“Nhật ký trong tù” – 70 năm sáng mãi tinh thần lạc quan của Bác
– Ngày
10/9 là một ngày đáng nhớ khi cách đây 70 năm, đó là ngày Chủ tịch Hồ
Chí Minh viết bài thơ cuối cùng của tập Nhật ký trong tù, khép lại chặng
đường dài hơn 1 năm bị tù ngục gian khổ tại Quảng Tây, Trung Quốc.
“Nhật
ký trong tù” là một tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán của
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943. Tập thơ
chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ "Ngục
trung nhật ký" (tức Nhật ký trong tù) kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong là những bài thơ chữ Hán và một số ghi chép.
![]() |
Từ năm 1960, tác phẩm này được dịch ra tiếng Việt, được nhiều người đánh giá là một thể hiện khác của con người Hồ Chí Minh qua cách nhìn là một nhà thơ. Đến nay đã được xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật... Ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho Tác phẩm "Ngục trung Nhật ký".
70
năm qua, cùng với giá trị của một áng thơ bất hủ mà qua đó các thế hệ
sau này hiểu thêm về một thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của nhân cách
Hồ Chí Minh, vẫn còn nhiều câu chuyện kể liên quan tới cuốn nhật ký này
với nhiều chi tiết mới được phát hiện. Ẩn chứa trong từng câu chuyện đơn
lẻ đều thể hiện sự kính trọng với một con người vĩ đại - Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Nhật ký trong tù khép
lại ngày 10/9/1943, nhưng bị thất lạc mãi đến năm 1955 cuốn nhật ký mới
được gửi trở lại với chủ nhân bởi một người ẩn danh.
17
năm kể từ khi cuốn nhật ký được khép lại, vào năm 1960, 114/134 bài đã
được dịch sang tiếng Việt và lần đầu tiên đến được với công chúng nhân
kỷ niệm 70 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay lập tức Nhật ký trong tù
đã gây tiếng vang lớn với số lượng phát hành tới 10.000 bản - con số
phát hành chưa từng có ở thời điểm ấy. Dịch tập thơ này là ông Nam Trân,
ông cũng là người dịch thơ Nhật ký trong tù nhiều nhất và cũng là bản dịch được Bác coi là tốt nhất.
TS. Nguyễn Hồng Minh - cháu dịch giả Nam Trân, cho biết: “Tiêu chí thứ nhất để dịch Nhật ký trong tù,
người đó phải là nhà thơ. Tiêu chí thứ hai phải là người rất giỏi tiếng
Hán. Ngoài ra, người đó phải là một nhà văn hóa, thông thạo văn hóa
Việt Nam , văn hóa thế giới và đặc biệt phải thông thạo văn hóa của
Trung Hoa. Có thể nói ông Nam Trân hội tụ đủ những yếu tố đó và trong
khoảng gần 2 tháng, ông đã hoàn thành gần như trọn vẹn bản dịch đó”.
Bằng niềm kính yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lương y Trần Văn Quảng (Hà Nội) đã cần mẫn chép lại cả tập Nhật ký trong tù trong hơn 3 tháng. Tập thơ đã được ông tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Lương
y Trần Văn Quảng chia sẻ: “Lúc bấy giờ cụ Lê Xuân Hòa tuy viết chữ đẹp,
nhưng mà chữ rất nhỏ. Tôi nghĩ, nếu như thế, thanh niên trông thấy cũng
sợ chữ Hán, các cụ già không có kính lúp cũng không đọc được. Và từ đó,
tôi đã suy nghĩ sẽ viết bằng chữ to để các cụ đọc, đặc biệt có gợi ý
cho thanh niên thích học chữ Hán cũng đọc được thơ của Bác”.
70 năm qua, đã có nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu Nhật ký trong tù và họ đều khẳng định giá trị đặc biệt của tập thơ Nhật ký trong tù
không chỉ về nội dung tư tưởng, nghệ thuật ngôn từ, mà còn bao trùm
suốt toàn bộ tác phẩm là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần thép ẩn bên trong
tính nhân văn sâu sắc. Chỉ có duy nhất một chữ “thép”, nhưng toàn bộ
tập thơ, dường như bài nào cũng có chất thép.
“Lòng
yêu nước là động lực để thúc đẩy Người sáng tác, cho nên những tác phẩm
và hành động của Người đều thể hiện một ý chí, một dũng khí mà trong tù
người ta gọi đó là chất thép…”, Giáo sư Hà Minh Đức - nguyên Viện
trưởng Viện Văn học Việt Nam nói.
Qua Nhật ký trong tù
mà các thế hệ sau này mới hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung
bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là bức chân dung tự họa về Người.
Cũng qua thơ, người đọc sẽ thấy được tầm vóc lớn của một chân dung vĩ
đại, với khát vọng cao đẹp nhất là "Độc lập cho dân tộc và Tự do cho con
người". Khát vọng ấy đã được đúc kết bằng câu nói bất hủ khắc trên đá
hoa cương tại nơi an nghỉ cuối cùng của Người “Không có gì quý hơn Độc
lập, Tự do”.
https://vtv.vn/trong-nuoc/nhat-ky-trong-tu-gia-tri-vuot-thoi-gian-97632.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét