Nam Trân

Nam Trân

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Trở lại "số phận" Nhật ký trong tù

LĐ số 92 Ngày 01.04.2004 Cập nhật: 08:12:26 - 01.04.2004
Trở lại "số phận" Nhật ký trong tù
Hoàng Quảng UyênLTS: Sau khi Báo Lao Động các số ra ngày 5 và 6.3.2004 đăng phóng sự 2 kỳ "Nhật ký trong tù - số phận và lịch sử", nhiều độc giả đã gọi điện, gửi thư đến toà soạn thắc mắc tập trung vào 2 vấn đề: Từ năm 1955 -1960 bản thảo gốc ở đâu? Vì  "Nhật  ký..." được trả lại vào năm 1955 mà đến năm 1960 mới được dịch ra chữ quốc ngữ và xuất bản. Tại sao trang đầu bản thảo gốc (đăng trong ảnh) lại đề ngày 29.8.1932-10.9.1933 chứ không phải 29.8.1942-10.9.1943 như trong bài viết? Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời...
Đường  về Viện Văn học
Trang bìa bản thảo dịch thuật
của Văn Trực - Văn Phụng
và trang bìa, trang đầu,
trang cuối bản sao lại
của Viện Văn học.
Mùa hè năm 1955, sau 10 năm lưu lạc, "Nhật ký trong tù" được tìm thấy, nhưng mãi 5 năm sau, mới chính thức ra mắt. Trong thời gian 5 năm ấy, Nhật ký trong tù nằm ở đâu? Bằng con đường nào để đến Viện Văn học và công tác tổ chức dịch, in ở viện như thế nào? Không tài liệu nào nói rõ về khoảng thời gian ấy!

Tháng 6.2003, tôi đọc bài báo: Những điều ta chưa biết về Ngục trung nhật ký cũng như quá trình dịch thơ Ngục trung nhật ký của  Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Trần Đắc Thọ in trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (46) - 2001, tôi đặc biệt chú ý tới đoạn: "Có một điều chúng ta không ngờ: Bác đã cho đưa Ngục trung nhật  ký vào phòng lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng... phải đến đầu năm 1959 quyển Ngục trung nhật  ký mới được đồng chí Phạm Văn Bình tình cờ phát hiện ra. Đồng chí Phạm Văn Bình nguyên là Trưởng ban Giáo vụ của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, được phân công giảng về Cách mạng  Việt Nam thời  kỳ 1939-1945 nên đã đến Phòng  lưu trữ của Trung ương Đảng đọc thêm tài liệu.

Trong một góc  buồng tối, đồng chí thấy một đống sách chữ  Hán; sau một lúc lục lọi, đồng chí đã moi ra được quyển Ngục trung nhật ký to hơn bàn tay một chút của Bác Hồ. Đồng chí Hùng (người giữ kho sách) đồng ý cho đồng chí  Bình mượn về dịch với điều kiện dịch xong, sẽ nộp cho phòng lưu trữ một bản dịch.

Đồng chí Phạm Văn Bình mang về giao cho đồng chí  Văn Phụng là phiên dịch chữ Hán của trường phiên âm, dịch nghĩa. Dịch xong đến đâu đưa lại cho đồng chí Bình đến đấy để đồng chí dịch ra thơ quốc âm. Khi dịch xong 113 bài thơ trong Ngục trung nhật ký, đồng chí Bình  mang báo cáo với đồng chí Trường Chinh thường có giờ giảng ở trường. Đồng chí  Trường Chinh khuyên nên đưa cho đồng chí Tố Hữu. Một sáng chủ nhật, đồng chí Phạm Văn Bình đến nhà đồng chí Tố  Hữu, song không gặp, đồng chí Bình viết thư và để toàn bộ tập tài liệu lại. 5 giờ chiều hôm ấy, đồng chí Tố Hữu đã cho xe xuống đón đồng chí Bình. Đồng chí Bình đến nơi đã thấy hai đồng chí  Đặng  Thai Mai và Hoài Thanh đến trước. Đồng chí Tố Hữu giao nhiệm vụ cho Viện Văn học. Về cơ quan, hai đồng chí đã giao cho đồng chí Nam Trân cùng làm việc  với đồng chí Phạm Văn Bình để kịp sang năm 1960 có thể phát hành sách vào dịp Bác Hồ  70 tuổi. Hai đồng chí Phạm  Văn Bình và Nam Trân sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã nộp bản thảo cho Viện Văn học".

"Câu chuyện" của ông Phạm Văn Bình cứ ám ảnh tôi suốt một thời  gian dài kể từ  tháng 6.2003. Đến đầu tháng 3, tôi  đến Bảo tàng Cách mạng  Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Văn học... tiếp tục  công việc tìm kiếm. Sau  gần 10 ngày tra cứu tài liệu, trao đổi, tranh luận với nhiều người cùng quan tâm đến đề tài này, con đường đi của bản thảo gốc Nhật ký trong tù từ Phòng   lưu trữ Trung ương Đảng đến Viện Văn học đã sáng dần ra, nhưng bằng chứng xác thực thì hình như vẫn thiếu! Bằng chứng xác thực, quan trọng nhất là gì? Đó là văn bản chép tay bản dịch  toàn bộ 113 bài thơ Nhật ký trong tù của hai dịch giả Văn Trực - Văn Phụng (nếu có!).

Sáng ngày 8.3, tại Ban Văn  học cổ cận đại  Việt Nam thuộc Viện Văn học, chúng tôi được Giáo sư Huệ Chi và tiến sĩ Đặng Thị Hảo cho tiếp cận với 2 cặp tài liệu liên quan đến quá trình dịch Nhật ký trong tù (mỗi cặp dày chừng một gang  tay).  Không khó khăn gì, chúng tôi nhanh chóng tìm ra bản chép tay dịch đầy đủ 113 bài thơ Nhật ký trong tù của Văn Trực - Văn Phụng (đề là lược dịch). Và 2 quyển sách đóng bằng giấy pơluya đánh máy viện sao lại từ cuốn của Văn  Trực - Văn Phụng, góc trái trên cùng của tờ  bìa ghi  chữ a. Đặng Thai Mai (văn bản được lưu giữ từ năm 1960). Bằng chứng này đã chứng tỏ việc ông Phạm Văn Bình "phát hiện" và dịch thô Nhật ký trong tù rồi đưa đến Viện Văn học (qua đồng chí Tố Hữu) là có thực.

Từ những tài liệu và chứng cứ thu thập được (mà tôi không dẫn ra ở đây do khuôn khổ  hạn hẹp của tờ báo) vấn đề trong 5 năm (1955-1960) bản thảo gốc Nhật  ký trong  tù nằm ở đâu đã sáng tỏ: Sau khi nhận lại Nhật ký trong tù từ Cao Bằng gửi về (khoảng tháng 7, tháng 8.1955) "quyển sổ nhỏ" được đưa vào Phòng lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Ngày 6.9.1955, nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến duyệt triển lãm về cải cách ruộng đất tại Bích Câu, Hà Nội, Bác đã hứa thưởng quà  cho  cán bộ, nhân viên làm việc tại khu triển lãm. Đồng chí Hà Văn Kỉnh, Trưởng phòng Tuyên truyền và sưu tầm  tài liệu của triển lãm được cử lên Văn phòng Chính phủ nhận quà (chứ không phải Bác Hồ đem đến trao cho triển lãm như một số tài liệu đã ghi!). "Quà" đó là cuốn sổ tay Nhật ký trong tù và thẻ dự hội nghị Liễu Châu của Bác. Hai hiện vật này được trưng bày tại triển lãm từ cuối tháng 9 cho tới  ngày 20.11.1955.

Đến ngày 28.11.1955, tổng kết triển lãm "Những tài liệu, hiện vật  thuộc về Đảng và Bác Hồ, chúng tôi đã bàn giao lại tất cả cho Phòng lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng hồi đó ở Lycée Albert Sarraut" (Hồi ký của đồng chí Hà Văn Kỉnh lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh). Nhật ký trong tù "nằm" ở đấy cho đến đầu năm 1959 mới được ông Phạm Văn Bình tình cờ phát hiện, dịch và chuyển cho Viện Văn học. Suốt những tháng cuối năm 1959 và những tháng đầu năm 1960, Viện Văn học tập trung dịch thuật và in ấn để kịp phát hành bản dịch hoàn chỉnh vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.

Vài nét về Văn Trực - Văn Phụng
Phiếu cá nhân trong hồ sơ cán bộ của ông Phạm Văn Bình lưu tại Vụ Tổ chức cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi: Sinh ngày 2.1.1914 tại Ân Thi, Hải Dương; năm 1947-1948 là Bí thư Huyện uỷ Ân Thi; năm 1950-1952 theo học tại Học viện Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đơn vị và chức vụ công tác trước khi về hưu: Vụ trưởng, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Ông có các bí danh là Văn Trực và Thế Tập. Còn ông Văn Phụng, cán bộ phiên dịch chữ Hán, theo cán bộ Vụ Tổ chức cho biết đó là ông Cao Thanh Tùng, người Mỹ Hào, Hưng Yên? Sau chuyển công tác sang Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Bản dịch của các ông mới chỉ là bản dịch thô mà các ông khiêm tốn ghi là lược dịch, tuy thế có nhiều bài có chất lượng mà ông Nam Trân khi dịch lại đã sử dụng và sau đó vào tháng 1.1990 trong lần xuất bản cuốn Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, nhóm biên soạn do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên đã đưa các bản dịch của Văn Trực - Văn Phụng vào (các bài số 18, 19, 20, 53, 71, 72, 82, 86). Đó là sự xác nhận bước đầu đóng góp của hai ông.

Giáo sư Huệ Chi cho biết: "Năm 1995, tôi gặp ông Phạm Văn Bình và nhà thơ Lữ Huy Nguyên; ông Phạm Văn Bình vui vẻ, cảm ơn tôi rất nhiều về việc đó. Ông Phạm Văn Bình đã có công phát hiện lại Nhật ký trong tù trong phòng lưu trữ và dịch thô. Cụ Nam Trân là người dịch hoàn chỉnh 113 bài thật sự là thơ".

                                                                 ***
Về tấm ảnh đăng trên kỳ 1 (số ra ngày 5.3) chụp bản thảo gốc, thấy trang bìa bản thảo ghi ngày 29.8.1932-10.9.1933 chứ không phải 29.8.1942-10.9.1943. Về sự "nhầm lẫn" này, Giáo sư Đặng Thai Mai, Viện trưởng Viện Văn học đã cho biết: "Cuốn sổ tay của Bác hiện còn được lưu trữ, có ghi trên bìa hai con số 1932-1933. Trong thời gian Viện Văn học hiệu đính bản dịch Ngục trung nhật ký, chúng tôi đề đạt lên Bác câu hỏi về điểm này, qua Ban Tuyên giáo. Và đã được trả lời, hai con số trên đây là sai, đúng ra là 1942-1943" (Đặng Thai Mai: Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, NXB KHXH -1979). Để thêm chắc chắn, tôi đã tìm hiểu ở Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, trong Hồ sơ văn vật Ngục trung nhật ký, mục Niên đại văn vật ghi rõ: 1942-1943. Và bằng chứng chắc chắn nhất là ở trang 53, bản thảo gốc cũng có ghi 1942-1943, dưới đó là chữ hoàn (hết).

Sự "nhầm lẫn" ấy có thể là để ngụy trang, đánh lạc hướng, che mắt kẻ địch... như có người đã từng viết trên sách báo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét