Nam Trân

Nam Trân

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Nam Trân và bản dịch Nhật ký trong tù




 Tôi không có may mắn có mặt trong những ngày Viện Văn học dịch Nhật ký trong tù bởi một lẽ đơn giản, tôi về Viện vào cuối tháng 12 năm 1960 mà bản dịch đã được công bố vào 7 tháng trước đó. Nhưng sống trong những tháng năm diễn ra sự kiện cả nước đón nhận tập thơ của Hồ Chủ tịch, tôi từng cảm nhận được không khí của bạn đọc khắp miền Bắc hào hứng tìm hiểu và thưởng thức tập thơ như thế nào. Và tôi hình dung Viện Văn học đã phải chuẩn bị một kế hoạch công phu, tỉ mỉ cho việc dịch tập thơ này. Vào năm 1977, khi Viện trưởng Hoàng Trung Thông nhận chỉ thị của ông Tố Hữu bổ sung, chỉnh lý Nhật ký trong tù để chuẩn bị in lại nhằm kỷ niệm 40 năm Ngục trung nhật ký ra đời (1943-1983) và cho thành lập một tiểu ban chuyên trách, giao cho tôi làm người chịu trách nhiệm chính, tôi liền lần tìm lại toàn bộ hồ sơ lưu trữ về lần dịch thứ nhất. Tôi được anh Đỗ Đức Hải, trưởng phòng Tư liệu thư viện trao cho hai cặp tài liệu đem về Ban Văn học cổ cận đại sử dụng. Mở cặp ra xem xét, nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên đến không ngờ.


Điều thứ nhất. Viện Văn học đã hoàn thành bản dịch tập thơ trong một thời gian ngắn kỷ lục. Viện thành lập tháng 5 năm 1959, khoảng vài ba tháng sau, người từ các cơ quan khác mới lục tục chuyển về, trong số đó có nhà thơ Nam Trân. Ông có mặt với tư cách trưởng phòng Tư liệu của Viện vào cuối năm 1959. Ông nhận dịch Ngục trung nhật ký với Viện khi đã là trưởng phòng Tư liệu, vì một xấp bản thảo viết tay chép nháp thơ dịch của ông lưu trong hồ sơ được viết trên một tập giấy pơ-luya có một mặt là bản sao chữ Hán những bài thơ trong bản gốc Ngục trung nhật ký do chị Phạm Tú Châu, nhân viên trong phòng chép theo đề nghị của ông. Mặt khác, nói về bản gốc tập thơ của Hồ Chí Minh thì tuy đã xuất hiện trong cuộc triển lãm cải cách ruộng đất năm 1955, nhưng sau đó lại lặng lẽ đi vào kho lưu trữ của trung ương Đảng, cho đến đầu năm 1959 mới được ông Phạm Văn Bình phát hiện lại rồi mới cộng tác với ông Văn Phụng, có thêm sự giúp đỡ của cụ Bùi Kỷ để “lược dịch” thành thơ như cách gọi của các vị. Vậy thì, sớm nhất cũng phải đến tháng 10 năm 1959 mới có cuộc gặp gỡ giữa Giáo sư Đặng Thai Mai và ông Hoài Thanh, Viện trưởng và Viện phó Viện Văn học với ông Tố Hữu để ông Tố Hữu trao bản “lược dịch” của nhóm Phạm Văn Bình (dưới bút danh Văn Trực - Văn Phụng) cho Viện, cùng với chỉ thị của cấp trên yêu cầu Viện chính thức dịch Nhật ký trong tù. Thế mà trong quyển nhật ký làm việc của nhà thơ Nam Trân nhan đề “Về việc xuất bản tập thơ của Bác” cũng lưu trong hồ sơ, ta thấy, ngay trong đầu tháng giêng năm 1960, tiểu ban dịch đã phải lo hàng loạt việc dồn dập, đều xuất phát từ sự chỉ đạo của ông Tố Hữu: liên hệ với các cơ quan hội họa tìm một số họa sĩ danh tiếng cùng nhau trang trí, vẽ bìa Nhật ký trong tù nhằm chọn lựa ra một sản phẩm tốt nhất; liên hệ với các Nhà xuất bản Văn hóa, Phổ thông cho xuất kho hai loại giấy thường và giấy bản, quy định ba khổ sách cỡ to, cỡ bình thường và cỡ nhỏ, tính số lượng in và các mức giá cả; liên hệ với Nhà xuất bản Ngoại văn đưa bản dịch cho họ để họ dịch ra tiếng Pháp tiếng Anh; liên hệ với Vụ Liên lạc văn hóa với nước ngoài của Phủ Thủ tướng để phát hành sách đi các nước xã hội chủ nghĩa, và với Đại sứ quán Trung Quốc để họ cho in lại nguyên văn ở Bắc Kinh; góp ý với cụ Phạm Phú Tiết về một số bản viết chữ Hán chưa đẹp cần viết lại, v.v... Có nghĩa là đến khoảng cuối tháng 12 năm 1959, bản dịch đã xong hoàn chỉnh, đã được Viện và trên thông qua, chỉ còn phải tập trung vào khâu xuất bản. Thử nghĩ xem, trong vòng hai tháng(1) - trong khi lẽ ra phải là hai năm hoặc lâu hơn nữa - một tập thơ 133 bài chọn dịch 114 bài đã được chuyển ngữ nghiêm chỉnh ra thơ mà ảnh hưởng của nó trong năm 1960 và nhiều năm về sau như nhiều người đều chứng giám: làm lay động sâu sắc tâm hồn bạn đọc thuộc nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội, với số lượng cụ thể của lần in thứ nhất 45 vạn bản in phổ thông và 2 vạn bản in có kèm chữ Hán được bán hết và phải nối bản ngay trong cùng năm đó. Vấn đề đặt ra ở đây là: chỉ nói về phía bản dịch chứ không nói uy tín của tác giả Hồ Chí Minh đối với tập thơ, thì ai là người đóng vai trò quyết định thành công tốt đẹp và nhanh chóng thần kỳ đến thế? Những năm sách mới ra mắt, ngoài các cán bộ Viện Văn học và một số nhà thơ, nhà văn nào đấy quen biết với Viện, một số vị lãnh đạo ở Ban Tuyên giáo trung ương, câu hỏi này hầu như không ai rõ. Còn ngày nay thì chúng ta đều biết đó là công lao của Nam Trân, một nhà thơ có danh trong làng thơ mới, cũng là một trí thức có cả vốn Hán học lẫn vốn Tây học sâu rộng. Có thể nói, Nam Trân đã lĩnh nhận một nhiệm vụ rất khó khăn trong phạm vi một thời gian quá hạn hẹp, nhưng bằng nỗ lực và tâm huyết phi thường không một ai sánh kịp, bằng sự cảm thụ thơ tinh tế và tài năng của một nhà thơ đích thực, ông đã biến nhiệm vụ chính trị gian khổ kia thành niềm hứng thú trọn vẹn. Hơn đâu hết, trong phạm vi công việc dịch gấp gáp khẩn trương Ngục trung nhật ký có lẽ đã bắt ông làm ngày làm đêm liền trong hai tháng, Nam Trân đã chứng tỏ cái quy luật sau đây muôn đời vẫn đúng: dịch bao giờ cũng là đồng sáng tạo.
Điều thứ hai. Nhưng tập hồ sơ lưu trữ về việc dịch tập thơ của Hồ Chí Minh còn hé lộ một nét đặc biệt trong phẩm cách nhà thơ Nam Trân. Ông đã đảm nhận công việc dịch Nhật ký trong tù một cách cực kỳ cẩn trọng và chu đáo. Không phải vì thời gian quá gấp mà ông tắc trách trong khi chuyển ngữ. Chị Phạm Tú Châu hiện vẫn còn trong cặp tư liệu cá nhân những bản chép các bài thơ dịch của Nam Trân có hai dị bản. Riêng tôi, khi đọc vào tập hồ sơ, tôi vô cùng kinh ngạc tìm ra không phải là hai mà hầu như bài thơ nào ông cũng dịch và chữa đến ba, bốn thậm chí năm lần. Chữa đi chữa lại đến nát cả bản thảo, viết bằng bút chì, bằng mực tím, rồi mực xanh, rồi lại đến mực đỏ chèn lên trang giấy, rồi sau cùng lại xóa đi viết lại, đó là hiện trạng của bản thảo dịch thơ Nam Trân mà chúng ta còn giữ được. Qua từng trang như thế, tôi hình dung ra tinh thần khổ công “thôi xao” của Nam Trân trong tìm vần gọt chữ, chẳng phải chuyện ngẫu hứng đối với một vài bài nào đó mà đối với cả tập thơ suốt hai tháng ròng. Chính là lương tri của một người dịch có trách nhiệm, hơn thế nữa cảm xúc tinh tế của một nhà thơ muốn tìm bằng được những câu, những chữ truyền đúng cái hay của nguyên tác, đã thôi thúc sự lao động nghệ thuật miệt mài của Nam Trân.   
Bài tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu có lẽ là bài ông dịch mà không ưng ý. Không ưng ý là ở câu cuối: Bả nhân danh dự bạch hy sinh nghĩa là khiến cho danh dự của người mất sạch. Lần đầu ông dịch:
                   Đất Túc Vinh làm mình bị nhục,
                   Rắp tâm cản trở bước ta đi.
                   Tình nghi gián điệp vu nên tội,
                   Làm mất thanh danh chẳng ích gì.
Dịch “Làm mất thanh danh chẳng ích gì” thì tiếng nói thống trách của người làm thơ đối với việc bắt bớ của nhà cầm quyền Quốc dân đảng xâm phạm trắng trợn đến danh dự của con người chưa thể hiện rõ, lại phải thêm vào ba chữ “chả ích gì” không có trong nguyên văn. Vì thế ít lâu sau ông đã dịch lại:
                               Túc Vinh làm nhục chuyện không ngờ,
                               Cố ý làm cho chậm bước ta.
                               Bịa đặt nghi cho là gián điệp,
                               Giết ngang danh dự của người ta.
Bài thơ đã có vẻ hay hơn. Tuy nhiên, Nam Trân vẫn không thỏa mãn, chắc là do câu chữ còn nhiều trùng lặp: bước ta/người ta; làm cho/nghi cho. Hay như chữ “giết ngang” ngỡ như độc đáo xem ra cũng chưa ổn. Ông quyết định dịch lại lần nữa:
                               Tới đây bị nhục, chuyện không ngờ,
                               Giữa cuộc hành trình cản bước ta.
                               Vô cớ bày ra trò gián điệp,
                               Xéo lên danh dự thế này a?
Nếu nói về ý thì đến đây phải nói là đã khá sát nguyên văn. Ngữ khí cũng rõ ràng là cái giọng bực tức, đúng như nỗi bực dọc trong nguyên ý của tác giả. Khổ một nỗi, bài thơ nguyên tác còn có một thủ pháp chơi chữ mà bản dịch chưa lột được: “Túc Vinh” được dùng đối trọng với “mông nhục” như một phép tu từ mang hàm ý chế giễu đối phương và tự trào về cảnh ngộ. Không thể chấp nhận sự bất lực về mặt mỹ cảm của bản dịch, Nam Trân đã quyết dịch lại lần thứ tư, tức là bản mà ta đọc hiện nay, khẩu khí điềm đạm hơn, lời thơ là lời nói thường mà vẫn không bỏ rơi chuẩn mực tao nhã, mặc dầu tôi đoán trong thâm tâm dịch giả vẫn chưa thật toại nguyện với câu cuối: hai chữ “hy sinh” đã phải để nguyên để hiệp vần chứ lẽ ra thì cần dịch thành chữ “mất sạch” (bạch hy sinh) cho người đọc không hiểu lầm với nghĩa hy sinh trong tiếng Việt:
                               Túc Vinh mà để ta mang nhục,
                               Cố ý làm cho chậm bước mình.
                               Bịa đặt vu ta là gián điệp,
                               Không dưng danh dự phải hy sinh.
Xin dẫn thêm một trường hợp khác, bài thơ nổi tiếng giàu chất thơ mà nhiều người thuộc: bài Vãn (Chiều tối):
                               Vãn xan ngật liễu nhật tây trầm,
                               Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm.
                               U ám Tĩnh Tây cấm bế thất,
                               Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm.
Ban đầu, Nam Trân dịch thành một bài thơ lục bát:
                               Cơm xong, bóng ngả về tây,
                               Lời ca tiếng nhạc, đó đây vang lừng.
                               Ngục Tĩnh Tây tối mịt mùng,
                               Bỗng thành nhạc viện trong vùng hàn lâm.
Lời dịch không phải không uyển chuyển, duy câu cuối thêm vào chữ “vùng” thành ra không sáng nghĩa. “Bỗng thành nhạc viện trong vùng hàn lâm” thì hàn lâm bị hiểu như một địa phương có nhạc viện chứ không phải là khái niệm bổ nghĩa cho nhạc viện như nguyên tác. Nam Trân gắng dịch lại lần thứ hai:
                               Ăn xong bóng ngả non đoài,
                               Lời ca tiếng nhạc khắp nơi vui hòa.
                               Tĩnh Tây ngục tối cũng là,
                               Một trường mỹ thuật trong tòa hàn lâm.
Câu cuối bài thơ tuy có sát hơn song hai chữ “vui hòa” hình như chưa phải đã đúng ý của tác giả. Tác giả nói khắp nơi rộn lên tiếng đàn ca và tiếng nhạc nhưng không hề nói đó là hòa âm của tiếng reo vui. Nhà tù làm sao có thể “vui hòa” được? Thêm nữa, với hai câu ba và bốn thì hiện tượng đột biến từ nhà ngục trở thành nhạc viện trong cảm giác của chủ thể thẩm mỹ là người tù đã bị bỏ mất. Nam Trân kiên trì dịch lại lần thứ ba và lần này đổi sang thơ Đường luật:
                               Cơm xong bóng đã gác đầu non,
                               Sáo thổi đàn ca bỗng dập dồn.
                               Nhà ngục Tĩnh Tây đang tối mịt,
                               Biến thành nhạc viện giữa sơn thôn.
Cả bài dịch mới nghe rất thanh thoát và nội dung không có gì đi lạc nguyên văn. Nhưng đọc kỹ sẽ nhận ra câu cuối chưa ổn, vì cái ý “sơn thôn” là ý người dịch thêm vào, “sơn thôn” thay cho “tiểu hàn lâm” càng có phần gượng. Dịch giả đã bận tâm đến chỗ trái khoáy này và cố gắng dịch lại lần thứ tư:
                               Cơm xong bóng đã xuống đầu non,
                               Đây đó hò ca lẫn sáo đàn,
                               Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,
                               Bỗng thành một nhạc viện con con.
Trong 4 câu dịch ở lần thứ tư đã thấy lấp ló một câu dịch chuẩn của lần cuối cùng. Dĩ nhiên, nhìn tổng thể cả bốn câu thì vẫn chưa khá hơn lần trước, trái lại, cách nối vần non-đàn-con nghe hơi ép mà ý muốn lột tả rõ nghĩa ở câu thứ tư vẫn thất bại, bởi “nhạc viện con con” chỉ mới diễn đạt được chữ “tiểu”, còn chữ “hàn lâm” quan trọng hơn nhiều lại không thể đưa vào. Cả bốn dị bản khác nhau ở trên đã giúp Nam Trân nghiền ngẫm - hẳn là nghiền ngẫm rất dữ - để ông tiến tới một bước đột xuất: tạo nên bản dịch thứ năm, một bản dịch thỏa mãn cả tín và nhã, chính là bản cuối cùng mà người đọc được thưởng thức từ mấy chục năm nay:
                               Cơm xong bóng đã xuống trầm trầm,
                               Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm.
                               Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,
                               Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.
Toàn bộ bản thảo phần dịch Nhật ký trong tù còn lưu lại của Nam Trân theo tôi là một tư liệu rất quý, nó không những giúp người nghiên cứu tái lập lại từng bước tiến trình chuyển đổi một tác phẩm quan trọng như Ngục trung nhật ký từ chữ Hán sang tiếng Việt mà căn cứ vào đó, còn có thể giúp tìm hiểu con đường vận động có tính quy luật trong phương thức tư duy thơ hay là trong nung nấu cảm xúc và lựa chọn ngôn từ của một dịch giả vào hàng Nam Trân khi đối diện với một tác phẩm như Nhật ký trong tù. Thú thật, đọc vào những thếp giấy mang thủ bút của chính Nam Trân viết bằng nhiều thứ mực khác nhau, tôi vừa cảm thấy bồi hồi như được gặp lại Nam Trân những ngày ông làm việc căng thẳng nhất, lại vừa có gì như hơi tiếc, trước không ít bản dịch cũng đáng gọi là mỹ mãn mà ông đành tâm bỏ đi - giá ông cứ giữ chúng làm những version khác cho bản dịch Nhật ký trong tù bên cạnh những version đã được công bố để bạn đọc lựa chọn thì có khi vẫn được công chúng hết sức hoan nghênh. Chẳng hạn, cả hai bài Cước áp (Cái cùm). Bài I:
                               Tranh ninh ngã khẩu tự hung thần,
                               Vãn vãn trương khai bả cước thôn.
                               Các nhân bị thôn liễu hữu cước,
                               Chỉ thặng tả cước năng khuất thân.
Bản dịch mà ta thuộc lâu nay là bản đã công bố:
                               Dữ tựa hung thần miệng chực nhai,
                               Đêm đêm há hốc nuốt chân người.
                               Mỗi người bị nuốt chân bên phải,
                               Co duỗi còn chân bên trái thôi.
Bản dịch rất thành công, vừa có sức tạo hình vừa chuyển tải trọn ý. Thế nhưng trong các xấp bản thảo đã nói còn có một bản dịch nữa, tuy có thiếu đi một chi tiết nhỏ không đáng kể là chữ “trái” để đối với chữ “phải”, tôi vẫn nghĩ là một bản dịch sắc sảo, Nam Trân đã dịch trong cảm hứng nhân cách hóa cái cùm hay hơn hẳn:
                               Đêm đêm dữ tợn tựa hung thần,
                               Há hốc mồm ra ngoạp miếng ăn.
                               Chân phải mỗi người đều bị nuốt,
                               Chỉ còn co duỗi một bên chân.
Bài II:
                               Thế gian cánh hữu ly kỳ sự,
                               Nhân mẫn tranh tiên thượng cước kiềm.
                               Nhân vị hữu kiềm tài đắc thụy,
                               Vô kiềm, một xứ khả an miên.
Khỏi phải nói bản dịch Nam Trân đã cho công bố là bản có giá trị, lời dứt mà ngân vang còn đọng lại:
                               Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật,
   Cùm chân sau trước cũng tranh nhau.
                               Được cùm chân mới yên bề ngủ,
                               Không được cùm chân biết ngủ đâu.
Dù sao, lâu nay tôi vẫn gợn một chút tiếc rẻ, ở chỗ chất “huy-mua” của bài dịch chưa rõ lắm, giọng thơ về cuối nghe như một lời than thở. Thú vị làm sao trong các xấp bản thảo, cùng với bài I, version khác của bài dịch II cũng rất đặc sắc, sử dụng chữ “ngủ” và chữ “ngơi” thật đúng chỗ làm cho tính châm biếm nổi trội lên:
                               Lại còn có việc lạ trên đời:
                               Tranh để cùm chân trước mọi người.
                               Vì có cùm chân thì được ngủ,
                               Không cùm, chẳng có chỗ nào ngơi.
Xin nhắc lại, trong các thếp bản thảo thủ bút của Nam Trân hiện vẫn còn ít nhiều bản dịch vào loại tương tự chưa được công bố. Cũng do đọc được tập bản thảo lưu lại đó từ năm 1977, khi được ủy nhiệm dịch bổ sung 20 bài còn chưa in trong tập Nhật ký trong tù, chúng tôi đã tìm ra 3 bài của Nam Trân dịch sẵn trong số 20 bài này để đưa vào bản dịch xuất bản năm 1983 và bản dịch trọn vẹn năm 1990: các bài Nạn hữu Mạc mỗ (Bạn tù họ Mạc), Long An Lưu sở trưởng (Sở trưởng Long An họ Lưu), Nhân đỗ ngã (Nhân lúc đói bụng). Chắc chắn rồi đây trong những lần xuất bản tới, nếu đào xới sâu vào tập bản thảo, các nhà nghiên cứu của Viện Văn học còn có thể bổ sung để mở rộng thêm diện mạo bản dịch Nhật ký trong tù của Nam Trân.
(còn nữa)
Chú thích:
 ([1][1]) Nhà thơ Khương Hữu Dụng trong lời phát biểu tại cuộc họp cộng tác viên của Viện Văn học vào năm 1978 để góp ý về bản dịch Nhật ký trong tù năm 1960 khẳng định Nam Trân đã thực hiện công việc chỉ trong vòng một tháng, từ 10 tháng 3 năm 1960 đến 10 tháng 4 năm 1960 là hoàn tất, sau khi ông Dụng về Viện 5 ngày (xem thêm chú thích (3)). Có lẽ ông Dụng đã nhớ nhầm. Nhật ký làm việc của Nam Trân hiện còn lưu ghi những việc trong tháng giêng năm 1960 không hề có việc dịch hay chữa Nhật ký trong tù nữa mà chỉ thuần là việc thuộc khâu xuất bản. Ngày cuối cùng kết thúc công việc về Nhật ký trong tù là 8 tháng 2 năm 1960, Nam Trân làm việc suốt một buổi chiều với ông Tố Hữu, quyết định đưa thêm bài Mới ra tù tập leo núi vào cuối tập và lấy lại bài Chiết tự trước đã bỏ ra ngoài. Như thế, ngày này, Tố Hữu đã duyệt xong bản dịch và trực tiếp trao đổi lần cuối với Nam Trân. Ngoài ra, ông Dụng đánh giá cao công lao khởi đầu của bản dịch của Văn Trực-Văn Phụng. Chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này ở phần dưới.
Nam Trân và bản dịch Nhật ký trong tù (Tiếp theo kỳ trước)



Điều thứ ba. Cũng trong tập hồ sơ dịch Nhật ký trong tù lần thứ nhất, có một hiện tượng đã trở thành dư luận ngấm ngầm từ nhiều năm qua - hiện tượng bản “lược dịch” của Văn Trực và Văn Phụng. Nam Trân có sử dụng bản dịch này không và sử dụng đến chừng mực nào? Trong bài Những điều chưa biết về “Ngục trung nhật ký” cũng như quá trình dịch thơ “Ngục trung nhật ký” bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Trần Đắc Thọ in trong cuốn sách Hồ Chí Minh - thơ toàn tập do Trung tâm Quốc học biên soạn khoảng dăm năm lại đây, ông Thọ có viết rằng ngày 25 tháng 2 năm 1998, ông đã tìm gặp ông Tố Hữu để hỏi lại việc dịch Nhật ký trong tù và một số việc liên quan đến thơ Hồ Chí Minh. Ông được Tố Hữu trả lời 8 điểm, trong đó có 3 điểm đụng chạm tới điều chúng ta đang quan tâm: “1. Xác nhận đồng chí Phạm Văn Bình là người đầu tiên phát hiện tập Ngục trung nhật ký ở kho lưu trữ của Trung ương Đảng, tổ chức phiên âm dịch nghĩa và dịch thơ; 2. Đồng chí Tố Hữu đã giao cho đồng chí Đặng Thai Mai và đồng chí Hoài Thanh, Viện trưởng và Viện phó Viện Văn học chịu trách nhiệm xem lại bản dịch của đồng chí Bình để kịp phát hành sách vào dịp 19-5-1960; 3. Đồng chí Nam Trân cùng với đồng chí Phạm Văn Bình đã cùng nhau biên tập lại tập Nhật ký trong tù đã được dịch nghĩa và dịch thơ” (1). Không rõ ông Trần Đắc Thọ tóm tắt ý kiến ông Tố Hữu trung thành đến đâu nhưng ví thử đúng là lời ông Tố Hữu phát biểu, thì ở tầm lãnh đạo trên cao, ông Tố Hữu đã không thể nào nắm sát sườn mọi việc diễn ra từ dưới cơ sở. Đối chiếu với thực tế ở Viện Văn học trong những ngày ấy, có vài điểm chưa thật khớp lắm: ông Phạm Văn Bình không hề cùng với ông Nam Trân biên tập lại bản dịch Nhật ký trong tù đã được nhóm ông Bình dịch (không thấy có nét chữ của ông Bình trong các xấp bản thảo), cũng không hề có chuyện hai người làm việc chung với nhau, mà như tôi đã hỏi nhiều người kỳ cựu ở Viện và cũng có gặp gỡ cả ông Phạm Văn Bình tại Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 1990, nhân cuộc họp do ông Lữ Huy Nguyên, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học tổ chức nhằm giới thiệu bản dịch Nhật ký trong tù trọn vẹn bấy giờ vừa ra mắt, thì ông Bình chỉ trao một bản chép tay bản “lược dịch” Nhật ký trong tù cho Viện Văn học (bản chép tay ấy hiện trong hồ sơ còn lưu giữ, không có phần dịch nghĩa như ông Trần Đắc Thọ dẫn lời ông Tố Hữu; tôi nói không có nét chữ của ông Bình trong các xấp bản thảo là căn cứ vào bản chép tay này), còn lại sau đó là việc duy nhất của nhà thơ Nam Trân chứ ông Bình không còn biết gì hơn. Phải nói, công việc dịch Nhật ký trong tù Nam Trân đã gánh vác hoàn toàn. Cũng trong bài viết của ông Trần Đắc Thọ còn có một đoạn: “Vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ năm ấy (tức năm 1960), cuốn sách được phát hành rộng rãi. Đồng chí Bình không thấy tên mình được nhắc nhở trong cuốn sách nên có hỏi đồng chí Nam Trân. Đồng chí Nam Trân nói có lẽ sơ suất tại Nhà xuất bản. Công việc chấm dứt ở đó với nỗi niềm không mấy vui của đồng chí Phạm Văn Bình”(2). Chuyện này anh Đào Thái Tôn đã có phân tích, tuy vậy, tôi cũng muốn nói thêm: trong câu nói có phần mặc cảm của ông Phạm Văn Bình vừa được trích dẫn (phải chăng nói trong một vài năm cuối đời?), ông đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc về thời điểm. Giản dị là vào năm 1960, bản dịch Nhật ký trong tù không hề đề tên người dịch, ông Bình làm sao có thể băn khoăn thắc mắc khi trong sách cũng không có tên Nam Trân. Thời ấy là thế, mọi công trình đều lấy danh nghĩa tập thể, kể cả các công trình biên soạn, như cuốn Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi in năm 1963 do tôi làm. Chưa ai có ý thức khăng khăng “bảo vệ” bản quyền như khoảng mươi năm lại đây đã biến thành cơn sốt. Huống nữa, việc dịch Nhật ký trong tù là do chỉ thị của cấp trên, dịch xong coi như đã đóng góp được chút công sức của mình cho cách mạng. Mà đặt tên người dịch dưới một tập thơ của Hồ Chí Minh thì lại còn mang tâm lý bất kính đối với lãnh tụ, tâm lý cá thể và tâm lý của cả cộng đồng. Ngay đến năm 1983, trong bản dịch bổ sung và chỉnh lý do nhóm chúng tôi làm tiếp, khi in ra, tên người dịch cũng vẫn để trống. Chỉ đến bản dịch đầy đủ 134 bài năm 1990, chúng tôi mới dám đề tên Nam Trân như dịch giả chính của tác phẩm, và tên bốn người khác đặt phía dưới như một nhóm chỉnh lý bổ sung. Chúng tôi cũng không quên nhắc đến bản dịch đi đầu của Văn Trực và Văn Phụng. Tôi đồ rằng một vài người nào đấy quá nhạy cảm về cái danh được dịch thơ của Hồ Chủ tịch đã đem tâm sự mình gán cho ông Bình.
Nhà thơ Nam Trân tất nhiên có thừa hưởng một phần thành quả bản dịch của Văn Trực và Văn Phụng. Ông thừa hưởng vì ông quan niệm sản phẩm của Văn Trực và Văn Phụng do trên chuyển xuống cho mình tham khảo để mình dịch Nhật ký trong tù cho kịp thời hạn thì tốt nhất là dựa vào bản dịch đó mà nâng lên. Họa có là người điên mới tự ý bày ra dịch lại trước một nhiệm vụ cấp bách không thể không làm, lại là một việc làm mang tính chất quan phương, do cơ quan nhà nước chỉ đạo. Nam Trân tuyệt không có lỗi gì khi chữa vào bản dịch Văn Trực - Văn Phụng. Và chính chúng tôi cũng vậy. Khi nhận lời Viện trưởng Hoàng Trung Thông sung vào Tiểu ban chỉnh lý và dịch bổ sung Nhật ký trong tù (gồm 4 người) vào cuối năm 1977, chúng tôi có nghe ông dặn: đây là theo tinh thần nhà thơ Tố Hữu(3), trước áp lực của dư luận ngày càng tăng, đòi hỏi phải xem xét lại bản dịch năm 1960. Tiếp theo, trong đầu năm 1978, ông cho tổ chức một cuộc họp cộng tác viên rộng rãi lấy ý kiến các bậc túc nho, các dịch giả uy tín và các nhà nghiên cứu về bản dịch này(4), đồng thời cũng yêu cầu Tiểu ban chỉnh lý bổ sung, rà soát lại mọi đề xuất lớn nhỏ trên số lớn báo chí trong vòng 17 năm bản dịch đã lưu hành, qua đấy cố gắng chữa một vài chữ hoặc một đôi câu trong một ít trường hợp bị coi là “nổi cộm” nhất, còn thì bất đắc dĩ lắm mới phải dịch lại một bài khác. May mắn là khi đọc kỹ các bài phê bình hầu như không lúc nào thiếu vắng tính cho đến lúc đó, chúng tôi kịp nhận ra nhiều kiến nghị lắm khi rất “cắc cớ”, thường cứ đem tư tưởng của Hồ Chí Minh ra mà bắt bẻ bản dịch “chưa đến tầm”, hoặc cứ so chiếu từng chữ của nguyên tác với từng chữ của bản dịch mà nói bản dịch chưa đạt, không cần biết cái khó của người dịch thơ là phải thoát sự trói buộc của câu chữ mới chuyển tải được hồn thơ của nguyên văn. Vì thế, chúng tôi đã biết tỉnh táo đối thoại với nhiều bài góp ý chủ quan, nhiều bản sửa chữa liên tiếp gửi đến, hoặc nhiều người đến thẳng Viện cho xin bổ sung vào bản dịch (cá biệt còn gây náo động), qua nhiều buổi làm việc tập thể thông tầm từ sáng đến chiều có sự tham gia nhiệt tình của Hoàng Trung Thông. Và cho đến bản dịch trọn vẹn công bố năm 1990 và cả đến nay, số lượng bài dịch của Nam Trân vẫn chiếm phần tuyệt đối: 97 bài của ông được giữ lại, 8 bài ghi danh cho Văn Trực - Văn Phụng, chỉ có 9 bài là thay mới. Chứng tỏ uy tín dịch thuật của Nam Trân qua mọi thử thách vẫn không chút lung lay, mặc dù đến năm 1991, một bản dịch mới Nhật ký trong tù do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tập hợp một số người làm lại (mà không hỏi ý kiến của Viện Văn học) đã ra mắt, tự ý bỏ đi ba phần tư phần thơ dịch của Nam Trân, lại sửa lại nhiều bài dịch thay tên Nam Trân bằng tên người khác, để cho ra một bản dịch pha tạp. Nhưng với thời gian, bản dịch này đã bị lãng quên.
Trở lại với Văn Trực và Văn Phụng, khi đối chiếu bản “lược dịch” của hai ông với bản in Nhật ký trong tù năm 1960, chúng tôi tìm ra 8 bài có bóng dáng rõ nét thơ dịch của hai ông nên đã trả lại tên cho hai ông. Sự thực, giờ đây so đi chiếu lại chữ và chữ kỹ hơn, tôi còn tìm thấy thêm 8 bài cũng nên đề tên hai ông là dịch giả bên cạnh tên Nam Trân là người chỉnh sửa (các bài Đề từ, Tù lương, Lại sang, Tặng Tiểu hầu (Hải), Tháp hỏa xa vãng Lai Tân, Đáo Liễu Châu, Khán Thiên gia thi hữu cảm). Vậy nhưng, cũng phải thành thật mà nói, từ thơ của hai ông trong bản “lược dịch” đến bản dịch đã được công bố của Nam Trân là cả một khoảng cách đáng kể. Thơ của các ông gồ ghề trúc trắc, nói nôm na là bẻ chữ thành thơ. Có khi Nam Trân chỉ thay một hai chữ, nhưng chính là đã thổi hồn thơ vào cả mảng từ ngữ làm cho nó đổi hẳn, không còn là bài văn “bẻ vần”. Xin nêu một thí dụ: Bài Đề từ của tập thơ, hai ông dịch:
Thân thể ở trong ngục,
Tinh thần ở ngoài lao,
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần phải càng cao.
Bài dịch là một cách nói vần vè mà chất văn xuôi vẫn chưa khắc phục được. Nam Trân chỉ thay một chữ “lao” cho chữ “ngục” và đổi chữ “phải” ra sau chữ “càng” thế là nhịp thơ êm ả hẳn:
Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao.
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần càng phải cao.
Hay như bài Học đánh cờ, nguyên văn của hai ông có khác với bản đã công bố. Hai ông dịch:
Ngồi buồn ta học đánh cờ chơi,
Thiên binh vạn mã đuổi tơi bời.
Tấn công, thoái thủ cho mau lẹ,
Ai có tài cao được thắng người.
Nghĩ kỹ, trông xa lại quyết tâm,
Đã quyết không ngừng thế tấn công.
Trệch hướng hai xe mà vô dụng,
Gặp thời một tốt cũng thành công.
Vốn trước hai bên ngang lực lượng,
Về sau bên bại, một bên thành.
Thế công, thế thủ không sơ suất,
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.
Nam Trân đã kỳ công gọt giũa những từ còn vụng hoặc xa nghĩa như “ngồi buồn” (nguyên văn là bế tọa(5)), “tơi bời” (nguyên văn là cộng khu trì), “ai có tài cao” (nguyên văn là cao tài tật túc), “quyết tâm” (nguyên văn là tâm ưng tế), “trệch hướng” (nguyên văn là thác lộ) “bên bại bên thành” (nguyên văn là thắng lợi... thuộc nhất nhân), và bài thơ được nhà thơ trau chuốt lại thoạt nhìn không khác mấy bài thơ dịch gốc, kỳ thực đọc lên thần tình khác hẳn:
Tù túng đem cờ học đánh chơi,
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài.
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc,
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.
Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ,
Kiên quyết không ngừng thế tấn công.
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Vốn trước hai bên ngang thế lực,
Mà sau thắng lợi một bên giành,
Tấn công, phòng thủ không sơ hở,
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.
Một bài khác là bài Khán Thiên gia thi hữu cảm, lời dịch của Văn Trực - Văn Phụng xét ở cấp độ câu chữ đúng là không xa bản mà Nam Trân đã đưa in:
Thơ cổ yêu thiên nhiên cảnh đẹp,
Tả gió trăng hoa, tả núi sông.
Thơ nay cần tinh thần chiến đấu,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Tuy vậy, chớ thấy có chỗ gần nhau mà vội tưởng lầm. Nam Trân chỉ đảo vị trí mấy chữ ở câu đầu, bổ sung hai chữ ở câu hai và thay mấy chữ ở câu ba, song lại là mấy chữ làm nên cái thần của bài thơ mà Văn Trực - Văn Phụng bỏ đi vì không hiểu đấy là “nhãn tự”: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết”. Giữa bản gốc của Văn Trực - Văn Phụng và bản chỉnh lý của Nam Trân do thế có sự cách nhau một đẳng cấp nghệ thuật:
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông.
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Ở đây nữa, tập hồ sơ hiện đang lưu của Ban Cổ cận đại Viện Văn học về lần dịch đầu Ngục trung nhật ký lại là một cơ sở tư liệu rất quý giá cho những ai muốn đi sâu nghiên cứu quy trình chữa thơ, nâng cấp thơ trong một luận án bàn về dịch văn học. Nam Trân là kiểu mẫu của một dịch giả không chữa thơ ẩu và không chữa “lợn lành thành lợn què” như một số trường hợp hiện đang bày ra trên thị trường văn chương từ Nam đến Bắc.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn đề cập là một vài suy nghĩ tổng quát về đóng góp nghệ thuật dịch Nhật ký trong tù của Nam Trân. Như đã nói, rất nhiều bài dịch của Nam Trân được bạn đọc Việt Nam nhập tâm thưởng thức, cũng được sách giáo khoa trích giảng và đông đảo học sinh “đưa vào bộ nhớ” đã ngót năm chục năm. Nói về thành công của từng bài dịch cụ thể thì khó lòng nói xuể. Chỉ có thể thông qua cái cụ thể mà cố gắng rút ra cái chung, nó làm nên đặc điểm thống nhất của một phong cách dịch thơ. Với Nam Trân, ấn tượng nổi đậm hơn cả là âm hưởng Đường luật mà ông đặc biệt tôn trọng đã tạo nên hương vị riêng cho bản dịch Nhật ký trong tù. Đành rằng nguyên tác Ngục trung nhật ký vốn rất giàu ý vị Đường thi, nhiều bài thơ trong tập đã sử dụng luật Đường và điển cố thơ Đường nhuần nhị, song đáng lạ là cũng có đến ba mươi bài bỏ qua niêm luật thơ Đường (Tảo II, Tù lương, Cước áp I, Học dịch kỳ I, Phân thủy, Đổ, Đổ phạm, Bào Hương cẩu nhục, Tân Dương ngục trung hài, Ký Nê Lỗ I, Ngục trung sinh hoạt, Mạc ban trưởng, Thiên Giang ngục, Tha tưởng đào, Lai Tân, Tứ cá nguyệt liễu, Bệnh trọng, ?!, ?, Đáo đệ tứ chiến khu chính trị bộ, Vãn cảnh, Ngũ khoa trưởng Hoàng khoa viên, Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm Phó tư lệnh, Tặng Tiểu hầu (Hải), Trần khoa viên lai thám, và cả 5 bài ngũ ngôn đều dùng thể cổ phong). Có những bài vận dụng cú pháp bạch thoại với những trợ từ “đích”, “giá”, “cá”, “bả”, “giá dạng”, “khả thuyết”... không có trong thơ cổ. Có những trợ từ văn xuôi được chuyển vào thơ: “sở”, “dã”, “tài”, “sở dĩ”, “hứa đa”, “đương nhiên”. Có những từ ngữ rất hiện đại và giàu chất thời sự: “kiên quyết”, “tấn công”, “thắng lợi”, “công thủ”, “vĩ đại”, “quyết tâm”, “khẩn trương”, “vệ sinh”, “đương cục”, “quân cảnh”, “hoàn cầu”, “tiền tiến”, “khổ cán”, “ngạnh cán”, “kiệm cần”, “dũng cảm”, “liêm chính”, “lãnh tụ”, “tổ quốc”, “xung phong”. Có chữ “ma đăng” phiên âm từ “modern” của tiếng Anh, và các chữ “NAZI”, “oa oa ooa” viết thẳng tiếng Việt trong nguyên văn. Rồi lại còn có cả những từ grotesque như “xí khanh” (nhà xí), “xuất cung” (đi tiêu)... Về tiết tấu thì nhiều câu ở nhiều bài đảo hẳn nhịp 4/3 của thơ Đường thành những nhịp 1, 2, 3, 4 rất linh động (“Khốn nạn/ thị/ nhĩ ngọc/ thành thiên” - Văn thung mễ thanh; “Tất cánh/ tỷ/ đồ bộ/ phiêu lượng” - Tháp hỏa xa vãng Lai Tân; “Trưởng quan bộ/ chỉ/ cách lý hử” - Cửu bất đệ giải; “Thí vấn/ dư/ sở phạm/ hà tội?/ Tội/ tại/ vị dân tộc/ tận trung”- Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ; “Nhi kim/ nhĩ/ hựu/ khái thành lao” - Dương Đào bệnh trọng; “Thập/ thập nhất/ hoặc/ thập nhị thì” - Nhân đỗ ngã; “Thi gia/ dã/ yếu/ hội xung phong” - Khán Thiên gia thi hữu cảm...). Có thể nhận xét là trong Ngục trung nhật ký, đối với những bài thể hiện cái “tôi” tâm trạng, bộc lộ thế giới bên trong của chủ thể, Hồ Chí Minh thường sử dụng mã thơ Đường hoàn hảo, đôi lúc xuất thần, còn đối với những bài chỉ có ý nghĩa thông báo, ghi chép nhật ký, ông lại không ngại phá vỡ mọi quy tắc thơ Hán cổ điển mà ta tạm gọi là phản mã thơ Đường. Khi chuyển Ngục trung nhật ký ra thơ tiếng Việt chắc Nam Trân có tính đến điều này. Nhiều dị bản dùng đủ các thể khác nhau, 5 chữ, 7 chữ, lục bát... để dịch đi dịch lại một bài thơ, chứng tỏ ông đã đắn đo suy tính hết mọi cách. Cuối cùng ông vẫn đi đến một quyết định dứt khoát: nhất loạt dịch đúng Đường luật. Ví dụ bài Đổ gồm 4 câu có đến 3 câu thất luật và thất niêm trong nguyên tác: “Ngục lý đổ bác khả công khai/ Bị lạp đổ phạm thường ta hối/ Hà bất tiên đáo giá lý lai” được dịch thành một bài thơ hoàn toàn đúng luật: “Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội/ Trong tù đánh bạc được công khai/ Bị tù con bạc ăn năn mãi/ Sao trước không vô quách chốn này?”; bài Tha tưởng đào cũng vậy, câu cuối cùng của nguyên tác đã thoát hẳn ra ngoài niêm luật: “Khả tích tha bào bán lý hử/ Hựu bị cảnh binh tróc hồi lai”, thế mà người dịch không những giữ nguyên ý và tứ, lại đưa nó trở lại trong vòng niêm luật một cách tài tình: “Tự do anh ấy hằng mong mỏi/ Liều mạng đâm nhào nhảy xuống xe/ Rủi quá chạy đâu chừng nửa dặm/ Bị ngay cảnh sát bắt lôi về”. Về nhịp, hết thảy những chỗ trúc trắc trong nhịp thơ của nguyên tác cũng đều được Nam Trân biến thành suôn sẻ: “Khốn nạn/ thị/ nhĩ ngọc/ thành thiên” → “Gian nan rèn luyện mới thành công”; “Trưởng quan bộ/ chỉ/ cách lý hử” → “Dinh quan chỉ cách đây chừng dặm”; “Thí vấn/ dư/ sở phạm/ hà tội?/ Tội/ tại/ vị dân tộc/  tận trung” → “Phạm tội gì đây? Ta thử hỏi/ Tội trung với nước với dân à?” v.v...
Có người cho rằng không nên làm cho bản dịch Nhật ký trong tù “hay” hơn nguyên tác. Có lẽ vấn đề không phải ở chỗ ấy. Vấn đề là Ngục trung nhật ký trước hết là một cuốn nhật ký, Hồ Chí Minh dành để viết cho mình. Có những đầu đề chỉ là một dấu hỏi hoặc dấu chấm than, tức chỉ có tính chất ký hiệu riêng cho một người là tác giả trong khi “đối diện đàm tâm”. Việc tác giả đôi lúc thoát khỏi niêm luật, dùng ngữ điệu văn xuôi, cũng là do tính chất nhật ký đòi hỏi. Nhưng đưa ra cho đông đảo bạn đọc thưởng thức cả một tập thơ tù của Hồ Chủ tịch thì không thể không tính toán đến người tiếp nhận. Người tiếp nhận cách đây 50 năm và nay cũng thế, vẫn là đại bộ phận quần chúng nhân dân có học vấn bậc trung, chưa quen với các lối thơ cách tân, thơ văn xuôi, nhưng lại rất quen thuộc và hứng thú với thơ Đường luật mà vô số câu lạc bộ thơ Đường sống giai giẳng ở các phường phố, huyện xã từ bao nhiêu năm nay là bằng chứng khó chối cãi. Trong một bối cảnh như thế, việc Nam Trân chuyển “phản mã thơ Đường” của Ngục trung nhật ký thành “giải phản mã thơ Đường” là điều hợp lý, và thành công của bản dịch năm 1960 chứng tỏ ông đã đúng. Ông không chỉ là một dịch giả thiện nghệ mà còn là người nắm vững tâm lý tiếp nhận của công chúng trong khi dịch thơ Hồ Chí Minh.
Một lý do khác đưa bản dịch Nhật ký trong tù năm 1960 đến những kết quả ngoài sức mong đợi, theo chúng tôi còn là ở chỗ, đối với tác giả Hồ Chí Minh, Nam Trân thủy chung có niềm yêu kính chân thành. Ông nhìn thấy chỗ lớn lao của lãnh tụ và biết dùng nguồn ánh sáng tâm cảm ấy soi vào từng lời dịch của mình. Sự đồng nhất hóa giữa người dịch và người thơ xẩy ra trong tâm hồn ông là điều tự nhiên không cần gắng sức. Hồn thơ của người viết lần lượt chuyển ra đầu ngọn bút của Nam Trân chính là vì thế. Còn nhớ năm 1967, vào khoảng thượng tuần tháng 5, Nam Trân rời lớp đại học Hán học của Viện Văn học về Hà Nội chữa bệnh và từ đó không bao giờ trở lại. Buổi sáng ông ra xe, đi qua nhà ăn tập thể, thấy vợ chồng tôi đang ăn bánh đúc, ông ghé lại, nhận lời mời, ăn một miếng, rồi bảo tôi đưa giấy và bút ra để ông chép thơ. Ông đã chép tặng tôi hai bài thơ thất ngôn bát cú chữ Hán cùng một đầu đề (kỳ nhất, kỳ nhị) do mình vừa sáng tác cho kịp mừng ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch khoảng hơn một tuần sau. Hai bài thơ chưa kịp công bố thì ông đã vĩnh viễn nằm xuống. Mấy chục năm nay tôi vẫn giữ tờ giấy đó trong số các tài liệu ghi chép thời đi học. Tôi đinh ninh sẽ được gửi đến bạn đọc một dịp thuận tiện sau này. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nam Trân, tôi đã cố công lục lại, nhưng thật đau lòng, sau nhiều phen di chuyển, hai lần từ nơi sơ tán về Hà Nội, rồi thêm hai ba lần chuyển nhà, phong bì đựng hai bài thơ đã thất lạc đâu mất tìm chưa thấy. Dù vậy, tôi vẫn còn nhớ được đầy đủ bài đầu, nay xin phiên âm và lạm trình bạn đọc bản dịch ra tiếng Việt của tôi để tạ lỗi với hương hồn ông, sau nữa cũng để chúng ta cùng ngẫm nghĩ thêm về tấm lòng tri ngộ của dịch giả Ngục trung nhật ký đối với người thơ - Lãnh tụ Hồ Chí Minh:
人。 
春。 
點。 
新。
慮。
屯。
甚。 
文。   
Môn tiền hỷ thước báo văn nhân,
Bá bá phương kim thất thất xuân.
Tiền tuyến lôi minh, hoa pháo điểm,
Hậu phương kỳ tế, đại gia tân.
Dạ văn bá bá thanh ưu lự,
Triêu tưởng gia gia khúc kiển truân.
Hốt kiến nhất sinh nhàn nhã thậm,
Hô nhi đới chỉ dĩ xao văn.
Cửa ngoài chim khách gọi văn nhân:
Mừng Bác Hồ tròn bảy bảy xuân.
Tiền tuyến pháo hoa, ran tiếng sấm,
Hậu phương cờ rợp, nức lòng dân.
Đêm nghe tiếng Bác còn thao thức,
Ngày ngẫm muôn nhà vẫn khó khăn
Bỗng thấy mình đây nhàn rỗi quá,
Gọi con đem giấy gọt đôi vần.

Chú thích:
(1). Hồ Chí Minh - Thơ toàn tập, Nxb Văn học, 2003, tr.481.
(2). Hồ Chí Minh - Thơ toàn tập, Sđd, tr.480.
(3). Trong bài viết đã dẫn, ông Trần Đắc Thọ nói việc tiến tới xuất bản bản dịch trọn vẹn năm 1990 của Viện Văn học là do chỉ thị của ông Trường Chinh.
(4). Hiện còn giữ được hai biên bản ghi tất cả các góp ý của những thành viên phát biểu trong cuộc họp này: Nguyễn Sĩ Lâm, Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Văn Hỷ, Lê Trí Viễn, Đỗ Ngọc Toại, Đinh Gia Khánh, Tô Lân, Phạm Công Minh, Đoàn Ngọc Phan, Bùi Văn Nguyên, Khương Hữu Dụng. Cuộc họp do Hoàng Trung Thông chủ trì.
(5). Thực ra, bản dịch năm 1960 in là “nhàn tọa”, và Nam Trân dịch là “nhàn rỗi”; sau này đối chiếu lại bản gốc chúng tôi thấy đó là chữ “bế” nên đã sửa lại.

GS. Nguyễn Huệ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét