Nam Trân

Nam Trân

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Dịch thơ: nói dễ, làm khó!



Dịch thơ: nói dễ, làm khó!
Đặng Toán
Dịch thơ là một công việc vô cùng khó khăn. Vì thế, khi dịch giả chuyển tải được 70-80% nội dung của tác phẩm và đồng thời bản dịch vừa thoát ý lại vừa có chất thơ nữa thì đã là đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi. Còn như cố dịch cho sát nghĩa, gò vào cho đúng niêm luật, câu chữ của nguyên tác thì bản dịch thơ chưa chắc đã được bạn đọc chấp nhận.

Vừa rồi, đọc bài của tác giả Lê Tiến Thức trên Báo Văn nghệ số 43 (26/10/2013), tôi thấy tác giả chê các bản dịch thơ của Tương Như (tức nhà thơ Nam Trân) là "chưa đúng, chưa ổn, không chuyển tải được ý và nghĩa trong bản gốc…". Và ông Lê Tiến Thức "mạnh dạn đưa ra bản dịch" mới của mình trên cơ sở "mạo muội chỉnh sửa bản dịch" đã có trước đó (ở đây là các bản dịch của Nam Trân) để bạn đọc so sánh. Điều này là đáng ghi nhận. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó để mọi người tham khảo thôi, thì cũng chẳng có gì đáng nói. Bản dịch đó hay hay chưa hay thì để bạn đọc và thời gian trả lời. Song đáng trách là trong bài viết của mình, ông Lê Tiến Thức có những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, nếu không muốn nói là quá tự phụ, khiến tôi không thể không lên tiếng. Ở bài viết của mình, ông Lê Tiến Thức chia làm hai phần. Tôi cũng xin theo đó mà trao đổi lại.
1. Từ những bài thơ Đường nổi tiếng…
Trong phần này tác giả lấy hai bài để làm dẫn chứng: "Vọng Lư Sơn bộc bố" (Xa ngắm thác Núi Lư) và "Tĩnh dạ tứ" (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) đều của "thi tiên Lý Bạch".
Ở bài "Vọng Lư Sơn bộc bố", sau khi chê bản dịch của Nam Trân là chưa chuẩn, chưa đúng, tác giả đưa ra bản dịch mới của mình "mong được trao đổi". Tôi xin chép lại các bài thơ đó, bao gồm cả phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa và dịch thơ để mọi người tiện theo dõi.
Bài "Vọng Lư Sơn bộc bố":
Phiên âm:
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên
Dịch nghĩa:
Mặt trời chiếu núi Hương Lô, sinh làn khói tía
Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước.
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống từ ba nghìn thước
Ngỡ là sông Ngân rơi từ chín tầng mây
.
Bản của dịch giả Nam Trân:
Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.
Còn đây là bản dịch của Lê Tiến Thức:
Nắng chiếu Hương Lô bừng khói tía
Thác treo thẳng đứng trước sông này
Vút bay từ độ ba ngàn thước
Ngỡ dải Ngân Hà tuột khỏi mây.
Tác giả Lê Tiến Thức cho động từ "rọi" của Nam Trân "không tương thích với không gian nghệ thuật trong nguyên tác" bằng động từ "chiếu" của mình. Rồi từ "tưởng" của Nam Trân cũng "không có được sắc thái biểu cảm" như từ "ngỡ" của Lê Tiến Thức. Tôi cho rằng nói điều này tác giả Lê Tiến Thức quá chủ quan rồi. Hai bản dịch đều có những cái được và cái chưa được. Song với riêng tôi, bản dịch của Nam Trân hay hơn, thần thái hơn bản dịch của Lê Tiến Thức nhiều. Câu thứ ba của Nam Trân hơn hẳn câu thứ ba của Lê Tiến Thức: Vì có được hình ảnh dòng thác nước bay thẳng xuống từ độ cao ba nghìn thước ở câu trên thì thi nhân mới "Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây" chứ. Còn dịch như Lê Tiến Thức "vút bay" (chỉ có thể hiểu là bay lên) ở câu trên thì sao hợp với từ tuột (xuống) ở câu dưới được! Hơn nữa, chữ "thẳng" (tức chữ " trực" trong nguyên tác) ở câu thứ ba của Nam Trân mới hay, mới tạo cảm giác mạnh của thác nước. Nếu đem chuyển chữ "thẳng" lên câu hai như của Lê TiếnThức lại làm phân tán hình tượng thơ. Như vậy, bản dịch của Nam Trân hay hơn bản của Lê Tiến Thức là cái chắc! 
Còn đây là bài "Tĩnh dạ tứ":
Phiên âm:
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
Dịch nghĩa:
Ánh trăng sáng đầu giường,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu ngắm vầng trăng sáng,
Cúi đầu nhớ quê cũ.
Bản dịch thơ của Nâm Trân:
Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Bản dịch thơ của Lê Tiến Thức:
Đầu giường trăng sáng tỏ,
Ngỡ mặt đất mù sương.
Ngẩng đầu ngắm trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Cũng tương tự như cách lập luận chủ quan ở phần trên, sau khi chê Nam Trân tự ý "thêm hộ Lý Bạch hai động từ nữa vào bản dịch của mình", Lê Tiến Thức vẫn cho rằng từ "ngắm" của mình hơn hẳn từ "nhìn" của Nam Trân bởi nó "tỏ tâm trạng của Lý Bạch đúng hơn". Điều này chưa hẳn ai cũng nghĩ như vậy. Chưa kể trong năm động từ mà Lê Tiến Thức liệt kê, có hai chữ không phải là động từ mà là tính từ thì đúng hơn. Đó là hai chữ "nghi" (ngỡ là) và "tư" (nhớ).
2. Đến Hồ Chí Minh với "Ngục trung nhật ký":
Trong phần này, dịch giả Lê Tiến Thức lấy ra ba bài của Bác để làm dẫn chứng cho những lập luận của mình.
Bài "Đi đường":
Phiên âm:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan,
Trùng san chi ngoại hựu trùng san.
Trùng san đăng đáo cao phong hậu,
Vạn lý dư đồ cố miện gian.
Dịch nghĩa:
Có đi đường mới biết đường đi khó,
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác.
Lên đến đỉnh cao chót của rặng núi điệp trùng ấy.
Thì muôn vạn non sông đã thu cả vào tầm mắt.
Bản dịch thơ của Nam Trân:
Đi đường mới biết non cao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Bản dịch của Lê Tiến Thức:
Đi đường mới biết đường đi khó
Qua dãy núi này còn dãy nọ
Lên đỉnh non cao chót tận cùng
Thu vào tầm mắt cả non sông
Cũng vẫn cách suy nghĩ đơn giản như trên, ông Lê Tiến Thức chê bản dịch của Nam Trân "chưa gần gũi với nguyên tác", chuyển bản dịch từ thất ngôn tứ tuyệt sang lục bát làm "giảm đi giọng điệu rắn rỏi trong nguyên tác". Nói như vậy là ông Lê Tiến Thức đã tự mâu thuẫn với chính mình rồi. Bằng chứng là: Mặc dù cố giữ cho được thể thất ngôn tứ tuyệt trong bản dịch, song nếu theo trình tự Khai - thừa - chuyển - hợp thì bản dịch mới của Lê Tiến Thức cũng chưa đạt độ chuẩn về vần (mặc dù thất ngôn tứ tuyệt cũng có biến thể).
Lại nữa, câu thứ hai ở bản dịch của Nam Trân là một hình ảnh đẹp, hùng vĩ với cách điệp vần khá thú vị "Núi cao rồi lại núi cao trập trùng". Còn ở bản dịch của Lê Tiến Thức thì câu này chỉ có ý và đơn giản như một câu kể "Qua dãy núi này còn dãy nọ". Còn nữa, câu thứ ba trong bản dịch của Lê Tiến Thức chữ bị lặp lại quá nhiều: Đã lên "đỉnh" lại còn "chót", đã "chót" lại còn "tận cùng"!
Bài "Tự khuyên mình":
Phiên âm:
Một hữu đông hàn tiều tụy cảnh,
Tương vô xuân noãn đích huy hoàng;
Tai ương bả ngã lai đoàn luyện,
Sử ngã tinh thần cách kiện cường
Dịch nghĩa:
Không có cảnh mùa đông tiêu điều rét mướt,
Sẽ không có mùa xuân ấm áp huy hoàng.
Tai ương rèn luyện ta,
Khiến cho tinh thần ta càng thêm vững.
Bản dịch thơ của Nam Trân:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân,
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
Bản dịch của Lê Tiến Thức:
Không có cảnh mùa đông lạnh giá,
Sao hay xuân ấm áp huy hoàng;
Trong gian khổ tai ương rèn luyện,
Vượt chính mình mới thật vẻ vang.
Hai câu đầu ở bản dịch của Nam Trân hơn đứt hai câu đầu của Lê Tiến Thức về sự nhuần nhuyễn và lôgic. Còn câu kết của Lê Tiến Thức "Vượt chính mình mới thật vẻ vang" thì lại có điều phải bàn: Cụm từ "vượt chính mình" hiện đại quá, mới quá, sai ý tác giả. Hai chữ "vẻ vang" lạc vào đây không đúng chỗ. Có gì đó như sự tự kiêu hơi quá không hợp với tính cách của Hồ Chủ tịch!
Nhân tiện cũng xin có đôi lời về chuyện dịch thơ Đường của Bác. Hẳn những ai yêu thơ cũng đều biết và ưa thích bài "Nguyên tiêu" của Hồ Chủ tịch và bản dịch "Rằm tháng giêng" của Xuân Thủy. Mặc dù cũng phải chuyển từ thất ngôn tứ tuyệt sang lục bát, mặc dù cũng phải bỏ đi một chữ "xuân" trong nguyên tác, nhưng có thể nói cho đến hôm nay chưa có bản dịch nào hay hơn bản dịch của Xuân Thủy! (cho dù khá nhiều người cũng cố công tìm cách dịch lại nhưng xem ra cũng chỉ được cái nọ hỏng cái kia thôi).
Không chịu bằng lòng với cái cũ, muốn thay đổi, muốn đổi mới, đó là điều nên làm của người sáng tác. Song đừng nhân danh đổi mới mà phủ định những giá trị sáng tạo đích thực của người đi trước, với một thái độ thiếu tôn trọng! Sự đời, nói thì dễ, chê thì dễ, nhưng làm thì khó lắm thay!
Thái Bình, 15/12/2013



Dịch thơ: nói dễ, làm khó!


“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 2: Đạo văn để bình văn

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 3: Không có chữ dạy người biết chữ

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 4: Đạo đồ giả và sáng tạo nhầm


Huế đẹp, Huế thơ

Vài nét về Nam Trân Giới thiệu Nam Trân trong cuốn sách: Thi nhân Việt Nam hiện đại  Học trò trong Quảng ra thi... Nam Trân: Con người tài hoa Một số nhà văn tuổi Mùi Hà nội, Đẹp và Thơ Đường phố Đà Nẵng mang tên danh nhân: Nhà thơ Nam Trân  Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nam Trân Nam Trân - sự gắn bó giữa không gian Huế và tâm hồn thi nhân Tìm lại Huế, Đẹp và Thơ - Giới thiệu tập thơ Nam Trân Nam Trân với Huế Hành xử và đóng góp của một trí thức yêu nước Diễn văn nhân kỷ niệm 100 năm sinh và 40 năm mất nhà thơ - dịch giả Nam Trân Người Quảng trên đất cố đô Đọc lại 'Huế, Đẹp và Thơ' của Nam Trân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà thơ - dịch giả Nam Trân Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng "Người Xô Viết" với các nhà văn đất Quảng thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954)  Người phát hiện ra Huế đẹp và thơ

01 Đẹp và Thơ - Cô gái Kim Luông 02 Sóng bạc tình 03 Vườn cau Nam Phổ 04 Huế, ngày hè 05 Huế, đêm hè 06 Huế, mưa dầm 07 Núi Ngự, sông Hương 08 Trước chùa Thiên Mụ 09 Cánh cửa  10 Mùa đông, cánh đồng An Cựu  11 Khiêu vũ 1935 12 Ngại ngùng khi bước chân ra 13 Trên núi Ngự 14 Giận khúc Nam ai  15 Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn 16 Tiếng chuông Diệu Đế 17 Khoá xuân 18 Hái hoa hồng 19 Liên tưởng 20 Nụ cười giai nhân 21Sơn còn ướt 22Cảnh quê 23Hà Nội, mưa phùn 24Nắng thu 25 Điếu thuốc cháy suông 26Anh chài tự đắc 27 Bài hát của đại phi công 28 Bài thơ nhất cú hay là nỗi khổ tâm của thi sĩ 29 Một câu thơ của ông Tú Mỡ 30 Bỏ quách lối thơ xưa  31 Eng 32 Gặp khách đong đưa 33 Cầu bạn 34 Đời người 35 Tôi và Ta 36 Chôn hoa 37Sầm Sơn trường hận

Chùm thơ cho tuổi nhỏ Chuyện em Thanh (Nhặt được của rơi, trả người đánh mất) Mùa xuân trong vườn Em yêu mùa hè Sức mồ hôi Bàn tay mẹ Chớm thu Tựu trường

Những bài học về văn hóa và ngôn ngữ từ một lời cảm ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh Nhật kí trong tù tròn bảy mươi năm (1943-2013) 70 năm Ngục trung nhật ký Kỷ niệm 70 năm "Ngục trung nhật ký": Sự trở lại của một kích thước lớn  “Nhật ký trong tù” – 70 năm sáng mãi tinh thần lạc quan của Bác 60 năm Ngày Bác Hồ viết bài cuối của tập thơ Nhật ký trong tù (10/9/1943 - 10/9/2003)  Nam Trân và bản dịch Nhật ký trong tù Sự bất hủ của Nhật ký trong tù Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn Trở lại hành trình của nguyên tác  Ngục trung nhật ký  Nhật ký trong tù có 133 hay 134 bài ? Nhà xuất bản Văn học tiếp thu phê bình về việc tái bản Nhật ký trong tù Đọc lại bài thơ Khán “thiên gia thi” hữu cảm (Nhân 70 năm Nhật ký trong tù) Dịch thơ: nói dễ, làm khó! “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 2: Đạo văn để bình văn “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 3: Không có chữ dạy người biết chữ “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 4: Đạo đồ giả và sáng tạo nhầm Trở lại "số phận" Nhật ký trong tù Ra mắt tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch ở Cộng hòa Czech Vu cáo chính trị – mập mờ học thuật

Phát huy vai trò nhân sĩ trí thức trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động lý luận, phê bình văn học Văn học kháng chiến chống Pháp ở Bình Thuận 60 năm Viện văn học và tạp chí nghiên cứu văn học  Nhà văn Phan Thao lấy vợ Tế Hanh và câu chuyện tình của Phan Thao Dấu ấn văn học kháng chiến Liên khu V

Năm mới nhớ về một thời gian khó  Bao cấp Tranh co dong - chien tranh 1 Tranh cổ động về cuộc chiến tranh Tranh cổ động lao động - sản xuất Tranh cổ động về lãnh tụ Tranh cổ động tổng hợp Đinh Bộ Lĩnh - Cờ lau dựng nước Tranh cổ động thời kháng chiến chống Pháp

Ra mắt hai cuốn Sưu tập Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1933-1934 và Tác phẩm đăng báo 1935 Chế Lan Viên Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười Nữ sĩ Anh Thơ: Đa tài, đa tình, nhưng cũng đa đoan

Qua đèo Ngang Hai sắc hoa ti gôn Người vợ (Nguyễn Khải)

Một người Hà Nội- Nguyễn Khải Đi tìm cái tôi đã mất (Nguyễn Khải) Dại khôn Nguyễn Khải Hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh về Nguyễn Khải Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp) Tuổi 50 Làm sao cho người Việt tin nhau?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét