Nam Trân

Nam Trân

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn

Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn

suckhoedoisong.vn - 07/09/2013 20:07

Xét cả về khía cạnh khoa học lẫn thực tiễn, giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của một kiệt tác văn chương - nghệ thuật chính là sức lan tỏa của nó trong đời sống tinh thần của cộng đồng, dân tộc và thời đại, cũng như cường lực hấp dẫn của nó đối với báo giới, nhà nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật, họa sĩ,... Kiệt tác Nhật ký trong tùcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số những tác phẩm hiếm hoi sẽ còn lan tỏa mãi đến xa sau cả về trường phủ sóng rộng khắp nhân quần lẫn sức hút ghê gớm đối với mọi người, mọi giới, mọi ngành trên khắp thế giới. Nhân kỷ niệm 70 năm Nhật ký trong tùcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/9/2013 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "70 năm Nhật ký trong tù".

Tỏa sáng một hồn thơ khắp muôn nơi
Điều kỳ diệu nhất là đối với bất kỳ ai đã, đang và sẽ đọc tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hơn nửa thế kỷ qua và cả sau này, không sớm thì muộn, cũng tìm thấy chí ít là một điều gì đó mà mình thật sự tâm đắc về tư tưởng uyên thâm của một bậc "đại nhân, đại trí, đại dũng", tình cảm bao la của một "người cha, người bác, người anh" hoặc về tài năng nghệ thuật thi ca của một nghệ sĩ lớn hay thú tiêu dao của người mang tầm cỡ và cốt cách một bậc hiền triết phương Đông qua cách dùng từ, chơi chữ.
Việc Bác dụng tâm nhất lúc bấy giờ là lãnh đạo Cách mạng Việt Nam giành độc lập tự do cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, chứ không "ham" làm thơ để trở thành thi sĩ. "Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do"(Mở đầu). Nhật ký trong tùlà cuốn sổ tay ghi chép bằng thơ những sinh hoạt của Bác và những điều Người "mục sở thị" cảnh huống trong nhà tù Tưởng Giới Thạch trong vòng hơn một năm. Nhưng gần nửa thế kỷ, kể từ khi được dịch ra tiếng Việt và xuất bản công khai, cuốn sổ ghi chép ấy đã được hàng triệu người trên khắp thế giới đón nhận trân trọng và nồng nhiệt, nó thực sự đã trở thành một kiệt tác thi ca.

  Bìa cuốn Ngục trung nhật ký.
Ngay sau khi Nhật ký trong tùđược dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, cũng trong năm ấy, tại Matxcơva, nǎm 1960, tập thơ được dịch ra tiếng Nga, bản dịch của Paghen Antô Cônxki. Tiếp đến là các thứ tiếng Mông Cổ, Ba Lan, Anh, Pháp, Hung, Quốc tế ngữ, Đan Mạch, Cezh, Nam Tư, Đức, Lào,... Giáo sư Huệ Chi đánh giá cao bản dịch tiếng Việt Nhật ký trong tùcủa nhà thơ, dịch giả Nam Trân cũng như nhà thơ Khương Hữu Dụng đánh giá cao bản dịch đầu của hai ông Văn Trực (Phạm Văn Bình) và Văn Phụng.
Cho đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng trên thế giới, kể cả tiếng Việt và năm 2012, kiệt tác này đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là "báu vật quốc gia" cùng với một số di thư khác của Bác như Bản Di chúc, Bản Tuyên ngôn Độc lập,tác phẩm Đường Kách mệnh,Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tập thơ mỗi lần xuất bản đều với số lượng lên tới hàng chục vạn bản, chưa kể nối bản. Và có những bản dịch tái bản lên tới hơn cả chục lần. Nhưng quan trọng hơn là đằng sau số lượng lớn bản in, chính là sức lan tỏa của nó tới hàng triệu người trên toàn thế giới.
Tiềm ẩn nhiều giá trị cần khai sáng
Với một kiệt tác thi ca như Nhật ký trong tù chắc chắn sức lan tỏa về chiều sâu trí tuệ khoa học và xúc cảm thẩm mỹ vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều, cuốn hút nhiều thế hệ nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà chế tác nghệ thuật, họa sĩ,... ngõ hầu tìm tòi, khám phá nhiều giá trị tư tưởng và thẩm mỹ còn tiềm ẩn trong kiệt tác đó. Đối với một kiệt tác văn chương, không bao giờ là câu chuyện của một người và của một thời, mà nó là một hằng số giá trị bất biến của muôn người và muôn đời. Ở nước ta cũng như trên thế giới, điều này đã từng xảy ra với nhiều kiệt tác trước đây. Dường như đối với các kiệt tác văn chương càng nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, càng không bao giờ chạm đến đích cuối cùng.
Cho đến nay đã có hàng trăm bài báo, tạp chí, công trình nghiên cứu, luận án từ đại học đến tiến sĩ nghiên cứu tìm hiểu về tập thơ Nhật ký trong tù của Bác, nhưng càng ngày lại càng nảy sinh thêm những vấn đề mới, mà trong khuôn khổ một bài báo, bài tạp chí, luận án hay công trình nghiên cứu không thể nào bao quát hết và làm sáng tỏ mọi vấn đề. Chỉ riêng "hành trình nguyên tác Ngục trung nhật ký" đã làm nảy sinh nhiều cuộc bàn thảo trên báo chí và Hội thảo khoa học.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Quảng Uyên quê ở Cao Bằng tự nhận mình là "người viết sử bằng văn" đã dày công lặn lội trong nhiều năm, từ Cao Bằng, Tuyên Quang đến Hà Nội và sang tận cả Trung Quốc để truy tìm tận gốc hành trình của Ngục trung nhật kýsau 10 năm "lưu lạc". Cuối cùng ông đã xác định: "Ông Hoàng Triều Ân khẳng định thời gian Bác đến Lam Sơn đàm đạo thơ với ông Hoàng Đức Triều, đọc, bình giảng một số bài thơ trong quyển sổ tay giấy mềm, rồi "để quên" nơi Bác ở (lán sơ tán Pác Tẻng - Lam Sơn, Hòa An, Cao Bằng).
Đây chỉ là một trong hàng chục người đã dày công muốn hiểu rõ ngọn ngành sự thật về hành trình "lưu lạc" của Ngục trung nhật ký.Tuy nhiên, sự xác tín khoa học về những điều mà nhà văn Hoàng Quảng Uyên nói trên rất cần được kiểm chứng. Nhưng, dù sao đây cũng là một quá trình tìm tòi rất công phu của nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhằm tìm ra hành trình của Ngục trung nhật kýtrước khi được dịch ra tiếng Việt và xuất bản công khai, rất đáng ghi nhận và trân trọng. Bên cạnh đó còn có hàng chục các công trình khảo cứu tìm hiểu về những người đầu tiên dịch Ngục trung nhật ký từ tiếng Hán ra tiếng Việt, từ tiếng Việt ra các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp và từ các thứ tiếng ấy ra các ngôn ngữ khác trong quãng thời gian hơn nửa thế kỷ qua.
Chiều sâu sự lan tỏa của Nhật ký trong tùcòn thể hiện ở chỗ khiến cho nhiều người không bằng lòng với các bản in trên giấy trắng, bằng tiếng Việt phổ thông, nên đã đi tìm những cách thể hiện bằng chữ thư pháp, trên nhiều chất liệu khác nhau như giấy dó, vải giả da, thậm chí trên đá, đặng "vĩnh hằng hóa" kiệt tác thi ca này của Bác. Chẳng hạn như Quyển thư pháp về Nhật ký trong tùcó kích thước 1m x 0,52m x 0,15m, với 322 trang, trọng lượng 40kg. Bìa sách được làm bằng gỗ; các góc, gáy sách và bản lề được làm bằng đồng. Đây là một công trình tập thể do họa sĩ - nghệ nhân Trần Quốc Ẩn kết hợp với nhiều nhà thư pháp, họa sĩ, nghệ sĩ khác đã kỳ công thực hiện trong hơn một năm ròng. Bộ sách đã được trao giải "Sách độc đáo giá trị" tại Hội sách TP. Hồ Chí Minh lần 3 (2004), được trao giải "Tinh hoa Việt Nam" tại Festival Huế 2004, đặc biệt năm 2007 đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam.
Những vấn đề cũ tưởng chừng như đã được giải quyết, song cũng cần được thẩm định lại, nhiều vấn đề mới sẽ nảy sinh và được bàn luận sôi nổi. Đấy là sức lan tỏa của một kiệt tác thi ca khiến tất cả chúng ta luôn cảm thấy bất ngờ và thú vị.
Đỗ Ngọc Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét