Nam Trân

Nam Trân

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Trên Giòng Hương Giang



Trên Giòng Hương Giang
BS Lê Văn Lân
(1931 -2013)
tản mạn
(do nhà văn Trần Thị Lai Hồng gửi)
 http://www.gio-o.com/Chung/LeVanLanTrenGiongHuongGiang.htm 

Thơ tiếng Pháp về Huế tựu trung có vài tác giả đã đăng nhiều sáng tác trong Tập
san Đô Thành Hiếu Cổ hay Đặc san Những Người Bạn Cố đô Huế ( Bulletin Des
Amis du Vieux Hué – viết là BAVH ) nhưng có tiếng với độc giả Việt nam chỉ có hai người: đó là Henri Guibier và Henri Cosserat.


Henri Guibier có một bài duy nhất được giới trí thức Việt Nam trước đây hâm mộ và truyền tụng, cũng như đã dịch ra thơ Việt Nam. Tựa đề bài thơ Nocturne Sur Le Fleuve
Des Perfums (1).
Nhà thơ Lệ Chi Nguyễn Vỹ đã dịch bài này ra thơ Việt, nhan đề “Điệu hát trên sông Hương”. Ông cố tình xử dụng các âm điệu êm (hay ênh)… và ái.

Thi sĩ Song An Thái Thúc Diễn cũng dịch bài này với nhan đề “Đêm trên giòng Hương Giang” nhưng lại vận dụng những âm sắc gần giống với sắc nguyên tác của Henri Guibier đó là I…và ưa. Ở đây chúng tôi không dám lạm bàn về phẩm chất và thể thơ, ngôn ngữ cũng như lột ý của hai bài dịch. Tuy nhiên trên phương diện nhạc tính, bài dịch của Thái Thúc Diễn thành công hơn mặc dù một hai tiểu khúc sau vì kẹt vần Việt ngữ, ông phải thay âm ưa bằng âm khác như ớ… và ư nên âm hưởng kém đi không giống âm sắc ướt át và hơi rung lưỡi của âm vận EUR trong Pháp ngữ ( douleur, douceur, rameur, coeur, langueur) vốn phát âm từ cuống cổ rồi láy nhè nhẹ qua sự rung chuyển của lưỡi gà trên mạng khẩu cái … nghe giống như âm thanh của vĩ cầm…

Bài Nocturne của Henri Guibier đượm một màu lãng mạn ướt át, sâu thẫm qua hình ảnh một mảnh hồn đau bầm dập (âme meurtrie, âme en sa douleur), một con thuyền ngái ngủ (barque endormie), một mái chèo đều, khe khẽ, một vầng trăng tái nhợt… nên đã đáp ứng phong trào lãng mạn thời thượng ở Việt Nam của thập niên 20 với những tác giả như Tương Phố (Giọt lệ thu), Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách (Tố Tâm)…

Tác giả thứ hai làm thơ về Huế là Henri Cosserat dưới bút hiệu là Henri de Rouvroy đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué BAVH.

Tác giả là giáo sư trường Trung Học Khải Định trước năm 1945. Tôi chỉ bắt đầu học trường này vào cuối năm 1945, nên không được học môn vạn vật với thầy Henri Cosserat. Nhưng vào năm 1952 tôi được thầy chỉ dạy về môn thực tập Hóa Học ở lớp Sinh- Lý- Hóa (P.C.B) tại Đại học Khoa học Saigon.
Dáng dấp cao, thường ít nói và mặc áo bốn túi màu nhạt. Đó là kỷ niệm tội còn nhớ về vị thầy cũ này. Thời đó tôi tuyệt nhiên không biết ông là một thi sĩ đã làm thơ về cố đô Huế… mà chỉ biết ông là một ông thầy có bằng cử nhân Khoa học. Tuy nhiên có vài người bạn tiết lộ Ông Henri Cosserat là một ông Tây nói tiếng Huế với một âm sắc đặc thù Huế, một thứ tiếng Huế chay! Vì ông già là Tây thiệt, còn bà già là người Huế.

Tôi chưa được nghe thầy Henri Cosserat “nói tiếng Huế” nhưng tôi bỗng có cảm tình tự nhiên với thầy…Một ông Tây mũi cao, mắt xanh nâu đùng đục dù là chỉ có 50 phần trăm máu Pháp mà nói tiếng Huế là một kỳ quan với tôi rồi.
Henri Cosserat, trên tên họ là một người Pháp- nhưng tâm hồn ông vì có giòng máu Việt của bà mẹ người Huế - nên đã “Huế chay”… Huế đến nỗi dân Huế chánh gốc 100% chưa hẳn bì kịp. Ngôn ngữ của ông trong thơ là một ngôn ngữ minh bạch, tinh tế, nhã lịch của Pháp văn.

Bài cố đô Huế ( Huế ) số 1

Tôi thấy Huế ngủ mơ trên bờ mộng
Chốn Cố Đô bao phủ ngọc xanh lam
Thành lũy, hào tường mạnh dày ngạo nghễ
Tôi đã nhìn tỉnh giấc Huế hừng đông.
Tôi lại chọn- như tay sành cổ ngoạn
Tranh bình minh tươi phấn rộn lòng tôi
Để ngắm Huế - nàng góa chồng tím rạn
Vén khăn “voan” sương trong phủ tháng tư.

Henri Cosserat đã thâu qua thấu kính của nhãn cầu mình “màu xanh của Huế” mà ông đã sánh với màu xanh của những viên Lục Quế Ngọc (BeAl2Si6O18) Beryllium aluminum Silicate…(Minerals of the world, tr. 175). Gia đình Lục Quế Ngọc thường có giai phổ về sắc lục như lục sẫm của Lục Trụ Thạch (aquamarine)… Muốn thấy màu xanh này, ta phải nhìn tận mắt những hình màu về ngọc mới rõ được. Henri Cosserat là một giáo sư dạy về vạn vật nên ông nói rất chính xác về vật thể đất đá hoa lá, dù là trong thi hứng. ( Bạn Nguyễn Cúc đã nhắc lại kỷ niệm về thầy Henri Cosserat, tr.60 Tiếng Sông Hương T.S.H) Nhớ hình dáng thầy, người cao cao, nhẹ nhàng, thanh thoát, nhớ vẻ mặt nghiêm trang nhưng từ ái của thầy, thu mình trong chiếc áo blouse màu trắng. Giờ vạn vật nơi giảng đường thầy mân mê từng ngọn lá, nhánh cây hay lễ mễ cầm từng miếng nham thạch, từ thạch trong khi giảng bài với tất cả nhiệt tình của một vị thầy tận tụy với thiên chức. Tả cái xanh của nước giòng Hương giang, ông đã viết một cách không mơ hồ bằng tỉ dụ của một người sành đồ cổ và hiểu biết lịch sử cố đô.

Xanh tuyền xanh như lưng bình sứ mỏng
Giòng nước Hương… ngự chế bút thư văn
(Trên Hương Giang / Sur le Rivière des Perfums)

Cái xanh của bình sứ ám chỉ là cái xanh màu men xanh Huế (bleu de Huế) mà các tay chơi cổ ngoạn thường phân biệt với màu xanh men ( bleu de chine).
Sur le fleưve embaumé… chanté par tant de roi (Giòng nước Hương… ngự chế bút thi văn).

Cái chính xác của câu thơ trên có thể chứng minh bằng tập “Ngự chế Thi tập” của vua Thiệu Trị (1841) với bài Hương Giang Hiểu Phiếm (Buổi sớm Chèo thuyền trên Sông Hương) hay thơ của các ông hoàng Tuy Lý và Tùng Thiện Vương ca tụng cái đẹp của giòng Hương.

Màu xanh của sông Hương – hơn một lần trong các bài viết về Huế- được nhắc như một hiện tượng độc đáo. Nước sông Hương nhiều lúc thật trong suốt để ta nhìn thấy đám rong xanh đen dày mọc dưới đáy. Màu xanh của Sông Hương là do màu rong ở đáy phản ảnh lên hay do da trời thiên thanh chiếu xuống vào những ngày đẹp trời. Tại đâu thì chưa ai phân biệt được, tuy có một điều Cố Đô Huế mà thiếu sông Hương xanh, Huế sẽ hết là Huế !

Thơ của Henri Cosserat- theo tôi nhận xét là những bức “thi trung hữu họa”. Ông làm những bài thơ về Huế khoảng 1927. Về sau này trên thi đàn Việt Nam khoảng 1930 – 1945 mới xuất hiện nhiều cây bút biến bài thơ mình thành những bức tranh đẹp, như Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Nam Trân, Đoàn văn Cừ.
Đọc vài đoạn thơ cửa Đoàn văn Cừ làm ví dụ, tôi bèn thấy Henri Cosserat và Đoàn văn Cừ giống nhau ở điểm nhận xét rất tinh lại sẵn hồn thơ phong phú.

Huế là nơi hình ảnh của lụa là, châu ngọc được làm bối cảnh. Henri Cosserat không ngần ngại đem những thứ vải quí vào thơ như lụa, sa tanh, nhiễu…

Màn đêm êm du thuyền đen chèo khẽ
Lững lờ trôi nước mịn nhiễu vàng soi

Chữ “moires des eaux d’or ” rất khó dịch.
Moire (gọi tiếng Anh là mohair) là một thứ vải có màu óng ánh, làm bằng cách cán những sợi vải qua một máy cán đặc biệt, tạm dịch là nhiễu.

Phương đông rạng, kìa bóng đêm lui bước
Và da trời dịu sắc tựa “sa tanh”
Sa tanh – đúng ra gọi là nhiễu Tàu vì được sáng chế đầu tiên tại một xứ bên Tàu gọi là Zay tùn (?) có mặt hàng rất láng, sờ rất mát dịu tay.
Rất giống Hàn Mặc Tử hay Nam Trân hoặc các thi sĩ khác sống ở Huế, Henri Cosserat rất tinh tế khi đem những thực tại của địa phương vào thơ.

Đọc thơ của Hàn Mặc Tử qua câu: “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”, dân Huế hiểu thấm thía hơn dân khác. Và đây là điểm mà tôi nghĩ rằng những độc giả - gốc Huế hay đã từng ở Huế thật lâu - mới có thể nhận ra. Henri Cosserat đã sống với cha mẹ suốt thời thơ ấu như giọng nói Huế của ông đã chứng tỏ, và ông đã nhìn cảnh Huế với một cái nhìn riêng của dân Huế.

Ở Huế, sông Hương, núi Ngự ai ở đâu cũng biết. Nhưng có ngọn núi thật cao hơn núi Ngự Bình gọi là núi Thiên Thai ở phía Đông Nam Đàn Nam Giao, dưới chân núi có chùa Thiên Thai Tôn Tự thì chỉ dân Huế mới biết tên.

Nguyễn Du thời làm Tham Tri Bộ Lễ ở Huế có bài thơ sau:
Vọng Thiên Thai Tự
Thiên Thai sơn taị Đế Thành đông
Cách nhất điền giang tự bất thông
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung

(Thành vua, đông có núi Thiên Thai
Cách giải sông như khó tới nơi
Chùa cổ lá vàng thu phủ kín
Triều xưa mây trắng sãi già rồi)

Ngoài ra còn nhiều ngọn đồi núi khác làm cái viễn cảnh cho cảnh trí Huế. Ngoài núi Ngự Bình ( Bằng Sơn), núi Thiên Thai, còn có đồi Thiên Ân, núi Vưng, núi Kim Phụng …

Henri Cosserat đã đem cái viễn cảnh núi non này vào thơ khi ông ngắm cảnh chiều trên sông Huơng. Ngọn núi Thiên Thai này vì cao và ở xa, thật xa, nên dân Huế đều thấy cả so với núi Ngự chỉ cao có khoảng 100 thước chỉ thấy gần. Đặc biệt trên sườn núi này cũng như trên những sườn núi mầu lam thẫm của dãy Trường Sơn làm một viễn cảnh khác ngăn cách Huế với Lào, buổi tối có những đóm lửa đỏ cháy rừng do thông khô bốc lửa hay lửa của các lò hầm than.

Nhìn viễn cảnh … sườn non phô đủ sắc
Đám lửa rừng bò tỏa tựa hồng châu
Đính trang sức áo rừng lam tưởng mặc

Màu xanh tím của rừng núi Trường Sơn là một màu xanh bí hiểm, rất gợi nhớ, thay đổi không chừng dù trong một ngày như sang xanh, trưa vàng, chiều tím ( Huế Cố Đô – Thái văn Kiểm)

Dãy núi tím bổng thay màu xanh ngắt
Rồi xóa lần trong giờ khắc nhá nhem
Âm thầm cảnh vật vào đêm
Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cùng tắt
( Huế đẹp và Thơ - Nam Trân )

Ta thấy Henri Cosserat đã tài tình dùng các chữ rubis (hồng bảo ngọc) đính (sertir) trên áo rừng lam (bleuâtre manteau des forêts), màu nhớ (nostalgique).
Ông cũng nhắc đến những viên Hồng Bảo Ngọc trong câu tả mặt nước sông Hương vào bình minh:
Nhìn xa xa ngọc châu hồng ngấn nước …

Ông đã so sánh những điệu hò Mái Nhì, Mái Đẩy kéo dài chậm rãi trên sông Hương như tiếng thông reo, rất quen thuộc lỗ tai dân Huế
Những câu hò … thông reo khoan gió lướt…(chanson des pins), nhắc ta câu Kiều:
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài.
Tiếng gió thoảng qua những ngọn thông có lá như những cây kim , làm ta nhớ đến câu thơ của Tuy Lý Vương ta có thể dịch rất đắc ý là:
Những điệu hò… “tùng thanh” khoan gió thoảng hay dịch cho có vẻ Đường thi là:
Những điệu hò … “phong suy tùng diệp” thoảng

Càng đọc kỷ thơ của Henri Cosserat tôi lại càng nhớ Huế một cách quay quắt, vì ông đã nhắc đến một chi tiết rất nhỏ. Đó là những con nhện ở Huế, trong bài Bình minh Trên Sông Hương. Ông tả cảnh ghe thuyền bắt đầu di chuyển nhộn nhịp trên sông Hương vào buổi bình minh như sau:
Khắp giải Hương… còn ngái nồng giấc điệp
Bao thuyền ghe đã tưng bừng nhộn nhịp
Nương ánh ngày… giăng túa nhện trên sông…
( Aube sur le Hương Giang)
Ủa tại sao lại giống như nhện vậy ?
Henri Cosserat gọi nhện này “étranges araignées”.

Không biết tôi có tưởng tượng mà tán ra thái quá chăng? Ở Huế nhất là ở các ao hồ, như hồ Tịnh Tâm, hào Hộ thành, hay vùng Ao Hồ … có một loại nhện nước mình nhỏ xíu, chân dài nghêu … chạy trên mặt nước rất nhanh khi bị động… gọi là con cất vó vì mấy chân dài của nó giống cái gọng vó bắt cá hay còn gọi là con phù du hay con vờ… ( xin quí vị cao minh chỉ giáo cho). Hình ảnh của các ghe thuyền di chuyển trên mặt sông có lẽ gần với hình ảnh của loài nhện nước chạy túa ra trên mặt nước, hơn là nhện nhăng tơ.

Và một điểm nữa là có lẽ những người ở Huế cũng sẽ đồng ý với tôi đó là màn sương trên sông Hương hay dọc hai bờ.
Màn sương đó vào tháng tư thì hơi dày đặc thành mù (brume) mà Henri Cosserat tả như tấm mạng che đầu của sương phụ … Mùa hè ở Huế thật nóng, nên các thành quách xây bằng gạch hút hơi nóng ban ngày để từ nhả ra vào lúc trời chiều dịu lại, do đó thành mù… mà Henri Cosserat mô tả giống như sương lụa nhẹ mong manh (Soierie à la fragile frame).
Còn trên mặt sông Hương có màn khói sóng màu lam vào buổi bình minh:
Trời pha lê phơi trần và trong vắt
Dưới gầm trời đượm ngắt một màu xanh
Của khói nước mà bình minh tắm ngập…
(Aube sur le Hương giang)
Nguyên văn: Vapeur d’encens tạm chuyển ngữ là khói sóng như: “ trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” để có chất thơ, kỳ thực nó là hơi nước bốc có mùi thơm nhang, dịch là yên ba (khói sóng) quyện mùi hương nhang trầm của nó.

Về sau thi sĩ Nam Trân cũng nhắc đến luồng khói trên sông Hương trong bài Trước Chùa Thiên Mụ:
Êm êm dòng nước Hương Giang chảy
 Xúm xít thuyền con chỗ ba bảy
Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây
Như luồng khói nhẹ, lên, lên mãi…

Và Xuân Diệu - người gốc Hà Tĩnh - học ở Huế, làm thơ cũng lấy thi hứng từ sương khói của cái đất mộng mơ nhung lụa này.
Sương khói theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.
(Nhị Hồ)
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh
Cành biếc run run chân ý nhi.
(Thu)

Mầu da trời ở Huế mà Henri Cosserat tả là trời pha lê (cristallin) phơi trần (nu) và trong vắt (transparent), thì Xuân Diệu về sau cũng tả là:
Lung linh bóng sáng cũng rung mình ( Nguyệt cầm )

Mắt của Henri Cosserat cũng giống như máy chụp hình, chụp thực tế với những khía cạnh sắc nét. Ông tả vầng trăng cũng độc đáo như một bức tranh Tàu chấm phá:
Vầng trăng thanh thấp bừng chân đồng nội
Móc lung đăng trên mái cổ chạy rồng
Fanal trong nguyên văn chỉ cái đèn hiệu của tàu bè đồng thời cũng chỉ cái lồng đèn (lanterne quelconque, theo Larousse).

Nếu thi sĩ Vũ đình Liên về sau khen cái ngọn bút lông viết chữ Nho của ông Đồ với câu:
“ Hoa tay thảo mừng nét
Như phượng múa rồng bay. (Ông Đồ)
Thì Henri Cosserat khoảng 1927 đã diễn tả không kém phần bay bướm với những chi tiết chính xác:
Bút lông mềm chậm rãi của nhà Nho
Dáng đấm đuối ngắm nhìn bao nét thảo
Phong nhã lượn bút hoa đua rộ nở
( Ngọn Bút Lông )

Văn phòng tứ bảo trong cung vua cũng được nhắc đến đúng với chất liệu cấu tạo hoặc màu sắc nguyên thủy như: Bút vàng lông thỏ mịn, Bút tre, Bút hổ phách, Nghiên ngọc Bích. Mực vàng, giấy trắng mịn như bột gạo ( papier de riz/ giấy quyến )

Ngay cả khi nói đến vua Tự Đức ông cũng không quyên cái tật “ Mê nôm Thúy Kiều “ và ngón tay có móng lá lan trau chuốt của ngài !

Nghệ thuật hiện thực của Henri Cosserat đã lên cao độ nhất với bài Ngài Ngự (Le Roy). Bài này tả đám rước Tế Nam Giao phát xuất từ Đại Nội, khởi hành từ cửa Ngọ Môn rồi đi lên đàn Nam Giao.
Với con mắt quan sát tinh tề nhưng phong phú hòn thi, Henri Cosserat đã viết tiểu khúc đầu của bài thơ với những chi tiết cực kỳ linh động:

Ngài Ngự ( Le Roy )
Aux sons d’une musique au frêle tintamarre
Le cortège royal déroule ses anneuaux
Le peuple est dans la rue, un peuple qui s’êffare
Au soleil éclatant de ce matin trop chaud
Trong thanh âm nhạc hành thanh thót nhẹ
Đoàn đạo ngự duỗi khúc chuyển mình đi
Đám thần dân bên đường hao hức ngắm
Nắng chói chan sớm nóng quá làm ri.

Đoàn đạo ngự không diễn hành trong âm điệu í… o du dương của phường bát âm gồm kèn, sáo, trống v.v… mà là “Trong âm điệu nhạc hành thanh thót nhẹ” của tiếng trống lẫn tiếng chiêng mà ông mô tả bằng chữ musique au frêle tintamarre !
Theo tự điển Larousse, tintamarre là những tạp âm chát chúa gồm những âm thanh đối chỏi nhau. Tintamarre nguyên gốc theo tự điển Larousse là do chữ tinte, tượng thanh chỉ tiếng chuông. Tôi tạm dịch bằng một chữ vật tượng là thanh thót hay inh ỏi. Âm trong trẻo kim loại của tiếng chiêng (kim âm) hòa với âm đục trầm vang dội của da trống (cách âm) được gói trọn vẹn trong chữ tinte (trong cao), marre (đục trầm), diễn tả sự đối chọi trong hòa âm. Nếu trong truyện Kiều có câu:

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời

Thì trong chữ tintamarre của Henri Cosserat:
Trong như chiêng đánh vang xa
Đục như tiếng trống dồn ra phương trời

Trong mắt của Henri Cosserat đạo ngự khởi hành gợi hình ảnh một con rắn nằm cuộn mình từ từ duỗi khúc để bò đi, qua câu tả:
Le cortège royal déroule ses anneaux !
(Đoàn đạo ngự duỗi khúc chuyển mình đi) – Coi bài Le Roy số 4

Dân chúng ai cũng háo hức ngây người (s’effare) đứng coi rước Nam Giao vì ba năm mới có một lần tế. Đám rước khởi hành từ Đại Nội vào khoảng 7 giờ sáng và đi lên đàn Nam Giao khoảng 12 giờ trưa. Thời tiết vào tháng trọng xuân ở Huế -cỡ các tháng 3-4 dương lịch- bắt đầu nóng. Dân chúng vừa nóng ruột coi rước, vừa bị cái nóng của thời tiết.
Nắng chói chan… sớm nóng quá làm ri !
Au soleil …

Họ háo hức coi rước nên thấy đám rước diễn hành tới đâu … là họ reo lên tới đó… tê… tề… tê… tề…
Henri Cosserat đã cho cuốn phim quay đoàn rước Nam Giao đệm với những chiêng, trống lẫn các tiếng hò reo háo hức, hớn hở của đám thần dân.
Voici… et voici… lập đi lập lại 5 lần trong các tiểu khúc…

Ngũ lôi cổ là 5 thứ tiếng có âm sắc, tiếng dội như sấm; đồng bát là cái xập xỏa bằng đồng tạo ra một thứ âm thanh chan chát vang dội của âm kim khí và âm da mặt trống … nên Henri Cosserat dùng chữ Fanfare … mà tôi tạm dịch cho sát ý là cổ bạt.
Tề, các quan mão cao, đai phẩm phục
Dáng đường bệ bước đều chân cử bộ
Tề, tề nữa diễn hành theo cổ bạt
Lính cấm cờ dàn rước các quan Đô
(Le Roy )
Và nhân vật mà đám dân chúng háo hức muốn coi nhất là Ngài Ngự. Đây là giây phút hồi hộp mà dân chúng háo hức nhưng từ từ… chầm chậm muốn coi…
Tề tề nữa… kiệu đen vàng thiếp lóa
Kính sùng thay… da Ngự phớt màu ngà
Dưới tàn quạt nhẹ nhàng phe phẩy chậm
Dưới lọng cao… nghi vệ của nhà vua
Vẻ đơn giản tịnh chay và oai khiếp
U linh tỏa chung quanh nơi: Ngài Ngự !

Câu kết trong bài Trên Sông Hương đượm một vẻ cực kỳ lãng mạn, mơ mộng:
Nước lịm tiếng, ve sầu hoang dại hát !
Như thuyền mơ hư ảo thả rong trôi
Chở hồn tôi lạc vào muôn sen nhạt.

Nhưng có lẽ làm tôi xúc động nhất là sự khiêm cung của tác giả- tự coi mình là bé mọn (petit) trước cái quá khứ huy hoàng vĩ đại của Đế đô.
Ông coi Huế như một cái hòm thánh cốt (châsse) đặt trên bàn thờ ( nhưng tôi xin dịch thoát ý với một chữ Việt Nam là Khám thờ) mà ông khum người vái lạy.

Huế khám thờ thiên thu nằm yên nghỉ
Những bảo châu từ quá khứ truyền kỳ
Tôi- bé mọn- bái tôn hồn linh đế.

Và đứng trước màu đỏ của mặt trời đang lặn ở phương Tây… Henri Cosserat có một tinh thần hoài vọng thâm trầm về quá khứ của Kinh Thành Huế
Ôi Đế đô… kìa thái dương đỏ ráng
Ở đoài phương bừng bực lửa vinh quang
Huế dĩ vãng hồi sinh từ lăng tẩm.

Cái mầu nắng của đất Thần kinh Huế cũng là một hiện tượng đáng để ta dừng lại với vài ý nghĩ. Dọc hai bờ sông Hương cây phượng trồng nhiều đã khiến mặt trời mùa hè ở Huế đã đỏ lại đỏ thêm:

Huế phượng như giọt huyết
Dỏ xuống phủ lề đường
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương
( Nam Trân / Huế ngày hè )

Cái nắng ở Huế buổi bình minh do mặt trời ló dạng ở biển Đông hồng tươi nên Henri Cosserat so với màu tươi của tranh phấn tiên (pastel) nhưng cái ráng chiều của tà dương sau dãy núi Trường Sơn phía Tây thì ráng đỏ rực đẹp vô cùng …

Và một điểm càng chứng tỏ Henri Coseerat lấy thi hứng từ hiện thực vì các lăng tẩm của vua đều xây ở phía Tây cả.
Ở đoài phương, hừng hực lửa vinh quang
Huế dĩ vãng hồi sinh từ lăng tẩm
Ráng ( chữ nho là Hà ) có màu đỏ rực như câu “áo chàng đỏ tựa ráng pha” sở dĩ có màu rực rỡ là vì ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua lớp khí quyển có mù sương nằm thâm thấp ở chân trời. Khí núi Trường Sơn đã làm cho cái ráng chiều ở Huế đẹp vô cùng với các màu sắc trong quang phổ được phát huy ra.

Năm bài thơ của Henri Cosserat đã viết vào năm 1927, nghĩa là cách đây 85 năm, trong mắt tôi là những “bảo châu” kết tinh từ lòng thương mến đất Huế của một người có hai dòng máu Pháp Việt …
Trước khi qua đời tại Nice ở Pháp, giáo sư Henri Cosserat đã viết cho bạn Nguyên Hương Nguyễn Cúc mấy giòng tâm tình sau về những bài thơ trên:
“Những bài thơ này đã xuất hiện dưới bút hiệu Henri de Rouvroy (Hanri Cosserat). Con người thanh niên của tôi thuở đó đã từng nhạy cảm trước vẻ quyến rũ của Huế và giòng sông trứ danh của nó (Les poèmes ont paru sous le nom de Henri de Rouvroy ( Henri Cosserat ) le jeune homme que j’étais, déjà sensible au charme de Huế (sic) et de son cèlèbre Fleuve !”
( Nice, le 9 Juillet 1990 )

Lời tâm tình của Henri Cosserat về Huế diễm lệ trước khi qua đời – cũng chính là lời tâm tình của chúng ta - những người Việt hay nói chính xác hơn, những người đã từng sống ở Huế - đều cảm thấy nhưng nói không ra … Có những cảnh đẹp của quê hương – lúc còn bên nhà - mắt ta thấy quen hàng ngày nên nhàm chán, nhưng bây giờ sống tỵ nạn tha hương, dĩ vãng bắt đầu réo gọi những kỷ niệm xa vắng của thời niên thiếu - giống như những hạt nếp, trái nho được ủ kỹ với thời gian - bỗng dậy men làm tâm hồn chúng ta bồi hồi xao xuyến. Từ đấy tâm tư lắng đọng của chúng ta lại có dịp nổi lên nhiều cái bọt champagne kỷ niệm, ta tiết nuối cái quá khứ vàng son… Do đó, những bài thơ của Henri Cosserat - viết cách đây già nửa thế kỷ - được chúng ta đón nhận như kẻ giữa sa mạc được gặp nguồn nước quí giá.

Nhưng tôi lại tự hỏi tại sao trước đây cảnh trí của cố đô Huế đẹp diễm lệ đã từng làm xao xuyến bao nhiêu thi nhân mặc khách… nhưng lại ít người biết hay dịch ra thơ Việt những bài thơ hay tả về Huế với những nét linh động và trữ tình của Henri Cosserat, để đến nỗi những bài thơ này đã là những tờ giấy cũ vàng nằm yên ngủ trong 85 năm trong kệ sách của ông, nếu bạn Nguyễn Cúc không có dịp liên lạc với thầy cũ Cosserat của mình.
Tôi lại nghĩ thơ văn hay- cũng như người tài – có thể lâm vào trường hợp: bất phùng cảnh, bất phùng thời… nhìn vào thời điểm thơ của Cosserat tả về đất Đế Đô cũ với những nét hiện thật đẹp, sống động và một hồn thơ phong phú đã được sáng tác bằng Pháp ngữ, đăng trong “cái tháp ngà” bác học, thông thái của tập san Đô Thành Hiếu Cổ năm 1927 !

Yếu tố ngôn ngữ và trình độ thưởng ngoạn quả là những hàng rào vây quanh. Ở thời đại nào, thơ dù có phổ biến cũng kém người đọc huống hồ chi thơ của ông bị khép kín sau những hàng rào trên … Các bậc trí thức đọc tập san Đô Thành Hiếu Cổ để tìm lại những tài liệu về di tích cổ của Huế, chắc cũng có vị thấy cái hay trong thơ Henri Cosserat như trong bao nhiêu bài thơ trong văn chương Pháp, nhưng dịch ra thơ Việt cho quần chúng Việt Nam thuởng lãm là một vấn đề về cảm quan cũng như về ngôn ngữ, vào cái thời điểm 1927…

Lối thơ tả hiện thực còn quá xa lạ với cảm quan của độc giả Việt Nam vào thời cuối thập niên 20 thế kỷ trước… Nguời ta phải chờ đến giai đoạn Thơ Mới (1932-1941), với lối tả hiện thực mới xuất hiện với Thế Lữ, Xuân Diệu, Anh Thơ, Đoàn văn Cừ v.v…Những bức tranh trong thơ cũ của Việt Nam chỉ đơn sơ vài nét như các bức tranh xưa của Á Đông, còn những bức tranh trong thơ Henri Cosserat là một mô tả chứa đầy những chi tiết thực tại, có màu sắc linh hoạt.

Bài thơ “ Chơi Huế ” (1919) của Tản Đà là một bài liệt kê sơ lược vài cảnh Huế mà thi sĩ đã thăm, lối tả phơn phớt màu sắc mà chủ ý là gói ghém ít tâm tỉnh:
Giòng sông trắng, lá cây xanh
Gió vờn mặt nước, sóng tình đầy vơi.
Độc giả muốn hiểu rõ tại sao cùng giòng sông Hương mà Tản Đà cho là giòng sông trắng còn Á Nam thì thấy một giải xanh xanh.

Đến bà Tương Phố, trong Bến Cũ (1930), cũng chỉ vẽ ra một bức tranh Huế, mơ màng để có dịp tuôn ra những giọt lệ, tiếc thương quá khứ.
Mơ màng An Cựu bóng đò xưa
Xuôi ngược thuyền ai nước hững hờ
Đỉnh Ngự, sông Hương lời ước cũ
Thông reo, trăng rọi tưởng bao giờ

Cụ Ưng Bình Thúc Gia Thị, “Dạo chơi hồ Tịnh Tâm” (1939) đã ghi cảnh trí một cách điển ước như sau:
Cây cổ thụ cũng mừng thêm một tuổi
Gành Châu đảo tiếng con chim học nói

Cái lối tả cảnh theo điển ước rất thích hợp theo tinh thần Việt Nam, vì người mình không ưa lối nhìn tách bạch rõ rệt của Tây phương mà các cụ cho là trâng tráo, nặng nề tách bạch, hở hang… các cụ thích tìm một sự đối ngẫu… cảnh nào thì phải đi đôi với hiện tượng đó hoặc ý tình gì. Các cụ thời đó thích hạn chế sự miêu tả, và dừng lại không tiến xa hơn để phân tích thế nào là Giòng sông trắng, lá cây xanh.

Thời đại nào thì cảm quan đó. Cảm quan của các thi nhân mặc khách Việt Nam thời trước đây là cái cảm quan Á Đông khi con người đứng trước sự vật. Ở đây chúng tôi không dám đi vào sự phẩm bình mà chỉ nêu lên sự khác biệt lạc lõng của những bài thơ của Henri Cosserat trong thời điểm 1927 với một ngôn từ rõ rệt, tinh tế của Pháp ngữ.

Thơ mới Việt Nam bắt đầu từ đầu thập niên 32 với Thế Lữ vốn chịu ảnh hưởng của thơ Pháp để bắt đầu áp dụng những tĩnh từ hay trạng từ chính xác. Những bài thơ có tiếng của Thế Lữ ra đời từ đầu 1933 đến cuối 1934, tuy rằng có bài làm từ 1928 nghĩa là gần như đồng thời với các bài thơ Pháp của Henri Cosserat.

Với một Xuân Diệu trẻ trung của thời Thơ Mới chỉ sự Tây hóa lên đến mức cao với những câu:
Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm…
……………
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vưởn sắc đỏ rủa màu xanh
……………
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ……

Ngay vào thời điểm mà tập thơ Thơ Thơ của Xuân Diệu ra mắt (1930) những ngôn từ hiện thực có vẻ như dịch trực tiếp từ chữ Tây chưa hẳn được hoan nghênh, huống hồ chi thơ của Henri Cosserat đem dịch thơ Việt với một sự trung thực tối thiểu với nguyên tác.

Do đó, tôi nghĩ rằng thơ của Henri Cosserat đã sanh ra trước thời đại mà cảm quan của quần chúng Việt Nam chưa quen với lối tả hiện thực của Tây phương, và vào cái thời ngôn từ thơ của Việt ngữ chưa đủ táo bạo để sắc sảo thay lớp áo cũ phô diễn những ý thơ mới cho quần chúng thưởng lãm. Chính sự bất phùng thời, bất phùng cảnh đó mà thơ Henri Cosserat làm thơ của ông đã ngủ yên trong “tháp ngà” cũng như ngủ yên bài vị khám thờ cổ kính vậy.

BS Lê Văn Lân


NHỮNG Ý KIẾN NHẬN ĐỊNH  VỀ BÚT GIẢ LÊ VĂN LÂN

1-UYÊN HẠNH

GHI CHÚ VÀ NHẬN ĐỊNH
VỀ CÂY BÚT LÊ VĂN LÂN TRÊN KHOA HOC NET

Trong số bài vở rất phong phú của những tháng cuối năm, tôi đặc biệt chú ý đến những bài viết của Bác sĩ Lê văn Lân .  Có thể vì tôi thích thơ văn nên dễ hợp với bài viết của ông.  Điểm đặc biệt  tuy là một nhà khoa học, ông lại viết nhiều về thơ văn.  Với lời văn vui vẻ, những câu thơ lãng mạn trữ tình ”ướt át” của cái thời mới lớn,  đã làm độc gỉả phải rộn ràng cảm khái và gửi thư thăm hỏi.                       
 Còn vụng dại, thưa vâng, tôi vụng dại
Tôi dại khờ mà vẫn cứ say sưa
Chuyện đời người làm gì có lượng cân đo
Thì tình ái biết đâu mà suy tính
Nên tôi muốn một lòng thành khẩn
Dâng cuộc đời chuyện tình ái đam mê…

Ông đã viết nhiều về xứ Huế, về thành phố của thời gian ông lớn lên tại đó qua những trích dẫn của rất nhiều câu thơ hay, như những vần thơ của Tế Hanh:
Ta gửi tình ta ở khoảng đường
Bước này tưởng nhớ, bước này thương
Ta đưa ngượng nghịu, hàng mi chớp
Ngực đánh dồn thêm, chân vấn vương
Đi mãi không hề biết mỏi xa
Đi suông không dám ngó vô nhà
Đường thường bỗng hoá trung tâm điểm
Lắm cớ xui mình phải bước qua

Và cảm xúc của cái thời còn là học trò xứ Huế, dễ bâng khuâng dễ “nặng lòng” vì những dòng thơ đầy chất dang dở đau buồn của TTKH:

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên,
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt lòng dư lệ
Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên
Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ
- "Cố quên đi nhé, câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ!"

Trong bài viết,  ông đã đưa vào một số kiến thức về y khoa, và lại không quên đưa trái tim của một người chân thành yêu cuộc đời vào đó, dù ông đã một thời trải qua nhiều khó khăn của cuộc sống.  Đó là điều tôi đã học hỏi được ở ông, và cũng là điều muốn chia sẻ cùng các bạn. Với bản tính lạc quan vui vẻ ông hấp thụ được nắng gió khí ấm đất trời của ba miền non nước Việt.

Văn ông Lê văn Lân có cái trữ tình của một người miền Bắc, cái lãng mạn của xứ Huế, và cái vui vẻ nhiệt tình của niềm Nam.

Theo lời kể của ông, ông đã theo bố mẹ vào xứ Huế từ miền Bắc xa xôi.  Hồi đó ông chỉ là đứa bé còn non nớt lắm cần được ẵm bồng hay cần được ngủ vùi như con sâu cuộn tròn trong lòng mẹ bỏ lại sau lưng nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ lại những gì ông chưa biết đến để có thể nói được chữ luyến nhớ ngậm ngùi…  Phương tiện di chuyển thời đó đã làm chuyến đi thật sự dài đăng đẳng, nên cũng đã lắm gian truân trong một chuyến đi dài như thế.
Rồi ông lớn lên như những thanh niên thiếu nữ của xứ Huế, rồi trong cái tuổi biết rung cảm nhớ thương để nhận định được rằng Huế là cái xứ của những gì huy hòang thơ mộng nhưng không kém những khắc nghiệt khổ đau.  Trên 20 tuổi ông đã làm một cuộc viễn hành xa xôi thứ hai trong đời, đi từ Huế vào Sài Gòn để học thuốc.  Theo ông, Huế đã để lại và mãi cho đến bây giờ vẫn thế, một dấu ấn sâu sắc trong lòng :

Có thể đời đã đưa tôi vào những giảng đường
Dạy tôi đo hành tinh bằng đường đi ánh sáng
Ðo tình yêu bằng đơn vị tiền tài ?
Rồi tôi đo hoang vắng của hồn tôi
Bằng những đêm rất rộng!

Sống và lớn lên tại Huế, trong một bối cảnh thơ văn trử tình lãng mạn, làm sao không có những xao xuyến nhẹ nhàng khi phải “dứt áo” rời xa:

Từ giã hoàng hôn trong mắt em,
Tôi đi tìm những phố không đèn.
Gió mùa thu sớm bao dư vị,
Của chút hương thầm kia mới quen.

Thời gian ở Huế đúng thật đã để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu đậm trong lòng ông, ghi dấu trên những bài viết, dòng thơ, bút khảo của ông về cái xứ của tuổi niên thiếu này.  Ông đã nhớ về Huế đến độ gây cho chính tôi, một người sinh ra và lớn lên tại Huế một sự ngạc nhiên về trí nhớ và tình cảm ông dành cho Huế.  Ông viết về Huế với từng ngõ ngách, con đường, hàng cây, bến nước… những nơi ông đã ngày hai buổi đi học ngang qua mấy mươi năm về trước.  Khải Định, Đồng Khánh, những câu lạc bộ, những cơ quan trụ sở phường xóm, trường dạy học, luyện thi vào mùa hè, những trung tâm trình diễn kịch nghệ mà tên tuổi của những người làm văn nghệ đã làm Huế đẹp hơn thơ mộng hơn.

Dĩ vãng dầm mưa lén bước về,
Áo trùng, mây tỏa, mặt sầu che
Run tay ấp nửa bàn chân lạnh,
Thương những con đường mưa cuốn đi

Đã từng lê gót giầy trên ba miền đất nước Việt Nam, ông từng là thường dân rồi làm lính.  Từng là tù nhân trên Đất Mẹ nhưng ông không là tù nhân như một tội đồ đã gây nên tội ác.  Chỉ là khi vật đổi sao dời, khi đất nước Việt Nam đổi thay một thể chế: Tự Do thay bằng Cộng Sản, bác sĩ Lê văn Lân đã phải ngồi tù, ăn cơm mốc trộn sắn khoai hư, nằm đất lạnh.  Từ một người ”áo mão cân đai” thóang chốc trở thành một tù nhân khốn khổ, để ông không còn khả năng bảo bọc người vợ ông thương.  Từ địa vị một phu nhân thoáng chốc bà trở thành người tay trắng, gánh vác việc thăm nuôi chồng trong lao ngục và nuôi nấng giáo dục đàn con thơ dại.

Đời sống cơ cực không làm gãy đổ một tâm tính hiền hòa bình dị và niềm hăng hái với sự sống và cuộc đời.  Sau cuộc định cư ở Mỹ, ông vẫn tiếp tục phấn đấu để nuôi vợ đầy đủ nuôi con nên người ở xứ lạ quê xa.  Thời gian rảnh rỗi ông viết văn làm thơ, biên khảo và viết rất nhiều về những gì trong đời sống của con người.  Tình người, tuổi trẻ, hoa cỏ, cây cối và nét đẹp của thiên nhiên đều được trình bày rất khoa học và hòan mỹ, lẫn với sự dí dỏm vui tính tràn đầy qua nét bút của ông.  Đọc văn ông ta thấy được tình ông với cuộc đời, được ông đem chia sẻ với độc giả khắp nơi.

Ông có một phong cách riêng biệt, đáng kính, cùng nguồn nắng ấm gần như bất diệt trong ông. Cũng vì thế ông đi vào lòng chúng ta không mấy khó.  Tôi viết về ông bằng cảm tình và sự kính mến qua mắt nhìn của một độc giả cũng như của một bút hữu cùng viết bài cho khoahoc.net với ông.  Phần lớn bài vở của ông có thể đọc ở phần lưu trữ của khoahoc.net

Thời gian gần đây qua bài viết của mình, ông đã đưa độc giả trở về lại những xuyến xao nồng nàn của cái thời ”ngày đó khi ta yêu nhau”.  Qua những đọan đường thơ mộng của Huế, ông đã cho ta sống lại phút giây xao xuyến bồi hồi, để cảm nhận được rằng mình đã có lần yêu.  Cho ta trở về lại cái ”không gian một thời” và tạm gửi lòng mình chốc lát trong những kỷ niệm đẹp nồng nàn.  Thế giới tư tưởng luôn luôn là độc quyền của riêng ta, để ta nương vào đó tìm sự bình yên trong thóang chốc mà quên đi cảm giác lạc lòai làm ta ray rứt.

Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?

Có phải rằng tôi chưa được quên
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương.

Hiện giờ ông đã 80 tuổi.  Văn thơ ông vẫn trong lành và ấm nắng mai, đã tạo cho ta nhiều phút giây gây thương gợi nhớ.  Cá tính dí dỏm của ông ẩn đầy trong bài viết, tình của ông với cuộc sống đã gây xúc động cho người đọc.  Dù bận rộn hay mệt mỏi vì tình trạng sức khỏe hiện nay, ông vẫn gửi theo thư trả lời độc giả một nụ cười. Thư trả lời bao giờ cũng nhanh cũng dài và trả lời tất cả những câu hỏi được độc giả đặt ra.  Chắc rằng người nhận thư trả lời của ông sẽ vui nhiều khi đọc thư ông.  Ông được trời ban cho một nụ cười, và ông đã không ngần ngại chia sẻ cho chúng ta qua lá thư mình…


2-VÕ PHIẾN
TRÍCH YẾU VỀ LỜI NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ VĂN VÕ PHIẾN
VỀ LỐI BÚT KHÀO CỦA TÁC GIẢ  LÊ VĂN LÂN

 Trong bài Tựa cho tập BÚT KHÀO VỀ ĂN’ của tác giả LÊ VĂN LÂN,  nhà văn lão thành VÕ PHIẾN đã nhận định rằng Bút Khào là một thứ “Khảo chơi” . Tác giả Lê văn Lân theo lối ‘’khảo chơi’’ nên đã viết một cách ‘’ung dung, khinh khoái’’, ‘’chập chờn khắp nơi’’ và ‘’di chuyển thoăn thoắt’’ từ đề tài này sang đề tài khác. ....‘’
Nhưng ai dám bảo cái khảo chơi không quan trọng bằng cái khảo thiệt ? Những nhà nghiên cứu cặm cụi đo từng cái xương sọ của người ta, hì hục khai quật di chỉ xưa, mằn mò nhặt nhạnh từng lưỡi búa mũi tên v.v...để tìm về nguồn gốc dân tộc, chắc gì khỏi mừng rơn khi có người nhờ lai rai đi nếm mắm mà chợt phát giác ra mối liên hệ gốc gác giữa các dân tộc từ Bắc đến Nam Á Châu ? Chợt nhờ mắm mà thấy ngay sự sai lầm của các Sử Gia từng chủ trương rằng dân Việt có nguồn gốc Hoa ?
 Đi khảo thiệt với cái búa khảo cổ lăm lăm trong tay thì trông khả kính, nhưng kẻ tài hoa đi khảo chơi, chỉ mang theo chiếc lưỡi giấu trong mồm, trông khả ái biết bao. Và gần gũi chúng ta biết bao’’.

( VÕ PHIẾN  - Tưạ cho Bút khảo về ĂN của Lê văn LÂN,  1984)


3- VÕ ÐÌNH

Nhân trong dịp  ra mắt: “Nói về tác phẩm Một Thuở Làm "Trùm" của nhà văn Nguyễn tấn Hưng tại Washington DC,  văn thi họa sĩ quá cố VÕ ĐÌNH  lần đầu gặp bút giả Lê văn Lân đã phát biểu:
Trước hết, tôi xin lợi dụng một phút trong chương trình của ngày hôm nay, để thưa cùng tất cả quí vị sự vui mừng của cá nhân tôi trước khi bước lên đây, là đã được hân hạnh gặp bác sĩ nhà văn Lê văn Lân.  Lần đầu tiên được gặp người viết các bài mà tôi đã được đọc về những chuyện rất tầm thường như ngọn rau thơm, lá diếp cá... Rồi gần đây, chuyện trăng rằm, chuyện Vu Lan.  Những chuyện có thể coi như là tầm thường, nhưng bác sĩ Lê văn Lân đã viết rất hay, rất duyên dáng.  Thưa quí vị, đó là một điều rất đáng mừng cho tất cả chúng ta.  Và chúng tôi, riêng cá nhân chúng tôi lấy làm hân hạnh, vì xưa nay chúng tôi đã có ý định xin địa chỉ của ông, để viết đôi lời ngưỡng mộ.


BS Lê Văn Lân Sinh năm 1931 tại Phố Bát tỉnh Nam định.
Học Trung học ở trường Quốc học Huế và tốt nghiệp Y khoa tiến sĩ Saigon (1960)
-Phục vụ Quân Y ( 1960 – 1975).
-Chuyên môn: Bác sĩ Sản Phụ Khoa & Kế Hoạch Gia Đình tai Bệnh Viện Trưng Vương
Thành viên của Ủy ban Quốc gia Soạn thảo và Dịch thuật Danh từ Chuyên Môn
và Ủy ban Điển chế Văn tự của Phủ Quốc vụ khanh, đặc trách Văn hóa và Giáo dục ( 1971 – 1975).
-Lao tù tập trung ( 1975 – 1979)
-Vượt biển qua Mỹ. Làm việc cho Bộ Y tế Tiểu bang New Jersey ( 1980 – 1998)
-Hồi hưu tại Austin Texas từ 1998 đến nay.
Xuất bản:
Bút khảo về Ăn ( 1986)
Chiếc bảo ấn cuối cùng của Hoàng đế Việt Nam ( 1998) Tái bản lần hai.
Bút khảo về Xuân ( 1999)
Les Principes de Déontologie Médicale d’après l’ouvrage “ Ngư Tiều Vấn đáp “ par Đồ Chiểu (Nguyên tắc Nghĩa Vụ Luận Y khoa theo tác phẩm Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật của cụ Đồ Chiểu) viết chung với Giáo sư Nguyễn đình Cát năm 1962 – xuất bản năm 1998)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét