Nam Trân

Nam Trân

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Kỷ niệm 70 năm "Ngục trung nhật ký": Sự trở lại của một kích thước lớn

Kỷ niệm 70 năm "Ngục trung nhật ký": Sự trở lại của một kích thước lớn

(Thử tìm hiểu lí do vì sao chưa có một bản dịch trọn vẹn Nhật ký trong tù ở hai thời điểm 1960 và 1983)

Phong Lê - 02-03-2013 12:10:31 AM
Bản gốc Ngục trung nhật ký
Năm 1960 là năm bản dịch Nhật ký trong tù lần đầu tiên ra mắt bạn đọc, nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1983 là năm kỷ niệm 40 năm Hồ Chí Minh viết xong Ngục trung nhật ký.
Ra mắt công chúng từ tháng 5-1960, nguyên bản tiếng Hán Ngục trung nhật ký và bản dịch Nhật ký trong tù có quá trình tồn tại cùng tác giả trong hơn 9 năm – cho đến 9-1969 là năm Hồ Chí Minh qua đời. Sự sôi nổi trong đón nhận Nhật ký trong tù không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn là cả nhiều nơi trên thế giới – qua các bản dịch ra nhiều thứ tiếng, và sự giới thiệu của nhiều bạn bè quốc tế. Thế nhưng công chúng lại rất ít được biết ý kiến của chính tác giả là thế nào? Chưa thấy Bác trực tiếp nói, và cũng ít có ai trong số những người gần gũi với Bác nói về chuyện này. Qua vốn đọc của tôi, tôi chỉ thấy có một lần – đó là lần đồng chí Vũ Kỳ, nhân cuộc chuyện trò với hai tác giả cuốn Tìm hiểu thơ ca chiến khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đã có lần ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, tôi trao đổi với các đồng chí cán bộ giảng dạy là các anh bình Nhật ký trong tù mà lại bình bản dịch thì không ổn, vì khi tôi báo cáo bản dịch Nhật ký trong tù với Bác, thì Bác tủm tỉm cười: “Cám ơn các chú đã dịch hay hơn thơ của Bác làm”(1).
Một hiện tượng đáng lưu ý khác là trong suốt thời gian từ 1960 đến 1969 – và còn kéo dài thêm nhiều năm về sau, bạn đọc đều không biết là ngoài 114 bài đã được dịch trong bản in Nhật ký trong tù năm 1960, vẫn còn 19 bài khác chưa được giới thiệu. Và việc để thiếu này, những người làm Nhật ký trong tù và Viện Văn học đều không nói ra. Đến 1978, Lê Khánh Soa công bố thêm 8 bài trên báo Nhân dân, số ra ngày 13-5-1978. Rồi đến 1983, nhân 40 năm ra đời Ngục trung nhật ký, Viện Văn học lại tổ chức tiếp việc dịch bổ sung thêm 13 bài mới để có 127 bài (trong đó có 7 bài đã được Lê Khánh Soa công bố). Vậy là đến 1983, vẫn còn 6 bài chưa được dịch và công bố. Và việc để thiếu này trong lần công bố thứ hai của Viện Văn học cũng không được nói đến. Những người đã mất như Nam Trân, Hoài Thanh không nói đã đành, mà những người lúc này còn sống như Đặng Thai Mai, Tố Hữu cũng không một lần nói đến. Lại phải chờ thêm 7 năm nữa, cho đến năm 1990… Và giới nghiên cứu đành theo lối suy diễn mà nghĩ ra lý do, chẳng hạn như ý kiến của PGS. Phan Văn Các: “Có một câu hỏi đáng nhắc ở đây: vì sao bản dịch chỉ mới bổ sung 13 bài trong khi nguyên tác có 133 bài tất cả? Phải chăng có một nguyên nhân gì đó thuộc về “thao tác kỹ thuật” đã cản trở người dịch, chẳng hạn sự khó khăn trong khâu chuyển ngữ? Hay phải chăng sự ràng buộc nghèo nàn trong nhận thức chung của toàn xã hội (PVC nhấn mạnh) mà bản dịch năm 1960 là một phản ánh, chỉ mới “cởi mở” được đến chừng ấy mà thôi? Dẫu sao, sự bổ sung chưa đầy đủ cũng là một dấu hiệu cho thấy công việc dịch Nhật ký trong tù năm 1983 chỉ mới là một bước chuyển tiếp và còn phải tiếp tục cố gắng đẩy tới những bước mới tích cực hơn nữa, để sớm đi đến bản dịch hoàn chỉnh cuối cùng”(2).
Và đó là bản dịch trọn vẹn của Viện Văn học năm 1990 – đặt trong cuốn Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù” do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, được tái bản trong các năm 1993, 1995, 1996; và bài viết của Phan Văn Các là một mục trong phần Chuyên khảo của sách này.
Bản dịch năm 1990 này gồm đủ 133 bài, cùng với bài mở đầu Bốn câu, không có tên bài, không đánh số bài, và bài cuối: Tân xuất ngục học đăng sơn không nằm trong tập nhật ký, là 135 bài.
Bây giờ, sau 70 năm, tính từ khi Nhật ký trong tù được viết ra, và 53 năm khi bản dịch đầu tiên Nhật ký trong tù được ấn hành thì thấy việc công bố đủ 135 bài của Nhật ký trong tù phải cần đến một hành trình chẵn 30 năm, qua các mốc lịch sử 1978, 1983, và 1990.
*
Hãy thử tìm lý do của sự gác lại 19  bài trong bản in năm 1960, rồi 6 bài trong bản in năm 1983, để đến năm 1990, mới có bản dịch trọn vẹn 133 bài.
Năm 1978, Lê Khánh Soa công bố thêm 8 bài trong số 19 bài bị gác lại ở bản in năm 1960 của Viện Văn học. Đó là các bài Vấn thoại (Lời hỏi), Nhai thượng (Trên đường phố), Dạ bán văn khốc phu (Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng), Ký Nê Lỗ (đánh số 86-87) – (Gửi Nêru), Chính trị bộ cấm bế thất (Nhà giam của Cục chính trị), Dương Đào bệnh trọng (Dương Đào ốm nặng), và Nhân đỗ ngã (Nhân lúc đói bụng).
Năm 1983, bản dịch của Viện Văn học bổ sung 13 bài, trong đó có 7 bài đã công bố của Lê Khánh Soa.
Đó là các bài: Long An Lưu sở trưởng (Sở trưởng Long An họ Lưu), Nhai thượng, Dạ bán văn khốc phu, Ký Nê Lỗ I, II, Thiên Giang ngục (Nhà lao Thiên Giang), Liễu Châu ngục (Nhà ngục Liễu Châu), Chính trị bộ cấm bế thất, Mông ưu đãi (Được ưu đãi), Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên (Khoa trưởng họ Ngũ, Khoa viên họ Hoàng), Dương Đào bệnh trọng, Nhân đỗ ngã, Trần khoa viên lai thám (Khoa viên họ trần tới thăm).
Vậy là ở bản in năm 1983 của Viện Văn học vẫn bỏ ra ngoài bài Vấn thoại đã được Lê Khánh Soa công bố.
Bản Viện Văn học năm 1990 bổ sung tiếp 6 bài – để có “bản dịch trọn vẹn”. Đó là các bài: Vấn thoại, Nạn hữu Mạc mỗ (Bạn tù họ Mạc), Độc Tưởng công huấn từ (Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng), Lương Hoa thịnh tướng quân thăng nhậm Phó tư lệnh (Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức Phó Tư lệnh), Hầu Chủ nhiệm tặng nhất bộ thư (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách), Kết luận.
Dưới đây tôi thử tìm hiểu lý do của sự gác lại. Trường hợp thứ nhất - đó là bài Vấn thoại (Lời hỏi), phải đến bản in năm 1990 của Viện Văn học mới được công bố.
Bản chữ Hán như sau: Xã hội đích lưỡng cực/ Pháp quan dữ phạm nhân. Quan viết: nhĩ hữu tội/ Phạm viết; ngã lương dân/ Quan viết: nhĩ thuyết giả/ Phạm viết: ngã ngôn chân/ Pháp quan tính bản thiện/ Giả trang ác ngân ngân/ Yếu nhập nhân ư tội/ Khước giả ý ân cần/ Giá lưỡng cực chi gian/ Lập trước công lý thần.
Bài dịch thơ của Huệ Chi: Hai cực trong xã hội/ Quan tòa và phạm nhân/ Quan rằng: anh có tội/ Phạm thưa: tôi lương dân/ Quan rằng: anh nói dối/ Phạm thưa: thực trăm phần/ Quan tòa tính vốn thiện/ Làm ra vẻ dữ dằn/ Muốn khép người vào tội/ Lại giả bộ ân cần/ Ở giữa hai cực đó/ Công lý đứng làm thần.
Lý do của sự công bố chậm? Đây là một bài thơ đậm chất triết lý. Là việc xác định chân lý là ở phía nào trong hai cực của xã hội, trong một xã hội bị đẩy về hai cực. Giữa một bên là phạm nhân – lương dân và một bên là quan tòa “tính vốn thiện” nhưng lại phải “khép người vào tội”… Như vậy tính hai mặt của cả phạm nhân và quan tòa ở đây là do sức ép của xã hội, do quy định của hoàn cảnh – một hoàn cảnh buộc con người phải phân thân, khiến cho chân lý không nằm ở một phía nào trong hai cực đó. Chân lý nằm ở Thần công lý đứng ở giữa. Đây là một khái quát triết học rất sâu, vượt thoát ra khỏi các quan niệm về giai cấp và đấu tranh giai cấp thông thường, để hướng tới một nhận thức tổng quát về sự tồn tại, sự hiện hữu chung của thế giới, mà việc đi tìm công lý, tìm chân lý là nằm giữa hai cực, vốn không được thiên vị, và vốn không chút dễ dàng cho nhận thức và tìm chọn của con người…
Trường hợp thứ hai – đó là các bài nói về các ân nhân, hoặc những nghĩa cử tốt đẹp ở về phía người đương quyền như Sở trưởng Long an họ Lưu:
Làm việc đúng thay Lưu sở trưởng
Ai ai cũng bảo bác công bình
Đồng tiền bát gạo đều công bố
Sạch sẽ, lao tù rất vệ sinh
                        (Nam Trân dịch)
Như Lương chủ nhiệm trong Mông ưu đãi (Được ưu đãi):
Ăn có cơm rau, ngủ có mền,
Báo xem, thuốc hút: cấp cho tiền;
Ông Lương chủ nhiệm đãi ta hậu,
Cảm kích lòng ta, nói chẳng nên
                        (Huệ Chi dịch)
Như Trần khoa viên trong Trần khoa viên lai thám (Khoa viên họ Trần tới thăm):
Lính tráng tuần canh nhìn nhẵn mặt,
Hôm nay mới được gặp văn nhân;
Người trông nho nhã, ai không thích,
Mái tóc ta xanh lại mấy phần
                        (Huệ Chi dịch)
Năm nhân vật mới, gồm Sở trưởng Long An họ Lưu, Lương chủ nhiệm, Khoa trưởng họ Ngũ, Khoa viên họ Hoàng, và Trần Khoa viên đã được đưa vào bản dịch năm 1983. Đến bản in năm 1990, bổ sung thêm ba nhân vật mới. Đó là Tưởng Giới Thạch, trong bài Độc Tưởng công huấn từ (Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng):
Gian khó không lùi vẫn tiến lên,
Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên;
Quyết tâm gắng gỏi và kiên nghị,
Nhất định thành công sẽ có phen
                        (Đỗ Văn Hỷ dịch)
Và Lương Hoa Thịnh trong Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm Phó Tư lệnh (Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức Phó Tư lệnh):
Đốc quân ngày trước vùng Tương, Chiết,
Chống giặc năm nay mạn Miến, Điền,
Lừng lẫy uy danh, thù mất mật,
Mừng ông ca trước khải hoàn thiên
                        (Trần Đắc Thọ dịch)
Rồi Hầu Chủ nhiệm trong Hầu Chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách):
Sách ngài Chủ nhiệm mới đưa sang
Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang;
Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ,
Chân trời một tiếng sấm rền vang
                        (Đỗ Văn Hỷ dịch)
Và bài Kết luận, tiếp tục sự cảm ơn Hầu Chủ nhiệm:
Sáng suốt nhờ ơn Hầu Chủ nhiệm
Tự do trở lại với ta rồi;
“Ngục trung nhật ký” từ đây dứt
Tái tạo ơn sâu cảm tạ người
(Khương Hữu Dụng dịch)
Sát dưới bài này là mấy dòng ghi tiếp:
“29-8-1942
10-9-1943
Hoàn” – chữ Hán, tức là Hết.
Hết đặt ở đây, sau  bài Kết luận mới là đúng chỗ.
Cái lý do để tránh những bài thuộc loại này có lẽ là “sự ca ngợi” kẻ thù – những kẻ đã bắt giam và quản lý Hồ Chí Minh. Nhưng ta cần nhớ rằng lúc này là 1942-1943, chính quyền Tưởng đang là đại diện chính thống của Trung Hoa dân quốc; và hai năm sau thuộc trong lực lượng Đồng minh, có trách nhiệm giải giáp quân Nhật ở Đông Dương. Và nếu được biết thêm phần ghi chép bằng văn xuôi (chữ Hán) của Hồ Chí Minh trong cuốn sổ, sẽ thấy tác giả rất chăm chú đọc sách, báo để theo dõi thời sự và trau dồi tri thức, kinh nghiệm. Ở mục Độc thư lan (Đọc sách) trong cuốn sổ, từ trang 47 đến trang 52, ghi tóm tắt một tài liệu tác giả được đọc dưới nhan đề Quân sự cơ bản thường thức, có một dòng ghi ủy viên Tưởng huấn từ, gồm 2 mục: - Những hiểu biết cơ bản về quân sự, và Huấn luyện. Đây có phần chắc là bộ sách của Tưởng Giới Thạch, tác giả được Hầu Chủ nhiệm tặng; bộ sách được nói đến ở bài số 120 – Độc Tưởng công huấn từ, và bài số 127 – Hầu Chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư.
Cần phải nói thêm Hồ Chí Minh là một kiểu tù nhân đặc biệt. Trong phần cuối thời gian ở tù Bác đã được tự do đọc sách báo – trong đó có sách của Tưởng Giới Thạch, lúc này là Tổng thống Trung Hoa dân quốc. Cách ứng xử của Bác bao giờ cũng rất nhân tình. Ai làm ơn, Bác đều chịu ơn.
Trường hợp thứ ba là những bài về sinh hoạt thường nhật trong nhà tù – những bài dường như không ngụ một ý tưởng gì sâu sắc cả, hoặc tựa như không có… chủ đề. Loại bài này đến bản in năm 1983 mới xuất hiện, như các bài Bạn tù họ Mạc, Trên đường phố, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Nhà lao Thiên Giang, Nhà giam của Cục chính trị… Xin dẫn một vài bài trong số đó – bài Nhà giam của Cục chính trị:
Hai thước rộng, ba thước dài
Ngày đêm luẩn quẩn bốn người tù nhân;
Mỏi chân, không chỗ duỗi chân,
Người đông, phòng hẹp khó phần trở xoay
(Khương Hữu Dụng dịch)
Hoặc bài Nhà lao Thiên Giang:
Ngoài lao sáu chín chiếc ang người
Ang chất trong lao biết mấy mươi;
Nhà ngục mà như nhà chế thuốc,
Gọi là hàng chĩnh cũng không sai.
(Băng Thanh dịch)
Chỉ hơi khó hiểu vì sao 2 bài Gửi Nêru phải đến năm 1983 mới xuất hiện và bài Dương Đào ốm nặng vẫn bị gác lại đến năm 1990? Bài Gửi Nêru nói về sự đồng cảm về tình và cảnh của Bác và Nêru – hai chiến sĩ lớn của phong trào giải phóng dân tộc. Và bài Dương Đào bệnh nặng nói đến tình thương mến của Bác với Dương Đào – người dẫn đường cho mình trên đường sang Quảng Tây.
*
19 bài trong Ngục trung nhật ký thuộc ba loại  bị gác lại trong hai lần in năm 1960 và 1983 của Viện Văn học theo tôi hiểu là có các lý do như trên. Đó là sự suy nghĩ riêng. Có thể có những lý do khác trong suy nghĩ của những người đã tham gia vào việc dịch tác phẩm năm 1960 và 1983; trong đó, ở một vài bài, có lẽ là do khó dịch, như GS. Nguyễn Huệ Chi đã có lần trả lời tôi. Hoặc do sự chỉ đạo từ các cấp trên, cũng có thể từ chính tác giả, mà chúng ta không được biết. Bởi lẽ không có văn bản nào ghi lại chuyện này.
Kể từ thập niên cuối thế kỷ XX, điểm lại hành trình của bản dịch Nhật ký trong tù ta mới có dịp hiểu đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn con người Hồ Chí Minh. Mới thấy tác giả vẫn lớn, và càng lớn hơn trong những bài thơ chậm được công bố. Càng lớn, bởi Bác gần chúng ta hơn. Lịch sử đã phải trải qua một chặng đường dài cho mọi sự vật trở lại kích thước của nó, và sự vẹn nguyên của nó…
_______
(1) Lời ghi của Vũ Châu Quán và Nguyễn Huy Quát; sách do Nxb. Văn hóa dân tộc ấn hành; 1990; tr.265.
(2) Sách Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù”; Nxb. Giáo dục; 1995; tr.259.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét