Nam Trân

Nam Trân

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Về Huế đọc thơ anh Tạo



Về Huế đọc thơ anh Tạo

Bùi Văn Kha

Khi anh Bằng Việt cử tôi vào nhóm đi Huế công tác, tôi buộc lòng tôi vào một ấp ủ từ lâu: Nguyễn Trọng Tạo!
Trên chuyến xe từ Hà Nội vô Huế cứ đầm ấm một Thanh Hoa với Làng quan họ quê tôi – “những năm bom Mỹ thả, loan phượng vẫn ăn xoài”, một Anh Thơ thiết tha Khúc hát sông quê – “sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ, vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”.
Hay quá là hay nhưng nhạc dẫu anh mà thơ Nguyễn Phan Hách – Lê Huy Mậu.
Tự nhủ năm 1995 được nghe một bài hát về dòng sông riêng Huế (của anh cả nhạc và thơ) do Thanh Hoa hát: “Sông Hương ơi sông Hương, sông trôi qua thời gian – người đặt tên sông cho người soi bóng” cảm vi vút Núi Ngự gợn nhịp sông Hương động cảnh động lòng. Chợt nhìn ra đã qua Quảng Trị. Và Huế đây rồi. Huế của thơ anh Tạo đây rồi.
Anh Phạm Xuân Nguyên cùng đi bảo sao lại phải về Huế mới thế. Thơ anh Tạo đọc ở đâu chả hay. Nhưng trong tôi vẫn bảo thủ rằng trên con đường Nam tiến Huế là điểm dừng chân của các Chúa Nguyễn xưa. Thơ ca nhạc họa hình như cũng vui lòng vậy. Cho nên, Nguyễn Trọng Tạo – người lính nghệ sỹ người xứ Nghệ “vượt Đèo Ngang tìm nơi cần” không phải chữ mà Thơ viết hoa – chính Huế.
Huế cơ mà. Huế đã có Nguyễn Du với Thu cảm, Cao Bá Quát với “Hương giang như thanh kiếm lập thanh thiên”; Phan Bội Châu “Vắng mặt sông Hương suốt mấy trăng/ đuổi xong ma bệnh rước tin mừng”; Văn Cao “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”; Nguyễn Bính “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” và “có về Chiêm quốc như Huyền Trân” để “lăng lắc đường xa nhớ cố nhân”…
Nhắc như thế để nói rằng muốn có được tập thơ Đồng dao cho người lớn, trọn Thập kỷ 80 sang 90, anh Tạo phải Huế đã. Cái anh cần là một chút vốn văn chương trên vai, một bóng tím trong lòng anh riêng Huế. Nhà thơ của chúng ta gặp xứ mộng mơ bằng Con đường của những vì sao.
Trường ca Đồng Lộc hay Con đường của những vì sao viết năm 1978: “Tuổi trẻ của tôi/ mười tám, đôi mươi/ trong và tinh khiết như nước suối đá/ Khỏe và mơn mởn như mầm lá/ rộng và dài như mơ ước yêu thương/ vươn lên và bền vững như con đường/ gắn vào đất, tạc vào mặt đất” – “Cô gái áo nâu vai tròn gió thổi/ Ngực căng đầy hồi hộp ánh trăng/ tóc chàng trai dính chút bùn non/ sau buổi cày bừa đồng chiêm vội vã” – “Trên thảm cỏ xanh trăng trải lụa vàng/ họ ngồi xuống như không về nhà nữa/ họ ngồi xuống như quên sương gió/ – ngày mai/ ngày mai mỗi người mỗi ngả/ đi vào cuộc chiến tranh!”.
Đoạn đặc tả này cho ta thấy người Việt ta an bình trong lãng mạn sử thi. Họ có nhà đấy. Họ nhập cuộc từ phía huyền cảm. Họ đẹp.
Trên đường thiên lý Bắc Nam, Đồng Lộc, như bài phú của Vũ Khiêu trong Đài Tưởng niệm 10 cô thanh niên xung phong trụ đường huyết mạch thông xe ngày đêm tiếp tế cho tiền tuyến. Trong trường ca Nguyễn Trọng Tạo, hiện thực được khắc họa: “Ấy là năm/ cả dân tộc mình mặc áo cỏ xanh/ mặc tự nguyện, mặc không lựa chọn/ những lứa đôi ở hai đầu tiếng súng/chỉ mình hiểu lòng mình ngày tháng đợi chờ nhau”.
Ta hãy theo dõi một nhân vật văn học: “La rùng mình cắn vai Mùa đau nhói/ nước mắt vui hay nước mắt buồn/ ôi có những điều mong ước giản đơn/ nói ra thành yêu thương/ nói ra thành sợ hãi” – họ là người bình thường. “rất có thể một người không trở lại/ máu chan hòa mặt đất quê hương/ máu chan hòa dưới thảm cỏ xanh non/ tốt tươi đất đai, tốt tươi Tổ quốc/ sống hết lòng mình, chết đời cao đẹp/ những con người như thế, mãi gần nhau!”
Và một địa điểm cụ thể: “La đến đây/ nơi ngã ba trụi trần đất đỏ/ ngã ba nắng, ngã ba gió/ ngã ba đất, ngã ba trời/ ngã ba xe, ngã ba người/ ngã ba bom đạn/ cây muỗm chạc ba ngã xuống/ nhập vào ngã ba tro than/ gốc bám phía nam/ cành vươn phía bắc/ lá nhập vào màu áo đoàn quân/ dưới ánh sáng mặt trời/ ánh sáng trái tim người/ cuộc quang hợp màu xanh…”
Chất liệu sử thi nhuần với giọng điệu anh hùng ca nói về những con người tưởng chừng nhỏ bé không được đào tạo theo một khuôn ước thi đua nào, nhưng cái khí chất Phù Đổng của sự hi sinh cao cả ấy khiến loài người kính phục.
Cũng là muốn nói trước việc Nguyễn Trọng Tạo lúc này cảm hứng và thi pháp chủ đạo vẫn là truyền thống cách mạng – chủ nghĩa anh hùng tập thể – trách nhiệm cái chung.
Khoảng đầu những năm 1980, từ Đồng Lộc theo Con đường của những vì sao nhà thơ người lính còn trẻ vào Huế với một hành trang Nghệ Tĩnh – Nghệ sĩ nhập vào hồn cốt Huế hòa vào em người con gái Huế mà dựng lâu đài văn chương.
Xứ Huế cổ xưa thật xưa của Nam Trân, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Bùi Giáng qua Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Hà Khánh Linh, Lâm Thị Mỹ Dạ,… một hồi “con sông dùng dằng con sông không chảy” – Thu Bồn, rồi gửi mình vào Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng nơi họa, An Thuyên, Trương Tuyết Mai nơi nhạc và…
Và Nguyễn Trọng Tạo nơi thơ.
Đúng là ở Huế tâm hồn nghệ sĩ Nguyễn Trọng Tạo gặp cái “Đẹp và Thơ” của “…núi Ngự bên bờ sông Hương” mà thành “Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh. Đền đài ngả nghiêng say”. Mặc kệ có người nói đã có ý này từ trước. Nhưng Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu vẫn chỉ có thể là kiệt tác Việt Nam. Lấy cái tinh túy nhất của ẩm thực mượn sông Hương mà nói cái đam mê của người nghệ sĩ câu trên, chuyển thành hai trạng thái: Ta tỉnh – là sự khác biệt của tửu đồ Tản Đà, Nguyễn Vỹ, xa hơn là Nguyễn Khuyến, xa nữa Lưu Linh. Nhưng đền đài ngả nghiêng say. Tách đền đài là thi liệu, ngả nghiêng say là tính linh – cả câu là vật linh giáo rồi. Thì ra có hai câu thơ mà cả một khởi thủy bái vật tô tem, sâu chưa!
Cách xử lý thiên nhiên này là gợi mới cho một quan niệm thơ: Gọn, nhập cuộc quyết liệt, suy tư trách nhiệm. “có cả đất trời mà không nhà ở/ có vui nho nhỏ có buồn mênh mông/ mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió/ có thương có nhớ có khóc có cười/ có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” (Đồng dao cho người lớn).
Hình ảnh và ý niệm quyện nhau tạo nên câu thơ hình tượng. Từ những nhận xét về cánh rừng chết con người sống, câu hỏi câu trả lời, ông trăng tròn đặt phản đề chính đề trong cùng một câu thơ,… nhà thơ nói về một số phận chung cho kiếp thi nhân lãng tử – vận vận vào thân mình. Anh viết tưởng cho người mà lại chính niệm huệ định lực riêng anh. Đây là những phản tư đi trước của những “khúc ca trẻ con vấn đề người lớn” – bình minh nào mà chẳng ban đầu hé nụ. Nếu nhìn nhận lại từ thuần khiết ấu thơ sẽ giảm phức tạp cho nhau.
Chừng mực vây kín. Muốn mới nhưng xung quang loạn chuẩn.
Mà tạo dụng kiểu gì cũng phải từ lòng tin: “nhưng tôi người cầm bút than ôi/ không thể không tin gì mà viết/ tin thì tin không tin thì thôi!” – (Tin thì tin không tin thì thôi).
Phân vân như cánh cò Xuân Diệu:
“còn Rốck Rap hay còn đêm cổ điển/ điên cuồng ơi mơ mộng bỏ tôi rồi” – (Đêm cổ điển).
Quá đủ hiện thực người nên tìm về một góc Liêu Trai:
“Đêm cộng cảm:…múa hát với ma đêm nay ăn uống với ma đêm nay ngủ với ma đêm nay/ ngày mai vĩnh viễn chia tay/ nhà ta đã làm cho ma trâu ta đã giết cho ma ngày mai gạo ta sẽ rắc, ngày mai gà con ta sẽ thả/ ngày mai chỉ còn bên ma những tượng mồ/ đêm ái ân lần cuối/ đêm cộng cảm sáo đàn cồng chiêng trống cái/ lục lạc rung dây chuỗi tiếng hú dài”.
Thế mà có được đâu.
“Cầm lòng sao cứ vân vi/ mây thì nặng trĩu núi thì nhẹ tênh” – (Cầm lòng)
Bài Thời Gian 2: “từng giọt thời gian ngưng thành mai vàng/ tích tắc nhịp tim sao ta bàng hoàng/ôi xuân đã sang mà người chẳng tới/ từng hạt thời gian gieo vàng mong đợi/ mùa xuân mời cưới lấy ai đi cùng/ ta đi một mình thời gian mông lung/ nay còn trẻ trung mai đà tóc bạc/ từng giọt thời gian ứa tràn khóe mắt/ thôi người đừng khóc rụng rơi bông vàng/ buồn vui làm ngọc kết thành thời gian…” vẫn một tự sự buồn nhưng có hậu.
Bài Có Khi: “có khi nắng chết trong màu lá/ mẹ nhặt về nhen ngọn lửa chiều/ có khi mưa chết trong đất khát/ em gặp mùa hoa tặng người yêu/có khi bài hát xa xưa quá/ bỗng đến bất ngờ an ủi ta/ và em thuở ấy đi biệt xứ/ sao lại về đây lấp lánh. Và/ mưa trắng đường mưa nắng ngất ngư/ ai đem lụa trải tận xa mờ/ có khi người chết nghìn năm trước/ hồn vẫn bồng bềnh trong giấc mơ.” Bài này viết bên mộ Hàn Mạc Tử nay vào trong xưa, xưa mực thước nay dìu nhau mà buồn.
Bài Lưu Lạc: “Lạc vào kinh kệ/ u mê chiều tà/lạc vào quyền chức/ kiếp nào gỡ ra/ con đường thì xa/ chỉ tay mạng nhện/ ta lạc ngoài ta/ đi hoài không đến/ một băng nhạc sến/ ướt chùng chiều mưa/có một gã thừa/ lạc vào nhăng nhố/ ngác ngơ giữa phố/ một thằng nhà quê/ nhớ thương mộ Tổ/ biết bao giờ về…” nhịp điệu gọn gàng như một bài Rap tự tin thương cảm.
Bài Son nê buồn: “Xin gọi tên em là buồn/ Buồn ơi buồn hỡi ngọn nguồn Buồn đâu/ Buồn mồ côi đã từ lâu/ đời ta rồi cũng bạc đầu vì thương/ là khi tỉnh giấc trong đêm/ một mình ta thấy ngồi bên: Nỗi Buồn/ là khi cạn một ly tràn/đáy ly ta lại thấy làn mi xanh/ mi xanh Buồn cứ long lanh/ gặp long lanh thấy mong manh là buồn/ buồn đừng đi! Buồn đừng tan!/ mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi/ Buồn ơi Buồn có thương tôi/ đừng làm tôi phải mồ côi Nỗi Buồn!…” đúng là người mẹ. Sau Tản Đà tiền chiến phải đến Nguyễn Trọng Tạo nỗi buồn mới trọn vẹn trong sinh nở của ngọn nguồn sáng tạo.
Bài Chia: “chia cho em một đời tôi/ một cay đắng một niềm vui một buồn/ tôi còn cái xác không hồn/ cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/ chia cho em một đời say/ một cây si với một cây bồ đề/ tôi còn đâu nữa đam mê/ trời chang chang nắng tôi về héo khô/ chia cho em một đời thơ/ một lênh đênh một dại khờ một tôi/ chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm” thực ra khinh bạc mà khiêm cung.
Giá trị thơ lục bát của Nguyễn Trọng Tạo chính là ở sự chân thành của cảm xúc. Anh đi đến tột cùng của cảm hứng trước cảnh, trước tình. Giai đoạn này đất nước đang chuyển mình Đổi mới. Trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính là phải lao vào thế sự, làm tròn tư cách công dân và hơn thế nữa. Đây là Thời kỳ nói thẳng, nói thật. Nhưng nói ở giác độ nào mới quan trọng. Nguyễn Trọng Tạo đứng ở vị trí văn chương mà chia sẻ, cộng cảm kể cả cái còn và cái mất. cái được và cái không trong khoảng mười năm.
Đặc điểm của thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc này là Trữ tình, Thế sự. Anh sáng tác theo bút pháp chủ nghĩa hiện đại nghiêng về cách tân nhưng duy mỹ truyền thống. Đấy là nét sang trọng nhưng thức thời mà lại nhiều cuốn hút trong thơ anh. Tự tin mà nói rằng anh là một trong những đại biểu xuất sắc của thơ Việt Nam cuối thế kỷ 20.
Bởi vì: “Khi tình cảm của ta bị xúc động, thì lời nói xuất hiện; Khi cái lẽ đương nhiên đã phát hiện được thì văn hiện ra. Đó là cái việc từ chỗ ẩn (tình cảm, lí là hai cái kín) đi ra đến chỗ sáng rõ (ngôn ngữ, văn), nhờ bên trong mà phù hợp với bên ngoài vậy. Nhưng tài năng mỗi người mỗi khác: Có người tầm thường, có người ưu tú. Khí lực có người cứng rắn, có kẻ mềm yếu. Sức học có người nông cạn, có kẻ sâu xa. Lối sống có người trang nhã, có kẻ dâm dật (Trịnh, Trịnh là nước có phong tục dâm dật). Người ta do chỗ tình cảm và bản tính đào luyện, do sự giáo dục và ảnh hưởng bên ngoài (nhiễm là nhuộm) tích lũy lại mà lời văn và sáng tác mỗi người mỗi khác. Cho nên lời văn và lí lẽ tầm thường hay ưu tú, không ai có thể đổi cái tài của mình” – (Lưu Hiệp – Văn Tâm Điêu Long, bản dịch của Phan Ngọc).
Cách nay gần 10 năm, tôi tâm đắc với bài “Những Nghệ nhân ở Huế” nói về Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Khắc Thạch trần lưng cùng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên làm Sông Hương mà cùng người Huế giữ lại cái thực hư riêng Kinh đô Huế.
Lại xa hơn, khoảng 20 năm trước, anh Tạo ra Thủ đô có 2 việc: Làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhà xuất bản Âm nhạc để xuất bản băng cát xét “Tình khúc bốn mùa” có Thanh Hoa hát, và đến báo Văn Nghệ bàn với nhà thơ Hữu Thỉnh ra một phụ san chuyên thơ. Năm 1995 băng “Tình khúc bốn mùa” phát hành thì gần mười năm sau báo Thơ ra mắt. Thời gian ấy anh đã ra Hà Nội định cư, làm thơ, làm nhạc, làm họa, làm báo và làm bơ vơ…
Ra Hà Nội, anh nổi tiếng lắm rồi: Nhạc sĩ (nhạc say) – Nhà thơ (thơ hay) – Họa sĩ (họa bay) như lời giới thiệu của anh Nguyễn Thụy Kha khi xuất bản băng “Tình khúc bốn mùa” và chỉ vậy thôi, ôi thời ở Huế.
Phải chăng ở đây không dung được cái thân “song Nghệ” – Trong anh Nghệ Tĩnh ngoan cường mà cô độc – Nghệ sĩ đa tài nhưng đa đoan. Anh đầy Hà Nội nhưng vẫn thiêu thiếu một cái gì, hình như một chút hào hoa trưởng giả sung vào lãng tử cập thời. Một chút “…dương cầm trong căn phòng nhỏ”; một chút “…lang thang hoài trên phố”; một chút – thôi…thôi…
Không, có lẽ cái lãng tử trong anh không chứa nổi cái ô cuộc sống công chức. Hay rời Huế anh vơi đi động lực thăng hoa. Với anh , Huế là một khẳng định.
Nhưng anh đã thêm một duyên nợ với Hà Nội rồi.
Ước gì có một cú hích từ “làn mi xanh” – Anh Tạo không phải “mồ côi Nỗi Buồn”…
Viết bên sông Hương, 6/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét