Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Học giả NAM TRÂN với con đường ở quận Liên Chiểu - Đà Nẵng

 Học giả NAM TRÂN với con đường ở quận Liên Chiểu - Đà Nẵng

08 Tháng Hai 2020 8:57 CH

NGUYỄN QUỐC TRUNG

Anh bạn tôi ở Hà Nội vào Đà Nẵng khởi nghiệp bằng cách mở nhà hàng hải sản bên đường Nam Trân ở quận Liên Chiểu, đã hỏi tôi rằng Nam Trân là ai mà được đặt tên cho một con đường đẹp vậy? Tôi cảm ơn anh bạn ở thời này còn quan tâm tới đường phố nơi mình cư ngụ; dám chắc rằng nhiều người không bao giờ biết người có tên trên con đường trước căn nhà mình là ai, đã có công trạng gì với đất nước.

Học giả Nam Trân sống cùng thời đại chúng ta, ông sinh ngày 15-2-1907 và mất ngày 21- 12-1967. Sáu mươi năm cuộc đời Nam Trân vô cùng phong phú và đã để lại một sự nghiệp văn hóa đáng trân trọng. Trước hết, ông là một trong những người giỏi chữ Hán, thưở nhỏ học chữ Hán ở làng, lớn lên học Quốc Học Huế rồi ra trường Bưởi ở Hà Nội học, đậu tốt nghiệp tú tài bản xứ. (Tú tài bản xứ để phân biệt với tú tài Tây. Thời xưa người có bằng tú tài bản xứ phải giỏi chữ Hán lắm). Sau đó ông được bổ nhiệm làm  Tham tá Tòa khâm sứ Huế rồi được cử làm Tá lý bộ Lại và Thị lang bộ Lại, cuối cùng là Án sát tỉnh Bình Định. Lẽ ra, với chức tước như vậy, Nam Trân khó thay đổi nhưng khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông từ bỏ tất cả để tham gia cuộc kháng chiến cứu nước của toàn dân. Phải chăng sống giữa triều đình với sự giám sát của thực dân Pháp, Nam Trân hiểu được thân phận nô lệ nên ông đã tham gia phong trào giải phóng dân tộc như nhiều trí thức, quan lại cũ Phạm Khắc Hòe, Vũ Đình Huỳnh, Bùi Bằng Đoàn… Tham gia kháng chiến, Nam Trân công tác ở Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đại Lộc, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam rồi làm Chánh văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 5. Một ông quan triều đình cũ mà giữ những chức vụ quan trọng như vậy quả là hiếm.

 

Lẽ ra với sự cống hiến như vậy, Nam Trân phải là đảng viên nhưng thời bấy giờ chủ nghĩa lý lịch còn áp đặt quá nặng nên ông vẫn là “quần chúng”. Năm 1954, Nam Trân tập kết ra Bắc. Năm 1957, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, được bầu vào Ban chấp hành hội. Năm 1959, ông được điều về Viện Văn học với nhiệm vụ chuyên về dịch thuật. Ông là một trong những cán bộ giảng dạy đại học Hán - Nôm đầu tiên ở miền Bắc do Ủy ban Khoa học xã hội tổ chức. Ông cũng là một trong những người đầu tiên tiếp cận văn bản Nhật ký trong tù bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh để dịch ra chữ quốc ngữ. Các bài Nam Trân dịch chuyển tải được nội dung và cảm hứng lớn của tác giả. Tới nay đã có rất nhiều người dịch nhưng chưa có ai dịch đạt như Nam Trân. Rồi Nam Trân tham gia dịch bộ Thơ văn Lý - Trần, Thơ Đường, Thơ Tống.

 

Nam Trân còn là nhà thơ nổi tiếng với tập thơ Huế, Đẹp và Thơ. Huế, Đẹp và Thơ là ba ý niệm độc lập, khác biệt nhưng đi liền nhau, lồng vào nhau:

 

Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết

Rằng thơ thấy đẹp phải tìm theo

Thuyền qua đến bến, cô lui lại

Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo.

                                        (Cô gái Kim Luông)

 

Huế đẹp về phong cảnh, nhưng Nam Trân đã thấy được những bề sâu của thành phố này:

 

Đã quá nửa tháng rồi

Mà mưa, mưa chẳng dứt.

Lúng túng cảnh nhà pha,

Ai ai xem cũng bực.

 

Rải rác chú phu xe

Co ro thân mèo ướt,

Lóng ngóng trước ngã ba,

Lù xù như gà xước.

                    (Huế, mưa dầm)

 

Và:

Cô em vừa tuổi cài trâm

Nẻo sim lững thững đi tìm xác hoa

Ngây thơ đâu nữa mà vờ!

                               (Trên núi Ngự)

 

Và đây là khung cảnh làng quê qua bài Con trâu:

 

Trâu đực chạy rầm rầm như hổ,

Trâu thiến dong từng bước hiền lành.

Cổ lừng lững như chum như vại,

Móng hến hằn in mép cỏ xanh.

 

Ông đem hết tâm sức giảng dạy, bồi dưỡng các học trò, mà về sau có nhiều người thành công trong nghiên cứu. Lúc bị bệnh, biết mình sắp qua đời, ông để lại mấy câu thơ vĩnh biệt:

 

Đào lý phương viên thắng hủy đa,

Tiểu tâm bồi ủng nhị niên qua.

Như kim vô lực truyền xuân sắc,

Trường hướng thu phong thán nhất ta!

(Trong vườn đào lý tốt tươi thay,

Lòng tôi chăm chút mấy năm nay.

Đến nay không sức truyền xuân sắc

Trước gió thu nén tiếng thở dài!)

 

Nam Trân là một học giả uyên thâm. Đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng rất đáng ghi nhận. Con đường mang tên Nam Trân là điểm nhấn văn hóa ở thành phố bên sông Hàn.

 

Tháng 12-2019

 

Nhân nhà thơ Nam Trân được đặt  tên đường ở Đà Nẵng

 

Thơ đáng tạc vào đá núi Ngũ Hành Sơn,

Hồn lưu lại cảng Tiên Sa mưa nguồn chớp bể,

Nam Trân - quả quý của phương Nam quê mẹ,(*)

Nay đã thành niềm thương mến, tự hào.

 

Nhà bác học lặng thầm giữa ồn ào danh vọng,

Người bạn thân Chế Lan Viên thông tuệ một thời,

Cùng yêu thơ Đường, và thơ cha ông nghìn xưa

Cùng ứa lệ trong những hoàng hôn nước mất

Dắt tay nhau cùng đi vào bất tử.

 

Cảm ơn quê nhà không quên người con đi xa

Bên cạnh lẫm liệt tên anh hùng Trỗi

Đã nhớ tên một nhà thơ yêu Thơ, yêu cái

Đẹp Người tri âm thơ Bác, với tấm lòng dải lụa trắng sông Thu. 

                                                                                           12-2019 .

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/6187-hv144-hc-gi-nam-trn-vi-con-ng-qun-lin-chiu-nng.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét