Nam Trân

Nam Trân

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

NAM TRÂN (1907-1967) - nhà thơ, nhà Hán học lỗi lạc không thể quên


HV123 - NAM TRÂN (1907-1967) - nhà thơ, nhà Hán học lỗi lạc không thể quên
MAI QUỐC LIÊN
Có một câu chuyện vui về Nam Trân. PGS Lê Sơn, một dịch giả nổi tiếng về văn học Nga, vốn là một “viện sĩ” của Viện Văn học ngày xưa, cùng tôi đàm đạo về “nhân sự” của viện ngày ấy. Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì ai là người xuất sắc nhất của viện thời ấy? Cả Lê Sơn và tôi đều thốt: Nam Trân! Dĩ nhiên đó chỉ là ý kiến riêng của hai chúng tôi thôi. Nếu lấy chức tước, thì Nam Trân khi ấy chỉ là Tổ phó Tổ Cổ Cận, và ăn lương chuyên viên 1!

Vì sao chúng tôi lại chọn Nam Trân? Ông là một nhà Hán học thuần thành, đã dịch những bài thơ trong Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch rất hay; đã dịch thơ Đường, thơ Tống, Kinh Thi… và đã làm thơ về Hồ Chí Minh đăng trên tờ Thi san của Trung Quốc. Về tiếng Pháp, ông đậu tú tài (bản xứ) thời Pháp, chuyên nghiên cứu về văn học cổ Hy-La…
Một người uyên bác như thế, lại là nhà thơ nổi tiếng thời Thơ Mới với Huế, Đẹp và Thơ (1939)…, được Hoài Thanh đánh giá là thơ ông “biệt riêng thành một lối”, tức là có một phong vị riêng, cách tiếp cận hiện thực riêng, khác hẳn các nhà thơ mới thời ấy.
Kháng chiến chống Pháp, Nam Trân từ một viên chức thời Pháp, tham gia kháng chiến, làm Chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung…, có đóng góp không nhỏ cho kháng chiến. Ra Bắc, ông về Viện Văn học, cũng là thích hợp với tài năng ông. Mấy năm viện sơ tán ở Hà Bắc, ông dạy chúng tôi thơ Đường, thơ Tống ở lớp Đại học Hán học, rất tâm huyết. Có bài thơ làm trước khi mất, tặng lại học trò:
Đào lý phương viên thắng hủy đa,
Tiểu tâm bồi ủng nhị niên qua.
Như kim vô lực truyền xuân sắc,
Trường hướng thu phong thán nhất ta.
Tạm dịch:
Đào lý vườn thơm cỏ tốt tươi,
Lòng yêu bồi đắp mấy năm trời.
Giờ đây không sức truyền xuân sắc,
Trước gió thu than một tiếng dài.
Nam Trân mất sớm quá, chưa kịp về Nam khi đất nước thống nhất.
Nam Trân rất thân thiết với trái tim tôi, vì đó là một người thân yêu khi ở Viện Văn học. Cùng tổ chuyên môn, lại là đồng hương, ông là một người anh lớn, một người thầy dìu dắt tôi trên con đường học vấn. Lúc ở nơi sơ tán, hầu như ngày nào ông cũng ghé nhà tôi chơi. Thuở sơ tán nghèo, chả có gì, nhà tôi nấu đãi ông một bát mì, thế thôi. Ông mất rất đột ngột. Chế Lan Viên, một người rất quý tài năng ông, viết bài trên báo Văn nghệ khóc ông, có câu: “Nam Trân mãi còn trong thương nhớ của chúng tôi”.
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5676-hv123-nam-trn-1907-1967-nh-th-nh-hn-hc-li-lc-khng-th-qun.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét