Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn



Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn


Tặng Đào Đăng Vỹ

Trên mặt hồ thu
Chuồn chuồn đạp nước.
Con sau, con trước
Vẽ bức hồi văn.
Lững chững Chị Hằng
Sắp rơi xuống nước.

Lướt mặt hồ thu,
Chuồn chuồn đạp nước,
Bay xuôi, bay ngược,
Dệt bức hồi văn
Quyết đỡ Chị Hằng
Khỏi rơi xuống nước.
Nhưng Chị Hằng trên điện Quảng Hàn
Thong dong dạo gót lối mây ngàn,
Hững hờ nào biết chuồn chuồn đã
Vì Chị cho nên nhọc cánh vàng.


Huế, Đẹp và Thơ

Đẹp và Thơ - Cô gái Kim Luông Anh chài tự đắc Bài hát của đại phi công Bài thơ nhất cú hay là nỗi khổ tâm của thi sĩ Bỏ quách lối thơ xưa Cánh cửa Cảnh quê Cầu bạn Chôn hoa Điếu thuốc cháy suông Đời người Eng Gặp khách đong đưa Giận khúc Nam ai Hà Nội, mưa phùn Hái hoa hồng Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn Huế, đêm hè Huế, mưa dầm Huế, ngày hè Khiêu vũ 1935 Khoá xuân Liên tưởng Một câu thơ của ông Tú Mỡ Mùa đông, cánh đồng An Cựu  Nắng thu Núi Ngự, sông Hương Ngại ngùng khi bước chân ra Sầm Sơn trường hận  Sóng bạc tình Sơn còn ướt Tiếng chuông Diệu Đế Trên núi Ngự Trước chùa Thiên Mụ Vườn cau Nam Phổ

 





Hồ Tịnh Tâm là một trong những cảnh nổi tiếng nhất của đất Kinh thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, Thành phố Huế. Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.
Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m (354 trượng 6 thước). Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ. Đảo Bồng Lai, ở phía nam hồ, chính giữa có điện Bồng Doanh, 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói Hoàng lưu li. Điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước lại có cửa Bồng Doanh, rồi cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ và một chiếc cầu cùng tên.
Trên đảo Phương Trượng, chính giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu li. Phía nam có cửa Bích tảo và cầu Bích tảo. Phía bắc đảo có lầu Tịnh tâm, xây mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (từ năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.
Giữa hồ Tịnh tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam, đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác, là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu.
Trên các góc của đảo Bồng Lai, Phương Trượng đều có xếp đá tạo các giả sơn. Riêng đảo Doanh Châu được tạo dáng như một hòn non bộ lớn nổi trên mặt hồ. Khắp nơi chung quanh đảo Bồng lai, Phương Trượng, đê Kim Oanh và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ. Dưới hồ chỉ trồng duy nhất loại sen trắng.
Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch xây khá cao. Ở bốn mặt trổ bốn cửa: Hạ Huân ở phía nam, Đông Hy ở phía bắc, Xuân Quang ở phía đông và Thu Nguyệt ở phía tây…



Quảng hàn - 廣寒:
Nơi rộng và lạnh, chỉ cung trăng — Quảng hàn cung: Cung quảng, cung trăng. “Của đâu trêu ghẹo chi ai, Ấy người cung quảng, hay người đài Dương” (Nhị độ mai). Cổ thi: Do thắng hằng Nga bất giá nhân Dạ da cô miên Quảng hàn điện (Hơn chị Hằng Nga chẳng lấy chồng, Quảng hàn lạnh lẽo chịu phòng không). Câu thơ này nói về Ngưu Lang, Chức Nữ tuy mỗi năm chỉ gặp nhau một lần nhưng vẫn hơn Hằng Nga suốt đời một mình lạnh lẽo — Rằm tháng 8, lúc Đường minh Hoàng lên chơi cung trăng có tấm biển đề mấy chữ: “Quảng hàn thanh hư chi phủ”. Nên dùng chữ Quảng hàn (Hoặc Cung quản, Điện Quảng hàn) để chỉ mặt trăng.
Liều như Cung Quảng ả Hằng nghĩ sao (Kiều).



Những đêm tối trong mát, trăng sáng vằng vặc, những ngôi sao lấp lánh, mặt trăng rất sáng. Con người ngày xưa đã tưởng tượng trên mặt trăng là một thế giới thần tiên tươi đẹp, bên trên có cung điện Quảng Hàn nguy nga lộng lẫy và những bầy thiên nga bay lượn suốt ngày.



Thời nhà Trần có câu chuyện về một sự tích: Trong một hôm dạo chơi ở điện Thanh Thử, nơi trồng rất nhiều quế, tức cảnh sinh tình vua đột nhiên ra một vế đối: “Thanh thử điện tiền thiên thụ quế (Trước điện Thanh Thử có hàng ngàn cây quế). Trong lúc bá quan đang lúng túng thì quan ngự sử Hồ Quý Ly  đối ngay : “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (Trong cung Quảng Hàn có một nhành mai ). Vế đối của Hồ Quý Ly có ý tứ sâu xa vì công chúa Huy Ninh nhan sắc tuyệt vời được suy tôn là nhất chi mai (đẹp như một cành mai) và vua đã dựng cung điện Quảng Hàn cho công chúa ở. Nhà vua cảm nhận có lẽ đây là mối lương duyên trời định, bèn gả công chúa cho Hồ Quý Ly. Từ đó Bạch mai được gọi là “Mai ngự sử hay nhất chi mai”.
   









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét