Nam Trân

Nam Trân

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh



“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh

Hôm trước, tình cờ đọc bài Thiếp thư Bác Hồ gửi cho tướng Nguyễn Sơn… trên Báo Hậu Giang, thấy tác giả Trần Thư Trung viết: “Một số sách báo viết về thiếp thư Bác Hồ gửi Nguyễn Sơn có sai sót. Cuốn Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh (NXB Văn học, Hà Nội, 2012) của Lê Xuân Đức có in chữ Hán mấy câu Bác viết trong thiếp thư nhưng lại sai 2 chữ: Tặng sai thành tống; đệ (bộ cung) nghĩa là em, sai thành đệ (bộ trúc) nghĩa là thứ bậc.
Tôi thầm nghĩ, thư của Bác chỉ vẻn vẹn 12 chữ mà sai mất 2 chữ, kể cũng hơi nhiều! Lại nghĩ lại: Trần Thư Trung và độc giả nên thông cảm. Bởi “thiếp thư” ấy, người kể về nó thì nhiều mà tận mắt nhìn thấy nó thì ít. Riêng với Lê Xuân Đức, không biết chữ “đệ” nghĩa là em, khác chữ “đệ” là thứ (tự) phải viết khác nhau thế nào là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Thực ra, “cái tội” dịch sai câu “Trí dục viên nhi hạnh dục phương” của Lê Xuân Đức còn chưa được Trần Thư Trung nêu ra.
Vậy Lê Xuân Đức là ai?
Ông tự giới thiệu ngoài bìa sách kèm ảnh: “Lê Xuân Đức – Dạy văn, viết văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VIII.
“Mỗi năm hoa đào nở” người ta lại thấy ông Lê Xuân Đức trịnh trọng xuất hiện trên trang nhất các báo Xuân từ trung ương đến địa phương, với những bài văn bình giảng thơ Bác Hồ. Bác thường làm thơ xuân. Mùa xuân nhớ Bác, đọc lại thơ Bác cũng là điều thú vị. Thế nhưng tôi thường không ngó qua những bài kiểu này của Lê Xuân Đức. Bởi không đọc cũng biết ông “hươu vượn” những gì trong đó. Ấy cũng là một cách “mũ ni che tai” mà im lặng! Và “thượng sách” này đã giúp chúng tôi giữ được “vàng” trong mấy chục năm qua.
Thế nhưng, cách đây ít hôm, có cô giáo dạy văn cấp III nhờ chúng tôi thể hiện bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh trên giấy khổ rộng để làm “giáo cụ” cho các em học sinh. Cô mang theo “Nhật ký trong tù và lời bình” của Lê Xuân Đức, có phần nguyên tác chữ Hán. Thế là sau bao năm giữ “thượng sách”, hôm nay buộc chúng tôi phải dùng “hạ sách” để “mở miệng” về hiện tượng Lê Xuân Đức: không biết chữ dạy người biết chữ, đạo văn để bình văn!
Cái sai đầu tiên trong “Nhật ký trong tù và lời bình” của Lê Xuân Đức nằm ở phần thể hiện nguyên tác chữ Hán thơ Hồ Chí Minh. Phiên âm một nơi, chữ một nơi, nghĩa một nẻo, cuối cùng thành xuyên tạc nguyên tác:
1. BàiNạn hữu Mạc mỗ (Bạn tù họ Mạc):
Câu “Tại tù nhưng tưởng ngật nhân sâm. Nguyên tác chữ “ngật” nghĩa là ăn uống, lại viết thành chữ “khiết” . Tuy “khiết” trong cổ văn cũng có nghĩa là ăn uống, nhưng văn bạch thoại ít dùng. Quan trọng hơn, nguyên tác chữ Hán của Hồ Chí Minh là “ngật”, phiên âm cũng là “ngật”, sao chữ lại viết là “khiết” ?
2. BàiĐiền Đông”:
- Câu Đỗ tử thì thì tại thán hu, phiên âm đúng là “Đỗ tử” nhưng Lê Xuân Đức lại phiên thành “Đổ tử” là không đúng. Bởi “đỗ tử” cổ văn nghĩa là cái dạ dày, văn bạch thoại nghĩa là cái bụng. Còn “đổ tử” lại phải hiểu thành “thằng con cờ bạc” (Nhật ký trong tù có bài “Đổ phạm” – Người tù cờ bạc). Cũng xin lưu ý, chữ “đổ” được Lê Xuân Đức nhắc lại hai lần trong bài.
- Câu “Bạch phạn tam nguyên bất câu bão”, (Cơm nhạt ba đồng chẳng đủ no). Chữ “câu” trong câu thơ có nghĩa là đủ (chữ câu có bộ nhân), lại bị viết thành câu có nghĩa là cái lưỡi câu. Sai sót này đã đem đến cho “nguyên tác” chữ Hán một nghĩa mới: Cơm nhạt ba đồng, chẳng có (thêm) cái lưỡi câu để ăn cho no (!).
Nhà nghiên cứu phê bình Lê Xuân Đức thật là tài tình!
3. Bài Sơ đáo thiên bảo ngục (Mới đến nhà lao Thiên Bảo):
- Câu “Triệt dạ hựu vô an thụy xứ” (Suốt đêm lại chẳng có chỗ ngủ yên). Hai chữ triệt dạ 徹夜 có nghĩa là suốt đêm, lại bị phiên âm thành “triệt hạ. Đáng chú ý, trong phần “lời bình” Lê Xuân Đức thêm hai lần nữa phiên âm “triệt dạ” thành ‘triệt hạ”. Đó là ở trang 33 và trang 93, bài Nhà ngục Nam Ninh, chữ Triệt dạ trong câu Triệt dạ huy hoàng chiếu điện đăng” (Suốt đêm đèn điện chiếu sáng rực) lại vẫn bị Lê Xuân Đức “phiên” thành Triệt hạ huy hoàng chiếu điện đăng” (!).
 Không hiểu ý soạn giả muốn “giết” ai ở đây?
4. BàiĐồng Chính:
- Câu “Thủy hòa quang tuyến hẩn sung túc” (Nước và ánh sáng thì rất đầy đủ). Chữ “hẩn trong “hẩn sung túc” nghĩa là rất đầy đủ lại bị viết thành chữ cấprảo bước, đi mau rất vô nghĩa. (Đối với người không biết chữ Hán, hai chữ “hẩn” và cấp tưởng như một).
- Câu “Nhật nhật hoàn khai lưỡng thứ lung” (Ngày ngày hai lần mở cửa buồng giam). Nguyên văn chữ Hán của Lê Xuân Đức thấy viết “mỗi nhật” (mỗi ngày), nhưng phần phiên âm lại là “nhật nhật” (ngày ngày) là cớ gì? Thế là nguyên văn một nơi, phiên âm một nẻo!
- Câu “Mỗi xan nhất chúc đỗ không không” (Mỗi bữa một bát cháo, bụng đói cồn cào), Lê Xuân Đức phiên âm thành “Mỗi san nhất chúc đỗ không không” Thưa ông Lê Xuân Đức, “mỗi xan” (chữ X) chứ không phải “mỗi san” (chữ S). Vì “xan” mới có nghĩa là bữa ăn. Còn “san” có nhiều nghĩa. Nếu là chữ san nghĩa là chảy nước mắt, rơi lệ đầm đìa, thì phiên âm Mỗi san nhất chúc đỗ không không” lại có thể hiểu là: mỗi một lần khóc, nước mắt hòa vào bát cháo, không ăn nổi, khiến cái bụng đói cồn cào (!).
5. Bài Nạn hữu đích chỉ bị (Chăn giấy của người bạn tù):
- Câu “Ngọc sàng cẩm trướng nhân tri phủ” (Người nằm giường ngọc, trướng gấm có biết không?) Chữ “tri phủ” bị phiên âm thành “chi phủ”. Ở đây “tri phủ知否 mới có nghĩa là “biết không”? Còn “chi phủ” (chi là trợ từ nghĩa là cái ấy, cái đó). Cứ “trong ý tứ mà suy”, câu “Ngọc sàng cẩm trướng, nhân chi phủ? của Lê Xuân Đức có thể hiểu là: Ngọc sàng cẩm trướng, người có thích cái giường ngọc trướng gấm đó không (!) Bằng không, cũng chẳng biết nó là cái chi?
6. Bài “Điệt lạc” (Hụt chân ngã):
Chữ “lạc” trong từ Điệt lạc (đầu đề bài thơ) có bộ thảo để biểu thị nghĩa rơi rụng. (Câu “Diệp lạc tri thu” cũng là chữ lạc này). Chữ lạc trong “điệt lạc” có nghĩa là thụt (tụt) chân xuống hố mà ngã. Tuy nhiên Nhà nghiên cứu Lê Xuân Đức lại dùng chữ lạc (có bộ thủy mà không có bộ thảo) với nghĩa chỉ địa danh một con sông bên Tàu. Thế là “Hụt chân thụt xuống hố sâu, nguy hiểm quá” lại thành bị ngã (xuống) con sông Lạc nguy hiểm quá!?
7. Bài Song thập nhất (Ngày 11 tháng 11):
Câu “Nhưng tu nỗ lực phản công thì” (Nhưng vẫn phải gắng sức lúc phản công”, chữ “phản công” bị phiên âm thành “phân công”: “Nhưng tu nỗ lực phân công thì. Theo cách của Lê Xuân Đức, nghĩa câu thơ sẽ thành: Đến lúc được phân công sẽ cố gắng nỗ lực (!)
8. Bài Việt hữu tao động (Việt Nam có biến động):
- Chữ “tao động” nghĩa là rối loạn, biến động lại được Lê Xuân Đức làm mới bằng cách dịch thành “báo động”: “Việt Nam có báo động. Xin hỏi “báo động” gì trong bài thơ đó?
- Câu “Vị đắc cung thân thượng chiến trường”. “Thượng chiến trường” nghĩa là ra chiến trường, bị phiên âm thành “thương chiến trường”. Theo đó, câu “Vị đắc cung thân thương chiến trường” của Lê Xuân Đức có thể hiểu là: Bản thân chưa bị vết thương nào trên chiến trường (!)
9. Bài Đáo Liễu Châu (Đến Liễu Châu)
- Câu “Thiên tân vạn khổ phi vô hạn” (Muôn cay nghìn đắng không phải là vô hạn), chữ “tân” (nghĩa là cay) trong “thiên tân” nghĩa là nghìn điều cay đắng, nhọc nhằn, bị viết thành chữ phụ, nghĩa là thịnh vượng, giàu có, béo tốt. Mà “thiên phụ” 千阜 có thể hiểu là nghìn điều thịnh vượng, giàu có?! Và “Thiên phụ, vạn khổ phi vô hạn” là: được hưởng ngàn lần giàu có thịnh vượng nên mới phải gặp vạn khổ đắng cay, điều đó không phải là vô hạn (!)
- Câu Tỉnh lai diện thượng đới dư sầu (Tỉnh ra trên mặt còn vương nét sầu), chữ “đới” bị phiên nhầm thành chữ “đối”. Lại “theo ý tứ mà suy”, câu Lê Xuân Đức phiên âm “Tỉnh lai diện thượng đối dư sầu” này có thể dịch theo cách dịch cổ văn là: “Tỉnh ra, soi gương (đối kính) thấy nét mặt vẫn còn buồn (!)
10. Bài Cựu bất đệ giải (Giam lâu không được xét):
- Câu “Nan quan mạt bộ bội gian nan” (Cửa ải khó, đến chặng cuối càng khó khăn). Chữ “nan quan” nghĩa là cửa ải khó khăn, bị phiên âm thành “nam quan, một địa danh (tên gọi khác của Hữu Nghị quan). Thế là nguyên tác đã bị phiên âm “xuyên tạc” thành “Nam Quan mạt lộ bộ gian nan” nghĩa là: Chặng cuối về tới ải Nam Quan thấy càng gian nan (!)
- Chữ “mạt” trong “mạt bộ” nghĩa là chặng cuối, chặng về sau, bị phiên âm thành “mát bộ”. Dân ta có kiểu nói “mát ga, mát số” (từ mát vay mượn max = lớn; mát ga, mát số là ga to, số lớn = điều khiển xe với tốc độ lớn). Nếu hiểu “mát bộ” theo kiểu “mát số”, lại cộng cả cái sai “nan quan” thành “Nam Quan” của Lê Xuân Đức, câu thơ sẽ được hiểu: Tới ải Nam Quan, phải đi bộ rất gấp nên càng thêm bội phần vất vả (!)
11. Bài Đáo đệ tứ chiến khu chính trị bộ (Đến Cục chính trị chiến khu 4):
- Tên bài thơ Đáo đệ tứ chiến khu chính trị bộ. Chữ “đệ” (có bộ trúc đầu) trong “đệ tứ” nghĩa là thứ (trong thứ tự), bị viết thành chữ “đệ” nghĩa là em trai. Sự lầm lẫn này chính là trường hợp Lê Xuân Đức thể hiện “thiếp thư” bằng chữ Hán của Bác Hồ gửi cho tướng Nguyễn Sơn mà Trần Thư Trung nêu (đệ có nghĩa là em thành đệ có nghĩa là thứ). Chỉ khác lần này là lầm lẫn ngược lại. Nguyên nhân cũng là do với người lơ mơ về chữ nghĩa, hai chữ “đệ” này trông “giống nhau” như gà với… cuốc!
-Câu “Trú liễu thập bát cá giam phòng” (Từng trú lại mười tám nhà lao). Chữ “trú” nghĩa là ở trọ lại, (có bộ nhân đứng chỉ nghĩa) bị viết thành chữ “trụ” nghĩa là cái cột (có bộ mộc chỉ nghĩa).Trú liễu” (ở hết) thành “trụ liễu” (cột hết) Thế là nguyên tác chữ Hán biến thành:.. hết mười tám cái cột ở giam phòng (!) Lầm lẫn này có lẽ do hai chữ trú trụ âm đọc gần giống nhau, tự dạng nhìn nhang nhác như nhau (đều có bộ chủ ghi âm).
12.Bài Mông ưu đãi (Được ưu đãi)
Câu “Chủ nhiệm Lương công ưu đãi ngã, chữ “ưu” (có bộ nhân đứng) trong “ưu đãi” có nghĩa là nhiều, hơn lại bị chép thành chữ “ưu” (không có bộ nhân đứng) nghĩa là ưu sầu, lo buồn. Thế là nguyên tác thơ Hồ Chí Minh với nghĩa “Ông chủ nhiệm họ Lương ưu đãi ta” đã biến thành: Ông chủ nhiệm họ Lươngđãita nỗi ưu sầu (!).
Đúng là chỉ có người 40 năm nghiên cứu, phê bình thơ Bác, Chuyên gia số một Lê Xuân Đức mới có thể biến cái sai thành cái “có lý” như vậy!
13. Bài Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng)
Câu “Lưỡng nhị kiến ngã thái khả lân” (Chính Lê Xuân Đức giảng: Hai người hai bận đến đến thăm thấy tình cảnh của ta đáng thương). Nguyên tác là “lưỡng nhị” nhưng bị viết thành “lưỡng nhân”. Viết là “lưỡng nhân” nhưng khi phiên âm lại là “lưỡng nhị”! Cứ như một trò đùa vậy!
14. Bài Bào hương cẩu nhục (Thịt chó ở Bào Hương):
- Phần tên bài thơ Bào Hương cẩu nhục, chữ “cẩu” nghĩa là con chó, có bộ khuyển ghi nghĩa, chữ cấu (âm khác là câu) ghi âm lại bị biến thành chữ câu trong “câu lưu” nghĩa là bắt, bắt lấy cái gì (gồm bộ thủ ghi nghĩa và chữ câu ghi âm). Thế là nguyên tác chữ Hán “Bào Hương cẩu nhục” (Thịt chó ở Bào Hương) qua phù phép của Lê Xuân Đức đã bị biến thành “Bào Hương câu nhục” (Bọn lính ngục đi câu thịt (chó) ở Bào Hương!?).
Thế là Nhà nghiên cứu thơ Hồ Chí Minh Lê Xuân Đức nhầm lẫn lung tung cả: chữ câu (nghĩa là đủ) thành chữ câu, nghĩa là lưỡi câu - Bài Điền Đông, rồi lại nhầm chữ cẩu (con chó) với chữ câu (bắt, bắt lấy cái gì).
- Câu “Khả kiến nhất ban đệ giải nhân, chữ “đệ” trong “đệ giải” nghĩa là áp giải tù nhân, lại biến thành chữ “nghinh” nghĩa là đón rước. Cái sai này nguyên nhân do hai chữ nghinh và chữ đệ nhác trông hơi giống nhau ở bộ sước. Thế là nguyên tác thơ Hồ Chí Minh áp giải tù nhân, qua tay Lê Xuân Đức đã thành đón rước tù nhân (!)
- Câu “Sinh hoạt hữu thời dã bất tục” (Sinh hoạt đôi khi cũng tỏ ra sành sỏi), chữ “hữu thời” (chữ thời có bộ nhật) nghĩa là có lúc, đôi khi, lại bị biến thành hữu “trĩ” (chữ trĩ có bộ sơn nghĩa là sừng sững, đối chọi). Nguyên nhân có lẽ chữ “trĩ” với người không biết chữ nhác trông hơi giống chữ thời, (đều có chữ tự theo ghi âm) và có thể hiểu: Trong sinh hoạt có lúc đối chọi nhau, nhưng vẫn giữ được phép lịch sự (!).
Chỉ mới chép lại bài thơ Thịt chó ở Bào Hương mà soạn giả đã “chuếnh choáng hơi men”, nhìn gà hóa cuốc đến vậy sao? Chúng tôi bình chọn “Thịt chó ở Bào Hương” là bài thơ tập trung nhiều lỗi nhất trong sách Nhật ký trong tù và lời bình của Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Xuân Đức. Cũng xin độc giả tạm dừng ở con số 14 bài thơ chữ Hán với những cái sai được nhà nghiên cứu phê bình Lê Xuân Đức đưa vào “Nhật ký trong tù và lời bình”, đã được phát hành rộng rãi.
Nhận xét đầu tiên chúng tôi là: Một người có chữ không bao giờ để xảy ra những sai sót tệ hại như Lê Xuân Đức. Trong trường hợp phần nguyên văn chữ Hán do người khác thực hiện, sau khi sách in xong, Lê Xuân Đức vẫn có mắt để phát hiện ra chữ với nghĩa nó sai thế nào cơ mà? Và khi ấy, với “niềm đam mê thơ Bác” như lời của chính tác giả, một người giành 40 năm đeo đuổi thơ Hồ Chí Minh, sách “Nhật ký trong tù và lời bình” sẽ bị tiêu hủy do chính tay tác giả! Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, một ngàn bản sách đã được phát hành để đến tay bạn đọc, đến với các thầy cô giáo và học sinh yêu thơ Bác!
Như vậy, cho dù dòng tiểu sử Đại biểu Quốc hội khóa VIII ghi ở phía dưới bức ảnh sáng ngời trí tuệ ngoài bìa sách, Nhà phê bình văn học Lê Xuân Đức cũng khó có thể đổ lỗi cho ai trong trường hợp này.
Phần “chữ” là vậy. Còn phần “lời bình, Nhà phê bình Lê Xuân Đức “phê” và “bình” như thế nào?
Vốn là một người dạy văn, nên cách viết “phê bình” của Lê Xuân Đức đậm đặc chất bình giảng trong nhà trường (kiểu lấy “bằng bằng, trắc trắc”, “ngắt ngắt, nhịp nhịp”, “tu từ, thủ pháp” làm trọng). Suốt mấy chục năm qua, Lê Xuân Đức đã làm khổ bạn đọc bằng cách đem những lời nói trên bục giảng ấy đi đăng báo, in sách. In, đăng nhiều đến nỗi, ông hãnh diện khi được người ta suy tôn là “chuyên gia về thơ Bác”: “Chọn một số bài thơ của các nhà thơ khác nhau để bình mà được bạn đọc ghi nhận là điều không dễ, nhưng chọn hầu hết thơ của một tác giả để bình, đặc biệt tác giả đó là Bác Hồ, để trở thành một chuyên gia về thơ Bác thì khó gấp bội. Đọc những bài bình của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lê Xuân Đức, ta nhận thấy rằng ông công phu, tâm huyết và hiệu quả” (Nhà thơ Vương Trọng – Lời in ngoài bìa sách “Nhật ký trong tù và lời bình”).
Có lẽ ít nhiều Lê Xuân Đức cũng tự biết và mặc cảm với căn bệnh nghề nghiệp của mình. Thế nên, gần đây ông cố vùng vẫy thoát khỏi cái “ao văn bình giảng” chật hẹp để mong vẫy vùng, bơi lội trong “bể văn chương” rộng lớn. Thế là, thay vì chỉ “bình” và “giảng”, mõ tre sách in như trước, nay ông thêm cả “phê”, “chê” thực sự. Vậy Lê Xuân Đức “phê” và “bình” thế nào? Thưa rằng: Trong “Nhật ký trong tù và lời bình” ông lấy cái kiến thức nông cạn “chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá” của mình ra để “phê”, và đạo văn của người khác để “bình”.



Dịch thơ: nói dễ, làm khó!

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 2: Đạo văn để bình văn

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 3: Không có chữ dạy người biết chữ

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 4: Đạo đồ giả và sáng tạo nhầm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét