoài óc quan sát tinh tế, cách dùng ngôn từ của Anh Thơ cũng rất riêng, giản dị mà gợi, đặc tả được tính cách của người buôn bán nhỏ, không vừa ý, bằng lòng điều gì là “mụ” buột ngay ra miệng, không kìm giữ nổi, nên với mụ “chửi đổng” là chuyện thường tình, cũng chẳng khác nào cảnh mẹ Trường Thi mất gà trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Còn người bán rau, Anh Thơ gọi là “chị hàng rau” dường như nữ sĩ đã bắt đúng “vị thế” xã hội của chị ấy. Có lẽ vì bán rau thì vốn ít, lời lãi chẳng được bao, nên khi mất chỗ đâu dám chửi mà chỉ im lặng “lon ton” đi tìm chỗ khác. Hai câu thơ chỉ cần sáu chữ: “mụ”, “chị”, “chửi đổng”, “lon ton” là đủ để nói lên được tất cả. Đấy chính là cái tài của Anh Thơ.
Nghệ thuật dùng từ của Anh Thơ kiểu như vậy không phải là hiếm trong “Bức tranh quê” và cũng không giống với nhiều người của phong trào Thơ Mới lúc bấy giờ. Chính sự khác biệt ấy đã làm nên một nghệ hiệu Anh Thơ, không trộn lẫn vào đâu được. Thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung, thời nào và ở đâu cũng chuộng cái riêng mang tính nghệ thuật cao. Vì thế trong khi người ta lao vào những cuộc tình tan vỡ, nhưng nỗi buồn của các cậu ấm, cô chiêu, những mộng mơ mây, gió, trăng, hoa, những tháp ngà cô liêu và lạnh giá, những gã trưởng giả học làm sang sặc mùi son phấn, thì Anh Thơ lại tìm đến với cái mộc mạc, đời thường nơi thôn dã. Đấy là một cách chọn lựa vừa rất đúng đắn, vừa rất khả dụng của nữ sĩ tài hoa này. 

Đến những cuộc tình chới với
Số phận thật trớ trêu, một người con gái đa tài như Anh Thơ lại sớm vướng bận vào tình duyên, để rồi kết cục là một chuỗi những ngày buồn bất tận, mà không rõ nguyên cớ từ đâu, chỉ còn biết gọi đấy là duyên số mà thôi. Những cuộc tình của nữ sĩ Anh Thơ là trường hợp độc nhất vô nhị. Ngay từ khi còn là một cô gái cho đến cuối đời, nữ sĩ đã trải qua tất cả 6 mối tình chính thức, như bà kể lại trong ba tập hồi ký vào những năm tháng cuối đời. Bắt đầu là anh sinh viên Trường cao đẳng Luật, đến một văn sĩ nổi tiếng trên văn đàn thời bấy giờ, có tên B, rồi thi sĩ Cẩm Văn, ông tiến sĩ người Đức, nhà thơ Xuân Diệu và cuối cùng là bác sĩ Dinh.
Từng ấy mối tình đè nặng lên vai người con gái Kinh Bắc đủ biết bà là người không chỉ đa tình, mà con nhọc nhằn lặn lội trên con đường tình đến nhường nào. Đành rằng với bất kỳ một người phụ nữ nào, cái sự đa tình đâu có tội tình gì. Đành rằng tình duyên ai chả phải vượt qua nhiều cung bậc, lắm cảm xúc, qua tám núi, chín đèo, nếm trải những trái ngang, đớn đau có khi còn tuyệt vọng... Âu đấy là dư vị của tình yêu. Nhưng với nữ sĩ Anh Thơ dường như đã vượt ra ngoài khuôn khổ ấy, nhiều khi đẩy đối tác vào những tình huống hết sức oái ăm, khiến bà chỉ còn cách vò đầu, vỗ gối mà kêu trời như Đại thi hào Nguyễn Du đã từng làm cách đây hàng trăm năm: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều), mà phải sau này bà mới thổ lộ trong ba tập hồi ký của mình.
Theo lời kể của chính Anh Thơ trong tập hồi ký “Từ bến sông Thương” thì bà khởi nghiệp tình lần đầu tiên với một chàng sinh viên Trường cao đẳng Luật. Cũng lần đầu tiên ấy, anh ta đến tận nhà cô gái Vương Kiều Ân để tỏ tình, thì ngay lập tức đã bị một gáo nước lạnh của bà nội từ trong buồng bước ra dội thẳng vào mặt: “Gia phép nhà tôi không cho phép trai gái tự do gặp nhau. Nếu muốn lấy cháu tôi thì phải về nói với bố mẹ, để bố mẹ có manh mối hẳn hoi, mang lễ đến chạm ngõ cẩn thận, thì mới được thấy mặt cháu tôi”. Thế là chàng sinh viên xấu hổ bỏ chạy một hơi không sủi tăm nữa.
Nhưng Anh Thơ, ngay từ khi thành thiếu nữ đã ôm mộng kết tình với một người cũng yêu thơ và làm thơ như mình. Vậy là, mối tình thứ hai là thông qua người anh con ông bác ruột của nữ sĩ, nhà thơ B đã chủ động gửi những lời tỏ tình nồng thắm tới nữ sĩ Anh Thơ. Hai người từng đoạt giải thưởng thơ của Tự lực văn đoàn với những vần thơ hay viết về thôn quê. Thời gian đầu nữ sĩ cảm thấy thực sự thăng hoa trong mối tình với thi sĩ Cẩm Văn. Nào ngờ, B quan niệm rằng: “Tình yêu thì cần gì phải mối lái, cưới xin? Sao em không nghĩ yêu nhau thì theo nhau…”. Vậy là một người con gái con nhà gia giáo như Anh Thơ, vừa cảm thấy thất vọng, vừa hoảng sợ vì cách nghĩ thẳng tưng cùng những cử chỉ sàm sỡ của B.
Thế rồi một hôm, Anh Thơ bỗng chết lặng khi vừa đến cơ quan của Cẩm Văn, cô gái bắt gặp một người đàn bà khác đang ngồi lả lơi bên cạnh chàng trong phòng làm việc tại một nhà xuất bản ở phố Nguyễn Du. Mặc dù, thi sĩ Cẩm Văn đã có màn chào hỏi khá ấn tượng và đã thành công lễ chạm ngõ, nhưng Anh Thơ không thể chịu nổi cảnh tượng ấy, bà vụt chạy một mạch như ma đuổi. Thế là đất trời bỗng dưng nghiêng ngã, ảo mộng tìm một người yêu là thi sĩ bỗng tan thành mây khói.
Từ ngày đi theo cách mạng, có lần bà được tổ chức “vận động” lấy một ông tiến sĩ người Đức, bấy giờ đang làm việc trong quân đội ta. Bà sẵn sàng chấp hành yêu cầu của tổ chức, nhưng trớ trêu thay, sau đó tổ chức cân nhắc lại và quyết định dừng “cuộc tình” này, khiến Anh Thơ cảm thấy thất vọng.
Nhà thơ Xuân Diệu có thời cũng mang lòng yêu nữ sĩ và muốn kết hôn cùng bà, nhưng sau một thời gian suy đi tính lại, ông đã viết thư cho Anh Thơ xin được từ bỏ ý định trên vì “tôi không muốn làm khổ đời chị; vì chị lấy tôi sẽ không hạnh phúc đâu”. Đương nhiên là chuyện ấy dường như chỉ diễn ra từ phía Xuân Diệu, còn nữ sĩ Anh Thơ chỉ biết lẳng lặng mà ra đi.
Vì muốn trả món nợ ân nghĩa cho bác sĩ Bùi Viên Dinh hơn là vì tình yêu đôi lứa, nữ sĩ Anh Thơ đã quyết định đến với ông kết duyên chồng vợ. Những tưởng mọi việc rồi sẽ xuôi chèo mát mái, nào ngờ bà lại cắt bỏ dạ con trước khi sinh, nên đã khiến đôi bạn đời sống cô quạnh cho đến già, mà trong nhà vẫn thiếu tiếng cười con trẻ.
Xem ra một phụ nữ đa tài, đa tình và cũng đa đoan như nữ sĩ Anh Thơ ở thế gian này không có nhiều. Dù tình duyên có trái ngang, nhưng Anh Thơ là người phụ nữ có nghị lực phi thường, đã vượt qua tất cả để hiến dâng cho đời những tác phẩm thấm đẫm tình người và trở thành một thi sĩ lớn trong làng văn Việt./.
Đạo Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét