Nam Trân

Nam Trân

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Nhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc - Hương Thu


Nhà thơ Nam Trân nhận thơ tặng của Giáo sư Trung Quốc  - Hương Thu
Trong kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức vào tháng 8/2017, bài viết “Giáo sư Huang Yiqiu và ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc” của PGS.TS. Nguyễn Đình Phức có một phần đầu ghi lại vài bài thơ của GS Huang Yiqiu tặng cho nhà thơ Nam Trân. Đây là tư liệu quý và hiếm hoi liên quan đến nhà thơ Nam Trân, nay giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 50 năm ngày mất của nhà thơ Nam Trân (1907 - 1967).
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Phức, GS Huang Yiqiu (Hoàng Dật Cầu), sinh năm 1906. Ông ban đầu giảng dạy tại Đại học Quốc dân Quảng Châu, không lâu ông được thăng hàm Giáo sư, kiêm Trưởng khoa, Viện trưởng Viện Văn học. Từ năm 1949 trở đi, ông là Giáo sư Văn học, đồng thời từng giữ chức Phó khoa, Trưởng khoa Khoa Trung văn, Đại học Tế Nam, Trung Quốc. Ngoài công tác giáo dục, ông còn tham gia hoạt động chính trị, từng giữ các chức như Ủy viên Hội Công nông thuộc Đảng Dân chủ tỉnh Quảng Đông; Ủy viên Hiệp chính tỉnh Quảng Đông các khóa 1, 2, 3, 4, 5; thư ký Hiệp hội Văn học nước ngoài toàn Trung Quốc. Ông bén duyên cùng Việt Nam khá sớm nhờ gặp được học giả Trần Văn Giáp tại Đại học Paris vào năm 1932 và theo hướng nghiên cứu văn học Việt Nam.
Ngày 30/7/1964, đoàn đại biểu của Viện Văn học (Việt Nam), do GS. Đặng Thai Mai, Viện trưởng, dẫn đầu sang Trung Quốc thăm và khảo sát tư liệu văn học Việt Nam, đặc biệt là tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Đoàn đại biểu đều là những học giả hàng đầu về văn học trung đại Việt Nam như GS Nguyễn Văn Hoàn, nhà nghiên cứu Phạm Phú Tiết, nhà thơ Nam Trân... GS Hoàng Dật Cầu đã làm chùm thơ gồm 5 bài xướng họa để tặng nhà thơ Nam Trân.
Bài Thứ nhất Nam Trân đồng chí kiến tặng vận bính giản Nguyễn Văn Hoàn đồng chí, kì nhất (Họa bài thơ đồng chí Nam Trân tặng, kiêm đáp đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, bài 1): “Viên lâm nhất giác cách hiêu trầm/ Thặng hữu đài ngân triệt tích tân/ Tiểu phúc tả chân hoàn tế nhậm/ Luận văn do ức ngộ ngôn thân = Viên lâm một góc cách xa chốn bụi trần/ Vẫn còn dấu xe mới in trên đám rêu xanh/ Bức ảnh tả chân vẫn còn có thể nhận rõ từng chi tiết/ Bàn luận văn chương còn nhớ cảnh hội ngộ, lời nói thân thiết” (toàn bộ phần dịch nghĩa trong bài viết này là của tác giả Nguyễn Đình Phức).
Bài thứ ba trong chùm thơ trên ngoài tán thưởng tài năng thơ của Nam Trân, còn tái hiện không khí thân mật, cao nhã của buổi đón tiếp: “Tài điệu tung hoành quýnh xuất trần/ Du du văn sử cựu kiêm tân/ Bắc viên đấu tửu cuồng ca dạ/ Sái lạc hào tình can đản tân = Tài thơ tung hoành vượt xa cõi trần/ Tự do tự tại trong kho văn sử, cả cũ lẫn mới/ Ngâm đến câu thơ thành Thăng Long bạn cũ nhớ nhau/ Nỗi tương tư nơi cuối trời tình thân càng thêm thân”.
Bài Dư ý vị tận, tái thành nhất luật kiêm giản Việt Nam văn học viện Nam Trân đồng chí (Tối thứng thơ chưa hết, lại làm thêm bài thơ luật, kiêm đáp đồng chí Nam Trân thuộc Viện Văn học Việt Nam): “Giao khế Nam Trân hựu Trúc Tôn/ Sính hoài hàn mặc nghị tương đôn/ Đầu lai thạch phá thiên kinh cú/ Tả xuất binh thanh ngọc khiết hồn/ Châu hải nguyệt minh triều hữu tín/ Kiếm hồ xuân noãn tuyết vô ngân/ Hà niên cánh tác Bình Nguyên ẩm/ Chúc tiệp thi thành tửu thượng ôn = Kết giao cùng Nam Trân, lại kết giao cùng Trúc Tôn/ Mở lòng bằng thơ văn, tình hữu nghị càng thêm bền chặt/ Đã ngâm thành câu kinh thiên động địa/ Lại viết ra câu mang tinh thần của ngọc cốt băng tâm/ Trăng sáng xứ Châu Hải cùng nước triều lên xuống theo lệ/ Nắng xuân ấm áp nơi Hồ Gươm nên tuyết rơi không lưu dấu vết/ Đến năm nào lại được cùng uống rượu như Bình Nguyên thuở nào/ Khi ấy bài thơ mừng chiến thắng sẽ làm xong khi rượu vừa rót ra chén còn ấm”.
Bài Phản đối Mỹ đế quốc chủ nghĩa xâm phạm Việt Nam kiêm hoài Nguyễn Văn Hoàn, Nam Trân đồng chí, kì nhất (Phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, đồng thời thể hiện nỗi nhớ Nguyễn Văn Hoàn, Nam Trân): “Gia hội Dương thành lạc vị chung/ Li diên nhất khúc khứ thông thông/ Trường niên điệp kí dao tương ức/ Hỉ thính Nam thiên tấu khải công = Tụ hội nơi thành Dương khi niềm vui chưa dứt/ Sau khúc li bôi khách lại hộc tốc rời xa/ Thư từ tiễn đưa gửi nỗi niềm nhớ nhung khi xa nhau/ Vui nghe được tin trời Nam tấu khúc khải hoàn”.
Bài Đồng thượng, kì nhị (Như trên, bài 2): “Cẩm cú lưu đề bách phúc tiên/ Lâm kì trùng đính tái lai duyên/ Cao lâu tha nhật tương phùng xứ/ Cộng phú Nam phương giải phóng thiên = Câu thơ hay lưu trên bức tranh trăm chữ phúc như còn tươi mới/ Lúc gần chia tay lại nói đến ngày lặp lại/ Ngày ấy nơi lầu cao là chốn tương phùng/ Sẽ cùng nhau xướng họa ca ngợi ngày giải phóng miền Nam”.
Nam Trân (15/2/1907 - 21/12/1967), tên thật là Nguyễn Học Sĩ, quê làng Phú Thứ Thượng, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Ông đã học chữ Hán và tập làm văn theo lối trường ốc từ trước 12 tuổi. Sau đó ông ra Kinh đô Huế học ở trường Quốc học rồi trường Bưởi ở Hà Nội. Sau khi đỗ tú tài, ông quay về làm Tham tá tòa khâm sứ Huế, rồi được bổ làm Tá lý Bộ Lại (tòng tam phẩm) và Thị lang Bộ Lại (chánh tam phẩm), cuối cùng là Án sát tỉnh Bình Định. Trong thời gian này, ông có bài đăng ở tạp chí Nam phong, Văn học và các tuần báo Sông Hương, Phong hóa, Tràng An, Tân tiến... Sau cách mạng tháng Tám, ông tham gia kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, công tác ở Ban chấp hành hội Nhà văn Việt Nam, là một trong những thành viên sáng lập ra Hội này. Năm 1959, ông về Viện Văn học làm việc, chuyên về dịch thuật thơ Đường, thơ Tống, thơ Lý Trần, thơ từ Đào Tấn, thơ Quách Mạt Nhược... với bút danh Tương Như, Nam Trân. Ông cũng là một trong những cán bộ giảng dạy lớp Đại học Hán học đầu tiên ở miền Bắc. Các tác phẩm chính của ông gồm: Huế, Đẹp và Thơ (1939), Ca dao thi đua, Vườn hạnh phúc (thơ), trong đó thi phẩm Huế, Đẹp và Thơ mang đến cho ông danh hiệu “thi sĩ của xứ Huế”.

H.T
http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=2755&so=114



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét