Nam Trân

Nam Trân

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động lý luận, phê bình văn học



Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động lý luận, phê bình văn học
Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng cái được, cái gợi mở, đề xuất của Hội nghị lý luận, phê bình văn học ở Tam Đảo và Đồ Sơn là không thể phủ nhận và bổ ích trong bối cảnh đời sống văn học đang đứng trước nhiều vấn đề mới nảy sinh.
Với biết bao vấn đề vừa bức xúc, vừa tồn đọng lâu dài, chỉ một vài cuộc hội thảo không thể giải quyết ngay, triệt để tất cả trong một thời gian ngắn. Tinh thần dám làm, dám tổ chức đối thoại và kiên nhẫn lắng nghe nhau rất cần được khích lệ và nuôi dưỡng. Sau hai hội nghị quan trọng nói trên, khuynh hướng tổ chức các hoạt động lý luận, phê bình văn học của Hội Nhà văn có đường nét hơn với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng và đổi mới đời sống văn học của đất nước. Các cuộc hội thảo về thơ (trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 5 năm 2007), về Lan Khai, Nguyễn Tuân, Nam Trân (phối hợp với Viện Văn học) và đặc biệt là Hội thảo về Xuân Diệu (phối hợp với tỉnh Bình Định) tuy quy mô nhỏ hơn nhưng được chuẩn bị khá kỹ, chất lượng khoa học cao, góp phần quan trọng vào việc nhìn lại một thế kỷ văn học đầy sôi động vừa khép lại. Từ kinh nghiệm này, hiện nay Hội Nhà văn đang chuẩn bị Lễ kỷ niệm lớn về Cao Bá Quát nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, và các cuộc hội thảo về Nguyên Hồng, Nguyễn Bính nhân kỷ niệm 90 năm năm sinh.
Tôn trọng độc lập suy nghĩ, trân trọng lắng nghe nhau, cái nào có thể kết luận thì kết luận, cái nào đang còn nhiều ý kiến khác nhau thì cứ để mở, kiên trì thuyết phục, chờ đợi, kiên trì mời gọi suy nghĩ, thảo luận, tranh luận để tiếp cận chân lý.
2. Từ năm 2007 đến nay, công tác lý luận, phê bình của Hội đã đi vào chiều sâu, có kế hoạch, chương trình và giải pháp cụ thể cả về chuyên môn và phát triển đội ngũ.
- Về chuyên môn: ngoài các hoạt động thường xuyên, với sự cộng tác của nhiều chuyên gia, Hội đã xây dựng được danh mục các công trình lý luận, phê bình cần làm ngay từ nay đến năm 2010. Căn cứ vào sở trường và lợi thế của từng người, Hội đã tiến hành đặt hàng các nhà lý luận, phê bình theo phương thức đầu tư chiều sâu. Cho đến nay đã có hơn 20 nhà lý luận, phê bình nổi tiếng ký hợp đồng với Hội với khoản tiền ứng trước 50% (trong tổng số 25 triệu đồng), còn 50% nhận nốt khi thanh lý hợp đồng. Có thể kể vài công trình trong số đó: Trần Đình Sử với ''Những vấn đề lý luận văn học hiện đại'', Phong Lê với ''Góp phần vào một tiến trình văn học'', Vương Trí Nhàn với ''Văn hóa và văn học'', Lại Nguyên Ân với ''Biên niên sử văn học Việt Nam hiện đại''; Hà Minh Đức với ''Một số vấn đề thơ và thể loại"; Phương Lựu nghiên cứu về lý luận văn học hậu hiện đại. Trần Thanh Đạm nghiên cứu một số trào lưu lý luận phương Tây; Mai Quốc Liên đi sâu giải mã một số khuynh hướng lý luận và sáng tác hiện nay. Các nhà lý luận, phê bình Vũ Tuấn Anh, Bùi Việt Thắng, Bích Thu, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn, Lưu Khánh Thơ làm việc trong nhóm tổng kết 20 năm văn học đổi mới. Ngô Thảo tiếp tục nghiên cứu về văn học với đề tài chiến tranh cách mạng, Phạm Quốc Ca nghiên cứu về thơ hiện nay...
- Về phát triển đội ngũ: Hội Nhà văn đã tiến hành hợp tác với trường đại học Văn hóa Hà Nội trong việc tuyển sinh, giảng dạy tại khoa Lý luận, sáng tác của trường. Nhiều nhà văn đã đến giảng bài, chủ trì các buổi hội thảo. Công tác kết nạp hội viên ngành lý luận, phê bình được chú trọng hơn trước.
Thành tựu gắn liền với đội ngũ. Không có nền lý luận, phê bình vững mạnh nếu không có đội ngũ lý luận, phê bình sung sức, hùng hậu. Xuất phát từ nhận thức trên, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam giao nhiệm vụ cho Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du mở một lớp chuyên đề bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình văn học trẻ. Sau hơn 2 tháng thông báo tuyển sinh, đến nay Trung tâm đã nhận được gần 60 đơn đăng ký xin học. Theo am hiểu bước đầu, hầu hết trong số họ là những cây bút lý luận, phê bình văn học còn trẻ làm nhiệm vụ trực chiến trong các cơ quan báo chí, xuất bản, các Hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương. Họ đều có học vấn cơ bản, nhiều người có bằng tiến sĩ, cán bộ trong quân đội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Về bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều thành tựu và kinh nghiệm. Còn bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình thì đây là lần đầu. Chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng với tinh thần ''muốn bắt cá phải lội xuống nước'', Hội cứ mạnh dạn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đã thấy vấn đề là cấp bách thì không thể không làm.
Dự kiến lớp học sẽ được khai giảng vào ngày 1/7/2008 và tiến hành học tập trong hai tháng. Nâng cao kiến văn và bồi dưỡng nghiệp vụ lý luận, phê bình là hai trọng tâm của lớp học. Trong hai tháng học tập, lớp sẽ tổ chức 5 cuộc tọa đàm về một số tác phẩm văn học đang có dư luận hiện nay. Ngoài ra, các học viên sẽ được tham gia một số buổi giao lưu văn học với một số cơ quan lãnh đạo, quản lý văn nghệ, một số nhà xuất bản, báo, tạp chí văn học.
Thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương rất quan tâm đối với lớp học này và sẽ dành cho lớp học nhiều sự giúp đỡ quý báu, góp phần thuận lợi cho lớp học đạt được kết quả mong muốn.
Nhà văn Hữu Thỉnh
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương,
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
(Theo: Bản tin Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét