Nam Trân

Nam Trân

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Tế Hanh và câu chuyện tình của Phan Thao



Phan Bảo An
Tế Hanh  và câu chuyện tình của Phan Thao
   
Các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đều thuộc miền Nam Trung bộ, còn gọi là Liên Khu 5. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 và suốt những năm dài kháng chiến chống Pháp, lớp thanh niên trí thức và nhiều văn nghệ sĩ ở đây như vụt lớn lên, họ hừng hực sống bằng một thứ sinh khí mới. Với mấy cơ quan văn hóa, văn nghệ, bên cạnh số lớn tuổi hơn như các anh Nguyễn Đỗ Cung, Khương Hữu Dụng, Dương Bạch Mai, là các anh Trần Đình Tri, Nam Trân, Phan Thao, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh... Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ thật sự là một tập thể gắn kết, họ sống theo lối đời sống mới với rất nhiều lời ca tiếng hát. Trong cuộc sống đó, họ thương nhau và biết lo cho nhau, lắm khi chuyện riêng của một người trở thành mối quan tâm chung của cả tập thể.
         
   Phan Thao quê Quảng Nam, sinh năm 1915, là con cả của cụ Phan Khôi. Anh đi học, làm báo và hoạt động cách mạng từ hồi còn bí mật, là đại biểu Quốc Hội khóa I năm 1946, làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền, ủy viên Thư ký Mặt trận Liên Việt, là lãnh đạo vừa là cây bút chủ chốt tờ báo Chiến Thắng của tỉnh Quảng Nam. Cuối năm 1947 anh được điều động về Khu, được giao làm nhiều việc: phụ trách báo Cứu Quốc Nam Trung bộ, Phó Chủ tịch Liên đoàn văn hóa Kháng chiến Nam Trung bộ, Chủ nhiệm tạp chí Miền Nam, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên Việt, Thư ký Hội hữu nghị Việt Trung.

Bằng vào phẩm cách và những công việc do anh đảm nhiệm, hồi đó Phan Thao đã là người nổi tiếng. Mọi người rất thương quý anh ở tầm tri thức rộng, đức độ và tính tình hiền lành, ít nói, nhu mì. Anh chị em còn đặc biệt quan tâm đến chuyện: đã ngoài 30 tuổi mà anh vẫn sống độc thân, chỉ lo cho công việc, lại rất ít khi giao tiếp với chị em phụ nữ.

            Tế Hanh quê Quảng Ngãi, sinh năm 1921. Từ năm 1948 anh ở trong Ban phụ trách Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến Nam Trung bộ và là ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu 5. Về tuổi tác Tế Hanh thuộc hàng em, về công việc Tế Hanh coi Phan Thao là thủ trưởng, nhưng Tế Hanh lại nổi tiếng theo cách riêng của một nhà thơ: từ năm 1939, mới 18 tuổi, Tế Hanh đã được Giải Tự Lực Văn Đoàn cho 29 bài thơ tình có tên chung là Ngẹn ngào.
                                                  *
Năm 1950, Phan Thao đã 35 tuổi, lại là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ, nhưng anh vẫn sống độc thân. Anh Trần Đình Tri thấy anh chị em trẻ lập gia đình khá nhiều, chắc là sốt ruột, nên nhắc Phan Thao chuyện đó và bóng gió giới thiệu với anh chị Hoàng Thị Bích Hà, người Thừa Thiên, ở bên cơ quan Hội Phụ nữ Việt Nam Liên khu 5, cách Chi hội Văn nghệ chỉ có một cánh đồng. Anh Phan Thao chưa hề biết chị Bích Hà, còn chị Bích Hà thì chỉ mới nghe tiếng anh Phan Thao chứ cũng chưa giáp mặt lần nào, mặc dù hai cơ quan của họ đóng trụ sở trên cùng một địa bàn và vẫn có dịp qua lại với nhau trong các cuộc sinh hoạt chung. Lời nhắc nhở chân tình của anh Trần Đình Tri ngày nào vẫn đọng lại trong tâm trí của Phan Thao, nhưng công việc cứ cuốn anh đi.

Một lần Phan Thao ốm phải nằm điều trị tại bệnh viện An Thường, Tế Hanh đến thăm. Anh em họ ngồi với nhau hồi lâu, với đủ thứ chuyện từ sức khỏe đến công tác, mãi sau Phan Thao mới khẽ khàng theo cái kiểu thật thà của riêng anh:

- Các cậu còn trẻ, hay chơi thể thao, văn nghệ với mấy cơ quan bên cạnh, có biết nhiều anh chị em bên đó không? Tế Hanh cho rằng Phan Thao cũng chỉ quan tâm chung chung vậy thôi nên anh trả lời thiệt tình theo kiểu biết sao nói vậy:

- Dạ, cũng biết bộn bộn, nhưng chỉ có bên Hội Phụ nữ là đông chị em, mà toàn trẻ thôi, nhiều chị xinh lắm.
Tự dưng Tế Hanh thấy Phan Thao mỉm cười, cái cười thật hiền, anh nói:
- Bên Hội Phụ nữ có chị Bích Hà người Huế, Tế Hanh có biết không? Tế Hanh mau mắn:
- Biết chứ anh, chị đó người nhỏ nhắn như thím Lê Thị Xuyến vợ chú Phan Thanh của anh vậy, giọng Huế nghe hiền lắm, lại xinh nữa. ánh cười của Phan Thao như rạng rỡ hơn, anh khẽ nháy mắt với Tế Hanh và chậm rãi nói:

- Hôm rồi, anh Trần Đình Tri nhắc mình chuyện lấy vợ, lại giới thiệu chị Bích Hà. Không phải mình không muốn lấy vợ, ngặt nỗi hồi trẻ bị bệnh tràng nhạc, chạy chữa mãi mới khỏi. Nghe nói thứ bệnh này dễ để lại di chứng cho con cháu lắm, nên mình sợ, không khéo lại làm khổ người ta.
Lúc này Tế Hanh mới rõ ra ý tứ của Phan Thao, nên anh vui vẻ động viên:
- Đã đành anh lo như vậy là chí lý lắm, nhưng bây giờ có nhiều thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm nên cũng chẳng nên lo xa quá anh ạ. ở cơ quan mình có chị Bích Anh cũng rất giỏi giang đó anh. Dù gì thì anh cũng nên tìm hiểu lấy một chị rồi cưới luôn, có vợ chăm sóc, sức khỏe tốt lên, anh lo gì chuyện bệnh tật nữa.

 Tế Hanh là người đầu tiên được nghe Phan Thao bộc bạch tâm trạng của mình, anh mới biết hóa ra với Phan Thao, ngay cả trong tình yêu cũng chỉ vì người chứ không vì mình. Một nhân cách như vậy thì đáng trân trọng quá. Tế Hanh tự nhủ: làm gì được cho Phan Thao để anh ấy sớm có một mái ấm gia đình,
thì anh sẽ làm hết, không ngại ngùng gì.

Những ngày sau đó, lúc nào thuận lợi, Tế Hanh lại ngồi với người này người khác trong cơ quan để tâm sự với họ về mong muốn của mình đối với câu chuyện riêng của Phan Thao. Ai cũng ủng hộ Tế Hanh vì thấy sự thành tâm nơi anh, cũng vì sự kính trọng đối với anh Phan Thao. Tế Hanh còn dành thời gian và kiếm cớ nhiều hơn để sang cơ quan Hội Phụ nữ, anh tìm hiểu được khối chuyện về chị Bích Hà, mà toàn là những chuyện tốt, nhưng quan trọng nhất là chị Bích Hà hiện vẫn một mình, chưa nhận lời ai, dù cho đã có không ít người bắn tiếng hoặc trực tiếp ngỏ ý chuyện trăm năm với chị. Những gì Tế Hanh biết về chị Bích Hà, rồi dần dần Phan Thao cũng được biết cả, tất nhiên là như vậy rồi. Không biết có phải vì thế không mà anh chị em trong cơ quan nhận thấy càng ngày Phan Thao càng hay cười hơn, nụ cười ở anh thật là hiền, tuy vẫn ít nói như trước. Bên cơ quan Hội Phụ nữ biết chuyện, ai cũng ủng hộ và tìm cớ này cớ khác để chị Bích Hà có dịp sang làm việc với Chi hội Văn nghệ, có việc phải gặp trực tiếp anh Phan Thao mới giải quyết được. Sau này chị Bích Hà mới biết những dịp đó đều là do hai bên sắp đặt cả: bên Hội Phụ nữ có chị Nguyễn Thị Kiệm là Thư ký Thường vụ Hội,  bên Chi hội Văn nghệ là anh Tế Hanh, anh Tăng Lộc và những người khác.

            Sau những lần Phan Thao tiếp xúc với chị Bích Hà bên Hội Phụ nữ, tình yêu nơi anh nẩy nở, chỉ tiếc là tính anh rụt rè, lại quá bận bịu công việc mà câu chuyện của họ tiến triển hơi chậm. Chỉ cần có thế thôi thì câu chuyện tình của thủ trưởng cơ quan cũng đủ trở thành niềm vui chung của anh chị em cơ quan Chi hội Văn nghệ, Tế Hanh là người vui hơn cả. Niềm vui lây sang cả Hội Phụ nữ khi mọi người thấy mối quan hệ của anh Phan Thao và chị Bích Hà tiến triển thuận lợi. Cả hai cơ quan ai cũng mong cho mau đến ngày họ nên vợ nên chồng.

             Trong cơ quan Chi hội Văn nghệ cũng có ý kiến như muốn giới thiệu cả chị Bích Anh, người Bình Định cho Phan Thao. Chị Bích Anh là cán bộ của Chi hội Văn nghệ lâu nay, Phan Thao nhận thấy chị là người tốt, công tác cũng tốt, rất có uy tín với đồng nghiệp, nhưng với anh thì chỉ có thế thôi, mặc dù cũng đã có người gợi ý với anh.           

            Với Tế Hanh thì chị Bích Hà hay chị Bích Anh, chị nào anh cũng quý cả, nhưng quan trọng là anh muốn Phan Thao phải khẩn trương quyết định cho dứt khoát, nói theo kiểu thời kinh tế thị trường bây giờ là “đẩy nhanh tiến độ”. Tế Hanh rất biết và hoàn toàn không nghi ngờ gì, thậm chí rất ủng hộ Phan Thao dành tình cảm cho chị Bích Hà, nhưng để ý tứ nhắc nhở Phan Thao thúc đẩy câu chuyện nhanh lên một chút, lại cũng muốn khôi hài một chút để câu chuyện của họ thêm ý vị, anh liền ngồi vào bàn, nhoáy một cái là ra được một bài bích báo, không cần thông qua “tổng biên tập” là anh Đặng Ha, Tế Hanh dán luôn lên tờ báo tường của cơ quan. Vì Tế Hanh là nhà thơ nên bài bích báo cũng là một bài thơ, không còn nhớ bài thơ mang đầu đề gì, chỉ nhớ nó gồm bốn khổ với những câu có tính ám chỉ cao nhưng chất “thơ” thì không nhiều cho lắm:

                                  Thao Thao trôi giữa hai dòng Bích,
  Chọn một dòng hay để nước trôi?
  Thừa Thiên hay là Bình Định đó,
  Chẳng biết rồi đây ghé bến nào?

                                   Đêm nay tôi ngủ ở ngoài sân,
                                   áo ướt cho nên phải ngủ trần.
 Tôi thấy cuộc đời phi lý quá,
 Buồn tình tôi bứt cái lông chân!

 Cuộc đời sao lắm chuyện lôi thôi,
 Chẳng lẽ mình tôi lấy cả đôi?
 Còn trách tôi sao không dứt khoát
 Tôi nói tôi yêu Bích Báo rồi.

 Suốt cả đời tôi tôi chỉ mong,
 Đàn bà quyền lợi hơn đàn ông.
 Tôi đợi cô nào đến hỏi quách,
 Không lo tán tỉnh cũng nên chồng!

Bài báo mới dán lên anh chị em đã xúm lại đọc, ai cũng khen cho cái tài xuất khẩu thành chương của Tế Hanh, phì cười với những câu viết vội đầy vẻ ngô nghê ngộ nghĩnh cố ý, lại cũng lo lo không biết thủ trưởng cơ quan sẽ phản ứng thế nào, vì đọc lên mọi người đều biết là bài báo nói về ai và chuyện gì. Loại bích báo kiểu này xưa nay ở cơ quan chưa có tiền lệ.

Tế Hanh thì làm bộ tỉnh như không, anh cố chờ xem anh Phan Thao đọc bài bích báo thì sẽ xoay trở theo kiểu nào? Rồi Phan Thao cũng đọc bài bích báo, anh tủm tỉm cười khi biết anh em trêu mình. Anh cười hiền, ánh mắt sáng và đầy thân thiện, vỗ vai anh Đặng Ha là người phụ trách tờ báo tường của cơ quan, nói:

              - Rồi cậu cho bóc bài báo đi chớ? Anh Đặng Ha đáp lại cũng bằng một nụ cười đầy thiện ý, nhưng rồi bài báo Của Tế Hanh vẫn hiện diện trên tờ báo tường của cơ quan nhiều ngày nữa, cho đến đợt dán các bài báo mới.

 Còn với nhà thơ Tế Hanh, người từng nhận giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn năm 18 tuổi, mà là thơ tình, thì Phan Thao chỉ bình luận:

- Tế Hanh này, so với hồi năm 1939 thì hình như tài thơ của cậu có khá lên chút đỉnh, hỉ?
Anh em họ nhìn nhau và cùng cười, tiếng cười đầy sảng khoái. Không biết bài bích báo có tác dụng đúng như Tế Hanh mong muốn không, chỉ biết là sau đó không lâu, hai cơ quan bàn soạn chuyện tổ chức đám cưới cho anh chị. Đám cưới của anh chị Phan Thao - Bích Hà được tổ chức vào chiều ngày 7 tháng 7 năm 1951, rất vui, đầm ấm và thân mật. Tiệc cưới có ba món chính đặc trưng cho ba miền: món xôi vò miền Trung của chị Phát là chị ruột của chị Bích Hà, món cuốn Nam bộ của chị Dương Bạch Mai và món bún thang miền Bắc của chị Khương Hữu Dụng.
                                                  *
Hòa bình lập lại trên miền Bắc năm 1954, gia đình Phan Thao và Tế Hanh đều tập kết ra Bắc. ở Hà Nội, Phan Thao làm Thư ký tòa soạn báo Nhân dân, sau đó làm Chủ bút báo Thống nhất, gia đình anh ở phố Hàng Trống. Tế Hanh làm việc ở Hội Nhà văn và gia đình ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Trong công việc họ vẫn có dịp gặp nhau, ghé nhà thăm nhau. Tế Hanh rất thương các cháu gái con của anh chị Phan Thao - Bích Hà.

             Những năm cuối thập niên 50 thế kỷ trước, báo Nhân văn và các tập Giai phẩm được chọn làm các mắt bão tạo nên cơn tố lốc, sự nghiệp của Phan Thao coi như dừng bước với rất nhiều nỗi đau lòng mà anh không thổ lộ được cùng ai. Tế Hanh, mặc dù rất hiểu, rất thương anh Phan Thao, nhưng vì chính nhân tình thế thái mà họ không còn có dịp thăm nhau được nữa. Ngày 5 tháng 8 năm 1960, sau một cơn bạo bệnh, anh Phan Thao qua đời ở tuổi 45. Phan Thao mất sớm, anh không kịp chứng kiến người cán bộ phụ trách tờ báo tường cơ quan năm nào trong kháng chiến chống Pháp - anh Đặng Ha, bí danh Hà Đăng - sau này trở thành ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

            Tế Hanh tiếp tục cống hiến cho đất nước nhiều tập thơ hay, nổi tiếng nhất là các bài thơ về quê hương và các dòng sông, nhà thơ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Rất đáng thương là nhà thơ tài hoa một thời phải sống thực vật cả 10 năm cuối đời và vừa mới tạ thế ngày 16 tháng 7 năm 2009, thọ 89 tuổi.

Người viết bài này có may mắn là đã được biết cả hai anh lúc sinh thời. Bài viết này khởi những dòng đầu vào ngày 5 tháng 8 là lần giỗ thứ 49 của anh Phan Thao, và kết thúc vào dịp 49 ngày nhà thơ Tế Hanh qua đời. Nếu được hương hồn các anh thấu cho thì xin coi là một nén tâm nhang của hàng em út, bằng không thì cũng là ôn chuyện cũ mà thôi..., như một câu thơ nào của một bậc trưởng lão làng văn làng báo hồi đầu những năm ba mươi thế kỷ trước vậy!./.


                                                                     Hà Nội, mùa thu Kỷ Sửu 2009
                                                                                        P. B. A.


Vài nét về Nam Trân Học trò trong Quảng ra thi... Nam Trân: Con người tài hoa Một số nhà văn tuổi Mùi Hà nội, Đẹp và Thơ Đường phố Đà Nẵng mang tên danh nhân: Nhà thơ Nam Trân  Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nam Trân Nam Trân - sự gắn bó giữa không gian Huế và tâm hồn thi nhân Tìm lại Huế, Đẹp và Thơ - Giới thiệu tập thơ Nam Trân Nam Trân với Huế Hành xử và đóng góp của một trí thức yêu nước Diễn văn nhân kỷ niệm 100 năm sinh và 40 năm mất nhà thơ - dịch giả Nam Trân Người Quảng trên đất cố đô Đọc lại 'Huế, Đẹp và Thơ' của Nam Trân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà thơ - dịch giả Nam Trân Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng "Người Xô Viết" với các nhà văn đất Quảng thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954)  Người phát hiện ra Huế đẹp và thơ

Đẹp và Thơ - Cô gái Kim Luông Anh chài tự đắc Bài hát của đại phi công Bài thơ nhất cú hay là nỗi khổ tâm của thi sĩ Bỏ quách lối thơ xưa Cánh cửa Cảnh quê Cầu bạn Chôn hoa Điếu thuốc cháy suông Đời người Eng Gặp khách đong đưa Giận khúc Nam ai Hà Nội, mưa phùn Hái hoa hồng Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn Huế, đêm hè Huế, mưa dầm Huế, ngày hè Khiêu vũ 1935 Khoá xuân Liên tưởng Một câu thơ của ông Tú Mỡ Mùa đông, cánh đồng An Cựu  Nắng thu Núi Ngự, sông Hương Ngại ngùng khi bước chân ra Sầm Sơn trường hận  Sóng bạc tình Sơn còn ướt Tiếng chuông Diệu Đế Trên núi Ngự Trước chùa Thiên Mụ Vườn cau Nam Phổ

Chuyện em Thanh (Nhặt được của rơi, trả người đánh mất) Mùa xuân trong vườn Em yêu mùa hè Sức mồ hôi Bàn tay mẹ Chớm thu Tựu trường

Những bài học về văn hóa và ngôn ngữ từ một lời cảm ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh Nhật kí trong tù tròn bảy mươi năm (1943-2013) 70 năm Ngục trung nhật ký Kỷ niệm 70 năm "Ngục trung nhật ký": Sự trở lại của một kích thước lớn  “Nhật ký trong tù” – 70 năm sáng mãi tinh thần lạc quan của Bác 60 năm Ngày Bác Hồ viết bài cuối của tập thơ Nhật ký trong tù (10/9/1943 - 10/9/2003)  Nam Trân và bản dịch Nhật ký trong tù Sự bất hủ của Nhật ký trong tù Sức lan tỏa của một hồn thơ lớn Trở lại hành trình của nguyên tác  Ngục trung nhật ký  Nhật ký trong tù có 133 hay 134 bài ? Nhà xuất bản Văn học tiếp thu phê bình về việc tái bản Nhật ký trong tù Đọc lại bài thơ Khán “thiên gia thi” hữu cảm (Nhân 70 năm Nhật ký trong tù) Dịch thơ: nói dễ, làm khó! “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 1: Tan một nguyên tác thơ Hồ Chí Minh “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 2: Đạo văn để bình văn “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 3: Không có chữ dạy người biết chữ “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 4: Đạo đồ giả và sáng tạo nhầm Trở lại "số phận" Nhật ký trong tù Ra mắt tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch ở Cộng hòa Czech Vu cáo chính trị – mập mờ học thuật

Phát huy vai trò nhân sĩ trí thức trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động lý luận, phê bình văn học Văn học kháng chiến chống Pháp ở Bình Thuận 60 năm Viện văn học và tạp chí nghiên cứu văn học  Nhà văn Phan Thao lấy vợ Tế Hanh và câu chuyện tình của Phan Thao Dấu ấn văn học kháng chiến Liên khu V

Năm mới nhớ về một thời gian khó  Bao cấp Tranh co dong - chien tranh 1 Tranh cổ động về cuộc chiến tranh Tranh cổ động lao động - sản xuất Tranh cổ động về lãnh tụ Tranh cổ động tổng hợp Đinh Bộ Lĩnh - Cờ lau dựng nước

Ra mắt hai cuốn Sưu tập Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1933-1934 và Tác phẩm đăng báo 1935 Chế Lan Viên Tấm chân tình đằng sau những tiếng cười Nữ sĩ Anh Thơ: Đa tài, đa tình, nhưng cũng đa đoan

Qua đèo Ngang Hai sắc hoa ti gôn Người vợ (Nguyễn Khải)

Một người Hà Nội- Nguyễn Khải Đi tìm cái tôi đã mất (Nguyễn Khải) Dại khôn Nguyễn Khải Hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh về Nguyễn Khải Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp) Tuổi 50 Làm sao cho người Việt tin nhau?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét