Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn

Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn

09/09/2013
(Tham luận Hội thảo 70 năm “Nhật ký trong tù” do Ban Tuyên giáo TW và UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN  tổ chức ngày 6/9/2013 tại Hà Nội)
I. Mở đầu
Xét cả về khía cạnh khoa học lẫn thực tiễn, giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của một kiệt tác văn chương - nghệ thuật chính là sức lan tỏa của nó trong đời sống tinh thần của cộng đồng, dân tộc và thời đại, cũng như cường lực hấp dẫn của nó đối với báo giới, nhà nghiên cứu, phê bình văn học- nghệ thuật, họa sĩ,... Kiệt tác “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số những tác phẩm hiếm hoi sẽ còn lan tỏa mãi đến xa sau cả về trường phủ sóng rộng khắp nhân quần lẫn sức hút ghe gớm đối với mọi người, mọi giới, mọi ngành trên khắp thế giới.                                                                  
II. Tỏa sáng một hồn thơ khắp muôn nơi
II.1. Điều kỳ diệu nhất là đối với bất kỳ ai đã, đang và sẽ đọc tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hơn nửa thế kỷ qua và cả sau này, không sớm thì muộn, cũng tìm thấy chí ít là một điều gì đó mà mình thật sự tâm đắc về tư tưởng uyên thâm của một bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng”, tình cảm bao la của một “người cha, người bác, người anh” hoặc về tài năng nghệ thuật thi ca của một nghệ sĩ lớn hay thú tiêu dao của người mang tầm cỡ và cốt cách một bậc hiền triết phương Đông qua cách dùng từ, chơi chữ.  
Đã 70 năm trôi qua, nhưng thực chất chỉ từ năm 1960, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được Viện Văn học dịch từ tiếng Hán ra tiếng Việt và cho xuất bản, công chúng nước ta mới được biết đến tác phẩm của một nhà thơ đặc biệt mang tên Hồ Chí Minh. Đặc biệt ở chỗ là lúc đầu Bác không “ham” làm thơ. Ngay ở bài mở đầu “Nhật ký trong tù” Bác đã bày tỏ rõ quan điểm của mình:
Ngâm thơ ta vốn không ham.
Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây.
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm, vừa đợi đến ngày tự do”.
Bởi vì, việc Bác dụng tâm nhất lúc bấy giờ là lãnh đạo Cách mạng Việt Nam giành độc lập tự do cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, chứ không “ham” làm thơ để trở thành thi sĩ. “Nhật ký trong tù” là cuốn sổ tay ghi chép bằng thơ những sinh hoạt của Bác và những điều Người “mục sở thị” cảnh huống trong nhà tù Tưởng Giới Thạch trong vòng hơn một năm. Nhưng gần nửa thế kỷ, kể từ khi được dịch ra tiếng Việt và xuất bản công khai, cuốn sổ ghi chép ấy, đã được hàng triệu người trên khắp thế giới đón nhận trân trọng và nồng nhiệt. Và nó thực sự đã trở thành một kiệt tác thi ca. Vậy phải chăng thơ đã tự tìm đến Bác hoặc thơ là một phẩm chất tự nhiên có sẵn trong con người Bác, khi hứng lên thơ cứ thế tuôn trào. Có lẽ là cả hai. Đấy chính là phẩm chất cốt yếu của một tài năng thi ca tầm cỡ thế giới.  
II.2. Ngay sau khi “Nhật ký trong tù” được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, cũng trong năm ấy, tại Matxcơva, nǎm 1960, tập thơ được dịch ra tiếng Nga, bản dịch của Paghen Antô Cônxki. Tiếp đến, năm 1962, tại Ulanbato, tập thơ đã được dịch ra tiếng Mông Cổ. Cũng nǎm 1962, tại Vácsava tập thơ được dịch ra tiếng Ba Lan. Trong nǎm này, tập thơ được dịch ra tiếng Anh, Nhà xuất bản Ngoại vǎn xuất bản tại Hà Nội, bản dịch của nữ thi sĩ người Australia Ailen Palmer. Tập thơ đã được xuất bản sáu lần. Nǎm 1963, tại Paris, nhà xuất bản Pierre Seghers, đã cho ra mắt độc giả tập “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Pháp do luật sư Phan Nhuận dịch. Sau đó nhà xuất bản Ngoại vǎn (Hà Nội) tái bản sáu lần nữa. Nhà xuất bản Europa (Hungary) đã xuất bản tập thơ bằng tiếng Hung. Nǎm 1966, Nhà xuất bản Ngoại vǎn Hà Nội đã xuất bản “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Quốc tế ngữ (tiếng esperanto), bản dịch của Đào Anh Kha. Tại Côpenhagen nǎm 1970, xuất bản tập thơ bằng tiếng Đan Mạch. Nǎm 1973, tập thơ được dịch ra tiếng Cezh ở Praha. Nǎm 1975, tại Zagrep (Nam Tư) tập thơ được dịch ra tiếng Nam Tư. Và đến nǎm 1976, tại Beclin, Nhật ký trong tù đã được dịch ra tiếng Đức. (1)
Vào những năm sau, tập thơ còn được nhà thơ Lào Sổmsỉ Đêxacămphu dày công nghiên cứu, dịch sang tiếng Lào và được Hội Hữu nghị Lào- Việt xuất bản năm 1990. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt- Lào (1962 - 2007) và 30 năm ký kết hiệp ước hữu nghị hợp tác kinh tế- văn hoá Việt-Lào (1977- 2007), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản có bổ sung, sửa chữa và nâng cao chất lượng dịch cuốn sách này với mong muốn giới thiệu rộng rãi hơn tập thơ với đông đảo bạn đọc Lào và Việt Nam (2).
Cũng cần phải nói thêm rằng, tập thơ sau khi được dịch ra một số thứ tiếng phổ biến như: Nga, Anh, Pháp,…từ các ngôn ngữ ấy nó được dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Do điều kiện giao lưu phát triển và nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày càng cao, có không ít người cảm thấy cần phải dịch lại “Nhật ký trong tù” từ nguyên tác tiếng Hán nhằm bám sát nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật hơn, dù trước đây nó đã được dịch từ một ngôn ngữ trung gian. Như vậy, cho đến nay, tập thơ “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng trên thế giới, kể cả tiếng Việt và năm 2012, kiệt tác này đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận tập thơ là “báu vật quốc gia” cùng với một số di thư khác của Bác như “Bản Di chúc”, “Bản Tuyên ngôn độc lập”, tác phẩm “Đường Kách mệnh”, “Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Việt hay các thứ tiếng khác, mỗi lần xuất bản đều với số lượng lên tới hàng chục vạn bản, chưa kể nối bản. Và có những bản dịch tái bản lên tới hơn cả chục lần. Có thể nói “Nhật ký trong tù” là một trong số những tập thơ có khối lượng phát hành thật sự khổng lồ. Nhưng đằng sau số lượng bản in, chính là sức lan tỏa của nó tới hàng triệu người trên toàn thế giới. Thử làm một phép tính thật sự đơn giản, tất cả những người Việt Nam được ngồi  trên ghế nhà trường từ cấp phổ thong đến bậc đại học, ít nhất một lần trong đời đã từng được học và được đọc “Nhật ký trong tù” và có không ít người thuộc một hay nhiều bài thơ trong tập sách đó. Ví dụ như bài thơ “Mới ra tù tập leo núi”, chẳng mấy ai không thích và không thuộc bởi cảnh cũ, người xưa vẫn còn nồng thắm, sáng trong; bởi nghị lực rèn luyện phi thường của một chiến sĩ Cộng sản, vừa được thoát khỏi cảnh lao tù của thực dân ở ngoài biên cương của Tổ quốc mình:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.”
(NAM TRÂN dịch)
 Nước ta có gần 90 triệu dân, ước có khoảng 2/3 số người (gần 60 triệu) thuộc diện nói trên. Như thế, tập thơ “Nhật ký trong tù” chỉ tính lượng độc giả trong nước đã lên tới hàng chục triệu người, nếu tính cả độc giả nước ngoài, có thể lên tới cả trăm triệu, nên hoàn toàn có thể xếp tập thơ vào loại tác phẩm văn học kinh điển của mọi thời đại không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả thế giới vì sức lan tỏa rộng khắp của nó.
II.3. In “Nhật ký trong tù” trên giấy trắng với công nghệ in ti-pô hay in laze là rất bình thường và rất phổ biến. Nhưng, như vậy có vẻ như chưa làm thỏa mãn được lòng tôn kính đối với Bác, tác giả tập thơ, cũng như chưa thỏa mãn sở thích tìm tòi, sáng tạo của không ít người, nên họ đã nghĩ ra những cách thể hiện độc đáo khác. Chẳng hạn như Quyển thư pháp về “Nhật ký trong tù” có kích thước 1m x 0,52m x 0,15m, với 322 trang, trọng lượng 40kg. Bìa sách được làm bằng gỗ; các góc, gáy sách và bản lề được làm bằng đồng. Đây là một công trình tập thể do họa sĩ- nghệ nhân Trần Quốc Ẩn (Nha Trang) kết hợp với các nhà thư pháp, họa sĩ, nghệ sĩ như Lê Vũ, Trần Hòa Ân, Văn Xuân Lộc (Nha Trang), Nhuận Đức, Nguyệt Đình, Phạm Kế (Huế), Nguyễn Thế Mẫn, Hồ Công Khanh, Ái Diệp, Nguyên Luân, Ngọc Thạch, Sỹ Bằng, Xuân Điềm (Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Sơn, Trương Tuấn Dũng, Trương Tuấn Hải, Huỳnh Tuần Bá, Trần Xuyên, Lý Khắc Nhu, Lý Tùng Niên, Ô Dân Phát, Trương Lộ (TP.HCM)... kỳ công thực hiện trong hơn một năm ròng. Bộ sách đã đã được trao giải “Sách độc đáo giá trị” tại Hội sách Tp. Hồ Chí Minh lần 3 (2004), tại Festival Huế 2004 được trao giải “Tinh hoa Việt Nam”, đặc biệt năm 2007 đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam (3). Ngoài ra tập thơ còn được thể hiện trên các chất liệu khác như giấy dó, gỗ, giấy xuyên chỉ, vải giả da của Anh,…của nhiều tác giả khác. 
II.4. Đã từng có một Triệu Hoàng Giang ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thể hiện nhiều tranh, ảnh Bác Hồ trên chất liệu đá. Đặc biệt anh đã thành công khi thể hiện “Bản Di chúc” của Người trên đá. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen ngợi, bức thư có đoạn: “Tôi rất cảm phục và cảm động trước công việc khắc đá ghi lại cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang. Đây là hành động tuyệt vời, cần được phát huy và phát triển lên một tầm cao mới”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã gửi thư khen với một tình cảm trân trọng: “Xem tranh đá của Triệu Hoàng Giang, tôi cảm thấy như được gặp lại, nghe lại, học lại những gì Bác đã căn dặn con cháu…(4).
Như thế, biết đâu đến một ngày đẹp trời nào đấy, chúng ta lại có thể được chiêm ngưỡng kiệt tác “Nhật ký trung tù” trên chất liệu đá? Điều ấy một lần nữa khẳng định sức lan tỏa của “Nhật ký trong tù” là không có giới hạn cả về số lượng độc giả, chất liệu, phương thức thể hiện, kiểu cách in ấn, chế tác, nghiên cứu, phẩm bình,...       
III. Tiềm ẩn nhiều giá trị cần khai sáng
III.1. Có thể nói, việc dịch thuật, in ấn, xuất bản cả trong và ngoài nước với số lượng bản sách không lồ như vậy, sức lan tỏa của “Nhật ký trung tù” là điều hoàn toàn được khẳng định, nhưng dường như đấy chỉ mới là “bề rộng” của sức lan tỏa ấy. Còn về chiều sâu thì sao?
Với một kiệt tác thi ca như “Nhật ký trung tù” chắc chắn sức lan tỏa về chiều sâu trí tuệ khoa học và xúc cảm thẩm mỹ vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều, cuốn hút nhiều thế hệ nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà chế tác nghệ thuật, họa sĩ,… ngõ hầu tìm tòi, khám phá nhiều giá trị tư tưởng và thẩm mỹ còn tiềm ẩn trong kiệt tác đó. Thế nhưng, dù với sự nỗ lực hết mình về tài năng, trí tuệ, tình cảm và sức lực của một người hay một nhóm người nào đấy chắc chắn là chưa đủ, cần phải huy động sức mạnh chung của cả cộng đồng và trải qua nhiều năm tháng, khả dĩ mới có thể làm được một phần nào đó  công việc đầy khó khăn, nhưng cũng hết sức thú vị này.
Đối với một kiệt tác văn chương, không bao giờ là câu chuyện của một người và của một thời, mà nó là một hằng số giá trị bất biến của muôn người và muôn đời. Ở nước ta cũng như trên thế giới, điều này đã từng xảy ra với nhiều kiệt tác trước đây. Dường như đối với các kiệt tác văn chương càng nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, càng không bao giờ chạm đến đích cuối cùng.
Cho đến nay đã có hàng trăm bài báo, tạp chí, công trình nghiên cứu, luận án từ đại học đến tiến sĩ nghiên cứu tìm hiểu về tập thơ “Nhật ký trung tù” của Bác, nhưng càng ngày lại càng nảy sinh thêm những vấn đề mới, mà trong khuôn khổ một bài báo, bài tạp chí, luận án hay công trình nghiên cứu không thể nào bao quát hết và làm sáng tỏ mọi vấn đề. Chỉ riêng “hành trình nguyên tácNgục trung nhật ký” đã làm nảy sinh nhiều cuộc bàn thảo trên báo chí và Hội thảo khoa học.  
III.2. Nhà văn, nhà báo Hoàng Quảng Uyên quê ở Cao Bằng tự nhận mình là
người viết sử bằng văn” đã dày công lặn lội trong nhiều năm, qua nhiều núi cao, suối sâu trong mọi điều kiện thời tiết từ Cao Bằng, Tuyên Quang đến Hà Nội và sang tận cả Trung Quốc để truy tìm tận gốc hành trình của “Ngục trung nhật ký” sau 10 năm “lưu lạc”. Cuối cùng ông đã xác định: “Dẫu chưa có một kết luận được công nhận, nhưng bài hồi ký của ông Hoàng Đức Triều đã có định hướng cho sự tìm kiếm. Bây giờ phạm vi tìm kiếm đã chuyển tới vùng đất Lam Sơn “khu trú” trong một vùng đất hẹp. Vấn đề là từ một vấn đề nhỏ như… sợi tóc làm sao chứng minh được rằng Bác Hồ đã gửi “Nhật ký trong tù” cho ông Hoàng Đức Triều ở trên lán Pác Tẻng, sau đó đến năm 1955 (mười năm sau) Bác Hồ mới được nhận lại.  Tôi đã đến Lam Sơn “khảo sát” nhiều lần, gặp nhà thơ Hoàng Triều Ân (là con trai thứ ba của ông Hoàng Đức Triều). Tồi tìm gặp ông Hoàng Đức Nam (anh trai của ông Hoàng Triều Ân). Các ông đã cung cấp thêm một số chi tiết. Ông Hoàng Triều Ân khẳng định thời gian Bác đến Lam Sơn đàm đạo thơ với ông Hoàng Đức Triều, đọc, bình giảng một số bài thơ trong quyển sổ tay giấy mềm, rồi “để quên” nơi Bác ở (lán sơ tán Pác Tẻng). Ông Hoàng Triều Ân đã dẫn tôi lên hang Ngườm Bốc, ra mỏ nước đầu nguồn, lên hang Pác Tẻng gặp một số nhân chứng…Sau những lần “khảo sát” đó, những chứng cứ, những luận chứng để “chứng minh” càng rõ dần ra, nhưng tôi vẫn chưa thật sự thỏa mãn…Nhưng sự thực vẫn là sự thực, tôi tin vào những điều mình phát hiện, cũng như tin một cách có cơ sở khoa học để chứng minh tính đúng đắn của một vấn đề,…(5)
Đây chỉ là một trong hàng chục người đã dày công muốn hiểu rõ ngọn ngành sự thật về hành trình “lưu lạc” của “Ngục trung nhật ký”. Tuy nhiên, sự xác tín khoa học về những điều mà nhà văn Hoàng Quảng Uyên nói trên rất cần được kiểm chứng, bởi lẽ qua đoạn trích trên đây, một vài sự “hoài nghi” khoa học đã được đặt ra. Hai người con là ông Hoàng Triều Ân và Hoàng Đức Nam không phải là người trực tiếp được Bác đàm đạo thơ, mà chỉ có ông bố Hoàng Đức Triều. Mặt khác, trong các tư liệu mà Hoàng Quảng Uyên thu thập được, chưa cho thấy rõ ai là người trực tiếp giữ “quyển sổ tay giấy mềm” của Bác trong khoảng 10 năm, rồi sau đấy, ai là người đã gửi nó qua Văn phòng Chính phủ để Bác được nhận lại. Năm nhận thì có, nhưng ngày tháng nào gửi lại không rõ. Hoàng Quảng Uyên viết: “Bài hồi ký (nhất là đoạn bàn về thơ) đã hé lộ nhiều điều nếu ta thực sự nghiền ngẫm, mổ xẻ, phân tích. Thứ nhất, ông Hoàng Đức Triều là người được Bác tin cẩn trao đổi những “tâm sự thơ”. Thứ hai, quyển sổ tay giấy mềm đúng là quyền “Ngục trung nhật ký” vì Bác Hồ chỉ có độc một quyển sổ chép thơ. Thứ ba, đến lúc này “Ngục trung nhật ký” vẫn là vật “bất ly thân’ của Bác cùng Bác đến Lam Sơn…(6). Đây có thể là những nhận xét, phán đoán khả lý nhưng chưa phải là toàn lý vì có những chỗ chưa thật sự thuyết phục. Chẳng hạn như nhà văn Hoàng Quảng Uyên cho rằng “đến lúc này (tức năm 1945- Đ.N.Y) “Ngục trung nhật ký” vẫn là vật “bất ly thân’ của Bác”, thế sao Bác lại có thể “bỏ quên” ở lán Pác Tẻng trong một lần dừng chân hay là Bác đã đích thân gửi lại cho ông Hoàng Đức Triều? Thứ nữa, “quyển sổ tay giấy mềm đúng là quyền “Ngục trung nhật ký” vì Bác Hồ chỉ có độc một quyển sổ chép thơ” là một phán đoán khá khiên cưỡng, biết đâu Bác còn có một quyển sổ tay giấy cứng chép thơ nữa thì sao?,…
Nhưng, dù sao đây cũng là một quá trình tìm tòi rất công phu của nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhằm tìm ra hành trình của “Ngục trung nhật ký” trước khi được dịch ra tiếng Việt và xuất bản công khai, rất đáng ghi nhận và trân trọng. Bên cạnh đó còn có hàng chục các công trình khảo cứu tìm hiểu về những người đầu tiên dịch “Ngục trung nhật ký” từ tiếng Hán ra tiếng Việt, từ tiếng Việt ra các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp và từ các thứ tiếng ấy ra các ngôn ngữ khác trong quãng thời gian hơn nửa thế kỷ qua.
III.3. Giáo sư Huệ Chi đánh giá cao bản dịch “Nhật ký trong tù” của nhà thơ, dịch giả Nam Trân cũng như nhà thơ Khương Hữu Dụng đánh giá cao bản dịch đầu của hai ông Văn Trực (Phạm Văn Bình) và Văn Phụng. Trong một bài nghiên cứu của mình, Giáo sư Huệ Chi cho rằng: “Thử nghĩ xem, trong vòng hai tháng- trong khi lẽ ra phải là hai năm hoặc lâu hơn nữa - một tập thơ 133 bài chọn dịch 114 bài đã được chuyển ngữ nghiêm chỉnh ra thơ mà ảnh hưởng của nó trong năm 1960 và nhiều năm về sau như nhiều người đều chứng giám: làm lay động sâu sắc tâm hồn bạn đọc thuộc nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội, với số lượng cụ thể của lần in thứ nhất 45 vạn bản in phổ thông và 2 vạn bản in có kèm chữ Hán được bán hết và phải nối bản ngay trong cùng năm đó. Vấn đề đặt ra ở đây là: chỉ nói về phía bản dịch chứ không nói uy tín của tác giả Hồ Chí Minh đối với tập thơ, thì ai là người đóng vai trò quyết định thành công tốt đẹp và nhanh chóng thần kỳ đến thế? Những năm sách mới ra mắt, ngoài các cán bộ Viện Văn học và một số nhà thơ, nhà văn nào đấy quen biết với Viện, một số vị lãnh đạo ở Ban Tuyên giáo trung ương, câu hỏi này hầu như không ai rõ. Còn ngày nay thì chúng ta đều biết đó là công lao của Nam Trân, một nhà thơ có danh trong làng thơ mới, cũng là một trí thức có cả vốn Hán học lẫn vốn Tây học sâu rộng. Có thể nói, Nam Trân đã lĩnh nhận một nhiệm vụ rất khó khăn trong phạm vi một thời gian quá hạn hẹp, nhưng bằng nỗ lực và tâm huyết phi thường không một ai sánh kịp, bằng sự cảm thụ thơ tinh tế và tài năng của một nhà thơ đích thực, ông đã biến nhiệm vụ chính trị gian khổ kia thành niềm hứng thú trọn vẹn. Hơn đâu hết, trong phạm vi công việc dịch gấp gáp khẩn trương Ngục trung nhật ký có lẽ đã bắt ông làm ngày làm đêm liền trong hai tháng, Nam Trân đã chứng tỏ cái quy luật sau đây muôn đời vẫn đúng: dịch bao giờ cũng là đồng sáng tạo”. (7)
Ngoài việc ghi công đầu cho nhà thơ- dịch giả Nam Trân, qua ý kiến của Giáo sư Huệ Chi, chúng tôi thấy một vấn đề mới đáng chú ý là khả năng khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của “Nhật ký trong tù” không chỉ đối với riêng dịch giả- nhà thơ tài hoa của Phong trào thơ Mới, Nam Trân, khiến ông có thể hoàn thành một công việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng có những người cũng bắt nguồn từ “Nhật ký trong tù” mà sáng tạo nên những tác phẩm cho riêng họ có giá trị và rất đáng ghi nhận.
IV. Thay cho lời kết
Chiều sâu sự lan tỏa của “Nhật ký trong tù” còn thể hiện ở chỗ khiến cho nhiều người không bằng lòng với các bản in trên giấy trắng, bằng tiếng Việt phổ thông, nên đã đi tìm những cách thể hiện bằng chữ thư pháp, trên nhiều chất liệu khác nhau, thậm chí trên đá, đặng “vĩnh hằng hóa” kiệt tác thi ca này của Bác. Rồi nhiều người lại không bằng lòng với việc dịch “Nhật ký trong tù” qua một ngôn ngữ trung gian, cũng như nhiều người chưa thật sự bị thuyết phục bởi những đoạn “tạm kết” của nhà văn Hoàng Quảng Uyên, những nhận định, đánh giá công lao của dịch giả- nhà thơ Nam Trân của Giáo sư Huệ Chi,...
Và ngay trong cuộc Hội thảo này, những vấn đề cũ tưởng chừng như đã được giải quyết xong, cũng sẽ được thẩm định lại, nhiều vấn đề mới sẽ nảy sinh và được bàn luận sôi nổi. Đấy là sức lan tỏa của một kiệt tác thi ca khiến tất cả chúng ta luôn cảm thấy bất ngờ và thú vị.
Ở khía cạnh này, chính tập thơ đã tạo nguồn cảm hứng, làm tiền đề cho các quá trình khám phá, sáng tạo mới đối với các nhà báo, nhà khoa học, nghệ thuật,…cũng như bất kỳ ai yêu mến và cảm phục trước một tâm hồn thơ lớn Hồ Chí Minh và kiệt tác của Người mang tên “Nhật ký trong tù”./.

Hà Nội, ngày 29/8/2013
Đ.N.Y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét