Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Huế - Miền đất ẩn tàng chất liệu thi ca…



Huế - Miền đất ẩn tàng chất liệu thi ca…

Tiến Thảo

 
Đáng lẽ ra phải nói Huế - Miền đất ẩn tàng chất liệu nghệ thuật thì mới đúng vì thi ca chỉ là một phần của nghệ thuật, ngoài ra còn có hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc đều có thể bắt nguồn từ những cảm hứng, những đề tài mà các văn thi sĩ khai thác, nhất là thi và họa có mối liên hệ chặt chẽ cho nên mới có nhất thi, nhất họa.
Có điều thi ca luôn luôn chiếm ưu thế trong lãnh vực nghệ thuật bởi tính chất tác động mạnh mẽ đến tâm hồn con người, ở lại với tâm hồn con người sâu lắng và bền chặt, nếu không muốn nói đến số lượng tác phẩm, tác giả bao giờ cũng đông đảo hơn. Bởi vậy, ở đây để tránh lan man, dàn trải nên chỉ đi sâu vào vấn đề chất liệu thi ca.
Không phải tự nhiên mà thi sĩ Nam Trân viết nên thi phẩm “Huế, đẹp và thơ”. Ông vốn là một người con đất Quảng Nam, đương nhiên cái chất Quảng phải thấm sâu hơn vào trong máu huyết. Nhờ cơ duyên thời niên thiếu ông ra Huế học trường Quốc học và khi trưởng thành lại có dịp làm việc tại tòa Khâm sứ Huế. Do sự gắn bó lâu dài đó, mảnh đất Huế đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của người con xứ Quảng, để rồi khi nói đến sự nghiệp văn chương của ông, người ta chỉ nghĩ đến một số bài thơ ông viết về Huế và cho đến bây giờ tên tuổi của ông gắn liền với cụm từ: “Huế, đẹp và thơ”.
Mà đâu chỉ có một mình Nam Trân, từ xưa đến nay biết bao tao nhân mặc khách khi đến với đất Huế đều có những nỗi niềm riêng, những xao động riêng và sau bước chân của kẻ lữ hành qua nước non ngàn dặm luôn lưu lại những khúc nhạc tình tứ, những cuốn tiểu thuyết với những nhân vật đầy bi tráng, những trang bút ký sâu lắng, những bức họa danh tiếng và nhất là những vần thơ thấm đẫm tình nhân thế, lay động hồn người.
Đất nước Việt Nam trải dài từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau với núi non hùng vĩ, trùng điệp, với biển rộng sông dài nặng hạt phù sa ôm ấp làng mạc, ruộng đồng xanh tươi. Cùng với khí thiêng sông núi và bề dày lịch sử qua quá trình dựng nước và giữ nước đã gợi cảnh, gợi tình cho những áng văn chương bất hủ, gìn vàng giữ ngọc tâm thức của dân tộc. Đó là nhìn rộng ra cả nước. Riêng mảnh đất Huế do đâu mà có được một gia sản thi ca đồ sộ, giá trị và đậm đặc, sưu tầm và luận bàn mãi không hết?
Nếu nói một cách dân dã: “Có bột mới gột nên hồ” tức là phải có chất liệu mới làm nên sản phẩm thì tôi nghĩ Huế là một miền đất ẩn tàng nhiều chất liệu thi ca hơn những nơi khác. Bao đời nó đã cuốn hút người nghệ sĩ như vùng mỏ quí hấp dẫn người khai quặng. Nhưng yếu tố nào đã làm nên chất liệu ấy? Mỗi người có thể trả lời một cách. Riêng tôi, cố lần theo dấu vết của những người nghệ sĩ và qua tác phẩm của họ, kể cả mảng văn học dân gian, cố gắng làm sáng tỏ một phần sự thắc mắc của chính mình.
Nhà sử học Trần Quốc Vượng có cái nhìn sâu vào yếu tố địa – văn hóa khi khảo sát nền văn hóa Việt Nam.
Trong phạm vi của Thừa thiên – Huế, chúng ta thấy mảnh đất này hẹp, trải dài chưa tới hai trăm cây số từ chỗ giáp giới Quảng Trị cho đến đỉnh Hải Vân mà đầy đủ cả núi non, sông ngòi, đầm phá, biển cả tạo nên một dải giang sơn gấm vóc, hữu tình. Điều này như được tóm gọn trong hai câu ca dao:
Đường vô xứ Huế quanh quanh.
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…
Mà thật vậy, gắn kết với một phần của dãy Trường Sơn cao chất ngất có những núi đồi thấp hơn nằm liền nhau hoặc riêng lẻ được người đời ca tụng là danh thắng như đèo Hải Vân, núi Bạch Mã, núi Truồi, núi Túy Vân và ngay trong tầm mắt khi đứng trên lầu Ngũ Phụng cũng hiển hiện núi Kim Phụng, Ngự Bình, Thiên Thai, Vọng Cảnh. Còn sông ngòi, kể cả sông đào, giăng mắc khắp nơi, nổi tiếng đẹp như sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi, đặc biệt là sông Hương chảy qua trước Hoàng thành, quanh năm xanh trong, êm đềm, thơ mộng. Phá Tam Giang gần như trải dài từ Bắc vào Nam của Thừa Thiên Huế cùng với một số bãi biển Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô làm say đắm du khách.
Phong cảnh hữu tình của xứ Huế được phản ảnh rõ nét trong các điệu ca cổ, ca dao, hò vè, vốn là văn nghệ truyền thống của dân tộc. Chúng ta đã từng nghe, từng thuộc qua tiếng hát ru nôi của bà, của mẹ, hoặc qua tiếng ca của một số ca nhi, chẳng hạn như tiếng của cô Bích Liễu giữa thế kỷ trước.
Đâu nước non xinh đẹp
Bằng chốn Kinh thành
Chỗ Huế mình
Có dòng uốn quanh
Với non bình, cảnh lịch, người thanh…
(Huế, Đẹp và thơ – Điều Cổ bản)
Hoặc: Sông Hương lai láng, đêm này,
Nước vơi đầy, quạnh quẽ
Nghe văng vẳng, chốn Tràng An
Những tiếng trong sương…
(Sông Hương lai láng – Điệu Nam Ai )
Hay những điệu hò luôn vang vọng trong đời:
… Nước đầu cầu, khúc sâu, khúc cạn
Chèo qua Ngọc Trản, đến vạn Kim Long
Sương sa gió thổi lạnh lùng
Sóng xao trăng lặn gây lòng nhớ thương…
(Hò mái nhì)
Tương tự như thế, chúng ta thấy các điệu Nam Bình, Tứ đại cảnh, Hành vân, hò mái đẩy, hò giã gạo, hò nện, hát ru em đều mang nội dung miêu tả phong cảnh để qua đó gửi gắm tình cảm sâu nặng của mình đối với mảnh đất sông Hương, núi Ngự.
Đó là ca cổ, còn đối với Tân nhạc, hơn 50 năm qua rất nhiều tác giả có những ca khúc viết về Huế thật hay, thật đằm thắm tha thiết như Dương Thiệu Tước với Tiếng xưa, Đêm tàn bến Ngự, Phạm Đình Chương với Tiếng Sông Hương, Từ Đàm quê hương tôi của Nguyên Thông (Văn Giảng), Huế xưa của Châu Kỳ, Huế thương của An Thuyên, những ca khúc của Trịnh Công Sơn phần lớn đều lấy cảm hứng từ Huế.
Riêng lãnh vực thơ thì vô cùng phong phú. Văn chương Hán Nôm hay giai đoạn đầu của chữ Quốc ngữ, nhiều văn thi sĩ cũng đều khai thác chất liệu từ mảnh đất thần kinh kể cả vua chúa và quan lại. Chỉ một khoảng thời gian ngắn dưới triều các vua Nguyễn thì như vua Tự Đức, vua Thiệu Trị, nhóm Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Mai Am, Huệ Phố, Tương An Quận Vương đều có những bài thơ viết về Huế thật trữ tình. Một số người từ Nam ra hay từ Bắc vào, công tác ở triều đình cũng tức cảnh mà làm thơ, đều để lại những sáng tác đáng giá. Lấy một vài ví dụ nhỏ như trường hợp Cao Bá Quát. Ông vốn là một nhà thơ đầy khí phách đến độ bi tráng với câu thơ nổi tiếng: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” thế mà nhiều lúc trước sự biến đổi muôn màu, muôn vẻ của cảnh Huế, ông đã xuất thần miêu tả như một người vẽ tranh thủy mạc, đầy khói sương huyền ảo như trong bài “Thôn Cư vãn cảnh” mà nhóm của G.S Vũ Khiêu đã sưu tầm, biên soạn, dịch thuật với sự trân trọng khác thường.
… Hương thủy mộ trào sinh thiển lại,
Trản sơn hồi chiếu đạm không lâm…
Dịch: (Nước thủy triểu ở sông Hương xuống, bãi cát ngập nông
Cánh rừng vắng trên Hòn Chén, nắng chiều đã lạt).
Còn Nguyễn Du thì sau “Long lanh đáy nước in trời – Thành xây khói biếc, non phơi ánh vàng” lại gởi tâm sự vào:
Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
Các nhà cách mạng tiền bối chống Pháp trong mấy thập kỷ đầu của Thế kỷ 20 như Phan bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn đều có những sáng tác lấy bối cảnh của lịch sử Huế, chẳng hạn như cụ Phan Bội Châu viết câu thơ này đã gần thế kỷ mà nay ta đọc lại vẫn thấy giật mình.
Hương ơi, e phải mày không
Sông ấy hóa ra mình có…
Gần đây hơn, các nhà thơ tiền chiến nhanh chóng đón lấy luồng gió mới của thời đại mình, đã tạo nên một nền thi ca vô cùng phong phú và mới mẻ từ ý tưởng đến ngôn ngữ và bút pháp. Nhiều người trong số họ cũng khai thác chất liệu thi cá từ Huế. Tiêu biểu như sau:
- Đối với cảnh:
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng phấn
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ quyên…
(Xóm Ngự Viên – Nguyễn Bính)
Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm…
Không biết nữa có chút gì làm ngợp
Trong không khí… hương với màu hòa hợp
(Đi giữa đường thơm – Huy Cận)
- Đối với người:
Cũng với Huy Cận trong bài Áo Trắng, ông đã miêu tả và ca ngợi nét đẹp kiều diễm của người con gái Huế, có thể đó là một cô nữ sinh Đông Khánh, một nàng Tôn Nữ, độ tuổi xuân thì, đẹp như hoa mới nở:
… Em đẹp bàn tay ngón ngón thon
Em duyên đôi má nắng hoe tròn
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
(Áo trắng – Huy Cận)
Hay trong bài “Trong đôi mắt Huế” thi sĩ Đông Hồ cũng miêu tả nàng Tôn Nữ với nét riêng theo cái nhìn của tác giả:
Dòng nước sông Hương chảy lặng lỡ
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vướng áo nàng Tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ
(Trong đội mắt Huế - Đông Hồ)
Đối với Hàn Mạc Tử, bài “Đây thôn Vỹ Dạ” gắn tên tuổi của ông với Huế, nhưng bài “Mùa Xuân chín: lại là một bài thơ hay mãi gây chấn động trong lòng người đọc:
… Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Nhiều nơi khí hậu trong năm chỉ có hai mùa mưa nắng, Huế có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân nắng ấm, ngàn cây đâm chồi nảy lộc với màu non tơ tràn đầy sức sống. Hoa của núi đồi và của các khu nhà vườn đua nở tạo nên một bức tranh rực rỡ, đầy hương sắc. Mùa hè là mùa của hoa phượng và hoa sen. Thú vị biết mấy, trong lúc nắng nôi lại được dừng chân dưới vòm cây của “con đường phượng bay” hay đi dọc những ngã đường của Hoàng thành nở đầy sen trắng, sen hồng, hương thơm ngào ngạt, dịu mát. Đối với Huế, mùa thu là mùa gây nhiều sự lãng mạn. Ánh mắt ai bắt gặp một dáng nữ sinh, vai khoác áo len sơ màu tím nhạt, đi về dưới ngõ xưa với những vòm cây cổ thụ lá chuyển vàng đẹp như tranh của Lêvitan. Mùa đông mưa dầm, mỗi lần ra khỏi nhà đều phải mang tơi, đội nón, chiều tối cả nhà quây quần bên bếp lửa với mùi thơm của khoai, sắn lùi. Tất cả đều là chất liệu của thi ca.
Không gian, thời gian, cảnh sắc ở Huế đôi khi biến đổi thật bất ngờ: Nắng mới lên mây đã giăng đầy bóng râm; trời đang xanh trong bỗng chốc ngả tím, nắng trong mưa, mưa trong nắng… Tôi gọi đó là sự ảo hóa của trời đất xứ Huế, kéo theo sự biến đổi của lòng người. Bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ nói hộ điều ấy:
… Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh…
Nhờ sự "ảo hóa": đó mà làm cho cảnh sắc Huế vô cùng sinh động, hấp dẫn như mái chèo khua nước sông Hương, khiến tình của bao nhà thơ dậy sóng.
Thật vậy, dường như cả một thế hệ thơ tiền chiến gắn bó với Huế. Ta lắng nghe Phạm Huy Thông tâm sự: “Với Huế, lòng tôi trước sau sâu nặng ân tình. Song nhìn sông Hương êm đẹp hôm nay mà lòng tôi vẫn cứ nao nao nhớ về sông Hương êm đẹp những ngày năm trước”.
Và Văn Cao, tác giả của bài thơ trữ tình: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” cũng đã nói: ‘Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo…”
Nói tóm lại, núi non, sông nước, cung điện, đền đài, lăng tẩm cùng với cái vẻ trầm mặc, lặng lẽ của nó cộng với sự ung dung tự tại của con người và sự ảo hóa của đất trời xứ Huế tạo nên chất liệu thi ca nói riêng và nghệ thuật nói chung để rồi từ đó người nghệ sĩ của bao thời đã đi về cùng Huế.
Chúng ta mong sao sông Hương vẫn mãi xanh trong, vẫn mãi dịu dàng; núi Ngự vẫn được ngủ yên dưới bóng thông rì rào gió thổi. Bụi thời gian không thể phủ lấp cung điện, đền đài, những khu nhà vườn giữ được vẻ thân thiện để người con gái Huế nón lá, tóc thề, áo trắng, hàng ngày đi về với ngõ trúc, với tâm hồn luôn vang vọng câu hò tiếng hát giữa một miền đất mà từ lâu được vinh danh là Huế, Đẹp và Huế Thơ.
Và sẽ khủng khiếp biết chừng nào nếu một ngày nào đó do cơn địa chấn quái ác hay do sự thô bạo của con người biến sông Hương thành lạch nước đen ngòm, núi Ngự trơ ra chỉ còn vách đá, đền đài bị chôn vùi dưới tro bụi, ruộng đồng biến thành nhà cửa lô xô và thành phố bị bê tông hóa với lâu đài chọc trời che khuất cả trăng sao.
Ghi chú:
1 và 2: Thủ bút, trích từ “Bài thơ thôn vĩ”
Tạp chí Sông hương xuất bản năm 1987.


Vài nét về Nam Trân Học trò trong Quảng ra thi... Nam Trân: Con người tài hoa Một số nhà văn tuổi Mùi Hà nội, Đẹp và Thơ Đường phố Đà Nẵng mang tên danh nhân: Nhà thơ Nam Trân  

Đẹp và Thơ - Cô gái Kim Luông Anh chài tự đắc Bài hát của đại phi công Bài thơ nhất cú hay là nỗi khổ tâm của thi sĩ Bỏ quách lối thơ xưa Cánh cửa Cảnh quê Cầu bạn Chôn hoa Điếu thuốc cháy suông Đời người Eng Gặp khách đong đưa Giận khúc Nam ai Hà Nội, mưa phùn Hái hoa hồng Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn Huế, đêm hè Huế, mưa dầm Huế, ngày hè Khiêu vũ 1935 Khoá xuân Liên tưởng Một câu thơ của ông Tú Mỡ Mùa đông, cánh đồng An Cựu  Nắng thu Núi Ngự, sông Hương Ngại ngùng khi bước chân ra Sầm Sơn trường hận  Sóng bạc tình Sơn còn ướt Tiếng chuông Diệu Đế Trên núi Ngự Trước chùa Thiên Mụ Vườn cau Nam Phổ

Chuyện em Thanh (Nhặt được của rơi, trả người đánh mất) Mùa xuân trong vườn Em yêu mùa hè Sức mồ hôi Bàn tay mẹ Chớm thu Tựu trường

Những bài học về văn hóa và ngôn ngữ từ một lời cảm ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh Nhật kí trong tù tròn bảy mươi năm (1943-2013) 70 năm Ngục trung nhật ký Kỷ niệm 70 năm "Ngục trung nhật ký": Sự trở lại của một kích thước lớn  “Nhật ký trong tù” – 70 năm sáng mãi tinh thần lạc quan của Bác 60 năm Ngày Bác Hồ viết bài cuối của tập thơ Nhật ký trong tù (10/9/1943 - 10/9/2003)  Nam Trân và bản dịch Nhật ký trong tù Sự bất hủ của Nhật ký trong tù Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn Trở lại hành trình của nguyên tác  Ngục trung nhật ký  Nhật ký trong tù có 133 hay 134 bài ? Nhà xuất bản Văn học tiếp thu phê bình về việc tái bản Nhật ký trong tù Đọc lại bài thơ Khán “thiên gia thi” hữu cảm (Nhân 70 năm Nhật ký trong tù) Dịch thơ: nói dễ, làm khó! “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 2: Đạo văn để bình văn “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 3: Không có chữ dạy người biết chữ “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 4: Đạo đồ giả và sáng tạo nhầm Trở lại "số phận" Nhật ký trong tù Ra mắt tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch ở Cộng hòa Czech Vu cáo chính trị – mập mờ học thuật

Phát huy vai trò nhân sĩ trí thức trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động lý luận, phê bình văn học Văn học kháng chiến chống Pháp ở Bình Thuận 60 năm Viện văn học và tạp chí nghiên cứu văn học

 

Năm mới nhớ về một thời gian khó  Bao cấp

Ra mắt hai cuốn Sưu tập Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1933-1934 và Tác phẩm đăng báo 1935 Chế Lan Viên Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười Nữ sĩ Anh Thơ: Đa tài, đa tình, nhưng cũng đa đoan

Qua đèo Ngang Hai sắc hoa ti gôn Người vợ (Nguyễn Khải)

Một người Hà Nội- Nguyễn Khải Đi tìm cái tôi đã mất (Nguyễn Khải) Dại khôn Nguyễn Khải Hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh về Nguyễn Khải Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp) Tuổi 50 Làm sao cho người Việt tin nhau?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét