Nam Trân

Nam Trân

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

TẢN MẠN VỀ HUẾ


TẢN MẠN VỀ HUẾ

   Tôi yêu Huế từ khi còn bé dù chưa biết mặt mũi Huế ra sao, chỉ biết Huế qua lời kể của phụ thân. Rằng Huế có sông Hương núi Ngự rất nên thơ, có cung điện, lâu đài, đền tạ và lăng tẩm cổ kính của các vị đế vương nước ta thấm đẫm tinh thần dân tộc và còn nhiều, nhiều nữa… Mãi đến khi lớn lên, ra Huế thi Tú tài II, tôi mới biết mặt Huế. Quả thật Huế rất đẹp, đẹp hơn những lời mô tả của phụ thân, những cô gái Huế xinh xắn, dịu dàng, đoan trang, khả ái, nhất là nữ sinh trường Đồng Khánh, đã khiến cho:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

   Hồi đó tỉnh Quảng Nam của tôi đâu đã có trường thi Tú tài, ngay cả thi Trung học (Diplôme) cũng chưa có – nay đã có trưòng đại học – nên thí sinh phải ra tận Huế để thi, biết bao chàng trai đã vấn vương bóng hình người đẹp và cũng có những cuộc tình đơm hoa kết quả.
    Các cô gái Huế xinh đẹp, dịu hiền đến nỗi nữ sĩ Mộng Tuyết thời trẻ, một người miền Nam, mà cũng muốn làm cô gái Huế:
… Nũng nịu giằng tay, em bảo:“Thôi!”
Cho em soi kính, rẽ đường ngôi
Làm cô gái Huế cho anh ngắm,
Tình tứ nhiều hơn món tóc mai.
(Làm cô gái Huế)
    Thành phố Huế, cố đô của triều Nguyễn, là nơi phong cảnh u nhàn, tịch mịch, đẹp một vẻ đẹp dịu hiền êm ả nên từ xưa đến nay đã có biết bao thơ văn ca ngợi:
Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ,
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ.
Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ
Quai lỏng, nghiêng vành chiếc nón thơ.
(Đông Hồ - Trong đôi mắt Huế)
    Cách đây vài năm, trên một kênh của Đài Truyền Hình Việt Nam có một vở kịch diễn lại trận đại phá quân Thanh của vị anh hùng Nguyễn Huệ vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) và ngay sau đó nhà vua đã gửi một cành đào về Phú Xuân (Huế) tặng người vợ yêu quí của mình là Ngọc Hân công chúa để báo tin mừng thắng trận. Khi đưa lên sân khấu sự kiện này, nhiều người đã xuýt xoa khen ngợi vua Quang Trung không chỉ là một viên tướng chỉ biết đánh giặc mà còn lãng mạn đa tình.
    Ai cũng biết thời vua Quang Trung, cuối thế kỷ thứ XVIII, ở nước ta phương tiện giao thông còn kém, trên bộ chỉ có đi ngựa, dưới nước chỉ có đi thuyền là nhanh nhất. Đưa một cành đào từ Thăng Long về đến Phú Xuân bằng ngựa phải mất hàng tháng trời, đến nơi hoa đã héo rụng hết, may ra chỉ còn cái cành khô! Quả là “đại phịa”, mà người “phịa” ra chuyện ấy là ai? Chính là nhà biên kịch Trúc Đường.
    Năm 1978, ông Hoàng Châu Ký, Viện trưởng Viện Sân khấu Bộ Văn Hóa có tổ chức trại sáng tác kịch bản về đề tài lịch sử ở thành phố Qui Nhơn (Bình Định). Trong một cuộc chuyện trò, nhà biên kịch Trúc Đường kể:
    - Khi mình viết vở “Áo vải cờ đào” nghĩ mãi mới tìm được một “miếng kịch” mang chất trữ tình để làm cho vở diễn đỡ khô khan, mình mới “phịa” ra chuyện Nguyễn Huệ lấy một cành đào ở Thăng Long gửi về Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa. Ít lâu sau, có một nhà sử học thấy chi tiết đó hay đã đưa vào bài viết của mình, coi như đó là chuyện thật (1).
    Sự thực là như thế.
    Ở Huế, hàng trăm năm trước, trong dân gian từng lưu truyền câu ca dao:
Số đâu có số lạ lùng,
Con vua mà lấy hai chồng làm vua.
    Nhiều người cho rằng đó là Ngọc Hân công chúa, trước lấy vua Quang Trung rồi sau
lấy vua Gia Long. Thật ra không phải như vậy. Ngọc Hân mất năm 1799, ba năm trước khi vua Gia Long lên ngôi (1802) thì làm sao mà lấy vua Gia Long được. Người phụ nữ nói trong câu ca dao này chính là công chúa Ngọc Bình, con gái út của vua Lê Hiển Tông, em cùng cha khác mẹ với công chúa Ngọc Hân, vợ vua Cảnh Thịnh (tức là Quang Toản, con vua Quang Trung). Khi Tây Sơn mất ngôi, vua Gia Long thấy nàng trẻ trung, xinh đẹp bèn đem về làm Tả cung tần. Bà có với vua Gia Long bốn người con: hai hoàng tử (Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân, Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự) và hai công chúa (công chúa Ngọc Ngôn, công chúa Ngọc Khuê).
Bà được vua Gia Long phong tặng là Đức Phi, sau hai bà Thừa Thiên và Thuận Thiên. Tẩm của bà tại làng Trúc Lâm, xã Hương Long, thành phố Huế (2).
    Ở đây có một chi tiết thú vị: Hai cha con vua Quang Trung bỗng dưng trở thành anh em cột chèo (ngoài Bắc gọi là anh em đồng hao, trong Nam gọi là anh em bạn rể) bởi vì hai cha con cùng làm rể một nhà:
Cha (Quang Trung) lấy cô chị (Ngọc Hân công chúa)
Con (Quang Toản tức vua Cảnh Thịnh) lấy cô em (Ngọc Bình công chúa)
Cả hai chị em đều là con vua Lê Hiển Tông.
Sau cái chết của vua Tự Đức (1883), triều đình Huế hết sức rối ren. Một nhà nho khuyết danh nào đó đã đưa ra đôi câu đối có thể tóm tắt được tình hình Huế lúc bấy giờ:
Nhất giang, lưỡng quốc, nan phân THUYẾT,
Tứ nguyệt, tam vương, triệu bất TƯỜNG (3).
 

    Nghĩa là:
Một sông, hai nước, khôn phân giải,
Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành.
    Câu trên tận cùng bằng chữ THUYẾT, ám chỉ Tôn Thất Thuyết, câu dưới tận cùng bằng chữ TƯỜNG, ám chỉ Nguyễn văn Tường, hai vị phụ chính đại thần của nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
Sông đây là sông Hương, hai nước là Pháp và Việt Nam. Lợi dụng tình hình lộn xộn trong triều (việc phế lập), tướng Courbet của Pháp mở cuộc tấn công vào cửa bể Thuận An. Quan quân triều đình chống trả anh dũng nhưng lực lượng và vũ khí của ta kém hơn Pháp nên thất bại. Tướng giữ thành là Lê Sĩ và Lê Chuẩn tử trận. Triều đình Huế buộc phải nghị hòa, Thực dân Pháp ép triều đình ký hiệp ước Quí Mùi (1883) với những điều khoản rất bất lợi cho triều Nguyễn.
    Bốn tháng ba vua chỉ việc phế lập của hai quan phụ chính đại thần. Từ đầu hạ tuần tháng sáu đến cuối tháng mười âm lịch năm Quí Mùi (1883), tính tròn là bốn tháng, thời gian không dài nhưng triều Nguyễn phải trải qua ba đời vua: Dục Đức (Ưng Chân), Hiệp Hòa (Hồng Dật) và Kiến Phúc (Ưng Đăng). Rốt cuộc cả ba vua đều bị giết: Dục Đức mới lên ngôi có ba ngày đã bị giam vì tội tự ý sửa đổi di chiếu của vua Tự Đức rồi bị bỏ đói cho đến chết ; Hiệp Hòa vì muốn thỏa hiệp với Pháp nên bị buộc phải uống thuốc độc, còn Kiến Phúc thì chết một cách bí mật. Chính sử nhà Nguyễn chép là vua chết vì bạo bệnh, tuy nhiên nhiều người ngờ rằng ông bị Nguyễn Văn Tường sát hại bằng cách bỏ thuốc độc vào thang thuốc chữa bệnh cho vua, nhưng không có bằng chứng. Biện minh cho hành động giết vua là vì công cuộc chống thực dân Pháp nên phải làm thế, dù sao đó cũng là một nỗi đau lịch sử.
    Trước năm 1945, ở Huế có lưu truyền bài thơ đả kích vua Khải Định rất gay gắt:
Ai về địa phủ hỏi Gia Long:
Khải Định thằng này phải cháu ông?
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,
Trăm gia ba chục khổ nhà nông.
Mới rồi ra Bắc, tai liền đến,
Năm ngoái qua Tây, ỉa vãi cùng.
Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ,
Vua thì còn đó, nước thì không!
    Đây là lần đầu tiên có bài thơ đả kích dữ dội nhà vua ở nước ta. Tác giả là ai, không rõ. Có người cho rằng tác giả là cụ Huỳnh Thúc Kháng hay cụ Ngô Đức Kế, nhưng không lấy gì làm chắc vì trong tác phẩm của hai cụ không thấy bài này.Vua Khải Định là con vua Đồng Khánh, lên ngôi ngay sau khi vua Duy Tân bị Pháp đày vì lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nên không được nhân dân quí trọng. Ông xài tiền một cách phí phạm, vô tội vạ để chu du ra Bắc (1918) và sang Pháp (1922) dự cuộc đấu xảo quốc tế. Tại Pháp, ông bị cụ Phan Châu Trinh đả kích kịch liệt trong “Thư thất điều”, kể ra bảy điều mà cụ Phan trách cứ ông:
                1. Tôn bậy quân quyền
                2. Lạm hành thưởng phạt
                3. Thích chuộng những sự quì lạy.
                4. Xa xỉ quá độ
                5. Ăn bận không phải lối
                6. Chơi bời vô độ
                7. Chuyến này đi Tây có sự ám muội
    Ông tự chế ra trang phục cho mình rất lố lăng, kỳ cục nên cụ Phan gọi là “Ăn bận không phải lối”. Ông lại tự ý tăng thuế điền thổ lên ba chục phần trăm (trăm gia ba chục) để lấy tiền tổ chức lễ tứ tuần đại khánh (sinh nhật lần thứ 40) của mình làm khổ nông dân.
    Chẳng biết có phải vì bài thơ đó không mà sau khi bài thơ ra đời, vua Khải Định lâm bệnh nặng rồi từ trần (1925). Trước khi mất, Khải Định đã vận động Pháp để Thái tử Vĩnh Thụy lên nối ngôi vì trong hoàng tộc lúc ấy xảy ra việc tranh giành ngôi vua rất quyết liệt. Việc này phải trả giá bằng bản qui ước 6-11-1925 nhường tất cả quyền lực còn lại của Nam triều cho Pháp. Thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi ngày 8-1-1926, lúc mới 13 tuổi, tức là vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Vào dịp này, trong dân gian có người nhại lại bài thơ trên để chế giễu Vĩnh Thụy:
Ai về địa phủ hỏi Gia Long:
Vĩnh Thụy thằng này phải cháu ông?
Một mai Khải Định về chín suối,
Để thằng con nít giữ non sông (4).
(Kinh thành mến yêu – NXB Thuận Hóa 1988)
    Từ xa xưa, ở Huế đã có câu ca dao rất hay:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương (4).
    Thuở ấy ở Huế có một anh quan Tây khá sành tiếng Việt. Một nhà giáo ta lấy cớ cần viết một luận văn về ca dao, tục ngữ Việt Nam bằng tiếng Pháp nên đến nhờ ông Tây ấy dịch hộ hai câu trên đây sang tiếng Pháp. Không ngờ anh quan Tây này nói những câu tiếng Việt thông thường thì còn tạm được, nhưng động đến văn chương thì loạn xà ngầu lên. Khi dịch, đến chỗ nào bí thì anh ta lấy từ điển ra tra rồi dịch nguyên xi như trong từ điển cho nên dịch cành trúc thành roi trela đà thành con la và con lạc đà, Thiên Mụ là vợ Trờicanh gà là thịt gà nấu canh (soupe de poulet)  Thọ Xương thành khúc xương nấu kỹ ! Xong xuôi, anh ta ghép lại thành một bài thơ tiếng Pháp và vui vẻ đem tặng cho ông giáo nọ.
    Đọc bài thơ, nhà giáo cười muốn vỡ bụng và đã dịch sát nguyên văn sang tiếng Việt như sau:
Roi tre vun vút vung ra,
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng.
Vợ Trời gióng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà… Tàu.
Đây là chuyện thật hay chỉ là lối dịch đùa cho vui?
    Trước năm 1975, ai ra Huế cũng có thể nghe hai câu này:
Núi Ngự không cây, chim ngủ đất,
Sông Hương vắng khách, đĩ kêu trời.
Đối rất chỉnh: Sông Hương đối với Núi Ngự, trời đối với đất, thế còn “đĩ” đối với “chim”? Xin miễn bình luận.
    Nhà thơ chết trẻ Quỳnh Dao (1918-1947) tuy không có thơ in trong cuốn Thi nhân Việt Nam, nhưng được Hoài Thanh khen hai câu thơ này về Huế trong sách đó:
Một hàng Tôn nữ cười trong nón,
Sông mở lòng ra đón bóng yêu.
(Trong phần viết về Nam Trân)
    Và Hoài Thanh xác quyết rằng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Thật vậy, đọc quyển Huế Đẹp và Thơ của Nam Trân, ta mới thấy Huế hiện lên lung linh qua từng nét bút của thi nhân:
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết,
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo.
…. Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng.
Biết không? Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!
(Đẹp và Thơ)
    Ở Huế, người con gái nào lăng loàn, trắc nết, hư đốn thì bị gọi là con ngựa Thượng Tứ. Tại sao vậy? Ngày xưa, khi triều Nguyễn còn làm chủ đất nước, có đơn vị kỵ binh tinh nhuệ Thượng Tứ của nhà vua đóng ngay bên trong cửa Đông Nam của kinh thành. Những con ngựa của đơn vị này thường là dữ dằn, bất trị, phải do đội khinh kỵ tài năng nuôi dạy, huấn luyện cho ngựa trở nên thuần thục. Những người con gái hung dữ, lăng loàn , lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng thì bị gọi là “ngựa Thượng Tứ” cũng không oan. Người ta hầu như quên mất cái tên cửa Đông Nam dù ba chữ Đông Nam Môn trên vòm cửa vẫn còn đó, mà chỉ gọi là cửa Thượng Tứ.
    Để kết thúc bài này, tôi muốn nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng, bạn thơ mà cũng là bạn đồng hương của tôi. Anh có hai câu thơ về Huế rất dễ thương:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ (chừ)
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
    Ai chẳng biết núi Ngự ở bên bờ sông Hương! Lại “vẫn còn” nữa chứ! Có ai dời núi Ngự đi đâu được mà không còn? Nói một chuyện tất nhiên như thế mà nghe rất có duyên.

(1) Theo Hoài Việt (Tạp chí Hồn Việt số 1, tháng 7-2007).
(2) Tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
(3) Bản chép khác:
                         Nhất giang, nhị quốc, ngôn nan thuyết,
           Tứ nguyệt, tam vương, triệu bất tường.
Nghĩa là:
            Một sông, hai nước, lời khó nói,
            Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành.
(4) Theo “Kinh thành mến yêu” (NXB Thuận Hóa 1988).

Bài này đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 838 ngày 20-11-2013 (tác giả có cắt bớt mấy đoạn “nhạy cảm”).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét