Nam Trân

Nam Trân

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

CHẾ LAN VIÊN



CHẾ LAN VIÊN 
 (Bài viết của cố nhà văn Xuân Sách, do con trai ông - anh Ngô Nhật Đăng đăng tải)
Chúng tôi, Nguyễn Khải, Vương Trí Nhàn và tôi ngồi trong căn phòng nhỏ vốn là toilet của ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội được ở ngôi nhà này là một đặc ân.
Hệ thống cấp nước đã hỏng nên phòng được cải tạo thành phòng văn mùa hè thật mát mẻ. Được hai ông bạn vàng thách đố, tôi đã ứng tác ngay bài thơ chân dung về Chế Lan Viên. Nghe xong anh Khải nói ngay:
 Ông Sách đã chuốc lấy kẻ thù số một rồi.
Vương Trí Nhàn lập tức ghi bài thơ ra giấy, và chắc chắn ngay ngày mai bài thơ sẽ được lan truyền. Tôi biết anh Khải không dọa suông, anh hiểu Chế Lan Viên rất rõ. Có lần anh kể ông Chế nói chuyện gì đó ở Hội, ông Khải biết là nói sai, đêm về ông Khải chuẩn bị mọi lý lẽ để hôm sau cãi với nhà hùng biện. Nhưng hôm sau vừa gặp nhau ông Chế đã nói ngược lại những điều hôm qua cũng bằng những lý lẽ rất sắc sảo không thể bác bỏ. Tôi cũng được nghe có người nhắc một câu của ông Chế: “Mỗi người cần có một cái “Ô” rồi sẽ có Autorité (quyền lực) rồi sẽ có Automobile (xe ô tô). Tôi tất nhiên gặp ông nhiều lần nhưng thật ra chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Tôi có cái tật rất ngại gặp những người danh tiếng. Ông ở căn phòng nhỏ ở cái biệt thự số 51 Trần Hưng Đạo, nơi ở của ông cố vấn Vĩnh Thụy thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bây giờ ngôi nhà trở thành cái tổ ong của làng văn nghệ. Vừa là trụ sở vừa là nơi ở của cán bộ của các nhà văn, nhà nhạc, nhà họa, nhà nhiếp ảnh vv…
 Căn phòng ông Chế có treo tấm biển “Ai vào chơi xin không ngồi quá 5 phút”. Kể cũng phải, dân văn nghệ vốn vui đâu chầu đấy cái kiểu ông Lý trưởng vào nhà ai ăn giỗ thấy ông hương kiểm, hương bạ đi qua lại gọi vào thì chủ nhà chỉ có chết. Tôi chưa vào đó lần nào và cũng chưa bao giờ thấy ông đến Văn nghệ Quân đội. Tuy nhiên tôi lại từng bị phê bình vì ông tội xuống các đơn vị nói chuyện thơ chỉ trích thơ ông mà không trích thơ Tố Hữu. Chẳng lẽ bây giờ tôi lại trở thành kẻ thù số một của ông.
Một buổi tối tôi ra ga Hàng Cỏ đón một nhà văn đi Hungary về. Thời đó đi nước ngoài thường bằng tàu hỏa liên vận. Đang đứng ở sân ga tôi nhác thấy nhà thơ Chế Lan Viên đang đi bộ lững thững dọc đường ke. Tôi hiểu ra ông đi đón vợ là nhà văn Vũ Thị Thường cũng đi trong đoàn.
Tôi biết ông đã đọc bài thơ tôi viết về ông. Một anh bạn kể với tôi anh đã đánh máy bài thơ tôi viết gửi ông Chế và đề nghị ông đưa vào tuyển tập thơ mà ông đang lựa chọn. Tôi bảo anh bạn “Cậu làm thế khác gì thư nặc danh”. Anh bạn cười: “Em khoái lắm viết về ông Chế như vậy mới đã”
Nhà thơ lớn nhìn thấy tôi, ông bắt tay tôi rồi ôm vai tôi vừa đi vừa nói :
- Mình vừa đọc một truyện cực ngắn và cực hay của Pháp mình kể cho Sách nghe. Câu chuyện như sau. Một nhà tư bản lớn nổi tiếng giàu có một lần đi nghỉ mát nhưng lại chọn một thị trấn hẻo lánh ven biển. Viên thư ký của nhà tư bản đến gặp ông thị trưởng của thị trấn nọ trình bày ý định. Ông thị trưởng vừa mừng vừa lo. Viên thư ký nói chỉ cần ông đồng ý, ông chủ tôi sẽ xây một biệt thự. Rồi biệt thự lộng lẫy được xây lên. Viên thư ký lại nói ông chủ tôi không thích màu cát trắng mà thích cát vàng, cả một dải bờ biển được đổ cát vàng. Rồi ông chủ tôi không thích nước biển màu xanh, biển lại được phun hóa chất đổi thành màu tím biếc theo ý nhà tư bản, rồi nữa ông chủ tôi không thích thứ mây lãng đãng ở vùng trời này mà thích các khối mây hình lục lăng, bát giác. Thế là đại bác được đưa tới bắn lên trời để nén mây. Ông thị trưởng như người trong cơn mơ, còn viên thư ký báo cho ông chủ đến. Máy bay hạ cánh nhà tư bản đi dạo ngắm trời xanh, cát vàng, biển tím và mây nén sung sướng thốt lên: “Chao ôi, thiên nhiên đẹp như thế này mà có những kẻ chỉ lo làm giàu thì thật ngu ngốc”
Tôi không nghi ngờ thái độ và cử chỉ của ông mà tôi cứ tự hỏi mình: Thế là thế nào nhỉ? Tiếng còi tàu cất lên, tàu đang vào ga và tôi chào “Kẻ thù số Một” của mình rất trân trọng.
 Một lần vào năm 1968 có cuộc họp người viết trẻ ở Hà Nội. Nhà thơ trẻ Yên Đức ở Quảng Ninh về họp có ghé thăm tôi, anh kể :
 -Hôm họp vừa rồi giờ giải lao bọn em quây quần bên anh Chế Lan Viên, bất ngờ anh ấy hỏi: “Các cậu có ai nghe được chân dung của Xuân Sách chưa?”. Một cậu trả lời: “Bọn em chỉ nghe loáng thoáng…. ”
“Các cậu nên đọc nên biết, theo tôi đó là tinh hoa của Xuân Sách”
Lại một lần nữa tôi bất ngờ. Vậy là sao? Ngoài bài thơ tôi viết về ông tôi còn viết một bài về nhà văn Nguyễn Thị Thường thuộc loại ác chiến. Có lần nhà thơ Khương Hữu Dụng đã đến gặp tôi nói “Cậu viết về Chế Lan Viên hơi ác”. Một thời gian sau ông lại đến, tôi xin nói thêm về cụ già Khương (tên thân mật chúng tôi thường gọi ông). Ông say thơ một cách kỳ lạ. Thỉnh thoảng ông hay đến chơi với tôi, tôi rất vui và kính trọng ông, nhưng trong bụng cũng lo là mỗi lần như vậy thường mất đứt một buổi để hầu chuyện cụ.
Lần đó tôi mất đứt cả buổi sáng hầu chuyện cụ mỗi một đề tài thơ. Đến trưa tôi cầm cái bát, đôi đũa nói với cụ :
-Bây giờ cháu xin lỗi phải đi ăn cơm, ăn ở nhà ăn tập thể đi muộn là mất suất.
Cụ vui vẻ đi cùng tôi và vẫn tiếp tục nói về thơ, đến tận cửa nhà ăn cụ mới nói :
- Hôm nay mình đến gặp cậu chỉ để nói một câu, hôm trước mình nói cậu viết về Chế Lan Viên hơi ác, nhưng bây giờ mình thấy hình như cậu viết đúng.
Tôi không nhớ là bao lâu nữa cụ lại đến, vừa trông thấy tôi cụ giơ cả hai tay lên trời phấn khích nói to :
- Tiên sư mày, mày là thằng tiên tri. Mày viết về Chế Lan Viên rất đúng.
Được cụ già Khương mắng câu “Tiên sư thằng Tào Tháo” thì còn gì hơn nữa.
Năm 1976 Đại hội Đảng tiến hành trong không khí vui mừng chiến thắng. Có tin đồn giới văn nghệ sẽ được một suất Trung ương Ủy viên, người ấy là Chế Lan Viên. Đó là niềm mơ ước không chỉ của riêng ai. Có người không tin nói nếu văn nghệ được một suất thì đó phải là ông Nguyễn Đình Thi, người hoạt động trong chính trường rất sớm, đương kim Tổng thư ký Hội nhà văn, lại nữa vợ ông là Phó giám đốc Bệnh viện Việt-Xô nơi chữa trị cho các cán bộ cấp cao. Giàu vì bạn sang vì vợ là lẽ thường. Nhưng có người nói ông Thi bị cái “phốt” Con nai đen. Điều này tôi đã cảnh báo trong chân dung về ông “Bay chi mặt trận trên cao ấy/Quên chú nai đen vẫn đứng chờ”. Một hôm chị Lê Minh con nhà văn Nguyễn Công Hoan đến gặp tôi kể có nghe tin đó và chạy đến hỏi ông Lê Văn Lương chú ruột chị (Ông Lương lúc đó là Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng):
 -Có phải lần này ông Chế Lan Viên vào Trung ương không chú?
- Cháu tưởng vào Trung ương dễ thế sao?
Rồi ông ấy đọc bài thơ của anh viết về ông Chế. Ủy viên Bộ Chính trị cũng thuộc thơ anh rồi đấy.
- Như thế là phúc hay họa hở chị
- Anh yên tâm, ông Lương được lắm đấy.
Tôi cũng tình cờ gặp ông Lương, lần đó anh Thanh Tịnh bảo tôi cụ Hoan muốn gặp Sách. Tôi đến nhà cụ.
- Tôi đã được nghe bài thơ anh viết về tôi, để tôi đọc xem có có đúng không.
Ông đọc xong rồi cười rất sảng khoái
- Thưa bác, bác đọc đúng. Bác có trách mắng gì không ạ?
- Tôi cũng ưa châm biếm, anh viết thế là hơi nhẹ, nhưng tôi cũng bị trời phạt đó . Đống rác cũ tập hai bị triệt sản không chào đời được.
Lúc đó ông Lê Văn Lương tới, dáng cao gầy mặt khắc khổ. Ông đứng trước cửa chắp tay :
- Thưa anh nghe tin chị mệt em đến thăm, xin phép anh cho em vào thăm chị.
Cụ Hoan nói:
- Chú vào đi.
Tôi có thiện cảm với ông Lương. Đại thần mà còn giữ được nề nếp gia phong như vậy là hiếm.
Rốt cuộc ông Chế bị trượt, tất nhiên không phải tại bài thơ của tôi.
Năm 1987 Hội Văn nghệ Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo của chúng tôi mở trại sáng tác, tôi mời hai thầy về giảng bài là nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Chế lan Viên.
Nhà thơ đưa theo cô con gái Vàng Anh, tôi cử một cậu nhân viên của Hội đưa Vàng Anh đi chơi và tắm biển.
 Anh em văn nghệ rất vui và hai thầy cũng cũng tận tâm giúp đỡ. Buổi chiều tôi thường đi dạo cùng với thầy Chế dọc bờ biển. Một lần chúng tôi gặp một xác người vượt biên bị sóng biển đánh giạt vào bờ, một ông già. Thi hài được đắp chiếu và một bát hương bên cạnh chờ làm thủ tục chôn cất. Buổi hoàng hôn trước trời biển mênh mông, tôi đột ngột đọc to câu thơ :
“Đất nước đẹp vô cùng mà bác phải ra đi”
 Nhà thơ nắm nhẹ tay tôi :
-Văn chương nhiều khi thật đáng sợ
Tôi thẳng thắn tâm sự với ông nhiều chuyện. Thấy ông trầm tư nhiều hơn.
Hết trại ông hẹn tôi :
- Khi nào lên Sài Gòn ghé nhà mình, mình ở tận Bà Quẹo, đường ngoắt ngéo lắm, mình đã vẽ sơ đồ đây để Sách dễ tìm.
Tôi đến nhà ông một căn nhà có thể gọi là tồi tàn so với ông, tôi nghĩ Sài Gòn còn nhiều ngôi nhà tốt hơn dành cho ông. Tôi không hỏi nhưng ông nói :
- Mình không biết làm phiền người khác, được sao ở vậy, cũng giống Sách ở ngôi nhà chiến khu Đ giữa thành phố du lịch Vũng Tàu đất rộng người thưa.
Hồi đó tôi cũng chưa có nhà, ở một căn gia binh trong khu đất đầy cây cỏ hoang dại nên anh em gọi đùa là chiến khu Đ.
Chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm, Chế Lan Viên hỏi :
- Mình nghe nói, hồi Sách lên Tam Đảo có gặp ông Lành lên đó đọc các tài liệu sưu tập các chuyện tiếu lâm dân gian và ông ấy nhận xét “Cực kỳ phản động cực kỳ hay”?
- Đúng, tôi chẳng thể bịa ra được một câu như thế. Câu đó là của hai ông Tố Hữu, một là của ông quan, một là của nhà thơ. Vế trên thì còn phải bàn chứ vế dưới thì hoàn toàn chính xác. Đúng là cực kỳ hay như mấy câu này :
Tôn Đản là của vua quan
Vân Hồ là của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân là của thương nhân
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng
Chắc hồi đó chị Thường cũng phải ra Vân Hồ mua hàng, tôi cũng vậy. Cũng là lớp trung gian nịnh thần, tình đã gian mà lý cũng gian cãi làm sao được với nhân dân anh hùng ngoài vỉa hè. Trong giới công chức ai chẳng mơ lên Vân Hồ, Đặng Dung rồi Nhà thờ, Tôn Đản được mua hàng hiếm và rẻ, bệnh tật được vào Việt-Xô chữa trị. Chắc anh chị còn nhớ vụ anh Trúc Đường anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính, bị bệnh hiểm nghèo chỉ có Viêt-Xô mới có thầy có thuốc. Nhưng anh Trúc Đường chỉ là cán sự 4 tương đương Trung úy bên Quân đội thì làm sao đủ tiêu chuẩn. Bên sân khấu cử người lên gặp ông Tố Hữu đề nghị đặc cách cho anh Trúc Đường lên chuyên viên để vào Việt -Xô may ra cứu được. Ông Tố Hữu đồng ý nhưng ở xứ ta quyền lực như ông ấy cũng không thể ký rẹt cái là xong. Nước xa không cứu được lửa gần, khi có quyết định thì anh Trúc Đường cũng đã về trời.
Hay như mấy câu nói về tiêu chuẩn chọn chồng của các kiều nữ Hà Nội :
Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu có thuốc đánh răng hàng ngày
………………….
Một lần tôi đi họp trong giờ nghỉ tướng Lê Quang Đạo đọc câu thơ tập Kiều “Bắt cởi trần phải cởi trần/Cho may ô mới được phần may ô”. Rồi ông cười sảng khoái khen hay.
Mấy thứ đó áo may ô ba lỗ, khăn rửa mặt, kem đánh răng…phân phối về thường ít hơn số người nên phải bốc thăm đấy là chưa nói đến cả cơ quan chỉ được phân một đôi lốp xe đạp Sao Vàng thì còn phải họp bàn nát nước mới quyết định phân cho ai. Bác Thanh Tịnh là người thủ phận mà trước cảnh này đã nghĩ ra một vế đối cực hay :
Cái cứt gì cũng phân, mà phân thì như cứt
Tôi nhại giọng Huế của anh Thanh Tịnh “Cái cức gì cũng phâng, mà phâng thì như cức” làm hai ông bà nhà thơ cười lăn lộn.
Tôi hỏi :
- Anh chị thử đối xem.
- Sách là ông đồ xứ Thanh quê Trạng Quỳnh còn chịu, huống chi bọn mình.
Tôi kể cho hai ông bà nhà thơ nghe một câu chuyện hậu trường. Hồi tôi vào chiến trường Trị Thiên Huế, vùng miền tây có thứ bệnh sốt rét ác tính nguy hiểm. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ cũng vào đây, ông đã dùng chính thân mình làm mồi cho muỗi đốt để nghiên cứu tìm ra thuốc chữa cho bộ đội và ông đã hy sinh trong chuyến đi này. Ở đơn vị tôi đến có một sỹ quan của Bộ Tổng tham mưu vào công tác, không may ông bị sốt rét ác tính và qua đời tại mặt trận. Ông lại là em ruột của một nhà lãnh đạo, nên đơn vị phải cử đồng chí chính ủy và bác sỹ ra Hà Nội báo cáo. Ra đến nơi hai người đến báo cáo trước với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Nghe xong vị Thượng tướng nói :
-Thế là được, chú ý nói gọn ghẽ hơn, cần bộc lộ tình cảm. Ông nhấn mạnh với vị bác sỹ: “Cậu phải chú ý đến đồng chí lãnh đạo, đề phòng nghe tin dữ ông bị sốc xảy ra chuyện gì phải có cách cấp cứu kịp thời
Hai người làm đúng bài bản. Vị bác sỹ luôn nhìn vị lãnh đạo với sự nhạy bén của thầy thuốc. Khi ông chính ủy báo cáo xong lấy khăn lau nước mắt thì đồng chí lãnh đạo đứng bật dậy giơ nắm tay phải hô to :
 - Tinh thần của các chiến sỹ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng bất diệt.
 Ông bà chủ căn nhà Bà Quẹo nghe xong cười rất sảng khoái.
 Sau này tôi có đọc một số bài thơ trong di cảo của Chế Lan Viên. Những bài thơ cũng rất Chế Lan Viên ở một gam khác. Tôi cứ nghĩ về ông, những vấn đề như tài năng và nhân cách, bản lĩnh và thói xu thời, trung thực và trí trá. Không riêng ông và còn nhiều người khác nữa mà tôi biết, thật khó lý giải cho rành mạch. Có lần nhà văn Tô Hoài kể tôi nghe hồi còn ở chiến khu nhà văn Ngô Tất Tố sau một buổi kiểm điểm tư tưởng, quẹt nước mắt, nước mũi vào cột lán than: “Làm người thật là khó”. Cái ý ấy đã giúp tôi viết chân dung về nhà văn tôi chưa từng được gặp :
Tài ba thằng mõ cỡ chuyên viên
Chia xôi chia thịt lại chia quyền
Việc làng việc nước là như vậy
Lộn xộn cho nên phải tắt đèn
Đã lộn xộn mà còn tắt đèn nữa thì biết đâu mà lần.
Đó là một vài mẩu trong cái kho tàng cười ra nước mắt…. Không hiểu người uyên bác như anh Hoan có lần ra không? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét