Nam Trân

Nam Trân

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Cuốn học bạ và chuyện về một lớp học đặc biệt

 Cuốn học bạ và chuyện về một lớp học đặc biệt  

Cập nhật lúc 09:17 26/08/2016

Cầm trên tay cuốn học bạ có từ gần nửa thế kỷ trước, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh* kể bao chuyện về một lớp học đặc biệt và duy nhất mà bà được tham gia. Đó là lớp đại học về Hán học, do Viện Văn học mở tại nơi sơ tán trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuốn học bạ của học viên Trần Thị Băng Thanh, có kích thước 13,4cm x 18,7cm, bìa màu nâu, giấy đã ố vàng, rách góc dưới bên phải, ghi kết quả học các môn từ năm 1965 đến 1968, và có cả nhận xét của Ban chủ nhiệm lớp. Đây là tài liệu minh chứng cho sự tồn tại một lớp đặc biệt đào tạo đại học về Hán học được mở ra trong bối cảnh Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Lớp học này là duy nhất bởi chỉ mở một  khóa học ấy. Kể về cuốn học bạ của mình, ký ức PGS.TS Trần Thị Băng Thanh trở về với hàng loạt sự kiện và câu chuyện hồi thập niên 60 trong thế kỷ trước.

 


Trang cuối cuốn học bạ của học viên Trần Thị Băng Thanh

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ngành Văn ở khoa Văn - Sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trần Thị Băng Thanh được phân công về công tác tại trường Trung cấp Ngoại ngữ Hà Nội, giảng dạy mảng văn học từ dân gian, lãng mạn, hiện thực, cổ điển đến văn học cách mạng. Năm 1964, trường Trung cấp Ngoại ngữ giải thể, Băng Thanh được người quen giới thiệu về công tác tại tổ Thuật ngữ khoa học, thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Thời kỳ đó, tổ Thuật ngữ khoa học mới chỉ bắt đầu đặt nền móng cho bộ môn thuật ngữ học.

 

Khi mới về tổ Thuật ngữ khoa học, do chưa có kinh nghiệm nghiên cứu và còn thụ động trong công việc, nên Trần Thị Băng Thanh được tổ trưởng Lưu Vân Lăng[1] giao cho việc gì thì làm việc đó. Vì thế, Băng Thanh chán nản, không hứng thú và thiếu định hướng để nghiên cứu.

 

Năm 1965, đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, miền Bắc nước ta phải chuyển mọi hoạt động cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thực hiện toàn dân tham gia chiến đấu, tổ chức đào đắp công sự  và hầm hào phòng tránh bom đạn, tiến hành sơ tán ra khỏi những vùng trọng điểm, những nơi đông dân cư... Tổ Thuật ngữ khoa học của Ủy ban Khoa học Nhà nước sơ tán về tỉnh Hà Bắc[2], ở tại thôn Tam Sơn, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), và Trần Thị Băng Thanh phải đưa theo cả mẹ và con trai.

 

Viện Văn học cũng sơ tán về huyện Hiệp Hòa, ở hai xóm cạnh nhau là Mã Cháy và Đồng Bèo, thuộc thôn Trung Hưng, xã Mai Trung. Viện này có tổ Phiên dịch gồm một số cán bộ như Hồ Tuấn Niêm, Đào Phương Bình, Nguyễn Đức Vân..., làm nhiệm vụ tuyển dịch tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Sĩ, thơ văn Lý - Trần... để phục vụ nghiên cứu văn học cổ. Tuy nhiên, theo lề lối làm việc như vậy, cán bộ nghiên cứu phụ thuộc vào tổ Phiên dịch, trong khi cán bộ dịch thuật ngày một lớn tuổi và về lâu dài sẽ khó có người thay thế.

 

Trước tình hình đó, GS Đặng Thai Mai[3] gửi công văn xin thành lập lớp đại học về Hán học và được Chính phủ chấp thuận, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí phê chuẩn công văn này, cho phép mở lớp đào tạo hệ 3 năm. Tháng 9-1965, lớp học chính thức khai giảng tại xóm Đồng Bèo. Mục đích đào tạo của lớp Hán học này là nhằm bồi dưỡng kiến thức về chữ Hán, phục vụ công tác nghiên cứu của cán bộ Viện Văn học, Viện Sử học..., đồng thời giúp người nghiên cứu hiểu nền văn hóa cổ phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Kể lại chuyện mở lớp này, PGS.TS Phạm Tú Châu[4] - một đồng nghiệp của PGS Trần Thị Băng Thanh và cũng là một học viên trong lớp, chia sẻ rằng: Trong văn học Việt Nam có một giai đoạn rất dài và rất rực rỡ được viết bằng chữ Hán, các cán bộ không đọc được chữ Hán sẽ không thể nghiên cứu được mảng văn học này. Trong khi đó, các chuyên gia đã lớn tuổi, dần dần ra đi, hoặc sức khỏe yếu không nghiên cứu được. Nên cụ Đặng Thai Mai quyết tâm mở lớp Hán học và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép[5].

 

Do số lượng cán bộ theo học không nhiều nên lớp đã tuyển thêm giáo viên cấp II và một số học sinh vì lý do nào đó mà không thi đại học, đang học dở trung cấp. Một số trường như Đại họcTổng hợp, Đại học Sư phạm cũng gửi cán bộ đến học. Vì vậy, sĩ số lớp học tăng lên, tổng cộng có khoảng 40 người.

 

Trong không gian làng quê ở nơi sơ tán, một lớp học được dựng lên theo kiểu thời chiến. Đó là ngôi nhà nửa nổi nửa chìm, bởi nền đào sâu xuống khoảng một mét; mái lợp lá cọ, tường đất đắp rất dày, có hai cửa ra giao thông hào dẫn đến các hầm trú ẩn, để khi báo động (có máy bay Mỹ) thì cả thầy và trò nhanh chóng chạy ra các hầm đó. Trong lớp kê hai dãy bàn ghế cho học viên, còn bàn giáo viên đặt trên một bục đất đắp cao hơn. Bà Băng Thanh vẫn nhớ, tất cả đều ở nhờ nhà dân, học viên Viện Văn học đều ở xóm Đồng Bèo, còn các thầy thì ở xóm Mã Cháy.

 

Biết thông tin về lớp Hán học, Trần Thị Băng Thanh xin đi học, như bà kể lại: Khi trao đổi về việc đi học, lúc đầu ông Lưu Vân Lăng không đồng ý, sau tôi thuyết phục ông: trong ngôn ngữ Việt, số lượng từ Hán Việt không ít, nếu không hiểu thì sao làm thuật ngữ được; vì thế ông đồng ý cho đi, nhưng ông bảo: “Theo quy chế, nếu đi học cô sẽ bị trừ lương”. Tôi chấp nhận, nói rằng “nếu khó khăn quá thì em chỉ xin 35 đồng tiền sinh hoạt phí”. Cuối cùng, tôi được đi học và bị trừ 5%, lương của tôi lúc đó là 65 đồng. Tháng 1-1966, tôi bắt đầu đi học lớp đại học Hán học[6].

 

PGS Trần Thị Băng Thanh còn nhớ rành rẽ: Ban đầu, mẹ và con trai tôi vẫn ở thôn Tam Sơn, tôi đi học theo buổi. Nhưng vì vào muộn một học kỳ, nên tôi phải trọ lại ở Đồng Bèo học đuổi cho kịp chương trình, cuối tuần mới về. Lúc đó mẹ tôi cũng đã lớn tuổi, con thơ hay ốm đau nên mỗi khi trời nổi gió tôi lại tất tưởi chạy về xem con có khỏe không, nếu không thì còn lo thuốc thang. Biết được hoàn cảnh ấy, Viện Văn học tìm cho tôi một nhà dân tại xóm Đồng Bèo để đưa cả nhà sang, tạo điều kiện thuận tiện cho tôi học hành và sinh hoạt.

 

Lớp Hán học ấy do GS Đặng Thai Mai làm Chủ nhiệm, nhưng có vai trò tương tự như hiệu trưởng ở trường đại học. Về sau, trong văn bằng cấp cho các học viên tốt nghiệp, ông trực tiếp ký tên với danh nghĩa là Hiệu trưởng trường Đại học Hán văn. Đây là một điều hy hữu: trường đại học mà chỉ có một lớp, chủ nhiệm lớp và hiệu trưởng là một. Tuy vậy, trực tiếp phụ trách lớp là cụ Cao Xuân Huy[7] - Chủ nhiệm lớp trên thực tế, hai ông Nguyễn Văn Hoàn[8] và Hoàng Trinh[9] là Phó chủ nhiệm, ông Trần Nghĩa[10] là giáo vụ, ông Kiều Thu Hoạch[11] phụ trách về mặt tổ chức, ông Đỗ Văn Hỷ[12] đảm nhiệm về giáo trình cho lớp. Các thầy đều là những nhà sư phạm đã thành danh như Phạm Thiều[13], Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, Nam Trân, Phạm Phú Tiết[14], Nguyễn Sĩ Lâm... Trong đó, như PGS Băng Thanh nhận xét: Một số thầy giáo như Cao Xuân Huy, Phạm Thiều đều thuộc thế hệ lão nho thời trước, có kiến thức rất uyên thâm cả Tây học và Hán học, đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm do chính phủ bảo hộ Pháp mở, lớp người mà sau này khó có thể có được nữa, điều ấy cũng tạo nên sự đặc biệt cho lớp đại học Hán học này.

 


Lớp đại học Hán học. Học viên Trần Thị Băng Thanh  (hàng đứng, bìa phải)

GS Đặng Thai Mai cũng trực tiếp giảng về lịch sử văn hóa Trung Quốc đặt trong mối quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, GS Mai dạy không nhiều buổi, chủ yếu giảng về phương pháp học, phương pháp nghiên cứu và tư duy, khích lệ ý chí phấn đấu của cán bộ trẻ. Theo chia sẻ của PGS Phạm Tú Châu: Những bài giảng của cụ đôi khi không đi theo một trật tự nhất định, có khi đang nói về một vấn đề, cụ lại mở sang một vấn đề khác, sau đó mới trở về vấn đề ban đầu. Điều đó khiến học trò khó hiểu và phải mất nhiều năm sau đó, khi họ đi vào nghiên cứu về lịch sử văn hóa Trung Quốc mới có thể hiểu được[15].

 

Như đã nói trên, đảm nhiệm công việc trực tiếp làm chủ nhiệm lớp là cụ Cao Xuân Huy, một nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, từng được gọi là “nhà Đạo học” khi mới 30 tuổi và được biết đến với nhiều giáo trình đại học có giá trị về Kinh Dịch, Luận ngữ, Mạnh Tử, Bách gia chư tử. Ở nơi sơ tán, trong mắt của cả học trò và người dân địa phương, hình ảnh của vị lão nho uyên thâm trở nên đặc biệt. PGS Trần Thị Băng Thanh không thể nào quên hình ảnh người thầy đáng kính hồi ấy: Thầy Huy già yếu nên cứ buổi sáng, sinh viên thường thay nhau mang thức ăn sáng cho thầy và đưa thầy sang lớp. Hôm thì xôi, khi thì bánh “nắp hầm” - một loại bánh làm từ bột mì, nặn thành hình tròn tròn giống chiếc nắp hầm rồi luộc lên (rất rắn), cùng với ít ruốc hoặc thịt gà kho..., mang đến mời thầy. Trên đường đến lớp, thầy đội mũ phớt, mặc bộ quần áo đũi trắng, tay chống batoong đi trước, học trò thì lễ mễ bê chồng sách vở tài liệu theo sau. Hình ảnh đó rất đẹp, có vẻ thư nhàn mà cổ xưa! Có lẽ đó là phong cách của một ông tiên, một đạo sĩ!.

 

Những bài giảng của cụ Cao Xuân Huy đặc biệt ở chỗ giống như phong cách thường nhật của cụ, do vậy không thể nào phai mờ trong ký ức học trò. PGS Băng Thanh tiết lộ: Học trò chúng tôi thường gọi vụng cụ là Phu tử. Khi giảng, cụ thường "dồn học trò vào chân tường", tức là cụ hỏi, gợi ý, dồn, ép, thúc, không cho sinh viên đầu hàng, ép tới mức họ bật ra quan điểm của mình, dù đúng hay sai cũng được. Vì vậy sinh viên thường nhớ rất lâu, những kiến thức thu được rất sâu sắc. Cụ còn giao cho sinh viên về đọc trước một số chương Luận ngữ, Mạnh Tử hoặc chuẩn bị chuyên đề. Hôm sau, cụ gọi một số sinh viên lên đọc và hỏi, nếu không trả lời được thì bị quát, nếu trả lời suôn sẻ thì được khen.

 

Liên quan đến lớp học này, ngoài cuốn học bạ, PGS Băng Thanh còn có một cuốn vở đã bị ố và nhòe mực do thấm nước, một số chỗ bị côn trùng cắn, trong đó học viên Băng Thanh ghi chép bài giảng của các thầy, đặc biệt có phần ghi bài giảng của GS Cao Xuân Huy trong chương trình năm thứ hai, gồm Kinh Xuân thu, Lão Tử...

 

Cụ Cao Xuân Huy giảng về Khổng Tử, Mạnh Tử, Luận ngữ, Trung dung, Đại học, Trang Tử, Lão Tử, Minh nho của Vương Thủ Nhân... Cụ giảng thật kỹ và căn bản về Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Lão Tử và tâm đắc nhất là về Lão Tử. Mặc dù khi nghe giảng về Lão Tử, Trần Thị Băng Thanh cảm thấy hơi khô cứng, nhưng nó cũng đem lại ấn tượng mạnh mẽ đối với bà: Bây giờ, tôi nghe người ta giảng về Lão Tử, cảm nhận được những điểm mới nhưng không cảm thấy xúc động, vì trót nghe cụ Huy giảng rồi. Ngoài kiến thức về triết học phương Đông, cụ Huy còn am hiểu cả triết học phương Tây, nên khi giảng cụ chỉ ra cho học sinh thấy những chỗ khác biệt, đặc thù của hai nền văn hóa, triết học, tư tưởng. Cụ như con người của Đạo học, nên không chỉ giảng kiến thức mà còn giúp người học đi vào bản chất của học thuyết ấy. Không hiểu về bản chất của học thuyết thì chỉ như người đứng ngoài quan sát mà thôi[16]. Trong cuốn vở kể trên, Băng Thanh ghi khá kỹ những bài giảng của cụ Huy về Lão Tử, bên cạnh đó ghi chép về văn tế của Vương Thủ Nhân, gồm nguyên văn chữ Hán, giới thiệu nhà triết học Vương Thủ Nhân và phần giải nghĩa từng từ trong bài văn tế.

 

Sau khi dạy hết phần triết học cổ, thầy Cao Xuân Huy dạy một số tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu như “Liêu Trai chí dị”... Bà Băng Thanh kể: Có lần cụ Huy bảo: “Ai dịch được “Liêu Trai chí dị” là giỏi rồi”. Vừa là tự ái, vừa là muốn thử sức, nên tôi và một số bạn đã dịch thử. Một số ít người dịch được, trong đó có tôi. Ban đầu, có những phần tôi không biết dịch như thế nào, nhờ quá trình tự mày mò, sau khi dịch được hai truyện thì cũng thấy thuận lợi hơn. Trong cuốn học bạ, kết quả môn triết học Trung Hoa của Băng Thanh chỉ có kỳ 1 năm học 1965-1966 là đạt điểm 4, còn lại suốt 3 năm học đều đạt điểm 5 - điểm tối đa, và được GS Cao Xuân Huy ghi vào đó nhận xét: Kết quả rất tốt.

 

Một thầy giáo khác để lại ấn tượng mạnh đối với PGS Băng Thanh là cụ Đào Phương Bình, người từng được đào tạo ở Trung Quốc. Trong lớp Hán học ấy, cụ dạy môn cổ văn Trung Quốc và dạy chữ Hán. Cụ thường giảng những tác phẩm của các nhà văn thời cổ ở Trung Quốc, điển hình là Sở Từ của Khuất Nguyên. Bà Băng Thanh chia sẻ: Cụ Đào Phương Bình rất mê Khuất Nguyên và cụ cũng có nhiều nét tính cách tương đồng với Khuất Nguyên, đó là tính cương trực thẳng thắn. Cũng vì tính cương trực ấy nên cụ đã cãi cấp trên, mặc dù không bị kỷ luật nhưng bị chuyển công tác, chỉ làm chuyên viên của Viện Văn học, với đồng lương hơn 50 đồng, không bằng lương của một người vừa mới tốt nghiệp đại học.

 

Cuốn học bạ cho biết, môn cổ văn Trung Quốc được học trong kỳ 1 của niên khóa thứ hai (1966-1967). Trần Thị Băng Thanh thi đạt điểm 5 và được cụ Đào Phương Bình ghi nhận xét: Tích cực và tốt về nhiều mặt. Cuốn vở ghi bài giảng cũng được học viên Băng Thanh dùng để làm bài tập, dịch một số bài thơ và văn xuôi phục vụ việc học chữ Hán. Những bài tập trong đó của Băng Thanh được cụ Đào Phương Bình cho điểm khá cao cùng với những nhận xét nghiêm túc, ví dụ như bài dịch Tuân Tử được cụ chấm điểm 9[17] và nhận xét: Dịch xuôi thông. Dịch ngược cũng khá nhưng chưa hẳn làm quen với từ ngữ của văn ngôn. Cần chú ý nhiều hơn nữa; hay như bài “Nước Tần và nước Tấn đánh nhau ở nước Hào”, cụ Đào Phương Bình cũng cho 9 điểm và lời phê: Bài nói chung tốt. Có đôi chỗ viết thừa không cần thiết[18].

 

Khi lớp học đã đi vào ổn định, Ban chủ nhiệm lớp mời thêm cụ Phạm Thiều về dạy. Trước đó, cụ đã là một người nổi danh, am hiểu cả Nho học và văn hóa phương Tây, từng là đại sứ Việt Nam ở Tiệp Khắc, Hungari. Cách sống và cách dạy của cụ Phạm Thiều cũng rất đặc biệt, không thể quên trong ký ức của PGS Băng Thanh: Cụ Phạm Thiều là người rất nguyên tắc, cụ đã nói không ăn là không ăn, không uống rượu là không uống, khi lên lớp thì cho học và nghỉ đúng giờ. Cuộc sống cá nhân rất nghiêm túc, mỗi tối cụ đều dành 10 phút để kiểm điểm xem trong ngày có mắc lỗi gì hoặc có điều gì cần rút kinh nghiệm về công việc, ứng xử hoặc lập trường tư tưởng hay không. Chúng tôi từng học về Tăng Tử, mỗi ngày Tăng Tử đều tự kiểm điểm ba lần; ông có hai chiếc lọ, một lọ đựng đậu đỏ, một lọ đựng đậu trắng, ứng với điều tốt thì ông bỏ vào lọ một hạt đậu đỏ, nếu có lỗi lầm, ông bỏ vào lọ kia một hạt đậu trắng. Rồi ông thường so sánh số đậu trong hai lọ để buồn, vui và cố gắng. Thấy thầy Thiều sống nghiêm túc như vậy, mấy bạn tinh nghịch trong lớp bịa chuyện "thầy chúng ta cũng có hai lọ đậu đen và đậu đỏ đấy!".

 

Cụ Phạm Thiều dạy thơ văn cổ Trung Quốc, như bài “Đào hoa nguyên ký” (Ký suối hoa đào) của nhà thơ lớn Đào Tiềm, là tác phẩm mang tư tưởng Lão Trang, trốn đời đi ở ẩn. Khi giảng bài này, cụ giúp học trò cảm nhận được chất lãng mạn, cổ xưa, nhất là làm cho người nghe có thể hình dung ra không gian, bối cảnh của bài văn cùng cuộc sống của nhân vật trong không gian văn hóa ấy. PGS Băng Thanh kể: Trong thời chiến, sống xa thành thị, không khí và quang cảnh lớp học rất hoang sơ, nên những tác phẩm văn học như “Đào hoa nguyên ký” cũng rất dễ thấm vào tình cảm chúng tôi, tôi rất thích. Trong một lần kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), tôi được chỉ định lên phát biểu. Chủ đề tự do, nên ngoài tình cảm thầy trò, tôi đã bày tỏ ấn tượng của mình với suối Hoa Đào thơ mộng do cụ Phạm Thiều dạy. Bài phát biểu được các sinh viên hưởng ứng và các thầy khen nhiều.

 

PGS Băng Thanh còn đặc biệt ấn tượng với một số tác phẩm khác do thầy Phạm Thiều dạy, như “Thu thanh phú”, “Văn tế Thạch Mạn Khanh” của Âu Dương Tu. Bà mô tả: Khi thầy giảng, học trò như có thể nghe được tiếng gió thổi, cảm nhận cái lạnh của mùa thu se sắt như thế nào... Sau này tôi đã đưa các bài đó vào giảng cho lớp Hán học mà Viện Văn học mở, nhưng tôi nghĩ không thể truyền cảm thành công được như thế.

 

Bà muốn kể đến một thầy giáo nữa trong lớp học đặc biệt ấy, đó là nhà thơ Nam Trân. Cụ là nhà thơ lãng mạn, nhưng rất uyên thâm, do cụ đọc nhiều sách mới nên cách giảng cũng rất mới. Khi giảng về bài thơ “Quan thư” trong Kinh Thi, có hình ảnh đôi chim Thư cưu sống hòa thuận ở bến sông, thì ngoài cách hiểu theo quan niệm truyền thống, cụ còn giảng thêm những khía cạnh về về tình yêu nam nữ theo cách hiểu mới. Hay khi phân tích thiên “Vệ phong” trong Kinh Thi, nói về việc trai gái hẹn nhau ở bãi dâu, theo quan niệm Nho gia thì đó là sự thiếu đứng đắn, đáng chê cười và thậm chí phải lên án. Nhưng qua bài giảng của cụ Nam Trân, người nghe lại có một cảm nhận rất mới mẻ, như cảm nhận của bà Băng Thanh: Ở một khoảng sông nước mênh mông, bên cạnh là bãi dâu xanh tốt, nét đặc trưng điển hình của những làng quê, có đôi trai gái hẹn hò nhau tạo nên vẻ đẹp thô sơ, dân dã, lại vừa lãng mạn. Cùng một lúc, nhà thơ Nam Trân giúp chúng tôi thấy được hai nét đẹp, hai cách nhìn về một vấn đề. Vì vậy, tôi rất thích học. Nhưng vì mải nghe nên không ghi chép được nhiều, cái gì nhớ được là nhớ lâu. Đáng tiếc là đến năm 1967, nhà thơ Nam Trân bị ung thư rồi qua đời, chúng tôi mất một người thầy chủ chốt của lớp học và nền thi ca mất một thi sĩ tài năng. Cũng theo cuốn học bạ, môn học về Kinh thi chỉ dạy trong niên khóa thứ nhất, và các bài kiểm tra của Trần Thị Băng Thanh đều được thầy Nam Trân cho điểm 5.

 

Chùm “Cổ thi thập cửu thủ” (19 bài thơ cổ) do cụ Nam Trân dạy cũng ảnh hưởng sâu sắc tới cách nhìn, cách sống và quan niệm về cuộc sống của Trần Thị Băng Thanh. Bà diễn giải và tâm sự: Chùm thơ ấy không xác định được tác giả và cũng không có tiêu đề từng bài, nên đời sau lấy câu đầu để đặt tên. Trong đó có bài “Nhân sinh bất mãn bách”, hai câu thơ đầu viết: Nhân sinh bất mãn bách/ Thường hoài thiên tuế ưu (dịch là: Ðời người chẳng được trăm năm/ Mà thường ôm mối lo nghìn thuở). Đó là những câu thơ rất triết lý nhưng trữ tình thâm trầm. Có thể nói, văn học cổ Trung Quốc rất đồ sộ và nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn, đi sâu vào lòng người. Khi ấy đang là thời chiến, chúng tôi đều đang ở độ tuổi thanh niên, chưa đến 30, nên hăng hái, rất tự tin. Những tác phẩm như “Cổ thi thập cửu thủ” khiến tôi có nhiều vương vấn, cách nhìn cuộc sống cũng có phần lắng lại, thấy được sự phong phú nhiều mặt của cuộc đời. Chẳng phải mình cứ muốn như thế nào thì được như thế, bàn tay mình không thể xoay chuyển mọi thứ, và dường như tất cả đều rất mong manh. Nhiều khi, con người ta phải phụ thuộc vào số phận, thân phận. Những thứ đó giúp cho tôi có cái nhìn sâu hơn về cuộc sống.

 

Tham gia dạy còn có cụ Phạm Phú Tiết - một nhà nghiên cứu về tuồng rất tinh thông Hán học, cụ dạy một số tác phẩm văn học đời Nguyên. Thêm nữa, có cụ Nguyễn Sĩ Lâm dạy các sách như Tả truyện, Chiến quốc sách... PGS Băng Thanh nhớ như in: Tiếng cười khoái trá của cụ khi giảng mẹo nghi binh của Tôn Tẫn - quân sư của nước Yên thời Xuân thu chiến quốc: buộc cành cây vào đuôi ngựa cho chạy tung bụi mù mịt để lừa đối phương (Bàng Quyên), chắc rằng rất nhiều học trò của cụ không thể quên bài và cũng không thể quên một khoảnh khắc chân dung thầy… Tất cả các thầy đều bình dị, gần gũi và để lại những ấn tượng khó có thể phai nhòa.

 

Lớp Hán học đó còn khác biệt các lớp dạy chữ Hán thường thấy ở chỗ, chương trình không bắt đầu lần lượt từ Tam tự kinh, Tam thiên tự, Minh tâm... mà mở đầu ngay bằng việc học tác phẩm kinh điển Luận ngữ. Ngoài ra, để trang bị vốn chữ Hán cho học viên, các thầy không dạy từng chữ, mà kết hợp dạy các triết thuyết của triết học cổ, để học viên có thể nhớ lâu, gắn từng câu, từng chữ với những điển tích, với lịch sử. Tuy nhiên, theo PGS Băng Thanh: Nhưng nếu chỉ biết chăm học các bài trên lớp, hoặc chỉ căn cứ vào những chú giải truyền thống thì không thể đi xa được, do đó người học phải tự đọc, suy nghĩ, và rất nên xuất phát từ thực tiễn văn học, cuộc sống thời cổ xưa của nước nhà mà suy luận thì mới hiểu hết, hiểu sâu được.

 

Mỗi tuần, lớp học 6 buổi liên tục, trừ thời gian nghỉ hè và tết. Trần Thị Băng Thanh được miễn học vào thứ năm, vì đó là buổi học về văn học phương Tây hoặc lý luận văn học, mà bà đã được học cả hai từ thời đại học. Vào các buổi được nghỉ ấy, bà thường tự bổ sung kiến thức, do nhập học lớp này muộn hẳn một học kỳ. Mặc dù phải học đuổi, số bài cần học nhiều hơn so với các bạn khác, nhưng thuận lợi là bà đã có vốn Trung văn từ thời phổ thông và đại học, có thể đọc được một số từ và nhận diện được nhiều chữ, chỉ phải theo dõi hoặc xem lại một số âm hoặc nghĩa.

 

Chỉ sau hơn 3 năm, nhiều học viên của lớp đã dịch được những tác phẩm văn học kinh điển cổ, mà như PGS Băng Thanh lý giải: Sở dĩ đạt được kết quả đó là do tất cả học viên đều đang ở nơi sơ tán, chỉ chuyên tâm vào việc học, họ học ngày học đêm, không khí học tập sôi nổi, khả năng tập trung cao, không bị phân tán bởi việc khác. Các thầy giáo đều là những nhà nghiên cứu lỗi lạc trong các lĩnh vực văn học, triết học, Hán học... mà sau này không thể có lại được.

 

Cuối năm 1968, Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, cũng là lúc kết thúc lớp đại học Hán học. Theo sổ học bạ, học viên thi tốt nghiệp hai môn: Lịch sử triết học Trung Quốc và Cổ văn Trung Quốc. Trần Thị Băng Thanh đỗ loại ưu, được Ban chủ nhiệm nhận xét: Học tập cần cù, kết quả tốt, có tinh thần xung phong gương mẫu trong công tác. Quan hệ quần chúng tốt. Cần có thái độ cứng rắn hơn trong đấu tranh tư tưởng. Cuốn học bạ được GS Đặng Thai Mai ký tên, đóng dấu ngày 1-11-1968.

 

Sau khi tốt nghiệp, mọi người trở về cơ quan công tác, những học viên được tuyển mới thì phải trông chờ vào sự phân công của tổ chức, trong đó có nhiều người được phân về Viện Văn học, Viện Sử học hoặc một số thư viện. PGS Băng Thanh bộc bạch về trường hợp của mình: Trước khi tốt nghiệp, GS Cao Huy Đỉnh[19] dặn ông Kiều Thu Hoạch vận động tôi về tổ Văn học dân gian của Viện Văn học công tác. Tôi vui vẻ nhận lời. Nhưng sau đó, ông Huệ Chi khuyên: “Theo tớ thì cậu không nên về tổ Văn học dân gian, vì lĩnh vực đó đã có nhiều người nghiên cứu. Về truyện cổ tích thì bố tớ (GS Nguyễn Đổng Chi) làm rồi, ngoài ra còn có GS Vũ Ngọc Phan đã nghiên cứu rất thành công tục ngữ, ca dao và dân ca Việt Nam. Cậu tính xem, cậu có thể nghiên cứu được gì ở lĩnh vực đó?”. Và ông Huệ Chi gợi ý tôi về làm việc ở tổ Cổ - Cận đại của Viện Văn học, trong đó đi sâu vào nghiên cứu thơ văn Lý - Trần. Trước hết là sẽ có rất nhiều việc để làm, như thu thập tài liệu để dịch. Trong quá trình đó, tôi sẽ có thể tìm được nhiều đề tài để đi sâu nghiên cứu. Mặc dù khi đó chúng tôi là bạn học cùng lứa, nhưng tôi thấy những điều Huệ Chi khuyên là hợp lý, nên đã nghe theo và tôi rất cảm ơn ông ấy về lời khuyên này. Sau đó, tôi đã cáo lỗi với ông Kiều Thu Hoạch để xin về tổ Cổ - Cận đại công tác.

 

Nhưng việc về Viện Văn học của Trần Thị Băng Thanh không thực hiện được ngay, vì bà vẫn thuộc biên chế của tổ Thuật ngữ khoa học, thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Năm 1968, Viện Ngôn ngữ học ra đời trên cơ sở tổ Ngôn ngữ tách ra từ Viện Văn học và tổ Thuật ngữ khoa học của Ủy ban Khoa học Nhà nước [20] được nhập về đấy. Sau khi lớp Hán học kết thúc, theo đúng nguyên tắc, tổ Thuật ngữ khoa học yêu cầu Băng Thanh trở về công tác. Bà kể lại chuyện này: Tôi nói với lãnh đạo của Viện Ngôn ngữ rằng: Tôi không giỏi về ngôn ngữ nên không hứng thú với công việc. Vị phụ trách nhân sự của Viện nói cũng có những phần việc thích hợp cho tôi như tu từ học hoặc từ điển. Nhưng quả thực tôi thấy công việc ấy rất khó nên không muốn trở về. Mặt khác, lúc này Viện Văn học cũng cần cán bộ có chữ Hán để triển khai công trình thơ văn Lý - Trần. Vì vậy, nghe ông Huệ Chi mách nước, tôi lên gặp Phó chủ nhiệm phụ trách tổ chức Ủy ban Khoa học xã hội là ông Trần Phương, xin cho phép chuyển công tác về Viện Văn học. Tôi trình bày: Nếu về lại Viện Ngôn ngữ, tôi sẽ không dùng đến kiến thức học suốt mấy năm vừa qua, vả lại công việc này quả thật không phải sở trường và sự yêu thích của tôi nên e là không đáp ứng được tốt yêu cầu của cơ quan. Rất may, GS Trần Phương là một vị thủ trưởng rất chú ý đến sở trường và cũng rất chiếu cố đến nguyện vọng của cán bộ khi sắp xếp công tác, nên ông chấp nhận thỉnh cầu của tôi, nhưng còn hỏi đùa: “Cô thích về Viện Văn học nhưng ở đó người ta có nhận cô không?” (Viện Văn học lúc đó rất cao giá). Tôi thật thà đáp vội: "Có ạ!". Sau đó, mọi việc tương đối thuận lợi, từ đó tôi về tổ Cổ - Cận đại thuộc Viện Văn học công tác cho đến khi nghỉ hưu.

 

Mấy tháng sau lễ tốt nghiệp lớp đặc biệt này cuối năm 1968, khi đã về Hà Nội, Viện Văn học tiếp tục tổ chức dạy bổ túc cho các học viên đã “ra trường”, chủ yếu là nâng cao trình độ về Hán Nôm - Ngữ văn cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu công việc. Tổng thời gian học thêm tương đương với gần 2 năm học chính quy và đến đầu năm 1972 thì tổ chức thi tốt nghiệp. Sau đó, một thành viên của lớp là ông Hoàng Lê đã làm đơn gửi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đề nghị được cấp bằng đại học hệ 4 năm. Vì thế, ngày 15-10-1976, toàn bộ các thành viên của lớp được cấp bằng đại học Hán học, ngành Hán Nôm - Ngữ văn, hệ 4,5 năm (cộng dồn 3 năm học tại nơi sơ tán và thời gian học tiếp sau đó). Bà Trần Thị Băng Thanh được cấp bằng loại khá.

 

 


Bằng đại học Hán văn của học viên Trần Thị Băng Thanh

Với PGS Trần Thị Băng Thanh, cũng như các thành viên khác của lớp Hán học, mấy năm học ấy đã trang bị không những kiến thức, mà còn cung cấp một công cụ quan trọng là vốn liếng Hán Nôm. Nhờ vậy họ có thể đọc, dịch, tra cứu, viết bài, góp phần tạo nên nhiều tên tuổi lớn sau này, như: GS Nguyễn Huệ Chi, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, GS Bùi Duy Tân, PGS Phạm Tú Châu, GS Đặng Thanh Lê..., hay một số nhà nghiên cứu khác như Hoàng Lê, Cao Hữu Lạng, Ngô Thế Long, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Cẩm Thúy, Đỗ Thị Hảo..., ai cũng có công trình riêng của mình, ít nhất là tuyển dịch, giới thiệu một tác giả. Với số cán bộ ở lại Viện Văn học công tác, những thành tựu nghiên cứu của họ được phát huy mạnh và liên tục. Gần nửa thế kỷ sau khi tốt nghiệp lớp Hán học, PGS Băng Thanh khẳng định: Lớp còn củng cố trong tôi niềm yêu thích văn học cổ. Nếu không có lớp đại học Hán học thì tôi hoàn toàn không làm được những việc như đã làm, mà có thể chỉ là một cô giáo chưa chắc đã dạy tốt được như các bạn của tôi. Hoặc nếu tôi quay về tổ Thuật ngữ thì cũng không dám chắc tôi có những thành tựu công việc tốt, kể cả về tu từ học. Cũng giống như tôi, GS Nguyễn Huệ Chi sẽ không thể trực tiếp đọc chữ Hán để đi sâu nghiên cứu về văn học cổ. Hay PGS.TS Phạm Tú Châu, vốn Trung văn rất tốt, có thể nghe, nói, đọc, viết như tiếng mẹ đẻ, nhưng nếu không học Hán học thì Châu khó có thể nghiên cứu về văn học cổ thuận lợi được. Cùng quan điểm với bạn đồng nghiệp của mình, PGS Phạm Tú Châu cũng chia sẻ: Mặc dù tôi đã có vốn tiếng Trung hiện đại, nhưng chữ Hán hoàn toàn khác về nghĩa và ngữ pháp, nên tiếng Trung chỉ phụ giúp một phần nào đó trong việc viết chữ. Nên người không biết tiếng Trung như cô Băng Thanh vẫn học giỏi như thường. Thời gian này, các thầy trang bị cho học trò cái “vốn” về Hán học, triết học và văn học cổ Trung Quốc, từ cái vốn đó sau này ai đi sâu nghiên cứu văn học cổ Việt Nam hoặc văn học Trung Quốc thì sẽ phát huy rất tốt, nếu không sẽ bị mai một, giống như việc học ngoại ngữ vậy. Vốn đó vô cùng quý, do các cụ đều là bậc cao Nho của nước mình, cách truyền cảm của các cụ rất sâu, lớp sau này không thể bằng. Vốn kiến thức mà các thầy cô giáo sau này truyền cho học trò cũng chỉ có chừng mực, không sâu[21].

 

Gần 50 năm đã qua, nhưng ký ức về lớp Hán học ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang vẫn như tươi mới trong tâm trí PGS.TS Trần Thị Băng Thanh. Cuốn học bạ và tấm bằng đại học khi tốt nghiệp lớp Hán học hồi ấy có thể không còn dùng đến, nhưng nó mãi là kỷ vật vô cùng quý, chứng tích về một lớp học đặc biệt và duy nhất, có tác dụng đặt nền tảng và củng cố tình yêu của các nhà nghiên cứu đối với văn học cổ, với Hán học nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung.

 

 

 

 Lê Thị Hằng - Nguyễn Thanh Hóa

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

 

_______________________

 

 * PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, chuyên ngành Văn học, nguyên Phó trưởng phòng Văn học cổ - cận đại, Viện Văn học.

[1]. Ông Lưu Vân Lăng tên thật là Nguyễn Danh Khuê (1928-1997), sau trở thành Giáo sư ngôn ngữ học, công tác tại Viện Ngôn ngữ học từ năm 1964 đến 1997.

[2]. Tỉnh Hà Bắc thành lập ngày 27-10-1962 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, đến ngày 6-11-1996 lại tái lập hai tỉnh như trước.

[3]. GS Đặng Thai Mai (1902-1984) là nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam.

[4]. PGS.TS Phạm Tú Châu, chuyên ngành Văn học, nguyên cán bộ nghiên cứu, dịch giả, Phó ban Văn học cận đại, Viện Văn học.

[5]. Phỏng vấn PGS Phạm Tú Châu ngày 30-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Phỏng vấn PGS Trần Thị Băng Thanh ngày 19-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của bà đều trích dẫn từ tài liệu này (nếu không có chú thích).

[7]. GS Cao Xuân Huy (1900-1983) là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông.

[8]. PGS Nguyễn Văn Hoàn (1931-2015) là một dịch giả, nghiên cứu Kiều học, từng làm Phó viện trưởng Viện Văn học.

[9]. GS Hoàng Trinh, tên thật là Hồ Tôn Trinh (1920-2011), nhà nghiên cứu văn học phương Tây, nhà lý thuyết và lịch sử văn học, từng làm Viện trưởng Viện Văn học.

[10]. PGS Trần Nghĩa (1936-2016) từng làm Viện trưởng Viện Hán Nôm.

[11]. GS.TS Kiều Thu Hoạch, từng làm Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian.

[12]. PGS Đỗ Văn Hỷ từng làm Trưởng phòng Văn học Việt Nam cận đại, Viện Văn học.

[13]. Phạm Thiều (1904-1986) là nhà nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, nhà ngoại giao và chính trị Việt Nam.

[14]. Phạm Phú Tiết tên thật là Nguyễn Ngọc Sỹ (1907-1967), nhà thơ Việt Nam.

[15]. Phỏng vấn PGS Phạm Tú Châu ngày 30-7-2016, tài liệu đã dẫn.

[16] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh ngày 14-6-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[17]. Cụ Đào Phương Bình dùng thang điểm 10 để chấm điểm bài tập của học viên.

[18]. Vở ghi bài giảng tại lớp Hán học của PGS Trần Thị Băng Thanh, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[19]. Cao Huy Đỉnh (1927-1975) là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, từng làm Trưởng phòng Văn học dân gian, Viện Văn học.

[20]. Lúc này Ủy ban Khoa học Nhà nước được tách thành Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

[21]. Phỏng vấn PGS Phạm Tú Châu ngày 30-7-2016, tài liệu đã dẫn.

 

http://cpd.vn/Default.aspx?tabid=742&storyid=275

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét