Nam Trân

Nam Trân

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

700 năm Thuận Hóa Phú Xuân Huế một “kho” tư liệu chưa từng có về triều Nguyễn và Huế xưa



700 năm Thuận Hóa Phú Xuân Huế một “kho” tư liệu chưa từng có về triều Nguyễn và Huế xưa

Festival Nghề truyền thống Huế 2009 sắp khai mạc, trên thị trường sách xuất hiện một cuốn sách “đồ sộ” 700 năm Thuận Hóa, Phú Xuân, Huế của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Sách dày 960 tr, khổ lớn 16cm x 24cm, bìa cứng, được minh họa với trên 700 ảnh, sơ đồ, bản đồ, tư liệu gốc màu và đen trắng. Có thể xem đây là một “tập đại thành” của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân.



Từ trước đến nay, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, tập san, tạp chí chuyên đề về lịch sử văn hóa triều Nguyễn và Thuận Hóa Phú Xuân Huế nhưng chưa thấy có công trình nào của một tác giả rộng, lớn, và sâu như cuốn sách nầy.
Tuy tựa đề cuốn sách 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế nhưng nhiều đề tài liên quan đến Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An qua Ngũ Quảng vô đến Bình Định, Phú Yên, Biên Hòa, Gia Định, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Kiên Giang, Côn Đảo, được sắp xếp trong các mục: Địa lý, địa danh, Lịch sử sự kiện, Triều Nguyễn xưa , Văn hóa, giáo dục, Văn học nghệ thuật, Danh nhân. Các vấn đề được giải đáp từ những sự kiện “quốc gia đại sự” đến những việc nhỏ trong các gia đình, địa phương có liên quan đến lịch sử văn hóa triều Nguyễn Huế, không những chuyện xưa năm bảy trăm năm mà có cả những chuyện nay đang diễn ra và sẽ còn tiếp nối dài dài.
Tôi đã đọc 6 tập Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, đọc xong mỗi tập tôi lại mong chờ được đọc các tập tiếp theo. Đến khi đọc cuốn 700 năm THPXH , tôi thỏa mãn vô cùng, ngoài nội dung 6 tập Hỏi đáp đã được biên tập, cập nhật, bổ sung nhiều hình ảnh mới, còn có thêm vô số giải đáp mới hết sức cần thiết cho việc tìm hiểu lịch sử văn hóa Triều Nguyễn, Huế xưa và nay. Các giải đáp rải rác được tập trung trong từng chuyên đề tạo cảm giác như có 6 cuốn sách nhỏ trong một tập sách lớn. Ta có thể xem đây là một cuốn cẩm nang cho những người muốn gia nhập vào ngành Huế học, cẩm nang hiếm có cho các hướng dẫn viên du lịch và cũng là một kho tư liệu, một khối đề tài dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh Đại học làm luận văn tốt nghiệp Đại học và trên Đại học.
Cuốn sách viết theo yêu cầu của độc giả, nên bên cạnh những vấn đề phổ thông có những vấn đề rất gay cấn, phức tạp, chuyên sâu.
Nhìn chung, ngoài một số giải đáp mà nhiều sách báo đã  đề cập, cuốn sách đã làm rõ những vấn đề lâu nay độc giả mới nghe nói lờ mờ, chung chung như: Hệ thống phòng thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, Đàn Âm hồn, Lịch sử ra đời chùa Ba Đồn, lăng mộ Kỳ ngoại hầu Cường Để, Huế - nơi hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch HCM, chuyện “đào mã - vua Tự Đức- không Bài”, cuộc đời và sự nghiệp “phù thủy” thơ Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, khu biệt giam Chín Hầm của Ngô Đình Cẩn; lịch sử các công trình xây dựng thời Pháp thuộc trên đất Huế (Tòa Khâm sứ Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Quốc Học Huế, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền, Khách sạn Morin, ga Huế, nhà máy nước Huế, v.v.);
- Cuốn sách đính chính nhiều sụ kiện lịch sử: Từ chuyện nhỏ trước điện Cần chánh không có hai dãy quan tượng bằng đá như cụ Phạm Khắc Hòe đã viết, đến chuyện lớn năm 1783 Nguyễn Ánh không ra Côn Đảo như lịch sử Côn Đảo đang giới thiệu với khách du lịch, vua Duy Tân bị thực dân Pháp trả về Réunion chứ không phải nhà vua về thăm nhà trước khi theo tướng De Gaulle đi VN cộng tác với Pháp như một số sách báo lâu nay đã đăng;
- Qua 700 năm THPXH nhiều bí ẩn được khám phá: Phủ Dương Xuân, Cung điện Đan Dương ở ấp Bình An, Lịch sử chùa Pháp Vân (chùa Khoai) - nơi xuất phát cuộc biến động năm 1866, Am Long thuyền bên phải Phu Văn Lâu, bức tranh thứ sáu trong Cung An Định là cảnh lăng Đồng Khánh, Nhà thờ Tây Linh làm trên đất Linh Hựu quán (nhà thờ Lão Tử thời Nguyễn).v.v.
- Cuốn sách tiếp tục cụ thể hóa những giá trị làm nên Trung tâm văn hóa lịch sử Huế: Nhã nhạc, các lễ hội, ẩm thực, nhiều nhà văn hóa trí thức tiêu biểu của Huế xưa và nay - Định Viễn Quận Công, họa sĩ Lê Văn Miến, Đạm Phương nữ sử, nhà buôn Viễn Đệ, bà Nguyễn Đình Chi, nhà thơ Nam Trân Nguyễn Học Sĩ, họa sĩ Tôn Thất Sa, họa sĩ Phạm Đăng Trí, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.v.v. Ngoài Nguyễn Phước tộc, lần đầu tiên có một cuốn sách đề cập đến mối quan hệ của nhiều gia đình, họ tộc “bá tánh” với văn hóa lịch sử như các họ Nguyễn Khoa, Thân Trọng, Hoàng Trọng, Trần Thanh....     
Phần đặc biệt của cuốn sách giới thiệu những nhân vật, những sự kiện, những di tích liên quan đến các phong trào đấu tranh yêu nước như Nhà sách Thuận Hóa - cơ quan bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ, Nghĩa địa Phan Bội Châu, Bia Thanh tử Đạo, các nhà sư đã tự thiêu vì Đạo pháp và dân tộc như Thích Thanh Tuệ, Thích Tiêu Diêu, Thích Chơn Thể.v.v
Hoàn thành công trình nầy tác giả đã sử dụng một “kho” tư liệu thành văn Việt, Hán, Pháp, tư liệu điền dã trong nhiều năm, trên nhiều vùng đất nước. Độc đáo nhất là những tư liệu thành văn và tư liệu sống mà tác giả đã sưu tập được sau 5 lần đi Pháp và đi Mỹ. Những tư liệu đầu tay đặc biệt quý hiếm như Bản sao Quyết định của Bộ Thuộc địa Pháp mang số 7312/102, ký ngày 3-12-1945 trả Hoàng tử Vĩnh San về lại Réunion, Thư của Hiệu trưởng trường Quốc Học Chouquet gởi cho Khâm sứ Pháp viết sơ lược nhân thân Nguyễn Sinh Côn đề ngày 7-8-1908 (tư liệu thành văn đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh sau nầy). Bên cạnh những tư liệu quý có rất nhiều ảnh lịch sử quý hiếm như các ảnh chân dung vua Hàm Nghi những năm bị lưu đày ở Alger, ảnh Công chúa Như Lý, ảnh Hậu Bổ, nhà và ảnh của mẹ con bà Jenny Woong (Hoàng Tiểu Lan, vợ người Trung Quốc của CH Bảo Đại) ở Đà Lạt, ảnh hai bà thứ phi Giai Triệu và Chí Lạc của vua Thành Thái.v.v.  
700 năm THPXH  là một cuốn sách quý, nhưng cơ chi có thêm phần phụ bản lịch sử biên niên 700 năm Thuận Hóa Phú Xuân Huế và một bản tra cứu sắp theo vần ABC nữa thì sáng giá vô cùng. Chúc mừng nhà nghiên cứu 73 tuổi Nguyễn Đắc Xuân với cuốn sách bổ ích cho đời nầy và con cháu mai sau.
Bến Ngự, 11-6-2009
Thanh Tùng (Báo Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét