Nam Trân

Nam Trân

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Nam Trân với Huế

Nam Trân với Huế
(Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất nhà thơ Nam Trân)

Nhà thơ Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sĩ, sinh ngày 15/2/1907, mất ngày 21/12/1967 là người quê Đại Lộc, Quảng Nam, nhưng tên tuổi ông gắn bó với Huế hơn nửa thế kỷ nay không chỉ vì ông từng là học sinh Trường Quốc học Huế và sau khi đỗ tú tài làm tham tá tòa Khâm sứ Huế, mà chủ yếu vì tập thơ đầu tay "Huế Đẹp và Thơ" đã được các tác giả "Thi nhân Việt Nam" trân trọng đánh giá: "...tả cảnh Huế chưa ai bằng được Nam Trân."


"Huế Đẹp và Thơ" xuất bản năm 1939, gồm gần 40 bài thơ, phần lớn là những bài viết về con người và cảnh vật xứ Huế: Cô gái Kim Luông, Vườn cau Nam Phổ, Huế mưa dầm, Núi Ngự sông Hương,Trước chùa Thiên Mụ, Mùa đông cánh đồng An Cựu...Đầu đề các bài thơ và tên bạn bè mà tác giả ghi tặng - những học giả, văn nghệ sĩ lừng danh như Nguyễn Tiến Lãng, Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Thế Lữ, Nguyễn Lân, Phan Khôi, Đào Đăng Vỹ, Đoàn Phú Tứ..., gợi chúng ta nhớ đến Huế một thời là nơi thu hút, đào luyện nhân tài. Có thể nói đây cũng là một vẻ đẹp của Huế. Chính từ vẻ đẹp này, một tài thơ xứ Quảng đã thành của Huế, đã tôn vinh Huế bằng nghệ thuật thơ "biệt thành một lối" - như nhà phê bình Hoài Thanh đã ghi nhận.  

Quả thực, "Huế Đẹp và Thơ" rất phong phú về giọng điệu, chứng tỏ tác giả đã thật công phu tìm tòi sáng tạo để hình thức thơ diễn đạt những điều muốn nói một cách có hiệu quả nhất. Bài "Đẹp và Thơ" (hoặc là "Cô gái Kim Luông"), mấy câu đầu, ông dùng thể "thất ngôn" để tả vẻ đẹp bên ngoài một cách khách quan:

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng thơ thấy đẹp phải tìm theo
Thuyền qua đến bến cô lui lại,
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo.

Bốn câu cuối bài, điệu thơ lục bát thật hợp với sự xao lòng của nhà thơ:

Đăm đăm mỏi mắt vì chèo
Chèo cô khuấy nước trong veo giữa dòng
Biết không?Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn khuấy, sóng lòng còn xao!

Trong bài "Mùa đông cánh đồng An Cựu", những câu thơ chỉ một hai chữ như là những nốt lặng buồn:

Như lá bàng
Rụng.
Ôi! Đìu hiu
Cảnh chiều
Đông!
Ruộng ngập: mênh mông
Nước phẳng.
Cò bay, yên lặng,
Quang đồng.

Thơ Nam Trân trung thực với lòng mình, không chiều theo khuôn mẫu nào, khi cần ông dám viết những điều làm người khác bất bình. Đó là khi ông viết "Giận khúc Nam Ai". "Ở Huế mà ghét Nam Ai, nội chừng ấy vẫn đã lạ." ("Thi nhân Việt Nam") Nhưng đọc thơ, ta hiểu ông:

Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác.
Hãy đứng lên, Nhạc sĩ, với tôi, đi!
Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
Và tung mãi tâm hồn thừa trụy lạc

Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!
Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng...

Bài thơ báo hiệu sự chuyển mình của nhà thơ và cũng là sự chuyển mình của Huế trước khi cách mạng bùng nổ. Quả nhiên, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã sớm tham gia vào công cuộc kháng chiến, giữ nhiều chức vụ ở Quảng Nam và Liên khu V. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục sự nghiệp văn học bằng những công trình dịch thuật nhiều tác phẩm lớn, trong đó có tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai tập "Thơ Đường". Nhờ học vấn uyên thâm kết hợp với tài thơ sẵn có, cho đến nay, nhiều bài thơ dịch từ chữ Hán của ông vẫn là mẫu mực chưa ai vượt qua, nên đã được dùng trong nhiều sách giáo khoa. Ví như bài thơ "Ngắm trăng" ("Nhật ký trong tù") mà nhiều người biết là bản dịch của Nam Trân:

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Trân trọng những đóng góp về nhiều mặt của nhà thơ-dịch giả Nam Trân, tháng 10/1997, lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Có một chi tiết, với riêng Huế, kể cũng là điều đáng kể: Từ một năm trước, chuẩn bị tái bản tập thơ "Huế, Đẹp và Thơ" vào dịp kỷ niệm, nhưng gia đình nhà thơ Nam Trân không tìm đâu ra bản in ngày trước; cho đến lúc chị Nguyễn Thị Lệ - em gái nhà thơ, một cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế viết thư cho tôi và tôi đã nhờ anh Hồ Tấn Phan tìm được tập thơ in lần đầu. Nhờ đó, "Huế, Đẹp và Thơ" đã được tái bản rất đẹp với trang bìa màu tím Huế, kịp đến với bạn đọc cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Nam Trân.

Huế, Tháng 12/1997
(Báo "Thừa Thiên - Huế", Tháng 12/1997)
Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB  Hội Nhà Văn-  2006


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét