Nam Trân

Nam Trân

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Huế Ngày Tháng Cũ



Huế Ngày Tháng Cũ

TH Tôn Thất Uẩn là người con xứ Huế. Anh sinh ra ở Huế, lớn lên với Huế, sống với Huế, vui buồn cùng Huế, chứng kiến nhiều nỗi thăng trầm cùng Huế, … Bây giờ sống ở xứ người, anh nhìn về Huế, nhìn sự biến đổi của Huế, anh xót xa thương nhớ Huế xưa.

Bài viết này của anh, đã được phổ biến lần đầu năm ngoái trên Tập san 2009 (Kỷ Sửu) của nhóm học sinh Khải Định khóa 48-55, không phải là để khen Huế đẹp Huế thơ, mà để nói lên nỗi buồn của mình. Cái cố đô mà anh vẫn hoài niệm đã bị làm biến dạng. Việc sửa sang các đền đài, dinh thự bằng cách sơn son thếp vàng lòe loẹt, việc xây dựng những kiến trúc mới xen lẫn với các kiến trúc cũ, đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của cố đô và đi trái với chủ ý của UNESCO là bảo tồn (chứ không phải tân trang) Huế như một di sản văn hóa thế giới.
Mời quý thân hữu cùng … nhìn về Huế!

 Tôn Thất Uẩn
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (1)
En ce temps là, la vie était plus belle (2)

 Huế ngày đó
Trên thế giới có rất nhiều thành phố đẹp nổi tiếng nhờ có lắm dinh thự, lâu đài lộng lẫy hoặc có phong cảnh mỹ quan, nhưng ít nơi nào lại vừa có phong cảnh kỳ diệu vừa có những kiến trúc mỹ lệ và đặc biệt là có sự hài hòa tuyệt hảo giữa thiên nhiên và những công trình do con người kiến tạo nên như ở cố đô Huế.

 Đế đô kỳ diệu
Khi nói đến Huế, những người yêu Huế thường dùng cụm từ “Huế đẹp Huế thơ.” Đó là đề tài sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ, chuyên nghiệp và tài tử. Trong khuôn khổ bài viết này, xin nói sơ qua về một vài tên tuổi mà tôi được nghe hay biết đến khi tôi còn ở Huế.
Đời Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), vua cảm tác 20 bài thơ “Thần kinh nhị thập thắng cảnh” ca ngợi
 những thắng cảnh của đất thần kinh và nói đến tính cách huyền bí đã tạo nên vẻ hùng tráng của kinh đô nhà Nguyễn, trong số đó có bài “Huỳnh vũ thư thanh” (mái nhà đom đóm chiếu sáng, nghe tiếng đọc sách) được khắc vào bia đá dựng trước trường “Quốc tử giám” (được coi là tiền thân của trường Quốc Học).
Vào đầu thế kỷ 20, một số người yêu Huế, trong đó có nhiều người ngoại quốc, đã góp công góp của để phát hành một lưỡng-nguyệt-san chuyên viết về Huế và Miền Trung lấy tên là “Bulletin des Amis du Vieux Hue”, từ số đầu tiên vào năm 1914 đến số cuối cùng là số 180 vào năm 1944. Trong số “những người bạn thân của Huế xưa” ấy, người nổi bật nhất là linh mục L. Cadière. Tờ “Tiếng sông Hương” – số đặc biệt kỷ niệm 100 năm trường Quốc Học – viết: “Người ngoại quốc 'mê' Huế, biết Huế thâm sâu bao quát, tế nhị và chi tiết có lẽ không ai bằng linh mục L. Cadière. Không những biết Huế qua đền đài lăng miếu, phong cảnh thiên nhiên, qua tiếng hò câu hát dân gian, qua lịch sử, ngôn ngữ và nhân văn, linh mục Cadière còn đi sâu hơn vào hồn Huế, vào thế giới siêu hình huyền bí vẫn bao phủ cố đô trước năm 1945.” Một bài viết của ông được rất nhiều độc giả ca tụng là bài “La Merveilleuse capitale(Đế đô kỳ diệu).
Trên thực tế, tạp chí “Bulletin des Amis du Vieux Hue” chỉ được phổ biến đến các độc giả biết tiếng Pháp. Cho đến khi nền quốc văn được thành lập và sách báo quốc văn đã có nhiều, độc giả mới có cơ hội đọc những cuốn sách và bài báo viết về Huế, trong số đó xuất sắc nhất – theo thiển ý – là những bài viết của Phạm Quỳnh như “Mười ngày ở Huế” và “Cung chiêm các tôn lăng” đăng trên tạp chí “Nam Phong.” Vào đời vua Tự Đức, hai thi hào Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương được vua phê “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” là tác giả của nhiều bài thơ tuyệt tác về Huế. Thế hệ sau có các nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ (hậu duệ của Tuy Lý Vương), Ưng Trình (hậu duệ của Tùng Thiện Vương) và Vân Bình Tôn Thất Lương, đến thế hệ sau nữa, có hai cựu học sinh Khải Định nổi tiếng về thi ca, đó là Xuân Diệu (tác giả 2 tập “Thơ thơ” và “Phấn thông vàng”) và Huy Cận (tác giả tập “Lửa thiêng”). Sông Hương, núi Ngự là nguồn sáng tác của nhiều bài thơ trong các tác phẩm ấy… Và còn nhiều nhà thơ, nhà văn khác đã thành danh cũng nhờ – ít nhiều tùy người – vào những tác phẩm ca ngợi Huế đẹp Huế thơ như: Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nam Trân, Phan Văn Dật, Thúc Tề, Nguyễn Đình Thư, Thanh Tịnh, Nguyễn Bính...
Ngoài các nhà văn và nhà thơ nói trên, còn có rất nhiều nhà thơ tài tử, vốn sinh trưởng ở Huế, nhưng vì lý do này hay lý do khác, đã phải sống xa Huế, chạnh lòng nhớ Huế, họ làm thơ gởi thương nhớ về quê nhà...
Cảnh thiên nhiên, dù đẹp, nhưng nếu không có bàn tay con người tô điểm ắt sẽ trở nên hoang vu, vắng lặng. Trong trường hợp Huế, con người đã làm đẹp thiên nhiên bằng những kiến trúc được thiết kế lấy sự hài hòa với thiên nhiên chung quanh làm chủ đích. Các lăng tẩm ở Huế, sở dĩ là những thắng cảnh của kinh đô, phần nhiều là nhờ cảnh trí thiên nhiên khéo dung hợp với công trình nhân tạo. Nét đặc trưng ấy đã được ông Amadu-Mata M'Bo, tổng giám đốc UNESCO khai triển như sau, trong lời kêu gọi chính phủ các nước hội viên Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế phi chính phủ, các cơ quan tài chính quốc tế, nhân dân các nước tham gia đóng góp vào công cuộc tu sửa, bảo vệ và giữ gìn thành phố Huế.
“Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự bình đến đồi Vọng cảnh, đến phá Tam giang và phá Cầu Hai. Và chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi trong đó mỗi nhân tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm.
Giữa lòng Huế, Thành nội lịch sử là một mẫu mực về cấu trúc cân đối, mà sự hài hòa rất tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã sáng tạo ra nó. Phía Nam, các lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn rải rác ra dọc hai bờ sông Hương. Là tác phẩm của người dân lao động và những người thợ thủ công khéo tay nhất trong nước, những hệ thống kiến trúc ấy biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi một lăng vua, với tính cách riêng biệt của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa, và mỗi lăng tẩm khêu gợi trong cảm xúc của du khách một âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long, giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản, lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm, và lăng Tự Đức gợi cho khách du ngoạn hồn êm thơ mộng.”
Cũng nhờ chủ trương dung hợp kiến trúc với thiên nhiên, các lăng tẩm không gây cảm giác vắng lặng lạnh lẽo mà lại hữu tình ấm áp, các phủ đệ, nhà cửa Huế thoáng mở ra thiên nhiên, vườn tược, ao hồ không khép kín.
Một đặc điểm khác là Huế có địa hình thuận lợi về phương diện phong thủy. Sách “Đại Nam Nhất thống chí” mô tả địa thế của đất thần kinh như sau:
“Nơi miền núi miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất cao ráo, non sông phẳng lặng, đường thủy thì có cửa Thuận an, cửa Tư hiền sâu hiểm, đường bộ thì có Hoành sơn, ải Hải vân chận ngăn, sông lớn ngăn phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đô của nhà vua...”
Bàn về phong thủy, một kiến trúc sư đã đưa ra ý kiến sau đây: “Thuật phong thủy có nguồn gốc từ Trung quốc, nhưng chính họ lại không xây dựng được một đô thị nào áp dụng triệt để thuật đó bằng ở Huế, với đầy đủ các yếu tố 'sông trước núi sau, rồng cuốn hổ ngồi'. Thành Huế được bố cục phù hợp với lối sống gần sông nước, hòa quyện vào thiên nhiên của người mình.” (3)
Về phương diện bố cục thành phố Huế, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ lúc sinh thời đã từng cho rằng Huế là mẫu hình đô thị tiêu biểu ở nước ta mang nét cộng sinh Đông Tây. Ông khẳng định thành Huế không phải là một phóng bản thu nhỏ của thành Bắc kinh như nhiều người lầm tưởng mà là một công trình sáng tạo độc đáo của người Việt. Không giống như Bắc kinh xây dựng vuông vức, kinh thành Huế được xây theo kiểu đô thị dáng ngôi sao, phần phòng thành làm theo kiểu chiến lũy hình chữ chi Vauban, phù hợp với thời đại dùng đại bác và súng hỏa mai tầm ngắn để phòng ngữ thành quách thay vì dùng cung tên dáo mác.
Do những đặc điểm nói trên, UNESCO khi công nhận Huế là di sản văn hóa thế giới đã có lời đánh giá như sau: “Quần thể di tích Huế... đã được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 trong sự kết hợp các triết lý phương Đông và truyền thống Việt nam. Sự hài hòa với môi trường thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình và trang trí kiến trúc phản ánh khá độc đáo một đế chế Việt nam xưa ở vào thời đỉnh cao của nó.”
Bây giờ, trong muôn vàn vẻ đẹp-và-thơ của Huế, chúng ta hãy chọn, chẳng hạn, cảnh đẹp hoàng hôn trên sông Hương, nhìn từ long đình bát giác trên đỉnh đồi Long thọ, để cùng nhau thưởng ngoạn, qua một đoạn văn của linh mục Cadière được chuyển ngữ như sau: “Có những buổi chiều phong cảnh nơi đây thật là tuyệt vời! Mặt trời xuống dần Thiên thọ sơn, hai chóp đỉnh chế ngự vùng đồi núi chất chồng về phía tây kinh thành, ánh sáng nhạt dần làm nổi bật sắc màu óng ánh rực sáng trên những áng mây lấp lánh phía chân trời hoặc lướt nhanh trên sườn núi. Sắc chiều nhòa dần hoặc trở nên thật dịu nhạt, dòng sông bớt xanh, ruộng đồng bớt lục và những rừng tre bao quanh các thôn xóm trở nên âm u hơn. Mặt trời càng lặn thấp, nước sông trông càng giống như tấm gương kim loại vĩ đại, thoạt nhìn như bằng bạc ròng, bỗng chốc trở thành màu đồng bóng loáng hay màu hoàng kim lấp lánh. Vài con đò nhỏ, thật nhỏ, nổi bật lên như những đường gạch đen tuyền trên gương nước chói lòa, tạo nên hình ảnh sinh hoạt của con người trên dòng sông. Dường như có một sức sống vô cùng phong phú, sâu xa, bởi sự linh động của muôn màu phản chiếu hoặc vì sắc óng ánh dịu dàng của mặt nước như lụa nhiễu lướt nhẹ từ bờ này sang bờ kia, sự xuất hiện đột ngột của ánh lửa tung tóe từ vùng nước sâu thẳm rồi vỡ òa trên gương nước, hay vì sự nối tiếp của vô vàn sắc màu thoáng hiện, thoáng thay đổi rồi biến tan.
Những đỉnh núi nổi bật lên thật đậm nét trong giây lát trên màn trời rực đỏ. Bây giờ vầng ô đã lặn, bỗng chốc nước sông mất vẻ chói lọi, chìm dần vào những sắc màu héo nhạt rồi tắt hẳn trong bóng đêm. Theo tiếng mái chèo nhịp nhàng, điệu hò êm ái, khi vút cao ngân dài, khi chùng xuống hoặc bị ngắt quãng vì loạt mái chèo rẽ nước, xong lại tiếp tục cất lên trong màn đêm yên tĩnh: một con đò muộn đưa mấy cô thôn nữ từ phiên chợ xa trở về.” (4)
Trường Khải Định thân yêu
Nếu nói đến Huế tất phải nói đến trường Khải Định vì trường này là niềm hãnh diện của thành phố và của dân Huế. Quả vậy, trường Khải Định là nơi có rất nhiều cựu học sinh khi ra trường đã từng nổi danh trên chính trường cũng như trong các địa hạt văn nghệ, giáo dục, học thuật, khoa học kỹ thuật v.v... Trường Khải Định còn là một cơ sở giáo dục đã mang lại cho bao nhiêu thế hệ thanh niên Huế, và từ nơi khác đến, một trình độ học vấn cần thiết để họ có thể tiếp tục học lên đại học hay ngành chuyên môn, hoặc vừa đủ để họ có thể chen vai thích cánh với người nếu họ không có điều kiện hay không muốn tiếp tục học cao hơn nữa ...
Các bản văn khai sinh trường là Dụ ngày 19 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23.10.1896) và Nghị định ngày 18.11.1896 của Phủ Toàn quyền Đông dương. Trường lấy tên là Quốc Học (đến khóa học 1936-37 trường mới đổi tên là Khải Định) và được đặt dưới quyền “kiểm khán” của Khâm sứ Trung kỳ. Pháp văn chiếm phần chính trong chương trình dạy, tuy Hán văn vẫn được chú ý để cho sinh viên muốn vào ngành quan lại có thể đồng thời học hai thứ chữ. Theo Dụ ngày 23.10.1896 Ban giám đốc nhà trường chỉ gồm có 1 chưởng giáo, 4 giáo sư, Nghị định ngày 18.11.1896 cho thêm 2 “kiểm khán.” Trên thực tế, ban giám đốc đầu tiên (nhiệm kỳ 1896-1902) gồm có 1 chưởng giáo, cụ Ngô Đình Khả (thân sinh cố Tổng thống Ngô Đình Diệm), 1 phụ tá, 3 quản giáo và 11 giáo sư. Bắt đầu từ năm 1902, chức vụ chưởng giáo đổi thành chức hiệu trưởng và do người Pháp đảm nhiệm, mãi cho đến năm 1945 mới trao cho người Việt, số giáo sư cả Pháp lẫn Việt tăng thêm dần, các quản giáo được gọi là giám thị, đứng đầu là một tổng giám thị. Kể từ năm 1945, tiếng Việt thay thế cho tiếng Pháp làm chuyển ngữ trong chương trình giảng dạy.
Trường Khải Định từ khi được thành lập vào năm 1896 và mang tên là trường Quốc Học chỉ là một trường cao đẳng tiểu học Pháp-Việt (école d'enseignement primaire supérieur franco-indigène), sau 4 năm học, học sinh thi lấy bằng “diplôme d'études primaires supérieures franco-indigènes”, còn gọi là bằng “thành chung” (fin d'études complémentaires). Mãi cho đến năm học 1927-28, người Pháp mới lập ra cấp trung học mà họ gọi là “enseignement secondaire local” (trung học bản xứ) để ghép vào cấp cao đẳng tiểu học, sau 3 năm học, học sinh thi lấy bằng “brevet de capacité de l'enseignement secondaire” thường được gọi là “baccalauréat local” (tú tài bản xứ). Theo thầy Nguyễn Huy Bảo, cựu giáo sư văn chương và triết học trường Khải Định, sở dĩ người Pháp áp dụng hệ thống giáo dục cao đẳng tiểu học tại Việt nam là vì họ muốn “dìm” thanh niên Việt nam. Nguyên bên Pháp, sau tiểu học (enseignement primaire), có hai chương trình giáo dục, một chương trình giáo dục trung học (enseignement secondaire) dành cho con cái của những gia đình trung lưu và giàu có, và một chương trình giáo dục cao đẳng tiểu học (enseignement primaire supérieur) dành cho con cái thợ thuyền và nông dân. Học sinh học chương trình trung học thi lấy bằng “baccalauréat”, có baccalauréat thì được tiếp tục học lên đại học, học sinh cao đẳng tiểu học thi lấy bằng “brevet supérieur” , có “brevet supérieur” không thi vào đại học được mà chỉ có thể thi vào các trường kỹ nghệ trung đẳng. Một sự khác biệt nữa giữa hai chương trình là: chương trình cao đẳng tiểu học khó hơn chương trình trung học vì có nhiều môn học, nhưng sự hiểu biết lại chỉ hời hợt bề ngoài, trái lại, học chương trình trung học dễ hơn vì có ít môn học, nhưng đi vào chiều sâu hơn, ít lượng nhưng nhiều phẩm. Người Pháp đã đem chương trình giáo dục cao đẳng tiểu học của họ áp dụng cho Việt nam.
Chương trình trung học bản xứ lại còn khó khăn hơn chương trình trung học Pháp, khó khăn ở chỗ học trình lớp cuối cùng của ban tú tài bản xứ là học trình tổng hợp của cả hai lớp toán và triết của tú tài Pháp. Ngoài ra, còn có môn triết lý đông phương – Trung hoa và Ấn độ – ghép thêm vào. Học cho hết một học trình “khổng lồ” như vậy thì đã mệt nhoài, còn học hành gì thêm được nữa! Chương trình trung học bản xứ về sau đã bị bãi bỏ và được thay thế bằng chương trình trung học Pháp. Không rõ là vào năm nào. Tuy tú tài bản xứ (baccalauréat local) đã được thay thế bằng tú tài Pháp (baccalauréat métropolitain), hệ thống giáo dục gồm cấp cao đẳng tiểu học và cấp tú tài vẫn được duy trì, thay vì phải được thay thế bằng hệ thống học liên tục từ lớp 6 (classe de sixième) trở lên như ở các trường Pháp.
Trường Khải Định được cất vào năm 1896 bằng tranh tre trên khu đất của thủy quân xưa ở hữu ngạn sông Hương. Năm 1911, bị hư hại nhiều vì hỏa hoạn, trường được xây lại bằng gạch ngói,, cổng vào làm bằng gỗ, và đến năm 1920 thì được xây cất qui mô bằng bê-tông cốt sắt.
Năm 1917, vua Khải Định, với sự thỏa thuận của toàn quyền Albert Sarraut, quyết định thành lập trường nữ trung học đầu tiên ở Trung kỳ, và vào giữa tháng 7 năm ấy, vua ngự giá đến khu đất phía bên phải trường Khải Định làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường nữ trung học lấy tên là Đồng Khánh (“hoàng khảo” của vua Khải Định).
Hai trường chỉ cách nhau một con đường nhỏ, chung quanh mỗi trường có tường rào bao bọc, tường bên trường Khải Định kiến trúc lồi ra còn tường bên phía Đồng Khánh thì lõm vào. Cổng trường làm theo kiểu Á đông, nhưng dãy nhà lầu bên trong lại theo kiến trúc Tây phương. Học sinh Khải Định đã có lúc phải ôm sách vở qua học bên trường Đồng Khánh. Do đó, học sinh hai bên có nhiều dịp làm quen và kết bạn với nhau và đã có những cuộc tình duyên hay hôn nhân giữa học sinh hai trường. Vì có sự gắn bó đó mà mỗi khi có ai nói đến trường này thì không khỏi nhắc đến hay nghĩ đến trường kia. Biết bao nhiêu thương nhớ đã được các cựu học sinh xa Huế gửi về hai trường, qua những vần thơ:
Dòng Hương soi bóng hai trường lớn,
Đường rộng đi về một nẻo chung.
Chuông đổ trường anh nhòe sương sớm,
Trống đánh trường em hoa phượng rung.
Tác giả bốn câu thơ tình tứ trên đây là bác sĩ kiêm thi sĩ (tài tử) Lê Văn Lân hiện ở Hoa kỳ.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1896 cho đến năm 1945, việc học hành, thi cử tại trường Khải Định vẫn diễn tiến đều đặn, không có những xáo trộn hay biến cố gì đáng kể ngoài những thay đổi về chương trình giáo dục như đã kể trên. Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu lớp học sinh đã vào tòng học rồi tốt nghiệp ra trường lo toan công danh sự nghiệp. Dù thành công hay thất bại, dù giàu sang phú quí hay nghèo nàn túng thiếu, dù tín ngưỡng, chính kiến hay tuổi tác cách biệt, thời học trò mỗi đời một khác, tất cả đều hướng về trường xưa, thầy và bạn cũ. Những hội cựu học sinh Khải Định / Quốc Học đủ các lứa tuổi hoặc chỉ gồm bạn đồng song đã được thành lập, những tập san, tạp chí được xuất bản để nói lên, qua những bài văn, bài thơ, sự biết ơn đối với thầy cũ, lòng nhớ thương bạn bè ngày xưa, nhắc lại những kỷ niệm thời còn theo học hoặc kể cho nhau nghe những thành công hay thất bại, may mắn hay gian truân đã trải qua trong đời mình. Sau đây là bài thơ nhớ trường “Quốc Học trường ta, Quốc Học ơi!” của thi sĩ Huy Cận:
Quốc Học trường ta, Quốc Học ơi!
Thầy xưa bạn cũ nhớ xuyên đời,
Thầy xưa từng gợi lòng yêu nước,
Bạn cũ thân tình biết mấy mươi.
Thú Pháp văn và mê Quốc văn,
Tiếng nhà yêu bội mấy trăm lần,
Ngậm ngùi giờ học An-na-mít,
Tiếng của hồn ta, ta phải chăm.
Thầy Diệu, thầy Phương, thầy Bửu Cân,
Thầy Nồng, thầy Dụ với thầy Lân,
Thầy Hào, thầy Thúy rèn khoa toán,
Thầy Quả đôi khi dạo tiếng đàn.
Ít nói là thầy Thân Trọng Hy,
Phi-lô thầy Bảo giảng thầm thì,
Cụ Đôn chữ Hán thường đi ngựa,
Thầy Thứ nhìn thôi chẳng nói chi.
Mỗi thầy để lại ở trong tôi,
Cái vốn yêu thương cái vốn người
Nghĩa bạn, ơn thầy lòng mãi nặng,
Ngàn năm Quốc Học của ta ơi!
“Thầy Quả đôi khi dạo tiếng đàn.” Đó là thầy Ưng Quả, một vị giáo sư tài ba mà cuộc đời giáo học và sự nghiệp văn chương đã gắn liền với xứ sở quê hương, với sông Hương núi Ngự. Thầy Quả, lúc sinh tiền, không những là một nhà mô phạm lão luyện, mà còn là một học giả uyên bác, một diễn thuyết gia có biệt tài. Thầy đã lưu lại nhiều bài khảo cứu có giá trị bằng Việt văn và Pháp văn đăng tải trong nhiều tạp chí đương thời và một số tác phẩm khác chưa xuất bản. Thầy còn là một nhà ái quốc chân chính, tâm huyết ấy đã biểu lộ một cách sâu sắc trong đoạn văn sau đây, trích thư Thầy gửi cho Viện Viễn đông Bác cổ (Ecole Francaise d'Extrême-Orient) khi được mời làm hội viên: “Après les immenses souffrances que le Vietnam a éprouvées, que la France sans doute partagées, et qui ne sont pas près de finir, j'accèderai à l'honneur que me confère l'Ecole Francaise d'Extrême-Orient dans l'exacte mesure où elle aura contribué, de sa profonde science et de son objectivité, à la restauration de mon pays dans sa grandeur spirituelle et historique.”(5) (Sau nỗi khổ vô biên nước Việt nam đã chịu đựng, mà nước Pháp chắc chắn đã chia sẻ, và những đau khổ ấy chưa phải đã đến ngày chấm dứt, tôi sẽ nhận lãnh vinh dự mà Viện Viễn đông Bác cổ dành cho tôi, trong khuôn khổ đúng đắn là khi nào quí Viện, với học thuật uyên thâm và quan niệm khách quan cố hữu, sẽ góp phần vào sự phục hưng xứ sở tôi trong địa vị vẻ vang của nó về tinh thần và lịch sử.)
Tôi được học Pháp văn với Thầy vào năm đệ tứ cao đẳng tiểu học. Đối với học trò, Thầy khi nào cũng tận tình dạy bảo, lúc nào cũng ôn tồn, từ tốn và không bao giờ nặng lời trách mắng ai. Đối với tôi, Thầy đôi khi có những nhận xét, chỉ bảo riêng. Có lần Thầy bảo rằng tôi viết chữ đẹp, thật tình mà nói, chính tôi chưa bao giờ cho là tôi viết chữ đẹp: chữ gì mà khô rang khô rốc, nét chữ thì ốm tong ốm teo, lại hay viết thảo, nhiều khi không nhận ra mình đã viết chữ gì. Nhưng có thể là với con mắt nghệ sĩ của Thầy, Thầy có thấy một chút gì hay hay trong thư pháp của tôi, dù sao, được Thầy khen thấy cũng vui vui.
Khi tôi học năm thứ hai ban tú tài (classe de première) Thầy dạy Việt văn cho chúng tôi, thầy thích bình văn, ngâm thơ, và, để giúp học sinh nhận thức được cái hay cái đẹp của âm nhạc cổ Việt nam, Thầy nhẹ nâng cây đàn nguyệt, khoan thai dạo mấy cung đàn. Những buổi học ấy được nhiều người cho là nguyên nhân đưa đến sự giao tình thơ mộng giữa Thầy và chị Trâm (Minh Trang), bạn cùng lớp với chúng tôi, và kết thúc bằng cuộc hôn nhân tốt đẹp. Đáng tiếc là tuổi thọ của Thầy quá ngắn ngủi, Thầy mất vào năm Thầy mới 46 tuổi mà không được may mắn sống cho trọn cuộc tình.
Trường Khải Định đã có lúc phải “ăn nhờ ở đậu”, học sinh phải đến những nơi khác mà học. Đó là vào thời gian 1945-54 khi trường bị quân đội ngoại quốc chiếm đóng: năm 1944, phía sau trường bị quân đội Nhật chiếm và qua năm 1945 lại bị chiếm bởi quân Lư Hán, trường còn lại 2 dãy lầu phía trước: học sinh học 4 ca, sau đó dời vào Đại nội và Di luân đường. Từ năm 1946 đến năm 1954, quân đội Pháp chiếm toàn trường: trường tản cư, một số khá lớn giáo sư ra Khu IV mở trường. Riêng tại Huế vẫn duy trì một số lớp học tạm tại 3 cơ sở: Hậu bổ (Chuồng ngựa), Việt anh và Đồng Khánh. Mãi đến năm 1955, học sinh Khải Định mới được trở lại ngôi trường cũ. Một cựu học sinh Khải Định là Tuệ Quang đã làm thơ nói về sự long đong của trường (và học sinh) trong khoảng thời gian ấy:
Trường thuở ấy thay tên,
Và bao lần đổi chỗ
Nay Thượng tứ, mai chuồng bò,
Khi Nội thành
Lúc Việt anh, khi Thuận hóa...
Và có lần vào Đồng Khánh nương thân.
Về phần tôi, tôi có liên hệ với trường Khải Định với hai tư cách: học trò và thầy giáo. Học xong trung học ở trường Khải Định vào năm 1943, tôi theo học ở trường đại học Hà nội trong một năm, sau đó vì không đủ điều kiện tài chánh để tiếp tục theo học, tôi đã thi vào làm việc tại Thư viện Bảo Đại, ở Huế, đến mùa thu năm 1945, cũng như bao thanh niên khác cùng lứa tuổi, tôi tình nguyện gia nhập Giải phóng quân tại thành phố Huế. Xuất ngũ vào đầu năm 1946, tôi chưa biết làm gì để giúp gia đình thì vừa lúc đó, Nha Học chánh Trung Việt mở khóa huấn luyện giáo sư Anh ngữ cho các trường ở địa phương. Tôi vốn thích Anh ngữ từ lúc mới vào trường trung học nên đã xin học tư trong nhiều năm với một tu sĩ người Ái nhĩ lan, lúc đó dạy học ở trường Pellerin (Bình Linh), Huế, sau đó còn được học Anh văn tại ban tú tài trường Khải Định, ngoài ra, tôi còn kiếm sách truyện tiếng Anh để học hỏi thêm. Nhờ cái vốn hiểu biết Anh ngữ ấy, tôi đã được nhận vào khóa huấn luyện nói trên, qua một kỳ thi tuyển. Khi mãn khóa, tôi được bổ nhiệm về trường Khải Định để phụ trách môn Anh ngữ. Đó là một vinh dự lớn đối với tôi vì các đồng nghiệp của tôi lúc bấy giờ là những vị giáo sư có tên tuổi trong số đó có nhiều vị là thầy cũ của tôi như các thầy Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Huy Bảo, Ưng Quả, Bửu Cân, Tôn Thất Đào...
Dạy học chỉ được một vài tháng thì quân Pháp đánh chiếm thành phố Huế, một số khá lớn giáo sư Khải Định và Nguyễn Tri Phương phải di tản ra Khu IV, trước ra Đồng hới sau chuyển ra Hà tĩnh. Sau một thời gian phục vụ tại một cơ xưởng chế tạo chất nổ dưới sự hướng dẫn của Thầy Phạm Đình Ái, tôi được Thầy (lúc đó vừa là Giám đốc cơ xưởng nói trên vừa kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Học chánh Khu IV) cử đi dạy học, cùng với một số giáo sư khác của trường Khải Định Huế, tại một trường trung học cấp ba mới được thành lập tại xã Châu phong, huyện Đức thọ, tỉnh Hà tĩnh. Trường lấy tên là trường Huỳnh Thúc Kháng, vị hiệu trưởng là giáo sư Hoàng Ngọc Cang, cử nhân hóa học tốt nghiệp ở Pháp. Đến năm sau, trường Huỳnh Thúc Kháng dời lên xã Bạch ngọc ở Nghệ an và kết hợp với trường Nguyễn Công Trứ ở Vinh thành trường cấp 3 của tỉnh. Tôi ở lại Châu phong cùng một số giáo sư Khải Định khác để phụ trách các lớp cấp 3, cấp 3 này được ghép với cấp 2 trường Phan Đình Phùng của tỉnh Hà Tĩnh để thành trường cấp 3 của tỉnh. Tôi dạy ở trường Phan Đình Phùng cho đến năm 1952 thì tìm cách trở về Huế. Được giáo sư Huỳnh Hòa, Hiệu trưởng trường Khải Định lúc đó nhận cho tôi phụ trách môn Anh văn các lớp đệ tam, tôi trở lại trường cũ vào năm học 1952-53. Việc dạy học trò cấp 3 ở Huế là một kinh nghiệm mới mẻ đối với tôi. Trong thời gian 4 năm dạy học ở Hà tĩnh, nơi nổi tiếng có nhiều vị khoa bảng tài danh như Nguyễn Du, Phan Đình Phùng... nơi mà truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn tồn tại, tôi được tiếp xúc với những học sinh luôn luôn cung kính, lễ độ đối với thầy, trong lớp lúc nào cũng im phăng phắc, không có tiếng trò chuyện, cười đùa với nhau, nếu học trò có hỏi thầy điều gì thì chỉ hỏi về những gì liên quan đến bài học.
Lần đầu tiên bước vào lớp đệ tam A ở Khải Định, tôi thấy mất bình tĩnh: lớp quá đông học sinh, gồm toàn những cô cậu nhỏ hơn tôi chỉ xuýt xoát một con giáp. Trong mấy chục cặp mắt long lanh đang hướng về phía tôi, tôi đọc được sự hiếu kỳ pha lẫn chút giễu cợt. Hay đó chỉ là cảm giác chủ quan của tôi? Dù sao, cái không khí phần nào căng thẳng lúc ban đầu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, sau rồi mọi việc đều êm thắm khi mà học trò đã bắt đầu tin tưởng ở khả năng chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy của thầy. Hơn nửa thế kỷ sau, gặp lại các trò lúc đó đã vào tuổi cổ lai hi, tại Hoa kỳ, trong một bầu không khí thân mật và cởi mở, tôi càng thấy rõ rằng học trò Việt nam, dù ở Nghệ an, Hà tĩnh, hay Huế, tất cả đều quí trọng thầy, nếu có khác chăng thì chỉ ở mức độ tinh nghịch của tuổi trẻ.
Đến cuối năm 53 tôi được cấp học bổng Fullbright để tu nghiệp giáo sư Anh ngữ tại Hoa kỳ trong thời gian 6 tháng. Lúc mãn khóa trở về Việt nam vào giữa niên học 1953-54, môn Anh văn cấp 3 đã có đủ giáo sư phụ trách nên tôi được đưa về trường Nguyễn Tri Phương phụ trách hai môn toán và Pháp ngữ trong thời gian chờ đợi. Đến tháng 4 năm 54, tôi bị gọi nhập ngũ để không bao giờ trở về với nghề thầy giáo nữa. Điều đáng tiếc là tôi vốn thích dạy học, sở dĩ tôi xin cấp học bổng đi tu nghiệp là vì tôi muốn đem những kinh nghiệm học được tại Hoa kỳ vào việc dạy Anh ngữ để có kết quả nhiều hơn. Nhưng sự mong ước của tôi đã không thực hiện được. Đó là điều đã làm cho tôi rất ân hận.
Người Huế hiền lành chất phác
Nhà tôi ở Kiệt 1 đường Âm hồn trong Thành nội. Kiệt 1 có hai dãy nhà vườn đối diện nhau, gồm khoảng 30 gia đình. Người trong kiệt ai cũng biết ai, gặp nhau ngoài đường chào hỏi nhau niềm nở. Tết nhất, không quên đến chúc Tết, tặng nhau quà bánh. Nhà nào gặp hoạn nạn, hàng xóm đến hỏi han giúp đỡ. Cuộc sống trong kiệt thật êm đềm, chưa bao giờ thấy có chuyện tranh chấp, cãi vã với nhau. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ có người trong Kiệt 1 chúng tôi đối xử tử tế với nhau mà ở đâu người Huế cũng có thái độ thân thiện như vậy. Con người Huế hiền lành, lại rất thương người. Ảnh hưởng của đạo Phật trùm tỏa khắp nơi, lấy từ bi làm gốc.
Con trai xứ Huế phần đông đều thật thà, hiền lành và ít lời đến độ nhút nhát, con gái Huế dịu dàng xinh đẹp, nói năng nhỏ nhẹ và hay thẹn thùng. Những người có dịp biết các cô gái Huế, dù đã đi xa vẫn lưu luyến mãi tiếng “dạ” nhỏ nhẹ ngọt ngào của người thiếu nữ mảnh mai ngày ấy... Người thôn quê của “xứ dân nghèo” này, phần lớn là nông dân gắn bó với mảnh đất ông cha để lại dù khô cằn sỏi đá, họ quanh năm suốt tháng cần cù nhẫn nại làm lụng, chỉ mong sao cho có đủ ăn, họ không có tham vọng và cam chịu cảnh nghèo mà không bao giờ phàn nàn than vãn. Người Huế nói chung không thích phô trương, không ưa đua đòi chưng diện, họ không thích chạy theo thời trang và trong vấn đề ăn mặc họ luôn luôn có sự cân nhắc.
Ở Huế, không có những công cuộc kinh doanh, kỹ nghệ lớn, mà chỉ có vài cửa tiệm buôn cỡ trung bình còn phần lớn là những nhà buôn cỡ nhỏ, sàn sàn với nhau. Vì vậy Huế không có nhiều người giàu có lớn và, ngoài một số ít gia đình trung lưu, phần lớn dân Huế vẫn còn nghèo. Người Huế phần đông thích không khí ấm cúng của gia đình. Sau những giờ làm việc – nhiều khi rất căng thẳng – ở sở làm, ai cũng muốn về nhà nghỉ ngơi hay ra vườn ngắm cây cảnh trước khi ăn cơm tối với đông đủ vợ con. Tại các thành phố khác, ban đêm là lúc các thanh niên nam nữ vui chơi cho đến khuya, đôi khi suốt sáng. Ở Huế thì lại khác, dù có việc gì phải ra khỏi nhà ban đêm thì đến 8 giờ, hay muộn lắm là 9 giờ tối lại trở về nhà, các đường phố, các ngõ ngách đều vắng tanh không người qua lại.
Bản chất hiền hòa và cuộc sống êm ả của người Huế rất thích hợp với một môi trường không có núi non hiểm trở, thác cao lũng sâu, nhưng lại có một dòng sông nước chảy lững lờ.
Trên đây là những nét chính và ký ức về xứ Huế một thời xa xưa, cách nay già nửa thế kỷ. Thuở ấy, Huế vẫn còn là nơi đã được vua Minh Mạng tặng cho mỹ danh “đế đô kỳ diệu” và tuy ảnh hưởng của thời gian và thời tiết khắc nghiệt đã làm cho các kiến trúc có phần nào hư hỏng, vàng son có phần phai nhạt, nhưng Huế vẫn duy trì được những nét đẹp và nên thơ cố hữu. Các cung điện, đền đài, vẫn được trông coi và bảo trì cẩn thận. Vua Bảo Đại đang trị vì, đời sống cung đình vẫn diễn tiến như xưa, việc tế lễ vẫn được cử hành hàng năm theo nghi thức đã định. Thuở ấy, thanh bình thịnh trị, người dân Huế sống trong cảnh an lạc, phường khóm bình yên, không có nạn trộm cắp, bắt cóc, giết người, không có nạn cờ bạc đĩ điếm, thanh thiếu niên lúc ấy chưa ai nghe nói đến cần sa bạch phiến. Trong các làng xã, không thấy ai phàn nàn về nạn “cường hào, ác bá”, cũng không hề có chuyện sách động quần chúng, biểu tình đả đảo hoan hô…
Trong cảnh thanh bình an lạc ấy, mỗi sáng, từ thứ hai đến thứ sáu, trên cầu Tràng tiền, từng toán nữ sinh áo trắng lũ lượt đổ về trường, tà áo phất phơ trong cơn gió nhẹ. Con đò Thừa phủ chở học sinh nam nữ từ tả ngạn sông Hương qua học ở hai trường Khải Định vả Đồng Khánh bên hữu ngạn, con đò đó là nơi gặp gỡ hàng ngày, sáng và chiều, của hai bên nam nữ và cũng là đầu mối của nhiều cuộc tình thơ mộng. Trên dòng sông, thuyền bè tấp nập ngược xuôi, đâu đó, vang lên tiếng hò câu hát của cô lái đò duyên dáng, tà áo nâu tung bay theo ngọn gió vô tình. Đêm đêm, từ những con thuyền nhỏ, văng vẳng câu hát nam bình xen lẫn tiếng đàn tiếng phách.
Thuở ấy, Huế là nơi có một đời sống văn hóa náo nhiệt. Đất thần kinh vốn có một truyền thống coi trọng văn chương thi phú thể hiện qua những thi phẩm của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (cả ba đều là những bậc hay chữ và sính thơ), của hai nhà thơ nổi tiếng Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương, và hậu duệ của hai vị. Đến những thệ hệ sau, khi nền quốc văn đã được thành lập và ngày càng phát triển, chữ quốc ngữ đã thay thế chữ Hán trong lĩnh vực văn nghệ, thì về địa hạt thi phú, Huế có những đóng góp đáng kể với những thi phẩm của các nhà thơ, gốc Huế hoặc theo học ở Huế, như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Tế Hanh… Trong địa hạt âm nhạc, bộ môn được ca ngợi nhiều nhất là ca Huế. Ca Huế mang sắc thái địa phương rõ rệt bởi nó gắn chặt với đặc điểm ngữ âm, ngữ điệu của giọng nói xứ Huế, nó được hình thành và phát triển do tác động hỗ tương giữa ca nhạc cung đình và ca nhạc dân gian, chính nhờ sự kết hợp hài hòa của hai luồng giao thoa đó mà ca Huế có một phong vị đặc biệt được mọi người ưa chuộng, từ giới thượng lưu, trí thức đến quần chúng nhân dân. Ca nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, ca nhạc dân gian là thể loại âm nhac cổ truyền do người lao động sáng tác và gồm nhiều làn điệu thể hiện phong cách bình dân, sát với cuộc sống lao động. Dân ca Huế nổi tiếng nhờ những làn điệu như hò (hò mái nhì, hò giã gạo, hò nện, hò ô…) hay lý (lý giao duyên, lý hành vân, lý tương tư…) Các dịp biểu diễn dân ca là những ngày lễ hội và thường ngày thì trong lao động để động viên nhau hoặc trong tình yêu đôi lứa. Ca Huế còn tác động trở lại trên ca nhạc dân gian và đã cổ điển hóa một số làn điệu dân gian – đặc biệt là những bài lý – nhờ vậy mà những làn điệu ấy cũng được giới thượng lưu trí thức yêu chuộng. Những buổi trình bày ca nhạc Huế thường bắt đầu bằng một câu hò hay bài lý dân gian rồi mới chuyển qua ca Huế.
Ngành tân nhạc ở Huế được đại diện bởi các nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Minh Kỳ, Ưng Lan, Ngô Ganh, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc… Những buổi trình diễn tân nhạc tại rạp Tân Tân được khán thính giả Huế rất ưa thích. Ngành ca kịch cũng rất được yêu chuộng, đặc biệt là hát bộ (hát bội), Huế là nơi có nhà hát bộ đầu tiên của nước ta là “Duyệt thị đường”, nhà hát bộ được giới bình dân ưa thích nhất và có đông người đến xem tuồng (và bói tuồng vào những ngày Tết) – Rạp Bà Tuần – cũng là ở Huế. Vở tuồng lớn nhất nước “Vạn bửu trình tường” diễn hàng trăm đêm đã được soạn tại Huế. Nói chung, những hoạt động văn nghệ đều được rất nhiều người hưởng ứng và tham dự. Hội Quảng tri ở Hàng bè là nơi có nhiều nhân vật nổi tiếng được mời đến nói chuyện về các vấn đề văn hóa và cũng là nơi để các văn nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm của họ, hội còn là nơi trưng bày các họa phẩm và điêu khắc phẩm. Ngoài ra, hội có một thư viện mở cửa cho công chúng đến đọc hoặc tham khảo sách báo. Nhật báo “Tiếng dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng, xuất bản vào năm 1927, là tờ báo đầu tiên ở Trung kỳ chuyên thông tin tức và đạo đạt ý tưởng và nguyện vọng của quốc dân. Huế còn là trung tâm giáo dục của cả miền Trung, là nơi tập trung rất nhiều trường công lập cũng như tư thục. Trước năm 1945, Khải Định là trường trung học duy nhất có ban tú tài ở miền Trung và được xem như tương đương với các trường Albert Sarraut ở Hà nội, Chasseloup Laubat và Pétrus Ký ở Sài gòn.Trường Đại học Huế được thành lập vào những năm 1959-60, là nơi tập trung nhiều giáo sư có tên tuổi và đông đảo sinh viên miền Trung. Có thêm cơ sở cấp đại học, Huế có thể trở thành một “đại học thị” (cité universitaire) nếu các biến cố chính trị vào những năm sau đó dã không gây trở ngại cho việc phát triển trường và sự học hành của các sinh viên.
Thuở thanh bình ấy bao gồm thời kỳ tôi lớn lên, đi học ở trường Khải Định rồi sau trở lại trường dạy học. Lúc còn là học trò, tôi đã được học với những thầy giáo giàu kinh nghiệm, tận tâm dẫn dắt học sinh, tôi lại có rất nhiều bạn tâm giao. Thầy ấy bạn ấy, tôi nhớ mãi không quên. Đến khi dạy học, tôi được tiếp xúc với những nam nữ học sinh rất đáng mến, thời gian ấy lưu lại trong ký ức của tôi một kỷ niệm thật đẹp...
Huế bây giờ
Thuở ấy nay đã lùi vào dĩ vãng, Huế ngày ấy, nay đã đổi thay. Kinh đô Huế nay là một cố đô mang nặng dấu vết của cuộc giao tranh giữa quân ta và bộ đội miền Bắc hồi Tết Mậu Thân. Được khởi công xây dựng từ đầu thế kỷ 19, các công trình kiến trúc ở Huế sau gần 200 năm qua, do thời tiết khắc nghiệt và thiên tai dồn dập, đã bị hư hỏng phần nào và, với sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn, một số lớn đã trở thành phế tích. Trong tổng số 1200 đơn vị kiến trúc ban đầu, nay chỉ còn 350 công trình được chọn là có điều kiện để bảo tồn. Sau khi UNESCO công nhận Huế là di sản văn hóa thế giới và với sự viện trợ của nhiều chính phủ ngoại quốc, chính phủ cọng sản Việt nam đã đưa ra “Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010.” Công tác trùng tu được tiến hành với sự giúp đỡ của các chuyên viên ngoại quốc. Theo ý kiến của nhiều người trong nước, vốn ưu tư về vấn đề trùng tu, thì kết quả không mấy khả quan. Trong một bài báo nhằm đóng góp ý kiến về việc trùng tu, ông Mai Khắc Ưng cho rằng có nhiều cảnh trí đáng được trùng tu thì không được để ý đến, trong lúc đó chính phủ lại chăm lo trùng tu một vài kiến trúc khác mà kết quả không có gì đáng kể. Ông viết: “Huế 'di sản văn hóa thế giới' lẽ nào chỉ có Kỳ đài với một Hoàng thành tân trang đậm màu cải lương!”(6) Chữ “cải lương” ở đây không hàm ý chê bai ngành nghệ thuật trình diễn này mà có lẽ được dùng theo thói quen để diễn đạt ý kiến là việc tân trang đó chỉ là một “trò hề”, có tính cách “giả tạo”, “lòe loẹt”, “lố bịch.” Đành rằng các chuyên viên ngoại quốc phải rất giỏi về kỹ thuật, nhưng họ không phải là người Việt, họ không có tâm hồn của người Việt, không nhìn những tác phẩm mỹ thuật bằng con mắt của người Việt, thậm chí, nếu không phải là họ thì là những người Việt phụ tá cho họ, đã quan niệm lẫn lộn công việc “trùng tu” (restoration) với công việc“tân trang” (renovation). Vả lại, nếu không thể trùng tu lại như cũ, tại sao không thể duy trì những di tích ấy, miễn là đừng để cho suy sụp, chẳng hạn như người Ý đã duy trì hí trường Coliseum cổ xưa tại thủ đô Rome, hay hai cổ tháp Asinelli và Garisenda tại thành phố Bologna như là những di tích lịch sử? Công việc bảo tồn di tích cố đô Huế sở dĩ không có kết quả khả quan là vì nó chỉ nhằm vào việc thu hút du khách, hay đúng hơn, chỉ nhằm vào túi tiền của họ, mà ít chú trọng đến mục đích chính của nó tức là giữ gìn nguyên trạng các di tích ấy.
Thứ nữa, có những công trình không nằm trong qui hoạch trùng tu di sản văn hóa cố đô nhưng lại được thực hiện do “sáng kiến” của chính quyền địa phương. Ví dụ như đường từ cầu Trường tiền ngược lên Cột cờ nay đã được tô thêm nhiều nét mới (vấn đề đẹp hay xấu, chúng ta không bàn đến ở đây) làm mất đi vẻ cổ kính, trang nghiêm của đoạn đường quen thuộc ấy. Những “người bạn của Huế xưa” ắt phải cảm thấy xao xuyến trước những thay đổi bắt nguồn từ một quan niệm lệch lạc về thiết kế đô thị. Xét cho cùng, sở dĩ UNESCO đã vận động tài trợ cho Việt nam là để chúng ta thực hiện những công tác trùng tu nhằm phục hồi như cũ các di tich của cố đô Huế chứ không phải để thiết kế một thành phố cũ chẳng ra cũ, mới chẳng ra mới. Lẽ ra, trong qui hoach bảo tồn di tích, ngoài Tử cấm thành, Hoàng thành, Kinh thành, còn phải gồm một số di tích khác như Viện Cơ mật, Quốc sử quán, Tôn nhơn phủ. Quốc tử giám, Lục bộ, khu cư xá dành cho các quan chức Nam triều cấp tham tri, thị lang… bởi vì diện mạo một kinh đô hoàn chỉnh phải được nhìn trong tổng thể của nhiều mối quan hệ hợp thành. Đó là chưa kể việc cần giữ gìn nguyên trạng những nơi như khu vực thương mại Bao Vinh – giang cảng một thời rộn rịp trên bến dưới thuyền – hay khu phố gồm 3 con đường chính Trần Hưng Đạo, Ngả giữa, Hàng bè và chợ Đông ba… nói chung, những nơi chốn giúp chúng ta hình dung lại diện mạo kinh tế, xã hội của kinh đô vào thời kỳ cuối thế kỷ XIX qua đầu thế kỳ XX.
Một khuyết điểm khác của qui hoạch trùng tu hiện nay là sự thiếu vắng một cái nhìn bao quát toàn thể thành phố Huế và các vùng phụ cận để phân chia Huế thành hai khu vực cựu (phía Bắc) và tân (phía Nam), cũ mới phân minh. Không cần tìm đâu xa, chỉ nhìn vào một bản đồ Huế dưới thời Pháp thuộc, ta có thể thấy một sự phân chia rõ rệt: ở tả ngạn sông Hương (phía Bắc) là những thành quách, dinh thự của kinh đô cũ, chung quanh Hoàng thành là nhà dân, không có những kiến trúc xây cất theo lối tây phương, bên hữu sông (phía Nam) hầu hết là công sở của chính quyền Pháp nào là tòa Khâm sứ, tòa Công sứ, Kho bạc, Nhà Dây thép (Bưu điện), nào là sở Lục lộ, nhà thương, trường học, v.v... Tuyệt không có sự lẫn lộn giữa bên này và bên kia. Bây giờ, chỉ cần duy trì thiết kế đó để bảo tồn bên cũ và phát triển bên mới theo sự đòi hỏi của thời đại. Như vậy, ở nên này cầu Tràng tiền, Huế “di sản văn hóa của nhân loại” vẫn còn đó để các nhà khảo cứu đến đặng tìm tòi, nghiên cứu và để cho khách du khắp nơi đến chiêm ngưỡng, còn ở bên kia cầu là những khách sạn 4, 5 sao, những hàng ăn sang trọng, những vũ trường, sòng bạc… tóm lại, những tiện nghi cần thiết để phục vụ du khách viễn phương. Chính quyền cộng sản đã không nhìn vấn đề như vậy, thế cho nên trong thành phố có nhiều chỗ đã thay đổi ít nhiếu, một số nhà cổ chứng tích một thời của cố đô nay đã hoàn toàn biến dạng, những du khách đến Huế với hi vọng được cung chiêm môt nơi được coi là di sản văn hóa thế giới ắt phải cảm thấy thất vọng, những người vốn yêu Huế xưa ắt không khỏi thấy lòng gợn lên chút bùi ngùi của một niềm hoài cổ. Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Du ngày xưa lúc trở lại Thăng long sau khi triều Nguyễn đã hoàn thành công trình xây cất kinh đô Huế, cám cảnh đổi thay, ông đã có hai câu thơ sau đây:
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung.
(Những ngôi nhà to lớn được xây cất từ lâu, nay trở thành đường cái, cung điện cũ thì biến mất, nhường chỗ cho một bức thành mới.)
Tuy Nguyễn Du chỉ mô tả sự đổi thay, người đọc cũng cảm thấy nỗi buồn sâu kín của một vị quan, vốn trung thành với nhà Lê, khi không còn thấy dấu vết của các dinh thự, thành quách được xây cất từ thời các vua cũ mà chỉ thấy toàn là những công trình mới.
Ngoài ra, còn có những cảnh tượng chướng tai gai mắt trên sông Hương làm cho con sông mất vẻ đẹp cố hữu. Ông Quỳ Lê ở Huế tỏ nỗi lo của mình bằng những dòng sâu đây: “...bây giờ sông Hương đang có một nguy cơ mới phá vỡ cảnh quan: thuyền tôn, những mái nhà tôn. Từ trên cầu Tràng tiền hay từ một cao ốc nào đó nhìn xuống mặt sông sẽ thấy: các mái nhà tôn của nhà hàng nổi Sông Hương cọng thêm mái tôn của mấy chục con thuyền đôi du lịch. Nếu không có một phương án qui hoạch hạn chế sự phát triển những 'mái nhà tôn' trên sông Hương thì một ngày nào đó, hình ảnh 'Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay' sẽ là những 'mái đò tôn'.”(7) Phải chăng “tác giả” của những thuyền tôn nghĩ rằng Paris có bateau-mouche, Venice có gondola thì Huế cũng phải có cái gì tương tự để thu hút du khách? Họ không biết rằng Huế sẵn có những gì đẹp không kém – nếu không nói là đẹp hơn – những bateau-mouche và gondola và những cái mà chúng ta có là “thuần túy Việt nam”, không cần vay mượn của ai cả.
Bàn về vẻ đẹp cố hữu của Huế, họa sĩ Dương Phước Luyến đã viết như sau: “Thật vậy, khi ngồi dưới cội hoa anh đào khoe sắc bên hồ Jefferson của thủ đô Washington, tôi thấy thua xa cái đẹp tinh khiết, cái hương thơm kỳ diệu của mùa sen trắng nở bên hồ Tịnh tâm chiều hạ. Hay khi thả bộ bên dòng sông Seine, rồi ngồi dưới chân tháp Eiffel ngắm trời đêm Paris, tôi thấy thua bóng dáng một chiếc ghe nhỏ của ngư ông đang thả câu trước bến Vân lâu trong ánh đèn dầu lấp ló trên dòng sông Hương. Hay khi lang thang quanh điện Buckingham của London cổ kính, lòng tôi vẫn thấy thua cái đẹp của Cửu đỉnh Thế miếu, và nhất là đứng trước quãng trường Thiên an môn mênh mông ở cố cung Bắc kinh, cái to lớn nặng nề của cái cổng lịch sử này tôi thấy không bì được với cái tao nhã, xinh xắn của cổng Ngọ môn của kinh thành Huế. Và cả khi ngồi trên con thuyền gondola, chiếc thuyền chèo của Venice (Italy), để theo những con đường nước của thành phố nổi tiếng này, tôi thấy vẫn thua xa cái không khí huyền hoặc chơi vơi của những buổi chiều dạo thuyền trên sông Hương.” (8)
Đối với những du khách chưa biết đến Huế xưa, không có ý thức gì về văn hóa Việt nam, nếu họ có trầm trồ khen ngợi khi nghe lời tán tụng của hướng dẫn viên thì chả cần nói hay giải thích làm chi. Còn đối với những người Việt mà cũng cho là Huế bây giờ “đẹp như xưa” hay “đẹp hơn xưa” thì, theo tôi, nên đọc cho họ nghe hai câu thơ tuyệt vời của thi sĩ Bùi Giáng:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Mới nghe thì tưởng là bình dị, chân chất, nhưng nghĩ lại mới thấy là xốn xang lạ thường. Hai chữ “Dạ thưa” ở đây không còn hàm chứa cái dịu dàng, ngọt ngào của giọng nói cô gái Huế mảnh mai ngày ấy mà lại biểu lộ một tâm sự não nề. Nhà thơ chỉ nói đến “Huế bây giờ” và hiện trạng “vẫn còn” và để cho tự người xem thơ suy tư về “Huế ngày xưa” và những gì “đã mất.” Sông Hương núi Ngự “vẫn còn” nhưng liệu có còn là núi Ngự sông Hương ngày xưa không? Nếu danh từ “hồn thiêng sông núi” không đơn giản là một mỹ từ để làm đẹp câu văn thì sông núi ắt phải xót xa trước cảnh chém giết rùng rợn và tàn phá khủng khiếp xảy đến cho xứ Huế hiền từ, đẹp đẽ và thơ mộng của chúng ta. Người biết suy nghĩ ắt phải lĩnh hội được ý nghĩa của hai câu thơ thâm thúy ấy.
Mặt khác, người dân Huế bây giờ e cũng đã thay đổi nhiều. Đa số người Huế thì hiền lành chất phác nhưng ngay cả khi Huế còn thanh bình và đảng cộng sản chưa chiếm được miền Nam cũng đã có những người Huế quên nguồn gốc của mình và đành tâm quay lưng với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã nuôi dưỡng mình cho đến ngày khôn lớn. Tố Hữu (tên thật là Nguyễn Kim Thành) đã làm thơ miệt thị Huế:
Ta nện gót trên đường phố Huế,
Dửng dưng không một cảm tình chi.
Không gian sặc sụa mùi ô uế,
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi…
Ai bảo nghìn năm nương đất ấy
Mầm non thêm nhựa lá thêm tươi?
Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh,
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh.
Sau ngày miền Nam rơi vào tay cọng sản, số người như Tố Hữu càng ngày càng nhiều. Trước tiên là “những nhà cách mạng giờ thứ 25”, những người theo voi ăn bã mía, những người a dua, những người hoạt đầu gió chiều nào che chiều ấy, những người dễ bị thuyết phục vì thiếu hiểu biết... thôi thì đủ cỡ, đủ loại, đủ lứa tuổi. Thêm vào đó, chủ trương đổi mới kinh tế khuyến khích người dân tìm đủ cách để làm giàu, tranh giành chen lấn nhau làm vì đồng tiền, con người trở nên lý tài, ích kỷ, mạnh ai nấy sống… Cái tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau không còn nữa. Những người thật thà hiền lành, tuy vẫn còn đó, nhưng e là quá ít so với đa số gồm những người chạy theo phe đương quyền.
Cảnh xưa không còn nguyên vẹn, lòng người có chiều đổi thay. Đó là sự mất mát lớn đối với những người yêu xứ Huế xa xưa. Về phương diện cá nhân, mỗi người còn có những mất mát riêng. Về phần tôi, hầu hết những người thân, các thầy dạy, những người bạn thiết, những người quen xa hay gần, những người giúp việc trong nhà, những người hàng xóm ngày xửa ngày xưa, nay đà khuất núi. Sống đến tuổi đại thọ, mỗi khi nghe có thêm một thân nhân hay người bạn vừa ra đi, tôi không khỏi bâng khuâng tự hỏi: “Bao giờ sẽ đến lượt mình đây?
Những người còn sống thì mỗi người một nơi, cách xa nhau hàng vạn dặm. Thuở trước, thăm viếng nhau là chuyện tương đối dễ làm. Chàng Kim xưa, khi “bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người” liền “vội dời chân đi.”(9) Các cụ ta trước kia, nhớ bạn, thì chỉ cần có một cây gậy trúc và đôi chân còn khỏe là có thể đi thăm bạn ở làng trên xóm dưới để cùng nhau chén tạc chén thù. Ngày nay, đường xa diệu vợi, phí tổn di chuyển quá cao, thủ tục xuất nhập cảnh rườm rà, khiến ước muốn thăm viếng nhau trở thành điều khó thể thực hiện. Vả lại “gặp nhau đã khó mà chia tay cũng không dễ gì” (10) nên bạn bè chỉ còn có thể gặp nhau qua thư từ, điện thư, hay điện thoại.
Câu hát của Jacques Prévert lại văng vẳng bên tai tôi: “En ce temps là, la vie était plus belle.

Luân Đôn, Xuân Canh Dần (Hiệu chính)
Tôn Thất Uẩn
Chú thích:
1. Bà Huyện Thanh Quan, “Thăng long thành hoài cổ
2. “Dạo ấy, đời thật đẹp, đẹp hơn bây giờ”, Jacques Prévert, trong bài “Les Feuilles mortes”
3. KTS Nguyễn Hữu Thái, “Huế: Đại bố cục một vùng văn hóa”, Huế Xuân Nhâm Ngọ, Nhà xuất bản Trẻ
4. L. Cadière, “La Merveilleuse capitale”, Bulletin des Amis du Vieux Hue, Bản dịch của Diên Chi
5. Nha Học chánh Trung Việt, “Thân thế và sự nghiệp ông Ưng Quả
6. Mai Khắc Ưng, “Nên giữ gìn nguyên trạng”, Huế Đẹp Huế Thơ, Nhà xuất bản Trẻ
7. Quỳ Lê, “Cảnh quan Huế, Nỗi lo...”, Huế Đẹp Huế Thơ, Nhà xuất bản Trẻ

8. Dương Phước Luyến, “Huế đẹp hơn những gì bạn thấy”, Tiếng Sông Hương – Kỷ niệm 100 năm Trường Quốc học Huế (1896-1996)
9. Nguyễn Du, “Kim Vân Kiều
10. Nguyên văn chữ Hán : “Tương kiến thời nan, biệt diệc nan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét