Nam Trân

Nam Trân

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười

Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười


- Ông thường sử dụng bút danh Bút chiến đấu, và đã thực sự tuyên chiến với bao thói hư tật xấu, nhưng trong tâm trí của những bạn đồng niên và nhiều người khác, đằng sau ngòi bút hóm hỉnh này là cả một tấm chân tình. Ông luôn muốn chia sẻ với mọi người, dù chỉ bằng tiếng cười. Bài viết của Nguyễn Tý nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (14/3/1900).
Vài nét về nhà thơ Tú Mỡ
Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Sinh ngày 14/3/1900 tại Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình tiểu thủ công.
Lúc nhỏ, được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Thời Pháp thuộc, sau khi đỗ bằng Thành chung, làm Thư ký ở Sở Tài chính. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu tham gia kháng chiến, dùng ngòi bút tuyên truyền động viên nhân dân.
Năm 1951, được giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1952, tham dự Ðại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Từ 1954, tiếp tục sáng tác, phục vụ cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới. Năm 1956, ông được giải nhì về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, được bầu là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông còn là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II. Ông mất ngày 13/7/1976.
Tác phẩm chính: Giòng nước ngược (tập I, 1934; tập II,1941); Ðịch vận diễn ca (1949); Nụ cười kháng chiến (1952); Anh hùng vô tận (1952); Trung du cười chiến thắng; Nhà sư giết giặc (chèo); Rồng nan xuống nước (tuồng); Tấm Cám (1955); Nụ cười chính nghĩa (1958); Bút chiến đấu (1960); Ðòn bút (1962); Ông và cháu (tập thơ thiếu nhi - 1970); Thơ Tú Mỡ (thơ tuyển -1971)...
Tam chan tinh dang sau nhung tieng cuoi
Nhà thơ Tú Mỡ
Sở dĩ ông có bút danh Tú Mỡ là vì vào năm 1918, ông bắt đầu mê thơ Tản Đà và ông mến tài thơ và tính khí khái của Tú Xương, hầu như bài thơ nào của cụ Tú Xương ông đều học thuộc cả, ông tự trào rằng Tú Mỡ “Mỡ mà chẳng Mỡ”.
Năm 1915, Tú Mỡ vào học trường Bưởi. Đây là ngôi trường có nhiều học trò sau này đã trở thành các trí thức uyên bác, nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như KonTum, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Từ Giấy, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu. Nguyễn Đình Thi, Nam Trân, Bàng Bá Lân, Đoàn Phú Tứ, Huyền Kiêu, Nguyễn Khắc Viện, Việt Phương...
Theo Hoài Anh, Chân dung Văn học, tập I, NXB Hội Nhà văn 2001 thì: Khi ấy cậu Hiếu vốn thông minh và ranh mãnh hay trêu chọc các thầy cô giáo là Tây, đầm. Thầy Tây khi ấy không biết tiếng Việt gọi học sinh Hàn Dụng Cư là “Hàn Rụng Cu” (mọi lần thì gọi học trò bằng con số). Thầy ra khỏi, học trò cười ầm. Hiếu đứng dậy nói to: "Đó là thầy ra cho chúng ta một vế đối. Tôi xin tức cảnh đối Hàn Rụng Cu với Đỗ Quẳng Giái!”. Hiếu muốn nói đến tên anh Đỗ Quang Giai, ngồi cạnh anh Cư. Cả lớp lại phá lên cười. Cũng vì nghịch ngợm nên chỉ trong một năm, Hiếu bị mất học bổng. Hiếu còn làm nhiều thơ châm biếm các ông thầy Tây như ông Roudet và đặc cho biệt hiệu là “Rùa” rằng: "Bâng khuâng tôi nhớ cụ Rùa/Cái cổ thì rụt, cái mu lặc lè”.
Về đời thường, Tú Mỡ ít quan tâm đến việc ăn uống, chuyện kể rằng, cô con gái ông nấu cơm vừa bị nát vừa bị khê bị mẹ la, ông liền ứng khẩu "bênh" con gái rằng:
Sống - bùi, nát - dẻo, khê - thơm/Đố ai nấu được nồi cơm ba mùi. Rồi vui vẻ bảo cô con gái rằng: "Con nấu cơm thế này là chưa giỏi vì còn thiếu vị bùi".
Trong tình bạn, ông đối xử rất mực thước và chân tình. Ông chơi thân với Hoàng Ngọc Phách tác giả của tiểu thuyết Tố Tâm thời đi học thường gọi ông là thằng "Bố lếu". Năm 1973, Hoàng Ngọc Phách mắc bệnh, ông đã làm thơ tặng: Mấy lời thăm hỏi bác Song An/Có phải va li đã sẵn sàng?/ Đấy thằng "bố lếu" thơ tinh ngịch/ Đây bạn "cô le" nghĩa cũ càng/ Bác thượng thọ rồi tôi cũng thượng/ Bác ra tàu trước đệ còn khoan". Nghe xong, Hoàng Ngọc Phách cười và ít ngày sau, Hoàng Ngọc Phách trút hơi thở cuối cùng.
Khi nhà văn Nguyễn Công Hoan vào bệnh viện chữa mắt, ông làm thơ Tặng con mắt Bác Hoan và hỏi:
"Bác không tham sắc chẳng tham tài/Cái mắt sao nhìn một hóa hai/Bác gái vào thăm duy có một/Con ngươi nhìn chệch hóa thành đôi...". Và khi Nguyễn Công Hoan vào bệnh viện nằm cùng ông, hai ông đã làm thơ xướng họa với nhau, mãi đến khi Nguyễn Công Hoan mất.
Có lần Hội Nhà văn Việt Nam đã lập Ban tang lễ, nhưng lại là lễ tang hụt vì Tú Mỡ vẫn sống, ông gửi tiếng cười cảm ơn đồng nghiệp và nhắn rằng: "Lần sau có định làm tang lễ/Thì xin tổ chức đám ma vui".
  • Nguyễn Tý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét